Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Trần Phan: MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ VỀ TỔ CHỨC ĐỢT GÓP Ý VĂN KIỆN ĐH XII


Một số đề nghị về tổ chức đợt góp ý
Trần Phan
VOA
28.09.2015

Tuần rồi, đảng Cộng sản Việt Nam công bố kêu gọi toàn dân đóng góp ý kiến vào các văn kiện sẽ trình bày tại Đại hội XII. Sau đó các báo, đài chính thống công bố 2 bản Dự Thảo:

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI và Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm qua và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 2016 – 2020.


Tôi hiểu rằng ý của đảng muốn dân chúng chỉ góp ý trong phạm vi hai bản dự thảo đó, và trong phạm vi các gợi ý của đảng được trình bày bên dưới các bản Dự thảo công bố.
 
Lịch Sử của Việc Góp Ý

Thật ra dân chúng đã góp ý với đảng rất nhiều lần. Nếu chúng ta xem lại các kiến nghị, thơ ngỏ gởi đảng hay gởi chính quyền được các nhân sĩ được kính trọng về tài năng, trí thức lẫn tư cách ký tên, ta sẽ thấy một quá trình góp ý lâu dài và liên tục. Các góp ý đề cập tới từ những đề tài về chủ nghĩa, chính thể, giá trị cốt lõi của quốc gia… cho tới chính sách, cách tổ chức thực hiện trong từng lãnh vực như giáo dục, tư pháp, công thương… Tất cả các góp ý đó đều không được hồi đáp, không được đưa ra công chúng để thảo luận minh bạch, sòng phẳng. Có thể nói tất cả những người góp ý đều bị đảng đối xử nghiệt ngã, nhẹ tay thì cô lập, vu khống, nặng tay thì bỏ tù và bách hại, truy bức bằng nhiều cách không cao thượng.

Do cách đảng đối xử với các ý kiến đóng góp như vậy nên lần này, đa số dân chúng hoài nghi ý đồ của đảng CSVN. Người viết, trong khi nhận định rằng các hoài nghi là có căn cứ vững chắc dựa trên những gì đã xảy ra trong quá khứ, lại rất mong muốn các hoài nghi đó được dần dần giảm đi để sự hợp tác giữa dân chúng với chính quyền hữu hiệu hơn nhằm đưa đất nước thoát khỏi trì trệ.

Lòng Dân Với Việc Góp Ý

Do đó nếu đảng chứng tỏ sự thành tâm trong đợt mời gọi góp ý lần này, dân chúng sẽ thông cảm với chính quyền hơn. Đợt góp ý sẽ trở thành khởi đầu của một đợt sóng hòa giải hòa hợp mà dân tộc hằng trông chờ mấy chục năm nay, từ sau ngày Nam Bắc phân chia. Đợt góp ý có thể sẽ trở thành những bước đầu tiến tới một “hội nghị Diên Hồng” kiểu mới, giải phóng và kết hợp sức mạnh dân tộc để đưa đất nước thoát bế tắc, tiến tới giàu mạnh và tự chủ.

Dân chúng mong chờ sự thành tâm của chính quyền như thế nào? Người viết nghĩ rằng dân chúng không đòi hỏi nhiều hay xa xôi quá. Đa số chỉ mong ở đảng CSVN những điều rất giản dị:

1) Thực lòng tôn trọng các ý kiến của dân chúng;

2) Thực lòng tôn trọng ý kiến của số đông. Nếu một ý kiến đóng góp được đa số dân chúng đồng lòng thì đảng phải nghe theo.

Lòng thành sẽ được thể hiện qua cách thức tổ chức Đợt góp ý, trong đó các việc chính yếu gồm có:

a) mời gọi và thu thập các ý kiến;

b) phân tích và tổng hợp các ý kiến, và

c) thảo luận minh bạch việc tiếp thu của đảng.

Cảm Nhận về Đợt Góp Ý Này

Theo dự tính, đại hội sẽ diễn ra vào nửa sau quí 1/2015. Bây giờ đã là giữa tháng 9/2015, đảng mới trình dự thảo ra và mời góp ý. Dự kiến dân chúng sẽ có 45 ngày cho việc góp ý. Thời gian còn lại là 3 tháng cho việc phân loại, sắp xếp, tổng hợp các ý kiến, sau đó là việc phân tích, tổng hợp, thảo luận sự tiếp thu các ýkiến, rồi sau cùng là chỉnh sửa văn bản để cho ra văn kiện hoàn chỉnh. Như vậy là có gấp quá không? Thời gian gấp có đủ cho dân suy nghĩ, cân nhắc để góp ý không? Có đủ cho đảng tổ chức thảo luận việc tiếp thu không?

Chỉ nhìn vào thời gian tổ chức ngắn và cập rập như vậy, dân chúng cũng có cảm nhận không tốt về sự thành thật của đảng trong việc tổ chức Đợt góp ý. Hơn nữa, việc đảng kêu gọi toàn dân góp ý mà không có được một bức thư trân trọng gởi đồng bào yêu cầu góp ý cho thấy đảng còn mang nặng tác phong và tinh thần của một triều đình phong kiến ban chiếu kêu gọi thần dân đóng góp ý kiến. Dân chúng không thấy sự trân trọng, từ đó không thấy tinh thần dân chủ, nghĩa là không thấy đảng tự đặt mình dưới sự góp ý, thẩm định, phán xét và quyết định của dân chúng về tính xứng đáng của đảng ở vị trí cầm quyền. Trong cảm nhận đó, e rằng Đợt góp ý lần này càng đẩy xa hơn lòng chán chường của dân đối với đảng

Một Số Đề Nghị về Tổ Chức Đợt Góp Ý

Các đề nghị dưới đây về khía cạnh tổ chức nhằm các mục đích sau:

1) Đợt góp ý được tổ chức một cách chân thành, chu đáo và có hiệu quả;

2) Qua đó, dân chúng cảm nhận lòng thành của đảng và sẵn lòng cộng tác với đảng trong các cải cách, dân chủ hóa đất nước sắp tới.

1) Lập một nhóm chuyên trách (task force) lo việc thu thập, phân loại và tổng hợp các ý kiến.

Chắc chắn rằng nhóm chuyên trách đã được thành lập rồi. Tôi xin đề nghị nhóm chuyên trách nên mời thêm một số người ngoài đảng tham gia để tạo sự tin cậy cho dân chúng. Nếu mời, cần thực sự tôn trọng người được mời, cho họ có thực quyền như một thành viên của nhóm chuyên trách, chứ không nên hoạt động theo nếp tổ đảng họp riêng rồi phổ biến chỉ thị ra cho nhóm chuyên trách thi hành.

Do nhóm này chỉ có trách nhiệm thu thập, phân loại, tổng hợp các ý kiến, nghĩa là các việc thuần túy chuyên môn và khách quan, người ngoài đảng có thể tham gia mà không ngại chen vào việc riêng của đảng. Còn việc đánh giá các ý kiến sẽ do ban lãnh đạo đảng tiến hành sau đó mà không cần có người ngoài đảng.

Một số các việc nhóm này cần làm là:

- Xác định các nguyên tắc và cách thức góp ý.

a) Không giới hạn lãnh vực góp ý;

b) Phân loại các lãnh vực góp ý để tiện việc phân loại và tổng hợp các góp ý;

c) Việc góp ý thực hiện theo nguyên tắc brainstorming, nghĩa là mỗi người nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình mà không phê phán quan điểm của người khác. Cũng không phê phán dự thảo. Chú ý rằng mỗi ý kiến riêng biệt có thể rất trái ngược nhau, nhưng không ai công kích hay phê phán góp ý của người khác. Đây là nguyên tắc làm việc để thu thập tối đa các góp ý, cả về số lượng lẫn về tính đột phá của ý tưởng.

- Lập website mời gọi người quan tâm đăng (post) ý kiến.

Website là một diễn đàn chung cho việc góp ý. Tất cả các ý kiến tuân theo nguyên tắc đã nêu đều được đăng trên website đó. Trong từng thời kì (1 tuần hay 2 tuần một lần) công bố thống kê về ý kiến đóng góp (số người, số ý kiến trong mỗi lãnh vực, trong mỗi địa giới hành chánh…) và có tóm tắt, tổng hợp ngắn gọn.

2) Tổ chức hội thảo tổng kết các góp ý.

Việc tổng kết cần được tiến hành một cách chuyên nghiệp, khách quan, trung thực vàminh bạch.

Do đây là dự thảo của đảng CSVN, đảng sẽ có cách phân tích, nhận định của đảng, và có quyền tiếp nhận hay không tiếp nhận một ý kiến nào đó. Đây là việc riêng của đảng. Tuy nhiên, để chứng tỏ sự thành tâm trong việc lắng nghe góp ý, để tỏ sự kính trọng kiến thức của người dân, để tỏ lòng cám ơn những người đóng góp ý kiến, đảng cần tuyên bố minh bạch điểm nào đảng thấy hay, có ích và đảng tiếp nhận đưa vào dự thảo, điểm nào đảng thấy hay nhưng không phù hợp với đảng nên đảng không tiếp nhận được… Quan điểm của đảng cần được công bố minh bạch và rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Kết luận

Dân chúng trong thời đại thế giới phẳng hiện nay có kiến thức cao, đủ sức phân biệt sự chân thành hay không trung thực. Dân chúng cũng không chấp nhận xã hội thiếu dân chủ.

Đất nước muốn phát triển cần sự đồng lòng và góp sức của đại đa số.

Do đó, nếu đảng thực sự có thành tâm muốn dần dần đưa đất nước vào con đường dân chủ phổ quát của thế giới hiện nay, đảng sẽ được dân chúng ủng hộ. Đợt góp ý lần này, nếu thực sự được tổ chức với thành tâm, dân chúng sẽ thấu hiểu.

Qua bài góp ý này, tác giả xin gởi tới đảng lòng mong mỏi chân thành. Xin gởi đến tất cả các đảng viên, nhất là những đảng viên còn gần gũi với nguồn gốc xuất thân từ dân chúng của mình, với cội nguồn con cháu Lạc Hồng, cho nên còn đau xót nhìn tổ quốc còn nằm dưới chế độ độc tài, tối tăm và chậm tiến, ngày càng lệ thuộc vào và bị lấn chiếm bởi một Trung Quốc đang bành trướng rất hung hăng. Nếu các anh chị, các ông bà thấy bài này có lí, xin các vị hãy tạo ảnh hưởng và áp lực đối với những người đang cầm quyền.

Để dân tộc này bước đầu lấy lại niềm tin và chí khí…

Đây là cơ hội lớn để đảng ghi điểm với dân chúng. Là cơ hội tạo tín hiệu cho sự chuyển hóa lành mạnh, từ một đảng độc tài bị nhân dân oán ghét trong một đất nước độc đảng tối tăm, chậm tiến, bị Trung Quốc lấn chiếm, trở thành một chính đảng trong lòng một đất nước dân chủ, giàu mạnh, tự chủ, văn minh.

7 nhận xét :

  1. Trần Thị Thảolúc 19:15 29 tháng 9, 2015

    Bằng nhận thức của chính bản thân ,tôi hoàn toàn không tin rằng : Đảng ta đã thành tâm lắng nghe góp ý của nhân dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thôi, để ý làm gì. Đi uống café với tôi...

      Xóa
  2. Đảng làm thế nào để người Dân thoải mái góp ý ? Hay cũng như lần góp ý SĐ HP 2013 ? Đảng thử làm một diễn đàn như cái Tễu ' s Blog này thì chắc cũng có nhiều ý kiến đóng góp !

    Trả lờiXóa
  3. Hồi đang họp Hội nghị TƯ 7 khoá XI (tháng 5-2013) tôi gửi thư góp ý này, Đảng liền cho công an đến đe dọa sếp tôi, cũng tức là đe dọa tôi.
    http://phamthang-hue.weebly.com/th7901i-s7921/bi-hc-i-mi-t-nc-i-mi-chnh-mnh-t-cc-s-phu-nho-hc-u-th-kxx

    Trả lờiXóa
  4. Báo cáo chính trị . Có lẽ chỉ có các ĐCS mới có hình thức này . Các nước như Mỹ, Anh , Nhật và ngay cả Vatican , đầu năm DL các vị nguyên thủ đọc một thông điệp gửi đến toàn dân và toàn thế giới . Nội dung thông điệp báo cáo những việc quan trọng đã làm trong năm cũ và công bố những việc chính sẽ làm trong năm mới . Sau đó mới có những bình luận . Không thấy có những góp ý trước cho dự thảo thông điệp này !

    Trả lờiXóa
  5. Bao nhiêu năm qua việc "góp ý" này với đoảng chỉ là "che mắt" thiên hạ thôi , mà họ chỉ thích những ý kiến khen ngợi , nếu có phê thì phê theo kiểu " bên cạnh đó đoảng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như làm việc nhiều quá , không biết chăm lo cho cá nhân mềnh" ! Chứ thẳng thắn thì bị ...chụp cho cái mũ "suy thoái , biến chất" !

    Trả lờiXóa
  6. mời gọi góp ý HP, góp ý dự luật, góp ý văn kiện đại hội đảng, bầu cử v.v... một trò bịp của đảng đã diễn đi diễn lại suốt 60 năm, cho nên đảng chẳng lừa được ai đâu, giỏi lắm thì cũng lừa được những kẻ ngu lâu dốt bền.

    Trả lờiXóa