ĐẤT NƯỚC MUỐN PHÁT TRIỂN, CON NGƯỜI
PHẢI ĐƯỢC TỰ DO
Bùi Tiến Đạt
(Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)
Để đất nước phát triển, con người cần không gian tự do sáng tạo. Do đó, trong một xã hội dân chủ, về nguyên tắc không gian tự do cần tương đối rộng và ngược lại những hạn chế quyền tự do phải tương đối hẹp.
Quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập 1945…
Ngay trong những ngày đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, cụ thể ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Hồ Chí Minh cũng đã thể hiện rõ tư tưởng bảo đảm quyền tự do của nhân dân trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ngay từ những câu đầu tiên, Người đã trích dẫn những “lời bất hủ” (nguyên văn chữ dùng của Bác) trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ do Thomas Jefferson soạn thảo: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Người còn nhắc lại Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 như một sự lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta… tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… thi hành những luật pháp dã man”.
Tại sao Người lại nhấn mạnh trong Tuyên ngôn độc lập một tư tưởng từ tuyên ngôn độc lập và dân quyền của các quốc gia tư bản? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời ngay trong Tuyên ngôn độc lập 1945: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Hồ Chí Minh đã phân biệt rạch ròi giữa chế độ chính trị của một quốc gia và chân lý, giá trị phổ quát của nhân loại.
Thật vậy, các quốc gia dù khác nhau về chế độ chính trị đều phải hướng tới mục tiêu bảo vệ các quyền và tự do căn bản và đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân.
Ba năm sau Tuyên ngôn độc lập của VNDCCH và cũng là ba năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, thông qua bản Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948 (Universal Declaration of Human Rights), cũng đã nhấn mạnh ngay từ đầu: “Sự công nhận nhân phẩm của mọi người trên toàn thế giới và các quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ chính là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”.
Trải qua bao xương máu của nhân loại, đặc biệt từ đau thương của Chiến tranh thế giới thứ hai, Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người đúc kết: “Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được coi là ước vọng cao nhất của con người”.
Đến Hiến pháp 1946…
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã khẳng định ngay trong lời nói đầu ba nguyên tắc căn bản của Hiến pháp là: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Suy cho cùng, đây cũng chính là nguyên tắc “nhà nước của dân, do dân, vì dân” do Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đúc kết (“Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the Earth”).
Lời nói đầu Hiến pháp 1946 cũng nhắc nhở chúng ta rằng “chủ quyền cho đất nước” và “tự do cho nhân dân” luôn song hành. Điều đó thể hiện triết lý sứ mệnh của một nhà nước có chủ quyền không gì khác nhằm “đảm bảo các quyền tự do dân chủ” cho nhân dân. Tiếp đó, Chương II đã long trọng tuyên bố sự công nhận và cam kết bảo đảm các quyền con người phổ quát. Nhìn một cách tổng thể, Hiến pháp 1946 đã thể hiện những tư tưởng chính trị-pháp lý tiến bộ và hoàn toàn có thể là điểm sáng so với các hiến pháp cùng thời trên thế giới.
Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: An Đăng - TTXVN
|
…và Hiến pháp 2013
Hiến pháp hiện hành tiếp tục khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (khoản 1 Điều 2) và “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3).
Như vậy, Hiến pháp 2013 đã thể hiện triết lý quyền con người không phải do nhà nước ban phát mà các quyền do “tạo hóa” sinh ra gắn với mỗi người. Theo đó, quyền con người phải được Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm”.
Trong số các quyền con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ, chỉ có một số ít quyền tuyệt đối, tức không bị giới hạn trong bất kỳ trường hợp nào. Quyền được tôn trọng về nhân phẩm, trong đó bao gồm quyền không bị làm nô lệ, quyền không bị tra tấn và đối xử một cách tàn ác, được phần đông thừa nhận mang tính tuyệt đối, không thể bị hạn chế.
Ngoài những quyền tuyệt đối, các quyền còn lại đều có thể bị giới hạn ở những mức độ khác nhau. Sự giới hạn quyền là hiện tượng bình thường và phổ biến ở mọi quốc gia.
Tuy vậy, việc hạn chế này không được tùy tiện và phải tuân theo những nguyên tắc. Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948, văn bản được coi là kết tinh của tinh hoa và chuẩn mực toàn cầu, đã quy định nguyên tắc giới hạn quyền con người này tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.
Tiếp thu tư tưởng này, Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2, Điều 14). Đây là bước tiến lớn trong tư duy lập hiến ở Việt Nam.
Nguyên tắc này đảm bảo một không gian hợp lý để công dân “tự do” thực hiện quyền của mình, miễn là không lấn vào những phần bị nhà nước “hạn chế”. Thời đại ngày nay, mọi quốc gia giống nhau ở chỗ đều công nhận các quyền và tự do cơ bản, chỉ khác nhau ở phạm vi các quyền bị giới hạn và phương pháp đặt ra vùng bị giới hạn đó.
Nhằm thực hiện khoản 2 Điều 14 Hiến pháp một cách đúng đắn, trước hết,việc nhà nước giới hạn các quyền công dân phải được quy định bằng pháp luật rõ ràng và minh bạch và có lý do chính đáng – tức nhằm bảo vệ quyền của người khác và lợi ích chung của xã hội. Đối với những quyền mà việc thực hiện nó không làm ảnh hưởng đến người khác và lợi ích chung của xã hội, các nhà nước không có lý do chính đáng để hạn chế. Chẳng hạn, nhà nước không cần can thiệp vào những việc như người dân treo tranh gì trong nhà, nhưng có quyền hạn chế số tầng của ngôi nhà nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị hay an toàn xây dựng.
Thứ hai, việc hạn chế quyền phải phù hợp với mục tiêu. Chẳng hạn, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhà nước có thể phạt tiền người vi phạm luật chứ không thể cấm người dân sở hữu xe. Ngoài ra, việc hạn chế quyền cần vừa đủ nhằm đạt được mục tiêu. Ví dụ, nhằm răn đe người vượt đèn đỏ, việc phạt tiền nghiêm khắc là đủ mà không cần phải phạt tù; nhưng đối với người uống rượu lái xe, phạt tù ngắn hạn là phù hợp.
Thứ ba, lợi ích của việc hạn chế quyền phải lớn hơn thiệt hại do việc hạn chế đó gây ra. Có thể lấy bài học về quyền tự do kinh doanh làm thí dụ. Thời bao cấp, quyền tự do kinh doanh bị hạn chế khá lớn, đã kìm hãm nền kinh tế. Theo đó người dân chỉ có thể tham gia kinh doanh tập thể của nhà nước mà không thể thành lập doanh nghiệp tư nhân. Điều này chứng minh việc hạn chế quyền không hợp lý, trái với quy luật phát triển sẽ không đem lại lợi ích mong đợi.
Kể từ đổi mới kinh tế, người dân được mở doanh nghiệp tư. Về tổng thể, khi tự do của người dân được giải phóng, của cải xã hội được tạo ra nhiều hơn và có chất lượng tốt hơn thời tập trung quan liêu bao cấp.
Tóm lại, mỗi nhà nước muốn hạn chế quyền công dân cần tính đến tính chính đáng, tính phù hợp và tính ích lợi xã hội. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp phải là kim chỉ nam cho việc xây dựng các luật liên quan mật thiết đến quyền và tự do cá nhân như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tiếp cận thông tin, Luật lập hội, Luật biểu tình, Luật tôn giáo.
Quyền con người và nhà nước kiến tạo phát triển
Để phát triển, quốc gia cần phải phát huy tiềm lực con người. Muốn vậy, con người cần không gian tự do sáng tạo. Do đó, trong một xã hội dân chủ, về nguyên tắc không gian tự do cần tương đối rộng và ngược lại những hạn chế quyền tự do phải tương đối hẹp.
Tất nhiên, mối tương quan giữa tự do-hạn chế này khác nhau giữa các quốc gia và cũng khác nhau giữa các quyền. Nền pháp quyền hiện đại luôn đòi hỏi một “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” (Lời nói đầu Hiến pháp 1946 nêu trên) phải viện dẫn lý do chính đáng và tính toán những lợi ích xã hội khi muốn hạn chế tự do của người dân. Thực hiện đúng đắn Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp là một chỉ số của nhà nước kiến tạo phát triển.
(Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)
VN là một đất nước không muốn phát triển, như một chuyên gia nước ngoài đã nói với bà Phạm Chi Lan. Vậy thì con người làm gì có "tự do"?
Trả lờiXóaMặc dù người dân Miền Nam trước 1975 cũng không được biểu tình như ý muốn, nhưng họ vẫn có quyền hội họp (biểu tình). Còn nhà nước (XHCH) lí do gì 70 năm có chính quyền vẫn không thực hiện nổi quyền cơ bản này (cùng quyền lập hội ...)!? Bình thường không có lí do gì có thể biện minh cho việc không cho nhân dân thực hiện quyền đó – kể cả lí do an ninh! Còn ai viện cớ an ninh thì tình hình ngày càng bức bối khi ngày càng nhiều dân bức xúc, thì nhiều khả năng các quyền cơ bản của dân sẽ không bao giờ thực hiện được trong chế độ hiện tại, tới lúc không thể ngăn được nữa.
Trả lờiXóaKinh tế thị trường định hướng XHCN mà ! Đã là định hướng thì giống như con ngựa đã được che mắt để đi một hướng nhất định thôi ! Vậy thì đừng nói đến Tự Do !
Trả lờiXóaNghe tin Mỹ mới sáng chế ra con chíp chỉ to bằng hạt đậu xanh, nếu gắn con chíp ấy vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người thì máy chủ có thể biết được toàn bộ những ý nghĩ của người ấy. Nhà nước nên đặt mua 92 triệu con chíp như thế rồi gắn cho mỗi công dân 1 con chíp vào mông, thế là bọn phản động hết đường lẩn trốn, CA chỉ cần cầm 1 tập giấy đến chìa ra bảo: “Hôm qua mày nghĩ những gì máy in ra rành rành đây này, chối thế nào được!” và còng tay luôn. Chỉ sau vài tháng là tất tần tật bọn phản động vào tù hết, không sót một mống! Các cháu thiếu niên, nhi đồng tha hồ muốn làm gì thì làm, không còn sợ gì bọn phản động nữa!
Trả lờiXóa