Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Hà Nội: CÒ GIÁO DỤC KIẾM TRĂM TRIỆU MỖI VỤ

Cò' viên chức giáo dục lộng hành: 
Kiếm trăm triệu mỗi vụ
 
06:30 10-09-2015

Hàng chục năm nay, bà Nguyễn Thị Toàn (giáo viên Trường tiểu học Bắc Sơn, H.Sóc Sơn, đã nghỉ hưu) vừa đứng lớp, vừa làm môi giới chạy công, viên chức...

Ở H.Sóc Sơn, bà Toàn được xếp vào đội ngũ những “cò” công chức "uy tín, hiệu quả". Hầu hết những người đã qua “cửa” bà Toàn đều được toại nguyện.


Bà Toàn tự hào: “Đời cô làm phúc cho không biết bao nhiêu người có công ăn việc làm và vào biên chế nhà nước”.

Nhưng, muốn được hưởng cái “phúc” ấy của bà Toàn, người cần việc phải móc hầu bao cả trăm triệu đồng. Bà Toàn khẳng định: “Không chạy chọt thì đừng bao giờ mơ được vào biên chế nhà nước…”.

"Quan chức muốn có tiền phải nhờ các cô... dắt mối"

Tháng 8.2015, khi các quận, huyện trong TP.Hà Nội phát hành hồ sơ thi tuyển công chức, viên chức, chúng tôi cũng có mặt tại H.Sóc Sơn.

Cùng thời điểm này, những giáo viên mầm non vừa bị mất việc liên tiếp nhận được những lời mời chào chạy vào ngành với giá 150 đến 250 triệu đồng.

Một buổi trưa tháng 8, cô giáo Nguyễn Thị H., một trong số 185 giáo viên bị cắt hợp đồng đưa chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Toàn để tìm “mua” một suất viên chức vào trường mầm non Nam Sơn với giá 120 triệu đồng.

Trước đó, cô giáo H. được đồng nghiệp giới thiệu bà Toàn là người chạy thành công rất nhiều trường hợp. “Cửa” bà Toàn chắc chắn, lại có giá thấp nhất trong các đường dây chạy viên chức ở H.Sóc Sơn.

.
Bà Toàn là giáo viên nghỉ hưu, vẫn làm môi giới chạy viên chức

Bà Toàn cùng gia đình sống sung túc trong một cơ ngơi rộng hàng ngàn mét vuông. Bà kể: “Nghề giáo viên lương quá thấp, cô làm nghề môi giới này mới có tiền xây dựng cơ ngơi, nuôi các con ăn học, lo công chức, viên chức cho chúng nó đàng hoàng… Trông vào đồng lương giáo viên thì sống nghèo lắm các cháu ạ!”.

Tại nhà bà Toàn hôm đó có 3 người đến nhờ bà chạy việc. Bà Toàn khẳng định: “Không có công bằng trong thi tuyển công chức, viên chức đâu. Muốn chạy vào nhà nước thì phải có nhiều tiền. Quan chức muốn có tiền cũng phải nhờ các cô dắt mối”.

Không rõ bà Toàn dựa vào đâu mà khẳng định như đinh đóng cột với chị H.: “Đường dây của cô đã nhận là cháu sẽ đỗ, cứ yên tâm nộp hồ sơ. Khi nào họ thu tiền thì cô gọi cháu mang tiền lên đưa cho cô, cô đưa cho người ta là cháu vào được viên chức thôi”.

Tôi hỏi: “Cô chạy qua đường dây của ai trên huyện?”. Bà Toàn đáp: “Các cháu không nên tò mò. Chỉ cần biết, các cháu có nhu cầu, còn người ta thì có khả năng giúp, thế thôi. Cửa làm ăn của người ta, các cháu đi sâu vào làm gì?”.

Tôi nói: “Vì cháu cũng được một đồng nghiệp cảnh báo là năm ngoái có đường dây của ông T. nhận chạy rất nhiều, tỷ lệ đỗ ít. Sau khi xong việc, các cô ấy bị “líp” luôn tiền chạy, đến nay chưa trả hết”.

Bà Toàn nói: “Ông T. thì nói làm gì, ở huyện này ai mà chẳng biết. Ông T. mất uy tín lắm! Trên này ai làm thế nào các cô đều biết hết. Mà thôi, cô hé lộ một chút cho các cháu biết mà yên tâm. Cô sẽ chạy qua đường dây của ông H. trưởng phòng. Từ ông H. đến một cán bộ dưới quyền ông ấy và đến cô thôi. Vậy nên mới có giá rẻ thế”.

Nói xong, bà Toàn mở cặp tài liệu lấy cho chúng tôi xem văn bản do H.Sóc Sơn phát hành, trong đó có nội dung nêu cụ thể các chỉ tiêu viên chức của tất cả các trường mầm non trên địa bàn H.Sóc Sơn.

Cùng có mặt với chúng tôi tại nhà bà Toàn là cô giáo Nguyễn Thị N. (cũng vừa bị H.Sóc Sơn hủy hợp đồng). Ngay sau khi cô N. nói muốn “chạy” vào biên chế trường mầm non Tân Hưng hoặc Tân Minh, bà Toàn lập tức ra ngoài gọi điện cho ai đó rồi quay vào nói:

“Mai cô xuống thẳng nhà “nó” trao đổi kỹ rồi mới trả lời cháu được. Về cơ bản thì các trường đều đã gom đủ chỉ tiêu, muốn thắng thì phải chồng tiền cao hơn giá sàn để gạt đứa khác ra mới được”.

Dừng một lúc, bà Toàn nói tiếp: “Năm ngoái (2014-PV) cô không nhận chạy cho giáo viên mầm non như năm nay. Cô chỉ nhận bốn giáo viên tiểu học thì bị trượt một. Đứa bị trượt lại đúng trường hợp con gái đồng nghiệp cô ở trường Bắc Sơn.

Tất cả là vì một thằng bé ở trường Kim Lũ nó chồng cao hơn nên thắng. Năm nay, cô phải để danh sách chạy đầu tiên cho con bé năm ngoái mà chưa thu của nó đồng nào. Cô hạn chế tối đa trường hợp chồng chéo như vậy để giữ uy tín. Nghề này muốn tồn tại được phải giữ mình lắm các cháu ạ”.

Bà Toàn cho biết, năm 2015 bà đã nhận hồ sơ của vài giáo viên tiểu học và giáo viên THCS. Giá một suất viên chức trường THCS môn sinh học đang được bà Toàn chạy là 140 triệu đồng; trường tiểu học bà đang nhận 120 triệu đồng/một trường hợp.

Riêng ở trường tiểu học năm nay, bà Toàn khẳng định chạy đỗ khoảng 95% vì H.Sóc Sơn được giao khá nhiều chỉ tiêu giáo viên tiểu học.

Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp ông H. và người thuộc cấp trực tiếp giúp, bà Toàn nói: ”Không bao giờ được gặp, đó là nguyên tắc. Ông H. là người có “tóc”, gặp các cháu quá nguy hiểm. Các cháu làm thì chồng tiền, viết giấy biên nhận đàng hoàng, không làm thì thôi chứ cô không thể nào thuyết phục ông H. gặp các cháu được. Người ta nhận tiền thì cũng chỉ nhận qua các cô cho an toàn, đời nào các cháu tiếp xúc được những người như thế”.

Nói xong, bà Toàn nhanh chóng kiểm tra hồ sơ của chị H., cất vào cặp. Bà giục chị H. về chuẩn bị đủ 120 triệu đồng, chờ khi nào người của ông H. gọi, bà sẽ báo để chị đem tiền đến, viết giấy biên nhận đàng hoàng...
Theo Phụ Nữ Online
___________
Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no, tắm mát, rủ nhau chia tiền...
Các loại cò ở Hà Nội, dân biết mà thành ủy và UBND TP chưa biết:
- Cò bênh viện
- Cò công chứng
- Cò giáo dục
- Cò Hồ sơ sức khỏe
- Cò Nhà đất
- Cò Giao thông
.....

8 nhận xét :

  1. Phần "bạt" của bài viết, có nói các loại cò ở Hà Nội. Loại cò ... chắc là cò công an, cò sao và vạch.

    Đỗ Chí Việt

    Trả lờiXóa
  2. lĩnh nam chích quáilúc 10:14 10 tháng 9, 2015

    Con Cháu Các Cụ Cả , Chạy Chỗ, Chạy Chức . Toàn những chữ " C " . Cò cũng chữ " C " . Thời của những chữ " C " . Chữ " C " coi bộ sống lâu hơn dấu Sắc . NB Đỗ Hùng mới đùa với mấy cái dấu Sắc đã bị tước mất thẻ NB, mất chỗ làm. Còn chữ C thì khó bắt lắm vì nó đụng tới Cấp Cao ( lại cũng chữ C ) . Ngài Bt Nghị có xuống tay bắt cò . Thiên hạ chờ xem . Nhà nông muốn bắt cò phải có cò mồi và những cái que dài có trét nhựa cắm rải rác trong cánh đồng . Khi cò đáp xuống cánh đồng vì thấy cò mồi, cánh cò sẽ dính vào những cái que trét nhựa, cò sẽ bị vướng không bay lên được . Thế là người chủ cò mồi cứ ung dung ra lượm . Tội nghiệp thân cò .
    Còn cò kều người ta khó mà bắt được . Mới nói ra cò đã biến mất rồi !

    Trả lờiXóa
  3. Cái này thì có gì lạ đâu các bác. Ở VN ai không biết mới lạ chứ.

    Trả lờiXóa
  4. Một chỗ cô giáo Mầm Non mà tới trên trăm triệu . Lương tháng của cô được bao nhiêu ? Làm bao năm mới thu hồi vốn ? Ngoài lương, ngoài nghề cô giáo , cô giáo còn làm được nghề gì nữa không ? Hay thêm nghề giữ trẻ tại nhà ? Hay là cô giáo mầm non để làm kiểng cho các đại gia ?

    Trả lờiXóa
  5. GDVN: Tiên hoc chạy, hậu học gian.

    Trả lờiXóa
  6. Không phải chúng không biết đâu bởi chính chúng cũng ăn qua cò mà!

    Trả lờiXóa
  7. Toàn lưu manh làm cán bộ!

    Trả lờiXóa
  8. Chính những bọn cò , tham nhũng , ...này nó làm xụp đổ chế độ này nhanh hơn bất kỳ nhà dân chủ phản biện nào ! Hì, hì..."công to" đấy! Thế nên ông Tổng rất sợ bị vỡ "bình" .

    Trả lờiXóa