Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

TÁI BẢN ĐỂ PHÁ HỎNG CÔNG TRÌNH KINH ĐIỂN VỀ DÂN TỘC HỌC

Phá hỏng công trình kinh điển về Dân tộc học
 
Nông Nghiệp Việt Nam
21/04/2015 06:20

Việc tái bản cuốn sách “Người Mường ở Hòa Bình” đã phá nát một công trình đỉnh cao của nghiên cứu Dân tộc học. 

“Người Mường ở Hòa Bình” bản in 1996 và bản in của NXB Thời Đại

Việc tái bản cuốn sách “Người Mường ở Hòa Bình” của tác giả Trần Từ - bút danh của nhà dân tộc học Từ Chi, do NXB Thời Đại thực hiện năm 2012, thuộc Dự án Công bố, phổ biến tài sản Văn hóa, Văn nghệ Dân gian Việt Nam (Dự án) đã phá nát một công trình đỉnh cao của nghiên cứu Dân tộc học.

Tác giả và tác phẩm đỉnh cao

Từ Chi trước nhất có tư cách một nhà bác học lớn. Đây là nhận định của GS Condominas (1920-2011), nguyên Giám đốc Viện Cao học Nhân văn Pháp, nhà dân tộc học quốc tế, đã có nhiều công trình nghiên cứu Dân tộc học ở Tây Nguyên. Đánh giá như vậy bởi tri thức rộng rãi và sâu sắc mà Từ Chi thể hiện trong các công trình của mình.

Sự nghiệp dân tộc học của Từ Chi đứng ở hai chân: Thứ nhất, dân tộc học nghiên cứu về người Việt tập trung ở công trình “Cơ cấu làng Việt cổ truyền”; thứ hai, nghiên cứu dân tộc học về Mường, tập trung ở công trình đỉnh cao “Người Mường ở Hòa Bình”. Trong đó, tư các Mường học của Từ Chi là có tầm cỡ quốc tế.

Một tác giả nghiên cứu dân tộc học cho biết: “Mường học là một khu vực đặc biệt sôi động với nhiều thành tựu, mà Cuisinier với công trình dân tộc chí (ethnnographie) về Mường là một tượng đài lớn, là thách thức khó vượt. Từ Chi bằng tài năng đặc biệt của mình, đã tiếp cận Mường từ dân tộc học (ethnologie) và đã thành công đặc biệt”.

Sự nghiệp Mường của Từ Chi được tổng kết cả đời vào “Người Mường ở Hòa Bình”. Công trình này, ông trở đi trở lại, cân nhắc từng câu chữ, sắp xếp lại các công bố của mình trong công trình cuối cùng, nhưng cho đến khi Từ Chi nhắm mắt, ông vẫn chưa được thấy hình dạng của nó.

Sự ra đời của “Người Mường ở Hòa Bình” được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ấn hành năm 1996 là một sự kiện đặc biệt của dân tộc học Việt Nam. Có thể nói công trình về “Hát đối đáp của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên và công trình “Người Mường ở Hòa Bình” của Từ Chi là hai tác phẩm đỉnh cao nhất của Dân tộc học Việt Nam thế kỷ 20.

Trong bối cảnh nghèo nàn những công trình đỉnh cao của các công bố Dân tộc học trong thế kỷ 20, “Người Mường ở Hòa Bình” như một đỉnh núi chói lọi. 
“Tái bản đầy tùy tiện và cẩu thả - dù bằng tiền hỗ trợ siêu khủng của Nhà nước - cũng thể hiện “tâm thế” làm việc của lớp hậu bối Việt Nam ngày nay - những người không biết trân trọng di sản của cha ông. Điều đó, lí giải cho sự yếu kém của nghiên cứu ở Việt Nam” (bình luận của một tác giả nghiên cứu Dân tộc học độc lập).
Đáng tiếc là, với cách nhìn đổ đồng, đổ đống các tác giả và tác phẩm với nhau, khi tái bản cuốn sách này (số lượng 2.000 bản in) trong Dự án, những người tổ chức bản thảo, thẩm định bản thảo và nhà xuất bản đã phá nát cuốn sách. Trước đó, năm 2000, cuốn sách này là một trong 4 công trình của Từ Chi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhiều sai sót

“Người Mường ở Hòa Bình”, một trong những thành quả của 30 năm ròng Từ Chi nghiên cứu về người Mường, đây không phải sản phẩm giải trí cho đông đảo bạn đọc bình dân, đây là cuốn sách cần cho những người nghiên cứu.

Tuy nhiên, ai dám lấy cuốn sách này làm gối đầu giường khi nó bị cắt xén nham nhở, tùy tiện, câu cú què cụt, các luận điểm của tác giả đang sắc bén bỗng trở nên ngô ngọng.
“Tôi không bình luận về việc cắt xén nội dung tác phẩm “Người Mường ở Hòa Bình”. Bản quyền sở hữu trí tuệ các công trình của Từ Chi thuộc về Chi Gia Trang mà gia đình hoàn toàn không hay biết. Giá như tôi được biết việc tái bản, tôi cũng sẽ góp phần vào việc biên tập để cuốn sách đến với bạn đọc hoàn chỉnh nhất, như tôi đã làm đối với 2 công trình của cha tôi - GS Nguyễn Đổng Chi: Người Ba Na ở Kontum, Kho tàng truyện Cổ tích Việt Nam” (GS Nguyễn Huệ Chi).
Trong bài viết này, không bàn đến quá nhiều lỗi mo-rat, chỉ bàn tới những phần bị cắt xén trong nội dung và các chú thích bị cắt xén tùy tiện, mọi lúc, mọi nơi. Xuyên suốt hơn 500 trang sách tái bản, phần nào cũng bị cắt xén. Để bạn đọc tiện theo dõi, dưới đây chúng tôi xin trích dẫn những đoạn bị NXB Thời Đại và Dự án cắt xén. Những đoạn để trong ngoặc vuông [...] là bị cắt, những đoạn trong ngoặc đơn (...) là nguyên bản:

Trang 279, bài “Vũ trụ luận Mường qua đám tang”: “Bài viết [không] mong vươn đến những kết luận rõ ràng (luôn luôn hai năm rõ mười). Trong nhiều trường hợp, nó chỉ làm nảy sinh những câu hỏi mới [qua đó mà, góp phần đề xuất những hướng tìm hiểu mới], những câu hỏi mới”.

Bài “Ruộng lang”, trang 18 chú thích đánh số 2 bị cắt mất một nửa; trang 20 cắt mất chú thích về người Thái; trang 22 cắt mất một nửa chú thích. Bài “Đặc điểm của loại ruộng lang”; trang 36 chú thích về từ “CON” bị cắt mất một nửa; trang 38 thiếu hẳn 1 chú thích; trang 40, trang 42 và trang 49 đều thiếu một nửa chú thích...

Từ Chi có phong cách phụ chú rất công phu, thể hiện cho sự uyên bác và nghiêm cẩn của ông. Đọc Từ Chi còn là đọc kỹ phần chú thích (phần vượt ra Mường, để đến các quan điểm lớn về văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á).

Cắt bỏ phụ chú của Từ Chi một cách vô tội vạ và dày đặc, đã làm hỏng đi tác phẩm kinh điển này của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20. Nguy hại hơn, khiến người ta hiểu lầm di sản của Từ Chi ở những câu viết không đầu đuôi, ở những ý đầy dang dở… Hình ảnh của Từ Chi đã bị phá hoại khá nghiêm trọng. 
 
 

1 nhận xét :

  1. Còn gì tốt, đẹp của đất nước mà chúng không tìm cách phá!

    Trả lờiXóa