Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

QUAN HỆ TQ VỚI CÁC NƯỚC - NHÌN TỪ DANH SÁCH KHÁCH MỜI

Quan hệ của Trung Quốc với các nước 
qua danh sách khách mời lễ duyệt binh

VNExpress

Thứ tư, 26/8/2015 | 19:40 GMT+7

.
Bản danh sách khách mời dự lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến II phần nào thể hiện mối quan hệ của Trung Quốc với các nước trên thế giới.
Trung Quốc làm sạch không khí trước duyệt binh lớn
Trung Quốc công bố danh sách khách mời dự lễ duyệt binh ngày 3/9 tới đây. 
Ảnh:Reuters

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh công bố danh sách khách mời tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II ở châu Á trong một buổi họp báo vào ngày 25/8. Theo Wall Street Journal,đây là bản danh sách được giới quan sát chờ đợi.

Danh sách

Sẽ có 30 nguyên thủ quốc gia tới dự lễ duyệt binh vào ngày 3/9 tới đây, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, lãnh đạo các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (ngoài Nga còn có Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan), tổng thống Pakistan, Myanmar, Nam Phi, Ai Cập, chủ tịch nước Việt Nam, tổng thư ký Liên Hợp Quốc...


Ngoài ra, sẽ có thêm 19 đại diện chính phủ các nước tham dự lễ duyệt binh, nâng tổng số nước có đại diện chính thức tham dự sự kiện này lên 49. Trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại do Nga tổ chức hồi tháng 5, có đại diện của 40 quốc gia tới tham dự.

Nhưng danh sách này thiếu vắng các nhà lãnh đạo phương Tây và Mỹ cũng như đại diện của một số quốc gia trong khu vực. Trước đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc từng nói rằng đại diện của những nước từng tham chiến trong Thế Chiến II sẽ được mời tới dự lễ duyệt binh. Nguyên thủ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu duy nhất tham dự sự kiện này là Tổng thống Czech Milos Zeman.

Theo ông Trương, các quốc gia như Pháp, Australia, Italy hay Anh sẽ cử các bộ trưởng tới tham dự sự kiện, trong khi Mỹ, Đức và Canada cử các đại sứ tham gia. Tờ Global Times cho hay Brazil và Ấn Độ dự kiến sẽ cử các "đặc sứ" tới dự lễ duyệt binh này.


Đồ họa thể hiện đại diện các quốc gia tới dự lễ duyệt binh của Trung Quốc. 
Đồ họa: Diplomat

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ vắng mặt trong lễ duyệt binh và cử người đại diện là ông Choe Ryong-hae, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên. Một loạt các quốc gia ASEAN như Brunei, Indonesia, Philippines và Singapore không cử đại diện cấp cao tham dự lễ duyệt binh. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ không tới Bắc Kinh dự sự kiện này.

Giải thích cho sự vắng mặt của nhiều nguyên thủ quốc tế, ông Trương Minh cho biết, Trung Quốc "đã mời lãnh đạo các nước có liên quan cùng tham dự lễ kỷ niệm trọng đại này với người dân Trung Quốc. Nhưng đó là quyết định của họ. Về phần mình, chúng tôi tôn trọng và chào đón tất cả quan khách".

Ông Trương cũng giải thích Thủ tướng Nhật Abe không tới Trung Quốc do "bận chương trình nghị sự tại quốc hội". Quan chức Trung Quốc này cũng khẳng định cuộc duyệt binh sẽ không "nhằm vào Nhật Bản và không hề liên quan trực tiếp tới quan hệ Trung - Nhật hiện nay".

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama sẽ tới dự sự kiện, ông Trương xác nhận. Ông Murayama chính là người đã đưa ra lời xin lỗi vào năm 1995 về hành vi "xâm lược" và "cai trị thực dân" của Nhật Bản trong Thế Chiến II. Một số cựu lãnh đạo phương Tây như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder sẽ tới Bắc Kinh.

Mối quan hệ với thế giới


Binh sĩ Trung Quốc luyện tập cho lễ duyệt binh. Ảnh: SCMP

Theo bình luận của Diplomat, danh sách khách mời được Trung Quốc công bố không hề gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát. Nguyên thủ các nước không có nhiều điểm chung với Trung Quốc sẽ không tham gia lễ duyệt binh.

Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã trở nên nồng ấm hơn bao giờ hết trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái. Trung Quốc là quốc gia đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea để dọn đường cho việc sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ của Nga.

Tháng 5/2014, Nga và Trung Quốc ký một hợp đồng khí đốt khổng lồ trị giá tới 400 tỷ USD, trong bối cảnh kinh tế Nga đang lâm vào khó khăn do các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây. Hải quân Nga và Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn trên biển Hoa Đông để thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Trong lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức hồi tháng 5 vừa qua ở Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người ngồi tại vị trí trang trọng nhất, ngay cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trong suốt buổi lễ.

Ngoài thắt chặt quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình tới châu Phi, nơi nước này có số vốn đầu tư lớn nhất. Nguồn vốn đầu tư tại khu vực Đông Phi đã lên tới hàng chục tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, công nghiệp khai khoáng, giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin. Các nước châu Phi và khu vực Trung Á cũng là những thị trường xuất khẩu vũ khí đầy tiềm năng của Trung Quốc, khi những quốc gia này ưa chuộng các loại vũ khí giá rẻ.

Còn ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với Campuchia và chính quyền quân sự ở Thái Lan bằng các khoản viện trợ tài chính và các hợp đồng có giá trị lớn. Gần đây, chính phủ Thái Lan đã bày tỏ ý định mua ba tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất để hiện đại hóa cho lực lượng hải quân của mình. Trong lễ duyệt binh lần này của Trung Quốc, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni sẽ tham dự, còn Thái Lan sẽ cử một quan chức cấp cao là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan.

Việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhận lời mời tới tham dự lễ duyệt binh cũng là một động thái đáng chú ý. Có nhiều thông tin cho hay trước đó Mỹ đã gây sức ép để bà Park từ chối lời mời của Bắc Kinh.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng động thái này của bà Park không phải là một cách để chứng tỏ Hàn Quốc là "bạn bè thực sự" của Bắc Kinh như các bình luận viên Trung Quốc nhận định. Bà Park quyết định tham dự lễ duyệt binh vào thời điểm tình hình Hàn Quốc-Triều Tiên đang ở giai đoạn nguy hiểm, và bà hy vọng quyết định sẽ thúc đẩy Bắc Kinh có động thái can thiệp buộc Triều Tiên phải hạ nhiệt căng thẳng. Quyết định của bà Park được đưa ra vào hôm thứ năm tuần trước, ngay sau khi Hàn-Triều đấu pháo qua biên giới.

Dù tạo được ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên thế giới, Trung Quốc lại không lấy được lòng tin của nhiều quốc gia phương Tây và Mỹ trong chính sách đối ngoại của mình thời gian qua. Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hay trên biển Hoa Đông đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới lo ngại, đặc biệt là với Mỹ, nước đang xoay trục chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia phân tích, một trong những lý do nữa khiến nhiều lãnh đạo phương Tây không muốn tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc là do họ lo ngại rằng sự kiện này có thể mang nặng âm hưởng chống Nhật - quốc gia đồng minh thân cận với Mỹ và là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Dù Trung Quốc đã bác bỏ điều này, nỗi lo ngại trên không phải là không có cơ sở, nếu xét theo quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Hoa Đông.

Chuyên gia phân tích chính trị Zhang Lifan ở Bắc Kinh cho rằng cuộc duyệt binh sắp tới của Trung Quốc sẽ "làm tăng tinh thần dân tộc bằng cách cho người dân thấy rằng Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thực thụ", và do đó sẽ "càng củng cố thái độ tiêu cực đối với Mỹ và Nhật trong dư luận nước này".

Trước đây Trung Quốc thường tránh những cuộc duyệt binh thường niên thể hiện sức mạnh quân sự và chỉ tổ chức những sự kiện hoành tráng như vậy 10 năm một lần để kỷ niệm ngày quốc khánh, nhằm tránh sự chú ý quá mức của dư luận thế giới.

Tuy nhiên cuộc duyệt binh năm nay được dự kiến là sẽ có quy mô rất lớn với sự tham gia của 12.000 binh sĩ, 500 khí tài quân sự diễu qua quảng trường Thiên An Môn và khoảng 200 máy bay trên bầu trời. Ngoài ra, 17 nước khác sẽ gửi binh sĩ tới tham gia duyệt binh, trong đó có Nga, Cuba, Serbia và Mexico cùng một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc.

Việc đưa giàn xe tăng diễu qua Thiên An Môn và chiến đấu cơ rợp trời "chỉ có thể gửi một thông điệp đầy đáng ngại tới các nước láng giềng của Trung Quốc", Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói.

Trí Dũng

6 nhận xét :

  1. Những con người và đất nước không tồi thì họ không bao giờ múa gậy vườn hoang.

    Trả lờiXóa
  2. Trừ một vài quốc gia và cá nhân ra thì phần lớn các nước đến Tầu để xem phô trương sức mạnh răn đe láng giềng đều là những quốc gia có vấn đề về nhân quyền và dân chủ, trong đó có ông Sang, đại diện cho VN.

    Trả lờiXóa
  3. Nhìn lên bản đồ đánh giá mức đó gần xa với BK cũng thấy thú vị . Liền kế có Nga, VN, Myanmar, Lào, CPC , mấy nước Trung Á . Châu Phi vài mảng không to . Châu Mỹ Latinh có Venezuela . Đó là màu đỏ , cấp tham dự là nguyên thủ . Các nước Arab với phần còn lại của châu Phi coi bộ chả cần BK . Còn phương Tây gồm Anh, Pháp, Đức , Ý với Bắc Mỹ và Úc châu chẳng mấy mặn mà , phái đại sứ đi vì lịch sự ! ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia cũng chẳng thân thiện !

    Trả lờiXóa
  4. Trần Thị Thảolúc 14:59 27 tháng 8, 2015

    Không có lời bình nào hay hơn câu thành ngữ VN : NGƯU TẦM NGƯU, MÃ TẦM MÃ .

    Trả lờiXóa
  5. Cụ Trương nhà mình bảo trọng nhé vì tui nhớ có lúc cụ cũng chửi bóng gió Tàu cộng đấy. Nhớ mang theo thức ăn, nước uống nhé cụ, lỡ có bệnh thì đi qua Pháp chữa cho chắc ăn, không khéo lại suy tủy thì khổ ... cho báo chí và bạn đọc.

    Trả lờiXóa