Trả lại ngày khai trường cho các em
Lê Thanh Phong
“Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ. Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ. Tim run run trăm tình cảm rụt rè. Tuổi mười lăm gấp sách lại đứng nghe. Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp”.
Đoạn thơ trên trong bài “Tựu trường” của thi sĩ Huy Cận. Đọc lại không thể không xao xuyến về một thời hoa mộng.
Nhưng ngày hội tựu trường với cảm xúc dành riêng cho áo trắng sân trường đã mai một, thay vào đó là ngày hội của người lớn, của quan chức áo mũ cân đai, phát biểu dài dòng, chúc tụng nhau, thậm chí là quà cáp đẩy đưa tranh thủ.
Học sinh đến tập trung từ sớm, hàng lối chỉnh tề ngóng cổ chờ quan chức trên xuống huấn thị. Và, bài học các em học được trong ngày khai trường là đi trễ giờ của người lớn dạy cho, là bài học nói dai, nói dài mà quan chức trình diễn.
Quan chức tự cho mình là nhân vật quan trọng, nên nghĩ rằng cả một trường học đợi mình là chuyện đương nhiên. Ít ai nghĩ rằng, sự đúng giờ là hành vi thể hiện đẳng cấp giáo dục của một con người.
Quan chức tự cho mình có trí tuệ cao siêu, “nhả ngọc phun châu” bất kể ở dưới người khác có nghe, có tiếp thu ý kiến của mình hay không. Họ không biết rằng, các em học sinh đang cần không gian riêng tư của lứa tuổi, của cảm xúc hồn nhiên trong sáng ngày tựu trường, của bảng đen phấn trắng, của tình bạn và tình thầy trò.
Trường này mời quan chức, trường khác bắt chước làm theo, sợ không làm thì mất lòng thượng cấp. Cho nên, ngày khai trường không còn là của học sinh, mà của người lớn ơn nghĩa hay tính toán với nhau. Hoặc ít nhất, cũng là nơi bày biện hình thức vô lối, làm mất thì giờ của xã hội.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói căn bệnh hình thức của nghi lễ khai giảng năm học mới nhiều năm qua. Trong đó có việc nhiều lãnh đạo nói dai, nói dài.
Một số trường học “được lời của Phó Thủ tướng như cởi tấm lòng”, quyết tâm bỏ những thủ tục hình thức ngày khai trường năm nay, trong đó bỏ luôn việc đón tiếp lãnh đạo đến phát biểu ý kiến. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn có công văn hướng dẫn lễ khai giảng chỉ diễn ra trong vòng 1 tiếng, từ 7h30 - 8h30. Nội dung lễ khai giảng chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Ngày mai là ngày khai trường, mong rằng sẽ không còn những hình thức bắt học sinh phải chịu đựng, không còn những lễ nghi rườm rà chiếm mất thời gian và không gian ngày hội của các em.
Mong lắm thay!
.
Bốn mươi năm sau 75 mà vẫn nói tới nói lui, chưa có buổi lễ khai giảng đúng nghĩa. Nhớ khoảng năm 1960, tôi học lớp Nhất trường cơ bản ở miền Nam, Lễ Khai giảng chỉ có thầy Hiệu trưởng, các thầy cô, hàng ghế quan khách chỉ một ít thân hào nhân sĩ địa phương niên cao kỷ trưởng. Gọn nhẹ, nồng ấm, dặn dò, bảo ban là chính, không khẩu hiệu tuyên truyền, không nhân danh ông này bà nọ chi chi, kính thưa kính gửi. Giờ mà còn bàn đến lễ khai giảng thì ôi thôi rồi !!! Người lớn mà nhảy cha vô chỗ con nít để giương oai diễu võ.
Trả lờiXóaLễ Khai giảng của các em học sinh là lễ khai tâm cho các quan lớn nhỏ đấy !
Trả lờiXóaquan lại đến trường để học làm người
Trả lờiXóa