Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Thiết kế trang phục phim lịch sử: NGHIÊN CỨU THÔI, CHƯA ĐỦ

30 Tháng Chín 2015
.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm trong trang phục truyền thống (Ảnh: TD)

(Cinet)- Chỉ dựa vào nghiên cứu để thiết kế trang phục truyền thống, là chưa đủ. Nhiều nhà làm phim sẽ lựa chọn phục trang phù hợp với nhân vật, thay vì lấy nguyên hình mẫu trong lịch sử.

Ý kiến của NSND, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tại buổi tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng trong đời sống đương đại” do trường Đại học Văn hóa tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội.

Ông chia sẻ “Các bạn xem phim đôi khi thấy phục trang nhang nhác giống Trung Quốc, đây thực sự là điều đáng tiếc. Liệu chúng ta có nên trung thành với lịch sử mà lịch sử ấy đã ảnh hưởng hàng trăm hàng nghìn năm của nền văn hóa khác hay không? Đây là vấn đề rất quan trọng. Có những cái đúng nhưng không đẹp, đúng nhưng lai căng, không thuần Việt”.

Ông cũng đưa ra bài học khi cùng làm bộ phim Điện Biên phủ với đạo diễn người Pháp. “ Người phụ trách phục trang lúc đó đã đưa ra bức ảnh tư liệu đúng với thiếu nữ thời bấy giờ. Đạo diễn nhìn ảnh và nói, nếu áp dụng với diễn viên Thu Hà – nhân vật chính trong phim thì không đẹp. Giữa cái thật và cái đẹp, tôi chọn cái đẹp”.

Theo ông, phục trang phải làm toát lên cốt cách tinh thần cho nhân vật.

Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu, tiến sỹ Nguyễn Việt thẳng thắn nhìn nhận: “Thật vô lý khi bắt người thiết kế làm chuẩn theo trang phục thời Lý Trần. Chúng ta không định làm bộ phim tư liệu khoa học mà chúng ta đang làm một bộ phim lịch sử.

Mục tiêu của các nhà thiết kế trang phục là truyền được một khối lượng tư duy lịch sử, nhận thức lịch sử vào trong công chúng, chứ không phải phô tô lại các trang phục đó.” Ông cho rằng, các nhà thiết kế hãy thoải mái một chút, đừng quá rụt rè, quá quan tâm đến ý kiến các nhà sử học.
.
Đạo diễn Trần Lực và họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức trong trang phục truyền thống (Ảnh: TD)

“Cần phải biết cách ứng xử với trang phục” là ý kiến của họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức khi nói về đội ngũ những người trẻ làm công tác thiết kế. Ông cho rằng, các bạn trẻ lệ thuộc nhiều vào công tác nghiên cứu. Tuy nhiên phải tùy vào tính cách nhân vật để thiết kế phục trang, nhân vật thiện sẽ khác với nhân vật ác. Trang phục phải lột tả được tính cách của nhân vật.

Ông Đức cũng đánh giá, lớp trẻ đang dấn thân, dần tiếp xúc nhiều hơn với đời sống. “Chúng tôi muốn kêu gọi lớp trẻ hãy thực hiện đam mê, hãy yêu lấy văn hóa Việt”.

Là người dày công nghiên cứu về chất liệu vải trong các ngôi mộ từ thời Đông Sơn đến thời Lê, Tiến sỹ Nguyễn Việt cho biết, thông tin về trang phục truyền thống qua các triều đại hiện không còn nhiều. Người họa sỹ bên cạnh tay nghề, am hiểu lịch sử còn cần có ý tưởng và sự bạo dạn ngay từ việc chọn chất liệu cho phục trang.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hà người đã làm nên những bộ trang phục trong “Long thành cầm giả ca” hay “Lều chõng” và “Trò đời” (chuyển thể từ 3 tác phẩm “Làm đĩ”, “Số đỏ”, “Kỹ nghệ lấy tây” của nhà văn Vũ Trọng Phụng) cho biết, kinh phí chị làm những bộ trang phục kể trên không đắt, chỉ từ vài trăm nghìn đến 10 triệu đồng một bộ. 

Trừ những chất vải quá đặc biệt mới đặt dệt riêng còn thường thì chị chọn vải dày một chút, loại vải thường may comple hoặc quần âu để may áo dài cho nam. Quan trọng là kiểu dáng áo, cách xử lý trong quá trình cắt và may.

Khó tìm lễ phục nam

Tại tọa đàm, việc cấp thiết cần phải có lễ phục nam cũng được nhiều người quan tâm. Áo dài nữ được đồng thuận sẽ trở thành lễ phục Việt Nam dành cho nữ, với lễ phục nam, đã tiến hành ba cuộc tuyển chọn nhưng đều thất bại và đang bế tắc.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, việc tiến hành tuyển chọn lễ phục năm 2014 thực hiện bài bản. Bộ VHTTDL đã cho tổ chức hội thảo ở ba miền Bắc Trung Nam nhưng đều chưa đi đến thống nhất chung.

Sau đó, Bộ cũng đã mời khoảng 15 nhà thiết kế , trong đó có những nhà thiết kế hàng đầu của Việt Nam, như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Lan Hương… để làm lễ phục, nhưng đều không đi đến đích.
.
Trang phục truyền thống của nam và nữ được tái hiện trong buổi tọa đàm (Ảnh: TD)

Nguyên nhân được ông đưa ra, là chưa có sự đồng thuận về quan điểm, từ lãnh đạo xuống người dân. “Khi các mẫu thiết kế được đưa ra, mỗi lãnh đạo một ý kiến khác nhau”. Ông cũng hy vọng, thông qua những buổi tọa đàm, sẽ tạo ra những tranh luận để đi đến sự đồng thuận của xã hội trước, rồi mới đi đến kết quả cuối cùng là chọn bộ lễ phục nào.
 
 Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện phát biểu tại tọa đàm

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện cũng đề xuất, các nhà nghiên cứu mỹ thuật trang phục nên tìm hiểu tác phẩm “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” được soạn thảo thế kỷ 17 do bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc soạn, là bộ từ điển song ngữ quý giá đầu tiên ở Việt Nam. Trong đó có mục giới thiệu tất cả những loại vải quý và ghi rõ loại nào mặc cho ai, dùng vào việc gì, các chi tiết cụ thể trên bộ áo.

Ông nhấn mạnh, lễ phục phải biểu hiện sự ý nhị, thẩm mỹ tinh tế của người Việt, phải thể hiện được cốt cách và giá trị tư tưởng, đạo đức con người Việt, dân tộc Việt.

.

1 nhận xét :

  1. Tôi rất kính phục và quý mến Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, với tuổi đời còn trẻ, ông luôn quan tâm nghiên cứu và bảo vệ những tài sản văn hoá lịch sử của Việt Nam. Giá mà những người lãnh đạo các cơ quan văn hóa lịch sử trong nhà nước có được một chút tấm lòng và kiến thức của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện thì có lẽ những di tích tôn giáo lịch sử văn hóa của đất nước đã không lâm vào cảnh bị tàn phá thê thảm như hiện tại.
    Xin Tiến Sỹ Nguyễn Xuân Diện cho biết quyển sách “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” có thể tìm mua ở đâu ạ?
    Cám ơn Tiến sỹ rất nhiều và kính chúc ông và gia đình vạn sự tốt đẹp.

    Trả lờiXóa