Đường sắt Cát Linh - Hà Đông:
Phát hiện nhiều sai phạm của Tổng thầu Trung Quốc
Dân trí
Thứ Sáu, 02/10/2015 - 15:08
Dân trí
Thứ Sáu, 02/10/2015 - 15:08
Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố hàng loạt vi phạm trong hợp đồng lao động, an toàn lao động của Tổng thầu Trung Quốc tại Công trình thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phan Công Thọ - Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH - về nội dung này.
Công trình đường sắt trên cao Cát linh - Hà Đông dính nhiều lùm xùm.
Những sai phạm về lĩnh vực lao động việc làm được phát hiện sau khi thanh tra tại công trình thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là gì, thưa ông?
Qua kiểm tra, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nhiều quy định của pháp luật lao động.
Các vi phạm được phát hiện như: Chưa báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng, hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương.
Trong hợp đồng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động chưa thỏa thuận cụ thể, như: Không thỏa thuận nội dung bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; mục công việc phải làm ghi “người sử dụng lao động căn cứ yêu cầu công việc kinh doanh sản xuất và năng lực thế hiện của người lao động đế sắp xếp công việc và nơi làm việc hợp lý”.
Theo Kết luận thanh tra, Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (gọi tắt là doanh nghiệp) nhận thi Công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Tổng số lao động đang làm việc tại Công trình là 168 người, trong đó có 86 người Trung Quốc, 82 người Việt Nam. Tổng chiều dài thi công là 13,012 km với 12 nhà ga.
Hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật lao động, cụ thể: Quy định người sử dụng lao động có thể hủy hợp đồng lao động trong trường hợp: “Người lao động vi phạm pháp luật hoặc gây rối làm mất trật tự trị an xã hội, nơi công cộng, các hoạt động tập thể...” và “người lao động sinh con ngoài kế hoạch”.
Cũng tại khoản 1 Điều 6 hợp đồng lao động quy định điều khoản thi hành “khi người lao động và người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động thì người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với đơn vị khác, nếu không người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động…”
Về tiền lương, doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Qua kiểm tra 20 hợp đồng lao động, doanh nghiệp đang áp dụng mức lương chính và tiền công là 3.000.000 đồng/tháng (trong khi mức lương tối thiểu vùng quy định tại Hà Nội là 3.100.000 đồng/tháng)…
"Doanh nghiệp chưa xây dựng và gửi hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động về cơ quan quản lý Nhà nước về lao động địa phương; chưa trả tiền lương những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm hoặc nghỉ chưa hết số ngày nghỉ hàng năm theo quy định; chưa tham gia BHXH, BHTN cho 28/82 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia theo quy định" - Kết luận thanh tra.
Được biết công trình đã từng có nhiều vi phạm về an toàn lao động trong thời gian thi công trước đây. Vậy qua việc thanh tra có phát hiện thêm sai phạm gì, thưa ông?
Việc chưa thực hiện đúng các quy định về an toàn lao động cũng không ít. Cụ thể: Doanh nghiệp chưa thống kê đầy đủ số lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chưa báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động 6 tháng, hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương; chưa khai báo với Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định.
Tại công trường, doanh nghiệp đang sử dụng một số máy móc thiết vị chuyên dụng. Tuy nhiên, đoàn thanh tra phát hiện doanh nghiệp chưa kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với 8 máy, thiết bị thuộc danh mục máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều vi phạm được phát hiện, như: Chưa thống kê số lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chưa tổ chức huấn luyện định kỳ về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động làm công việc bình thường theo quy định.
Theo ông Phan Công Thọ, Doanh nghiệp chưa lập phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và tổ chức diễn tập các phương án xử lý khi xảy ra sự cố đối với máy, thiết bị trong hồ sơ kỹ thuật, biện pháp thi công theo quy định; chưa có sơ đồ mạng điện, cầu dao chung và các cầu dao phân đoạn để có thể cắt điện toàn bộ hay từng khu vực công trình khi cần thiết trên công trường…
Trên cơ sở những sai phạm trên, đoàn thanh tra đã đề xuất gì đối với doanh nghiệp, thưa ông?
Để ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động, Thanh tra Bộ đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp khắc phục các thiếu sót.
Cụ thể: Doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động 6 tháng đầu năm và hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định số 03/2014/NĐ-CP, Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH.
Doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động 6 tháng, hàng năm với với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương theo quy định tại Bộ luật Lao động, Nghị định số 45/2013/NĐ- CP
Hợp đồng lao động ký kết với người lao động phải thỏa thuận đầy đủ, cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động theo đúng quy định tại Điều 23 Bộ luật Lao động; hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
Áp dụng mức lương tối thiểu không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động; Nghị định số 103/2014/NĐ-CP; Xây dựng và gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP.
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho 100% người lao động thuộc đối tượng phải tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.
Doanh nghiệp phải thống kê đầy đủ số lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động để thực hiện việc huấn luyện an toàn lao động, cấp chứng chỉ an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH.
Với những máy thiết bị tại công trường, doanh nghiệp phải thực hiện khai báo việc sử dụng 11 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với Sở Lao LĐ-TB&XH TP Hà Nội theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP.
Xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và tổ chức diễn tập các phương án xử lý sự cố đồng thời lập biên bản đánh giá kết quả diễn tập xử lý các tình huống giả định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật Lao động.
Thống kê đầy đủ số lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…
Xin cảm ơn ông!
“Căn cứ vào từng kiến nghị, Doanh nghiệp phải thực hiện các kiến nghị của Thanh tra trong thời gian tối đa 45 ngày, kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra. Hết thời hạn thực hiện kiến nghị, doanh nghiệp phải báo cáo kết quả thực hiện và các tài liệu chứng minh việc thực hiện về Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội” - trích Kết luận thanh tra.
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Bây giờ cái đường sắt này như khúc xương mắc trong họng, nuốt không được, khạc không xong. Làm tiếp thì tiền đâu, mà dù có cấp đủ tiền thì bọn khựa này vẫn sẽ tiếp tục dây dưa kéo dài, chả biết đến bao giờ mới xong, mà đến khi xong thì mới thấy là đắt lòi mắt và lỗ chổng vó vì chẳng mấy người sử dụng. Dừng thì cũng mất toi mấy trăm triệu $ rồi, lại còn mất công phá dỡ. Xem ra cái đường sắt xấu xí và gần như vô dụng này còn tiếp tục nằm chình ình bêu xấu Hà Nội nhiều năm nữa.
Trả lờiXóaĐường trên cao ở nước ngòai muốn chạy tốc độ cao thì chân đế phải vững, chứ không mảnh khảnh thế này thì dù không đổ cũng chỉ được phép chạy tốc độ chậm. Và uốn lượn mềm mại thế này thì chúng tôi không thấy. Và xin hỏi đường sắt ở đây có uốn lượn liên tục không hay chỉ 1 đọan. Tóm lại kỹ thuật Châu Á chỉ có thể tin Nhật, ngay Nam Hàn đã kém hơn hẳn. Tóm lại qua vụ này nhiều kẻ vớ bẫm, chỉ có dân Việt là thua thiệt!
Trả lờiXóaKhông biết sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì mấy người dám đi ? Lúc đó nhìn cái công trình khổng lồ này nằm chình ình giữa Hà Nội như một vật vô dụng thì cả thế giới sẽ nghĩ gì về Hà Nội ?
Trả lờiXóaCông nhận là xấu kinh khủng. Chẳng cần là KTS cũng nhận ra điều đó!
Trả lờiXóaSau 1 năm dừng thi công để chờ tiền thì tất cả các thanh thép chờ ở mặt trên công trình đã han gỉ kha khá, sau này chắc chắn là cứ để nguyên thế mà thi công tiếp đường ray chứ không thay. TQ làm ăn nghiêm chỉnh cho mình mà còn sập, huống hồ là làm cho VN.
Trả lờiXóa