Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

BBC, VOA TIẾP TỤC ĐƯA TIN VỀ SỰ CỐ Ý "CA NGỢI TỔ QUỐC" TÀU

Phạt ban chỉ đạo chương trình nghệ thuật
BBC
02-08-2015



Chương trình được dư luận quan tâm một phần do sự có mặt 
của Đại tướng Phùng Quang Thanh

Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội bị khiển trách vì mở nhạc Trung Quốc trong chương trình ‘Khát vọng Đoàn tụ’.

Lý do là bài hát từng được xem là “ quốc ca thứ hai” của Trung Quốc đã được mở trước và sau khi Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu trong khuôn khổ chương trình giao lưu nghệ thuật tại Bộ Quốc phòng vào hôm 27/7.


Chương trình, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, được truyền hình trực tiếp trên VTV và kênh Quốc phòng An ninh nhân ngày Thương binh Liệt sỹ.

Chương trình được quan tâm nhiều một phần do sự có mặt Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, người xuất hiện trở lại sau thời gian chữa bệnh tại Pháp nhiều tuần.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237) đã chỉ đạo Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội thực hiện chương trình giao lưu nghệ thuật này.

Kịch bản chương trình đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 và các cơ quan chức năng thẩm định, thông qua và được tiến hành sơ duyệt, tổng duyệt.

Tuy vậy, báo Quân đội Nhân dân viết “trong quá trình thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đã không kiểm soát được nội dung để xảy ra sai sót là sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài vào trong chương trình”.

“Cơ quan cấp trên có thẩm quyền đã tiến hành kỷ luật: Khiển trách đối với Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và chỉ đạo xử lý nghiêm túc kíp thực hiện chương trình”.

Không thấy báo Quân đội Nhân dân nhắc tới đoạn ‘nhạc nước ngoài’ này là của nước nào.

Một nhà quan sát trong ngành truyền thông trong nước muốn ẩn danh cho BBC biết trong đội ngũ lãnh đạo của Trung tâm Phát thanh -Truyền hình Quân đội có nhiều nhân vật đã từng làm việc lâu năm và nhiều kinh nghiệm tại Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng Việt Nam, được thành lập vào giữa năm 2011 trên cơ sở sáp nhập hai phòng Phát thanh Quân đội nhân dân và Truyền hình Quân đội nhân dân thuộc Cục Tuyên huấn.


Nhạc được mở trước và sau khi Chủ tịch Sang phát biểu khai mạc.

Ông Lê Hùng, tổng đạo diễn chương trình “Khát vọng đoàn tụ” được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng: “Đoạn nhạc đó chỉ có mười mấy giây, và không có lời, dùng làm nhạc hiệu để Chủ tịch nước đi lên bục phát biểu thôi và đã được chỉnh sửa ở những lần phát lại sau đó”.

Cộng đồng mạng đã nhanh chóng phát hiện ra là đoạn nhạc được phát có giai điệu rất gần với bài “Ca ngợi Tổ quốc” nổi tiếng của Trung Quốc.

Ca khúc này ra đời đầu thập niên 1950, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền.

Theo phóng viên Vincent Ni của ban tiếng Trung của BBC, “Thủ tướng Chu Ân Lai ký sắc lệnh tháng Chín 1951, yêu cầu nhân dân Trung Quốc học bài hát. Đã từng có lúc đây được xem là quốc ca thứ hai của Trung Quốc”.

Cho tới thập niên 1990, nhiều người vẫn còn biết ca khúc này.

Thiếu tướng quân đội Nguyễn Trọng Vĩnh nói việc mở nhạc Trung Quốc trong buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu là việc “bậy bạ và bố láo”.

Trả lời BBC tiếng Việt ngày 30/07, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1987) mô tả điều ông gọi là “Việc Chủ tịch [Trương Tấn Sang] vừa phát biểu nghiêm chỉnh về thương binh liệt sỹ thì anh lại tấu cái bài hát của Trung Quốc thì cái đó là bố láo.

“Tôi có xem chương trình đó và tôi thấy việc làm này là bậy bạ. Tôi đã phản ánh cho lãnh đạo chuyện này.

“Tôi đã gọi điện thoại để phản ánh cho Chủ tịch Trương Tấn Sang là cái việc ông Trương Tấn sang vừa phát biểu thì lại tấu cái bài của Trung Quốc là thế nào. Ai là chủ đạo cái chuyện tấu cái bài đó?,” Tướng Vĩnh nói với BBC.

Trên trang Facebook của BBC nhận được khá nhiều bình luận về sự cố này.

Một người viết “Mấy ông kêu dân trí thấp đâu nhỉ? Giờ thì biết ai thấp rồi nhỉ?” trong khi một người khác bình luận “Sao lại chỉ có khiển trách? Cách chức là hình thức nhẹ nhất!”.

___

.

Việt Nam né tránh trong vụ 
phát nhầm nhạc Trung Quốc?

RFA

Bộ Quốc phòng Việt Nam mới thông báo “xử lý nghiêm túc” nhóm thực hiện chương trình “Khát vọng đoàn tụ” vì “sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài”.

Tuy nhiên, thông báo chính thức trên báo điện tử của Bộ này hôm 2/8 không có từ nào nói rằng đó là bản nhạc Trung Quốc.

Thông cáo có đoạn: “… Trong quá trình thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đã không kiểm soát được nội dung để xảy ra sai sót là sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài vào trong chương trình. Cơ quan cấp trên có thẩm quyền đã tiến hành kỷ luật: Khiển trách đối với Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và chỉ đạo xử lý nghiêm túc kíp thực hiện chương trình”.

Bản tin cũng cho biết rằng kịch bản chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày Thương binh – liệt sỹ phát trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam đã được “thẩm định, thông qua và được tiến hành sơ duyệt, tổng duyệt”.

Sự thừa nhận sai sót được đưa ra gần 10 ngày sau khi một đoạn trong bài hát “Ca ngợi tổ quốc” của Trung Quốc đã vang lên khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên đọc diễn văn khai mạc chương trình tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Ngoài vấn đề sử dụng bản nhạc được coi là “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc, “Khát vọng đoàn tụ” thu hút sự chú ý của công chúng cũng như giới truyền thông vì “tái xuất” của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sau thời gian chữa bệnh tại Pháp, trong bối cảnh có tin ông đã qua đời.

Thông báo “thừa nhận sai sót” trên đã vấp phải chỉ trích của nhiều người sử dụng mạng xã hội vì đã không nói tới đó là bản nhạc xuất xứ từ Trung Quốc.

Một người trong số đó là nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội:

“Họ chỉ nhận là sử dụng một đoạn nhạc của nước ngoài. Đây là một cách làm trốn tránh và một sự xuê xoa không thể chấp nhận được. Nước ngoài đây là nước nào? Đoạn nhạc đấy là đoạn nhạc nào? Họ không nói rõ. Việc đó vừa thể hiện một sự không dũng cảm của những người trong Bộ Quốc phòng. Chẳng qua xử lý như vậy vì dư luận làm căng quá.”

Ông Diện nói thêm rằng sự nhầm lẫn trên đã “làm dấy lên một sự căm giận của công chúng, đặc biệt là những người có tuổi, từng biết bài này ở thập kỷ 50 – 60 trước đây”.

Chính quyền trong nước thời gian qua đã nhiều lần bị chỉ trích vì dùng từ “tàu lạ”, thay vì đề cập cụ thể tàu Trung Quốc trong các vụ va chạm trên biển Đông.

Theo BQP, VOA
____________

Mời xem lại: Nhạc Trung Quốc đã vào Bộ Quốc phòng Việt Nam? (VOA/ BS). – ‘Tấu bài hát Trung Quốc là việc bậy bạ’ (BBC/ Ba Sàm). – GS CHU HẢO: KHÔNG THỂ ĐỂ CHÌM XUỒNG! (Tễu/ Ba Sàm).

3 nhận xét :

  1. Đừng làm to chuyện để khỏi mếch lòng bạn vàng 4 tốt

    Trả lờiXóa
  2. Nói gì thì nói, mở nhạc như thế không chỉ làm mất đi sự linh thiêng của buổi lễ, là nhạo báng chính mình, và không tôn trọng Chủ tịch nước !
    Nay chúng ta không quy chụp về chính trị, nhưng rõ ràng là kiến thức chuyên môn kém và rất thiếu tinh thần trách nhiêm? Những cán bộ như thế phải cho nghỉ mà không nên dùng. Đặc biệt tổng đạo diễn phải cấm hành nghề để nghiêm phép nước!

    Trả lờiXóa
  3. Cụ Vĩnh bảo: “Tôi đã gọi điện thoại để phản ánh cho Chủ tịch Trương Tấn Sang là cái việc ông Trương Tấn sang vừa phát biểu thì lại tấu cái bài của Trung Quốc là thế nào. Ai là chủ đạo cái chuyện tấu cái bài đó?,”- Thế ông CT Sang giả nhời cụ Vĩnh ra sao nhỉ?

    Trả lờiXóa