Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

ĐỨNG NGOÀI ĐƯỜNG CẦM BẢNG XIN VIỆC: NHỤC NHÃ?

“… các bạn không có gì phải cảm thấy nhục nhã khi các bạn không phạm pháp, không trộm cắp, không làm gì ảnh hưởng đến người khác. Các bạn có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, điều gì không gây thiệt hại cho quyền lợi, danh dự của người khác để xin việc làm, để kiếm sống. Khi các bạn có khả năng bỏ qua cái sĩ diện hão, các bạn đã bắt đầu bước những bước đi thành công”.
FB Võ Xuân Sơn
18-08-2015


 
Một bạn trẻ cầm tấm bìa, trên đó ghi hoàn cảnh của mình, với mong muốn kiếm được việc làm.

Rất nhiều ý kiến chê bạn này. Một bác sĩ phân tích, rằng cậu ấy là đàn ông mà không có một kế hoạch cho cuộc sống, cho cuộc đời mình, ngay cả việc tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tránh thai cũng không biết. Đã vậy lại không ổn định, làm việc 2 tháng rồi nghỉ việc vì… ôn thi, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ.


Tôi đồng ý với vị bác sĩ này. Trong thực tế làm việc, chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều với những người như thế này. Không có kế hoạch, không biết sắp xếp cuộc đời mình, coi công việc và công ty như trò chơi, vui thì làm, không vui thì nghỉ. Thậm chí chỉ vì một chuyến du lịch, hay một câu nói của một nhân viên nào đó là sẵn sàng sổ toẹt vào việc công ty đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức huấn luyện mình, sổ toẹt vào mọi cam kết, gây khó khăn và xáo trộn cho công ty.

Thế nhưng, khi đọc được một bài báo, cho rằng việc cầm tấm bảng xin việc ấy là nhục nhã đối với một cử nhân, thì tôi hơi bị sốc. Coi việc cầm tấm bảng xin việc như vậy đối với một cử nhân là “nhục nhã” thì hơi quá đáng.

Cần phải tách biệt câu chuyện của chàng trai này ra thành 2 giai đoạn. Giai đoạn trước, cậu ta còn đi học, ăn bám cha mẹ, nhưng lại dính vào vợ con, lại không sắp xếp gì cho cuộc sống của mình, đi làm thì cũng không coi trọng việc làm… nói tóm lại, đấy là giai đoạn ích kỉ, ỉ lại vào cha mẹ (hay người khác).

Nhưng kể từ khi cậu ấy ra đường và cầm tấm bảng xin việc như chúng ta thấy, tôi nghĩ rằng cậu ấy đã là một con người khác. Bắt đầu hiểu về trách nhiệm của mình, bắt đầu thấm thía rằng việc làm không phải thứ dễ dãi mà có thể phung phí. Việc cậu ấy sẵn sàng hi sinh sĩ diện để xin việc minh chứng cho những điều tôi nói. Như vậy thì có nên trách khi cậu ta ra đường cầm tấm bảng xin việc không?

Có người bảo, thay vì kể khổ, thì chàng trai ấy hãy ghi ra những thế mạnh của mình. Đó là một góp ý rất hay. Rõ ràng là anh chàng này chưa có kĩ năng xin việc, hoặc anh ta còn chưa đủ tự tin vào bản thân, chưa nghĩ ra được mình mạnh về cái gì.

Hãy mở cho chàng trai ấy một cánh cửa. Cuộc đời cậu ấy vừa mới bước sang một trang mới, cậu ấy vừa mới ý thức được vai trò, vị trí của mình trong cuộc đời này, hãy đừng vì bất cứ lí do gì mà vùi dập cậu ấy, mà bắt cậu ấy mãi mãi phải là con người ích kỉ, ỉ lại, không biết lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

Ngoài ra, tôi muốn nói với các bạn trẻ khác, rằng các bạn không có gì phải cảm thấy nhục nhã khi các bạn không phạm pháp, không trộm cắp, không làm gì ảnh hưởng đến người khác. Các bạn có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, điều gì không gây thiệt hại cho quyền lợi, danh dự của người khác để xin việc làm, để kiếm sống. Khi các bạn có khả năng bỏ qua cái sĩ diện hão, các bạn đã bắt đầu bước những bước đi thành công.


____________


Nhục hay không nhục?

FB Nguyễn Đình Bổn
19-08-2015
 
Hình ảnh người đàn ông trẻ, đã tốt nghiệp đại học, đeo cái biển tự viết muốn tìm một công việc mua sữa cho con vì anh ta bị thất nghiệp, bị một tờ báo đưa lên với lời phỉ báng nặng nề rằng làm như vậy quá nhục!

Về chuyện của anh ta làm, tôi thấy nó bình thường, dù có chút hơi hướng copy hình ảnh của nhiều người đeo biển xin việc làm tại các nước khác. Ở đây chỉ nói chữ “nhục” mà tờ báo gán cho anh ta thật hồ đồ và ngu xuẩn, bởi vì sao phải nhục?

Anh ta không phạm pháp như ăn cướp, ăn trộm, không tham nhũng, không lừa dối, không nói dối về hoàn cảnh của mình… như cách mà rất nhiều người xoen xoét trên báo kia, vậy anh ta nhục chỗ nào? Nói riêng thì cái kẻ cần biết nhục là kẻ đã đẩy anh ta vào con đường đó, còn nói chung thì cái sự ô nhục trên đất nước này đã lớn lắm, và ai là người chịu trách nhiệm?

Tôi vừa đọc thông tin trên báo về chuyện Petrolimex trần tình việc lãi cả ngàn tỉ đồng, mồm miệng như bôi mỡ vì nói dối không nhíu mày. Vì sao lãi to? Có tài giỏi gì đâu, đơn giản là độc quyền. Mua rẻ, bán đắt thì lãi, thế thôi. Có ai bán xăng dầu ngoài họ?

Độc tài, dung dưỡng cho độc quyền, bóc lột đến xương tủy nhân dân, đẩy đất nước đến suy kiệt… không chỉ là nỗi nhục lớn, nó còn là tội ác, và đó chính là kẻ góp phần vào việc người cha trẻ kia phải đeo cái biển xin việc để kiếm tiền mua sữa cho con!


5 nhận xét :

  1. Đây là một cách tiếp cận (những người cần thuê ) một cách văn minh, sạch sẽ, không làm phiền ai, rất hợp luật pháp. Việc này rất phổ biến ở các nước phát triển trong khi người xin việc không có điều kiện xin việc trên các phương tiện quảng cáo. Bài báo thể hiện một cách rất vô cảm, vô đạo đức, vô văn hóa. Nó xúc phạm nhân quyền. Nó thể hiện khía cạnh tác giả là người có tiền, vô cảm, độc ác. Tác giả cần một lời xin lỗi anh ta. Ngày mai đây đứa con của anh ta lớn lên nó sẽ sống trong một xã hội hơn bây giờ. Không giúp cho người khác lại xỉ vă con người lương thiện, thế có phải quá độc ác.

    Trả lờiXóa
  2. Anh ta không tham nhũng. Anh ta không việc gì phải nhục. cố lên, bạn ơi!

    Trả lờiXóa
  3. Hình ảnh này nói lên cái nhục của chế độ XHCN và con người mới Việt Nam XHCN.
    Nói lên nguồn nhân lực chất lượng cao đang bị phí phụ.

    Trả lờiXóa
  4. Lĩnh Nam chích quáilúc 00:02 20 tháng 8, 2015

    Sau 30/4/75 , Bs, Gs miền Nam lớp đi cày ruộng, lớp đi đạp xích lô, lớp ngồi vỉa hè bán thuốc rê, vấn thuốc lá thiếu gì . Ấy là chưa kể lớp đi tù !

    Trả lờiXóa
  5. Xin việc sao lại nhục nhã ? Có chăng ăn cắp ăn trộm tham nhũng mới nhục nhã chứ !
    Bạn tốt nghiệp mà chưa có việc làm ấy là gặp lúc khó khăn, kinh tế suy thoái, doanh nghiệp hạn chế sản xuất hay giải thể ấy mà ? Chờ !

    Trả lờiXóa