Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Trần Đình Sử: ĐỊA VỊ LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN DU TRONG VĂN HỌC VN

Kỉ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du: 1765 – 2015
Địa vị lịch sử của Nguyễn Du 
trong văn học Việt Nam

 
Trần Đình Sử
Trong văn học của nhiều nước trên thế giới có những nhà văn mà sự xuất hiện của họ đánh dấu một trình độ mới của văn học dân tộc. Đó là Đan tê của Ý, Púskin của Nga. Mác và Ănghen gọi Đan tê là nhà thơ trung đại cuối cùng và là nhà thơ đầu tiên của thời cận đại. Biêlinxki đã từng gọi Puskin là nhà thơ nghệ sĩ đầu tiên của nước Nga, người đã đem lại cho nước Nga thơ ca như là một nghệ thuật, chứ không phải chỉ là diễn đạt hay những tư tưởng cao cả. Trong lịch sử văn học Việt Nam Nguyễn Du (1765 – 1820) cũng là một nhà thơ có địa vị như thế. Nguyễn Du là người đẫ kết tinh mọi truyền thống ưu tú nhất của văn học bác học và văn học dân gian Việt Nam, người kết hợp vốn văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc để sáng tạo ra kiệt tác có tầm cỡ thế giới là Truyện Kiều. Với Truyện Kiều, ông đã đưa thể loại truyện Nôm vốn nôm na thịnh hành từ thế kỉ XVII lên một trình độ cổ điển, tiếp cận với thể loại tiểu thuyết tâm lí hiện đại[1]. Ông đã đưa tiếng Việt văn học lên trình độ cổ điển tuyệt vời, trở thành mẫu mực của ngôn ngữ nghệ thuật dân tộc. Đến lượt mình Truyện Kiều lại dấy lên những hoạt động văn học, văn hoá phong phú khác như vịnh Kiểu, bình Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, trò Kiều… Truyện Kiều trở thành tác phẩm độc tôn trong đời sống văn học dân tộc. Trên thế giới cũng hiếm có một tác phẩm nào có ảnh hưởng tới văn hoá dân tộc sâu rộng đến như thế! Thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng là một đỉnh cao trong thơ chữ Hán Việt Nam, với nghệ thuật của một cây đại bút như có nhà nghiên cứu Trung Hoa đã gọi như thế. Nguyễn Du đã thể hiện một tinh thần nhân đạo sâu sắc nhất và một tinh thần phê phán không khoan nhượng đối với các thế lực đen tối của xã hội phong kiến. Nguyễn Du là nhà văn được cả dân tộc suy tôn, yêu chuộng và tự hào. Năm 1965 ông đã vinh dự được Hội đồng Hoà bình thế giới đề xuất kỉ niệm cùng với tám danh nhân văn hóa thế giới, trong đó có Horace (La Mã), Đante (Italia), Lomonosov (Nga), Yeats (Ailen)…Nguyễn Du là nhà văn Việt Nam đầu tiên đi vào lịch sử văn hoá nhân loại. Cho đến nay Truyện Kiều của ông đã được phiên dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới, thể hiện lòng ngưỡng mộ của nhân loại đối với nhà thơ Việt Nam.

Nguyễn Du quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân , Hà Tĩnh, nhưng sinh ở Thăng Long năm Ất Dậu (1765). Có ý kiến nói ông sinh năm 1766, nhưng tài liệu chưa đáng tin cậy. Tuy xuất thân từ một gia đình đại quý tộc nhiều đời làm quan lớn trong triều đình Lê Trịnh, nhưng Nguyễn Du lại là người chứng kiến sự sụp đổ, li tán của gia đình và sự cáo chung của triều đình phong kiến mà gia đình ông mang nặng công ơn. Năm 10 tuổi ông mồ côi cha, năm 12 tuổi mồ côi mẹ, sống nhờ người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, nhưng chẳng bao lâu do bất hoà trong triều, ông Khản bị bắt giam, khi được phục chức thì lại bị kiêu binh đuổi đánh, phải trốn chạy về quê Nghi Xuân. Đến khi Tây Sơn lên làm vua và ra Thăng Long kết thúc số phận của triều đình Lê Trịnh thì Nguyễn Du phải chạy về sống nhờ nhà người anh vợ họ Đoàn ở Thái Bình. Ông đã sống tại Thái Bình suốt 10 năm gió bụi, nếm đủ cuộc sống đói rét, bệnh tật mà không thuốc thang cho đến khi người vợ Thái Bình mất thì trở về Hà Tĩnh. Tại quê nhà Nguyễn Du lấy cuộc sống đi săn, câu cá làm vui, tự xưng là “Hồng sơn liệp hộ” và “Nam hải điếu đồ”. Có lần ông định trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh nhưng bị quân Tây Sơn bắt giam ba tháng. Sau đó khi nhà Nguyễn lên ngôi thì ông ra làm quan cho vua Gia Long, được tin dùng và thăng chức nhiều lần nhưng ông không mấy thiết tha với hoạn lộ.

Như thế, cơn phong ba lịch sử dữ dội đã làm bật gốc quí tộc của Nguyễn Du, cho ông có dịp sống cuộc đời cơ cực lầm than của người dân thời loạn và làm cho tư tưởng của nhà thơ đổi thay căn bản. Từ một người mang nặng tư tưởng chính thống, ôm mộng khôi phục nhà Lê, Nguyễn Du đã phải chấp nhận sự đổi thay của thực tế lịch sử. Từ một người mang tư tưởng lập công danh Nguyễn Du cảm nhận được công danh chỉ là phù vân, không mấy mặn mà với bước đường quan chức. Từ một nhà quí tộc, Nguyễn Du trở thành một nhà nhân đạo chủ nghĩa, đồng tình sâu sắc với mọi kiếp người bất hạnh trên thế gian, nhà văn có cảm hứng hiện thực chủ nghĩa, cảm thấy đựơc sự bất công tàn bạo của xã hội phong kiến và lên án, tố cáo tội ác của nó.

Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du đã thể hiện tư tưởng rất sâu sắc và tài năng nghệ thuật tuyệt vời của ông. Truyện Kiều theo nghiên cứu mới nhất của các nhà văn bản học ngày nay, có khả năng được sáng tác vào những ngày ông sống ở quê vợ Thái Bình ( 1786 – 1796), được sửa chữa, hoàn thiện dần dần cho đến trước khi Gia Long lên ngôi (1802) thì hoàn thành, sau đó được sao chép, khắc in, lưu truyền ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và tạo thành các dị bản khác nhau. Mặc dù nguyên bản Truyện Kiều của Nguyễn Du đến nay không còn, nhưng theo nghiên cứu của các nhà văn bản học thì trên 90% văn bản của Nguyễn Du vẫn còn bảo lưu, phần sai khác còn lại có thể dần dần khôi phục, như thế giá trị văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du đến nay căn bản vẫn còn khá nguyên vẹn và ta hoàn toàn có cơ sở để đánh giá đúng sáng tạo của thi hào[2].

Ngay khi mới ra đời, các nhà nho đương thời với Nguyễn Du đã đánh gía Truyện Kiều là thiên tuyệt bút “có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt đến nghìn đời”[3]. Truyện Kiều trước hết là tiếng khóc lớn cho số phận con người. Ông không chỉ khóc cho những kẻ tài hoa bạc mệnh mà khóc cho những khát vọng hạnh phúc lứa đôi, ước mơ tự do công lí, cho phẩm chất trong trắng bị chà đạp tàn bạo dưới thế lực đen tối. Nhà thơ Tố Hữu đã hiểu rất đúng cảm hứng nghệ thuật của Nguyễn Du khi ông viết: “Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều”[4]. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh khái quát:” Truyện Kiều là một tiếng kêu thương”[5]. Đó là tiếng kêu đau đớn vì thương yêu, trân trọng con người, đặc biệt là thương yêu những người phụ nữ. Nguyễn Du đã hai lần kêu lên: “Đau đớn thay phận đàn bà!”. Một lần trong Truyện Kiều, một lần trong Văn tế thập loại chúng sinh. Vấn đề phụ nữ đã được nói đến trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, nhưng Nguyễn Du đã kế thừa và nói sâu hơn, phổ quát hơn. Nguyễn Du không chỉ nói về người tài, nói về người phụ nữ, mà nói về con người nói chung: “Trời kia đã bắt làm người có thân, Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”Cả Truyện Kiều nhà thơ chủ yếu nói về nỗi đau của con người có thân. Những câu thơ như: Chút thân quằn quại vũng lầy, Đành thân cát dập sóng dồi, Thân lươn bao quản lấm đầu, Rằng tôi bèo bọt chút thân, Thân sao thân đến thế này…vừa như nói về những trải nghiệm của bản thân ông trong bao nhiêu năm gió bụi, vừa như kết tinh những nỗi đau thân phận của bao nhiêu kiếp người! Trong Truyện Kiều có tiếng hồi vọng của người cung nữ: “Nghĩ thân phù thế mà đau, Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê,”vừa có tiếng dội vang của biết bao tiếng kêu than thân trong ca dao Việt Nam thời ấy. Điều ấy giai thích vì sao tác phẩm của Nguyễn Du đã có được sức lay động, cộng hưởng rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhân vật Thuý Kiều tuy là xuất thân gia đình tiểu phong kiến, song nỗi đau của cô là nỗi đau của con người nói chung: bị vu oan, bị ngược đãi, bị mua đi bán lại, bị đánh đập, bị làm nhục.. Đó là nỗi đau của con người bị tước mất quyền sống, quyền được công lí bảo vệ. Nguyễn Du đã từng mơ ước có một triều đình kiểu Từ Hải, có thể “Oán thì trả oán, ân thì trả ân”, nhưng ông không tin là điều có thể có thật trong xã hội phong kiến, và Từ Hải phải chết. Từ Hải chỉ xuất hiện để khẳng định một khát vọng tha thiết của nhà thơ. TrongVăn chiêu hồn Nguyễn Du đã nói đến nỗi bất hạnh “thập loại chúng sinh”, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn, từ kẻ làm quan,làm tướng, kẻ giàu sang cho đến người làm nghề nguy hiểm, nghề buôn bán, đặc biệt là người phụ nữ làm nghề ca kĩ, thể hiện một tình thương bao la hết mọi kiếp người, mong cho họ được siêu sinh tịnh độ. Truyện Kiều kết tinh những yếu tố sâu sắc nhất trong tư tưởng truyền thống như lòng hiếu sinh của nho gia, đạo từ bi hỉ xả của phật giáo, quan niệm về có thân là có khổ của đạo gia…Nguyễn Du đã quy mọi nguyên nhân của nỗi đau của con người vào định mệnh thần bí mà ông Trời là đại diện. Khoa học không tin vào bất cứ thuyết định mệnh siêu nhiên nào, nhưng không vì thế mà phủ nhận luôn khái niệm số mệnh, vận mệnh. Số mệnh là sự khái quát về trạng thái nhân sinh và kết cục của đời người. Chúng ta không ai né tránh được vấn đề vận mệnh. Về mặt siêu hình định mệnh là một cái số đã định trước một cách phi lí và không thể nắm bắt được. Nhưng số mệnh cũng được hiểu như là tính quy luật của đời sống cá thể mà con người qui cho một ý nghĩa nào đấy, do con người lựa chọn và không thể đảo ngựơc. Cái gọi là số mệnh thực chất chỉ là một tổng hoà của mọi nguyên nhân khách quan và chủ quan, tính chung và tính riêng của mỗi người làm nên trạng thái nhân sinh (giàu nghèo, sang hèn, sướng khổ…) và kết cục cuộc đời, nhưng con người không bao giờ biết trứơc hết đựơc. tuy nhiên bằng ngôn ngữ hình tựơng nhà văn có thể phơi bày tổng hòa của các nguyên nhân đó. Truyện Kiều đã cho thấy ngoài nguyên nhân chủ quan của Kiều, trạng thái xã hội chính là nguyên nhân bất hạnh của đời Kiều: thế lực đồng tiền, quan lại tham lam, tàn nhẫn…Thời nào cũng vậy, đó lai hai thế lực khuynh loát nhân sinh. Những câu thơ lên án thống thiết đối với ông Trời, ông Xanh, thực chất là lên án các thế lực đen tối đã đẩy nàng vào hố lửa. Về phương diện này có thể nói Nguyễn Du có con mắt hiện thực[6].

Tuy nhiên cái làm nên sức thuyết phục và sức sống của Truyện Kiều lại là sức mạnh của một thiên tài. Có lần nhà phê bình Hoài Thanh đặt câu hỏi: Cái gì là chính trong giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều? Và ông tự trả lời: “Cái chính là ở chỗ Nguyễn Du đã tái tạo lại cuộc sống đương thời và sáng tạo ra một thế giới có thật. Trong đó có những người rất sống, rất thật và do rất sống mà không ai giống ai.”[7] Hoài Thanh đã nắm bắt đúng thực chất của vấn đề. Nhưng làm thế nào để tạo được những con người sống động như thế thì đó là điều bí ẩn của nghệ thuật mà chúng ta chỉ có thể nói đôi điều đại khái và không bao giờ nói hết. Từ thế kỉ XVII ta đã có nhiều truyện Nôm bình dân, kể laijcacs chuyện dân gian. Từ thế kỉ XVIII văn học Việt Nam đã có truyện Nôm lấy đề tài tiểu thuyết như Song Tinh, Truyện Hoa tiên và một số truyện Nôm khác, song chưa có truyện Nôm nào xây dựng được những nhân vật sống và thật như nhân vật trong Truyện Kiều, những nhân vật có thể khiến cho người đọc vui sướng hay đau đớn, khóc than, tiếc nuối cùng nhân vật như Truyện Kiều. Điều này liên quan đến nghệ thuật dùng từ, chọn chi tiết, tạo không khí, nhưng quan trọng hơn hết là năng lực nắm bắt đặc trưng, hồn vía của từng con người trong từng tình huống cụ thể, năng lực phát hiện những biến thái tâm lí tinh vi của nhân vật. Có thể nói Nguyễn Du lần đầu tiên trong văn học Việt Nam đã sáng tạo được một tác phẩm mang tính cách nghệ thuật. Nói cách khác, Nguyễn Du đặt mục tiêu tái tạo ra sự sống, chứ không hề giản đơn là kể chuyện hay mượn câu chuyện để nêu lên những điều giáo huấn.

Có người nói Truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ là diễn nôm một tác phẩm có sẵn của người Trung Quốc, cho nên phần sáng tạo không nhiều. Đúng là Truyện Kiều có vay mượn cốt truyện của cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của nhà văn Trung Quốc Thanh Tâm Tài nhân viết vào khoảng cuối Minh đầu Thanh, và Nguyễn Du phần nhiều theo sát cốt truyện đó. Chuyện vay mượn cốt truyện nước ngoài trong sáng tạo nghệ thuật là chuyện thường tình trong lịch sử văn học nhân loại, nhất là vào thời trung đại, vấn đề là sáng tạo lại như thế nào. Trước đây không ít người tiến hành so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện chỉ trên cấp độ sự kiện, cốt truyện và rút ra kết luận đáng buồn là Nguyễn Du ít sáng tạo. Nhưng đó là ngộ nhận về nghệ thuật. Trong nghệ thuật cốt truyện tuy quan trọng, song cách kể còn quan trọng hơn. Lí luận văn học hiện đại xác nhận, cùng một cốt truyện mà cách kể khác nhau sẽ cho ta những tác phẩm khác hẳn nhau về tư tưởng và nghệ thuật. Truyện Kiềucủa Nguyễn Du là một trường hợp tiêu biểu cho lí luận đó. Thực vậy, khi sử dụng cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã hình dung lại con người, từ chân dung đến tính cách, sáng tạo lại hoàn toàn về cách kể và lời kể. Nguyễn Du đã bỏ hình thức tiểu thuyết chương hồi của nguyên tác băng văn xuôi để tạo lại một truyện thơ bằng văn vần, một điều các tác giả trước Nguyễn Du đã làm. Điều mới lạ của Nguyễn Du là ông đã hình dung con người như một dòng cảm xúc, một dòng tâm trạng và thay đổi mô hình tự sự của tác phẩm, thay đổi điểm nhìn trần thuật đối với nhân vật theo một phương hướng tiến bộ hơn nhà văn Trung Quốc. Mô hình này chỉ xuất hiện khi nào nhà văn nhìn ra được cá tính và sự sống nội tại của nhân vật. Nếu nhà văn Trung Quốc miêu tả nhân vật theo điểm nhìn bên ngoài thì Nguyễn Du đã kể chuyện theo điểm nhìn bên trong. Nhà văn như đứng từ điểm nhìn của nhân vật để kể chuyện, miêu tả cảnh vật, khắc hoạ tâm lí, làm cho toàn bộ đời sống bên trong của nhân vât được phơi bày trọn vẹn, khiến cho người đọc không phải chỉ nhìn nhân vật từ bên ngoài mà như được sống cùng nhân vật. Hệ quả của mô hình này là Nguyễn Du đã tái hiện được con người bên trong của nhân vật, mỗi lời thơ của truyện như thốt ra từ tâm can nhân vật, các yếu tố cảnh vật và tâm trạng được tăng cường, và kết quả Truyện Kiều là một tác phẩm mới hẳn. Nói cho dễ hiểu, là Nguyễn Du đã thay đổi cách đặt máy camêra, thay đổi góc nhìn, cho ta một cái nhìn mới, phát hiện mới về nhân vật. Thưc chất của nghệ thuật văn học là ở phương diện ngôn từ. Ngôn từ vừa là sản phẩm sáng tạo của mỗi nhà văn vừa là phương thức tồn tại của văn học. Không có ngôn từ là không có gì hết. Vì thế ngôn từ đóng vai trò cực kì quan trọng. Cùng với cách kể chuyện mới Nguyễn Du đổi mới toàn bộ ngôn ngữ kể chuyện, sử dụng rộng rãi các hình thức độc thoại nội tâm, lời nửa trực tiếp…Đồng thời Nguyễn Du đã sử dụng tiếng Việt một cách tài tình, tạo ra những dòng thơ vừa đẹp, vừa chính xác, vừa gợi cảm, vừa giàu chất thơ khó ai sánh kịp trong thơ tiếng Việt. Về mặt thể thơ, Nguyễn Du đã sáng tạo ra hình thức văn học của thơ lục bát, nâng hình thức lục bát dân dã trong ca dao, dân ca thiên về kể lể lên hình thức văn học cổ điển với luật bằng trắc chỉnh tề, nhiều hình thức tiểu đối phong phú đa dạng, có khả năng biểu đạt cô đọng, hàm súc, nhiều dư vị. Tóm lại, Truyện Kiều là tác phẩm tập đại thành của văn học Việt Nam, kết tinh những tư tưởng sâu sắc nhất về con người, về cuộc đời, tổng hợp những tinh hoa đẹp đẽ nhất của nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật thơ ca, nghệ thuật kịch, là sự kết hợp tài tình nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật thơ ca cổ điển của Trung Hoa và nghệ thuật Việt Nam, làm thành một đỉnh cao chói lọi trong văn học dân tộc. Thành tựu ấy chỉ có bậc đại thi hào mới thực hiện được mà những bí mật của nó sẽ còn là đề tài nghiên cứu không bao giờ vơi cạn[8].

Thành tựu của Truyện Kiều là vô song, nhưng không phải là tất cả. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng là một thành tựu đột xuất. Thơ chữ Hán Nguyễn Du nổi tiếg từ lâu, song phải đến năm 1965, nhân dịp kỉ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du thì toàn bộ thơ chữ Hán Nguyễn Du mới được sưu tầm và phiên dịch, giới thiệu tại Hà Nội. Nhà thơ Việt Nam làm thơ chữ Hán từ thời Lí Trần, có nhiều thành tựu rực rỡ, có thể loại độc đáo ( như ngâm khúc của Đặng Trần Côn), ngôn từ trau chuốt, mĩ lệ, nhưng thơ chữ Hán của Nguyễn Du ở vào giai đoạn chín muồi. điêu luyện. Có nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận định thơ chữ Hán của ông thuộc loại thơ của bậc đại bút. Thành tựu đột xuất của thơ chữ Hán Nguyễn Du là tập Bắc hành tạp lục viết trong khi đi sứ Trung Quốc. Hình như ở tập thơ viết về những người, những việc của nước Trung Hoa này nhà thơ của chúng ta được tự do thể hiện tình cảm, tư tưởng hơn, nên trước mắt ta xuất hiện một Nguyễn Du táo bạo, mạnh mẽ, bộc trực, khác hẳn Nguyễn Du trong hai tập Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm làm ở trong nước. Nếu trong hai tập thơ trước Nguyễn Du thiên về biểu hiện tình cảm sầu hận, than tiếc thân thế, tài hoa phí hoài của riêng mình thì ở tập thơ này nhà thơ thiên về quan sát, suy ngẫm về thế sự, lịch sử. Mỗi khi đi qua một di tích, danh lam thắng cảnh hay di chỉ của nhân vật lịch sử Trung Hoa, những điều mắt thấy tai nghe đểu trở thành đề tài của những bài thơ tự sự, trữ tình nổi tiếng của Nguyễn Du. Khi qua hạt Thái Bình thuộc tỉnh QuảngTây ngày nay ông có bài Người hát rong ở Thái Bình kể chuyện một người cụ già mù vịn cháu dắt đi hát rong ở thuyền bên cạnh. Cụ hát sùi bọt mép suốt một trống canh mà chỉ nhận được có sáu đồng xu, đã thế lại còn vừa lui chân vừ nói lời cám ơn rối rít, tình cảnh thật đáng thuơng. Kể xong câu chuyện, nhà thơ nghĩ: “Nghe nói Trung Hoa no ấm cả, Trung Hoa có kẻ khổ bao nhiêu! Kìa chẳng thấy lệ cung đốn cho đoàn đi sứ , Thuyền gạo đầy khoang, thuyền thịt ứ. Người đi ăn chán, thừa vứt đi, Cơm nguội lòng sông chìm trắng đổ!” Trong bài Những điều trông thấy kể chuyện một người mẹ gặp năm đói phải tha hương cầu thực, dắt ba đứa con nhỏ ngồi bên đường, đứa nhỏ nhất còn ẵm trong lòng. Quá trưa vẫn chưa có ăn, người mẹ khóc, con nhỏ ngây thơ vẫn nghịch đùa, đâu biết lòng mẹ xót. Nhà thơ đã nhìn ra kết cục bi thảm không tránh khỏi của họ và suy nghĩ: “Kiệt sức đi làm thuê, Bốn miệng nuôi không đủ. Dọc đường phố xin ăn, Kéo dài sao được mãi, Ngòi rãnh sắp bỏ thây, Nuôi sói cầy béo bở!” Bên cạnh đó, ông nhớ lại cảnh sống xa xỉ của quan lại: “Đêm qua trạm Tây Hà, Cung đốn bao thừa mứa,Vây cá với gân hươu, Dê lợn mâm đầy ứ. Kẻ dưới chỉ nếm qua, Quan trên không chọc đũa. Của ngon vứt ê hề.” Thật là một sự tương phản giàu nghèo hết sức gay gắt trong xã hội. Cuối cùng nhà thơ băn khoăn và ước mong “Ai vẽ giùm bức tranh, Dâng thánh hoàng xem thử”. Cả bài thơ thể hiện một mối quan tâm sâu sắc thiết tha đối với số phận của những người dân nghèo khổ mà ông nhìn thấy trên đường. Và điều đó đâu chỉ nói về người đói khổ ở Trung Quốc, lẽ nào trong đó không có sự xót thương thường trực đối với người dân trong nước, không có sự hồi tưởng tới cảnh đói khát, ốm đau không thuốc thang của chính Nguyễn Du và vợ con của ông trong mười năm gió bụi và cả những năm đầu ông làm quan cho nhà Nguyễn?

Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du có những bài thể hiện lóng xót thương vô hạn đối với những người phụ nữ tài sắc chịu số phận oan trái trong cuộc biến động của lịch sử. Bài thơ Bài ca người gẩy đàn ở Long thành kể về số phận đáng thương của một người gẩy đàn tài hoa xinh đẹp trong cung ngày trước, sau cơn đổi thay triều đại, nay trở thành người đàn bà tiều tuỵ: “Tiệc hoa đủ những mặt hoa, Phía sau có một bóng già hoa râm, Võ vàng khô héo sắc thần, Đôi mày liễu úa, sắc thân mai gầy, Tài danh thời đó ai hay, Tiếng ca nghe đúng khúc này năm xưa. Lệ tôi tầm tã tuôn mưa, Nhớ ra người cũ bên hồ bấy lâu.” Cả bài thơ thấm đẫm một giọng ngậm ngùi, ai oán. Trong cảm xúc về số phận những người tài sắc chắc chắn có sự xót thương cho số phận của chính nhà thơ. Trong bài Đọc tập Tiểu Thanh kí Nguyễn Du vừa xót thương cho số phận của cô Tiểu Thanh tài sắc mà bạc mệnh vừa liên tưởng tới số phận của mình: “Ba trăm năm lẻ sau này nhỉ, Thiên hạ ai người khóc Tố Như?” Bài thơ này tuy viết về một người Trung Hoa nhưng có ý kiến nói được làm khi ở trong nước, cho nên không có trong tập Bắc hành tạp lục. Dù sao cảm hứng về người tài hoa bạc mệnh luôn đeo bám Nguyễn Du suốt đời, một tình cảm xót thương giành cho những gía trị hiếm hoi của nhân loại, một lời nhắn gửi đối với hậu thế hãy xót thương, trân trọng người tài.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du còn có một loạt bài nói về các nhà thơ Trung Hoa mà ông coi như người bạn, người thầy. Đó là Khuất Nguyên, Đỗ Phủ. Nguyễn Du là người có tu dưỡng uyên thâm về Hán học, đã từng học tập không biết bao nhiêu bậc thầy Trung Hoa cổ đại mà ông chưa một lần được viếng thăm. Chuyến đi sứ thật là một diễm phúc để ông có dịp chiêm bái những bậc thầy văn chương mà bạc mệnh. Nguyễn Du có dịp xem bơi trãi trên sông Mịch La để tuởng nhớ Khuất Nguyên. Ông hoàn toàn đồng cảm với tấm lòng cô trung của Khuất Nguyên và căm phẫn với lũ Thượng Quan đương thời. Ông nhìn thấy trong hiện thực đen tối đương thời không có chỗ dung thân cho những người tài hoa trong sáng. Vì thế trong bài thơPhản chiêu hồn Nguyễn Du chống lại bài Chiêu hồn tương truyền của T\ống Ngọc làm để gọi hồn Khuất Nguyên trở về, bởi dẫu có về cũng không có chỗ dung thân. Nguyễn Du đã vẽ lên một bức tranh hiện thực ghê rợn:”Thành quách thế, nhân dân khác hẳn, Bụi bay, trông nhơ bẩn áo người. Vênh vang xe cộ, lâu đài, Đứng ngồi bàn tán sánh vai Cao, Quì. Họ ngoài mặt không thò nanh vuốt, Cấu xé người nhai nuốt ngọt ngon. Hồ Nam kia mấy trăm chòm, Gầy còm xơ xác, không còn thịt da.” Và Nguyễn Du khuyên Khuất Nguyên chớ trở về, bởi “Đời sau ai ai cũng đều là Thượng Quan, Mặt đất đâu đâu cũn là sông Mịch La. Cá rồng không ăn thịt thì hùm sói cũng không tha!” Nguyên Du đã bày tỏ một lập trường không khoan nhượng đối với thực tại đen tối.

Trong bài thơ Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương mở đầu Nguyễn Du viết :”Nghìn thuở văn chương đúng bậc thầy, Trọn đời khâm phục dám đơn sai.”, nhưng ông thông cảm nhất là số phận của nhà thơ:”Chẳng sống chung thời, rơi lệ nhớ, Há nghèo đến thế bởi thơ hay?” Một tình cảm mến yêu, thông cảm rất mực chân thành giữa những người lỗi lạc. Thơ chữ Hán Nguyễn Du thể hiện một nghệ thuật điêu luyện và một tầm tư tưởng sâu sắc, một tư thế văn chương cứng cõi đáng làm bậc thầy cho hậu thế về thái độ đối với hiện thực.

Sáng tác của Nguyễn Du là một phần qúy báu nhất và đặc sắc nhất trong di sản văn học của dân tộc Việt Nam, là phần đã trở thành tài sản văn hoá thế giới, một trong những phần không thể thiếu làm nên sự phong phú cho mỗi người Việt Nam hiện đại. Ngày trước, khi ảnh hưởng của văn hoá Pháp đang đè nặng lên tinh thần dân tộc Việt Nam, ông Phạm Quỳnh, chủ bút bao Nam Phong đã có câu nói bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Xét về một ý nghĩa nhất định, câu nói đó đã nói lên tác động to lớn của một áng danh văn đối với tinh thần và văn hoá dân tộc. Tác phẩm của Nguyễn Du đem lại cho ta niềm tin vào tài năng và giá trị của văn hoá dân tộc, làm cho ta thêm mến yêu và tự hào với các truyền thống ưu tú của Việt Nam, cổ vũ chúng ta sáng tạo thêm những giá trị mới xứng tầm với dân tộc.

Để phát huy xứng đáng giá trị của di sản nghệ thuật của đại thi hào Nguyễn Du chúng ta có nhiều việc cần phải làm. Một là trên cơ sở những thành tựu đã có về văn bản học cố gắng xác định được một văn bản gần với nguyên tác nhất. Hai là tiếp tục nghiên cứu mọi mặt về tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Du để làm sáng tỏ thêm các truyền thống nghệ thuật ưu tú của dân tộc. Thơ chữ Hán Nguyễn Du tuy rất hay, nhưng để cho mọi người có thể thưởng thức được các giá trị của nó cần thiết phải có những bản dịch nghĩa và dịch thơ vừa tín vừa đạt. Thời gian qua đã xuất hiện thêm nhiều bản dịch mới, cần thẩm định những công trình ấy để chọn lấy những bản dịch xứng đáng nhất, có giá trị nhất cho đông đảo người đọc thưởng thức.

Chưa bao giờ số người yêu mến và tự nguyện nghiên cứu Nguyễn Du nhiều như ngày nay. Đó là dấu hiệu của một thời kì văn hoá đang bắt đầu thịnh vượng. Nên chăng đã đến lúc thành lập một Hội Nguyễn Du học hay Kiều học, đoàn kết mọi nhà nghiên cứu có tâm huyết, có năng lực, phấn đấu đưa sự nghiệp nghiên cứu di sản văn học của Nguyễn Du tiến lên một bước mới. Là danh nhân văn học hàng đầu của dân tộc, thiết nghĩ về phía nhà nước nên suy nghĩ thành lập giải thưởng văn học quốc gia mang tên Nguyễn Du để trao cho những tác phẩm có giá trị nhất về văn học tiếng Việt.

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2005, bổ sung, 7- 2015.
T.Đ.S.
___________

[1] Quan điểm của Phan Ngọc, xem Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, nxb. KHXH, Hà Nội, 1985.

[2] Xem Nguyễn Tài Cẩn. Tư liệu Truyện Kiều. Từ bản Duy Minh thị đến bản Kiều Oánh Mậu, nxb Văn học và Trung tâm quốc học, 2004. Cùng tác giả. Tư liệu Truyện Kiều – Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh, nxb Giáo dục, 2008.

[3] Mộng Liên Đường chủ nhân.

[4] Tố Hữu. Bài ca xuân 1961, trong tập Gió lộng.

[5] Hoài Thanh. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập 4, nxb Văn sử địa, Hà Nội, 1959.Sách viết của nhiều tác giả.

[6] Quan điểm của các nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc, Lê Đình Kỵ, Đỗ Đức Dục.

[7] Hoài Thanh. Nguyễn Du, một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn. Trong tập Kỉ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du, nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 19567.

[8] Xin xem Trần Đình Sử. Thi pháp Tuyện Kiều, nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tái bản nhiều lần.

1 nhận xét :

  1. Lĩnh Nam chích quáilúc 23:41 3 tháng 8, 2015

    Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như ? Cụ Nguyễn Du mất năm 1820 , đến năm 2020 mới đầy 200 năm mà đã nhiều người khóc rồi .

    Trả lờiXóa