Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Tin NÓNG: THÔI, THẾ LÀ ĐÀM PHÁN TPP TẠI HAWAII ĐỔ VỠ RỒI

BBC Việt ngữ

Bất chấp những bước tiến đã đạt được, các bên vẫn không thể đi đến 
một thỏa thuận chung sau bốn ngày đàm phán

Các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã không thể đi đến một thỏa thuận chung sau vòng đàm phán kéo dài 4 ngày ở Hawaii, hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Các điểm bất đồng chính bao gồm xuất xứ xe hơi xuất khẩu của Nhật Bản và vấn đề bảo vệ dữ liệu dùng để phát triển thuốc sinh học.


Bên cạnh đó, New Zealand cũng không chấp nhận ủng hộ một thỏa thuận không mở cửa đáng kể các thị trường sữa.

Tuy nhiên, các bộ trưởng từ 12 nước tham gia đàm phán TPP, vốn chiếm khoảng 40% nền kinh tế thế giới, tin rằng một thỏa thuận "vẫn nằm trong tầm tay".

"Quý vị có thể thấy là chỉ còn một hay hai vấn đề vô cùng nan giải. Một trong số đó là thị trường sữa", Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser nói.

Bộ trưởng thương mại Úc Andrew Robb đổ lỗi cho nhóm 'bộ bốn' nền kinh tế lớn, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và Mexico.

"Điều đáng buồn là 98% nội dung thỏa thuận đã được chốt lại", ông nói.

Thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận sẽ gây trở ngại cho chính quyền Tổng thống Barack Obama, vốn xem TPP là một phần quan trọng trong chính sách chuyển trục sang châu Á nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Vòng đàm phán lần này, với sự góp mặt của 650 nhà đàm phán, được xem là cơ hội cuối cùng để chính phủ Hoa Kỳ chốt lại TPP và trình ra trước Quốc hội trong năm nay, trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.

.
 
Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai nền kinh tế quan trọng nhất 
trong nhóm các nước tham gia đàm phán TPP

Kết quả đã làm nản lòng nhiều nhà đàm phán, vốn đã thảo luận xuyên đêm để giải quyết các mâu thuẫn còn tồn đọng, Reuters cho biết.

Bất chấp những bước tiến đã đat được, các bên đã không thể đi đến một thỏa thuận chung sau bốn ngày thảo luận.

New Zealand nói nước này sẽ không ủng hộ một thỏa thuận không mở cửa đáng kể các thị trường sữa, nhất là tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Mexico.

Bộ trưởng các nước cũng chưa thể nhất trí về thời gian bảo vệ các thông tin sử dụng để chế tạo thuốc sinh học.

Các nhà sản xuất dược phẩm tại Hoa Kỳ muốn 12 năm, nhưng Úc lại chỉ muốn 5 năm và Chile không muốn năm nào.

"Hoa Kỳ đứng ở một bên, trong khi tất cả những nước khác ở bên còn lại ... không bên nào chịu nhượng bộ", đại diện của một trong các quốc gia tham gia đàm phán, nói.

Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thống nhất hầu hết các quy định về xuất xứ của xe hơi, vốn xác định khi nào một sản phẩm được cho là xuất xứ từ bên trong vùng tự do thương mại và không phải chịu thuế.

Tuy nhiên điều này lại không có được sự ủng hộ từ Canada và Mexico.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Gualardo nói Mexico là nhà xuất khẩu xe lớn thứ tư thế giới và ông không có gì phải hối tiếc về việc bảo vệ cho lợi ích của nước mình.

Các nhà sản xuất xe hơi của Nhật sử dụng nhiều linh kiện nhập từ Thái Lan, một nước không nằm trong TPP.


.

4 nhận xét :

  1. Thật buồn. Dù sao cũng mong VN sớm được gia nhập một tổ chức không có Tầu tham gia để có cơ hội thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế vào Tầu (tất nhiên VN cũng phải đáp ứng về nhân quyền, dân chủ).

    Trả lờiXóa
  2. Anh Trọng sau chuyến đi Mỹ về mặt mày có vẻ sáng sủa hơn. Có thế nào anh mới sáng láng hơn xưa chứ! Chắc cái bọn "giãy chết" đã chỉ cho anh thấy những ưu việt của cái xứ giãy mãi mà không chết. Vào được TPP là cach tốt nhất để cải cách thể chế.

    Trả lờiXóa
  3. "Thôi là hết anh đi đường anh...
    Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi..."

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đi một vòng internet để tìm hiểu về thị trường sữa (một nguyên nhân gây sự bế tắt TPP) thì biết vài điều thú vị:
    - Ở New Zealand (Tân Tây Lan) thì số bò sữa nhiều hơn dân số (4.9 triệu con so với 4.5 triệu người - số liệu 2014). Sữa đặc (concentrated milk) chiếm 15% các mặt hàng xuất khẩu của New Zealand.
    - Ở Canada, thị trường sữa (milk) và các sản phẩm sữa (diary) (cũng như phó mát, gia cầm, trứng...) được kiểm soát bởi một hệ thống cung cấp được điều hành bởi các ban marketing của các tỉnh. Hệ thống này sẽ giới hạn nguồn cung cấp có từ trong nước và nguồn từ nước ngoài (bằng hàng rào thuế nhập khẩu rất cao). Nó giới hạn nguồn cung trong nước bằng việc ấn định số lượng sản phẩm được đưa ra thị trường của các chủ trại bò (farmer) để đảm bảo nhu cầu của người dân và lợi tức của các chủ trại! Hệ thống này tránh cho chính quyền liên bang và tỉnh bang trợ giá (bảo hộ) cho các chủ trại như Mỹ đang làm... bla bla bla (1)

    Tôi lười quá, không tìm hiểu thêm về ngành bò sữa ở Mỹ Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Mexico để có số liệu khả tín. Nhưng Nhật Bản rất nổi tiếng về việc bảo hộ thị trường nông nghiệp. Mỹ cũng bảo hộ các nông gia. Đây là một rào cản rất khó vượt qua!

    (1): http://www.theglobeandmail.com/news/politics/canadas-dairy-industry-is-a-rich-closed-club/article25124114/

    Đỗ Chí Việt

    Trả lờiXóa