Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Vụ án HỒ DUY HẢI - OAN KHIÊN HAY THẾ MẠNG?

Hồ Duy Hải - Tử tù oan. Oan khiên hay thế mạng ho Nguyễn Văn Nghị?

Vụ án HỒ DUY HẢI: Oan khiên hay thế mạng? 

Nguyễn Đăng Quang 
3/7/2015

Nếu khẳng định tử tù Hồ Duy Hải là bị oan sai, e rằng có thể các quan tòa của Tòa án Nhân dân tỉnh Long An và Tòa án Nhân dân Tối cao ở Hà Nội sẽ kiện tôi là nói sai sự thực, vì bản án còn nguyên đó, chưa ai tuyên hủy, việc tuyên tử hình Hồ Duy Hải - theo họ - là “đúng người, đúng tội!”, việc thi hành án mới chỉ là tạm hoãn, rồi sẽ sớm thi hành nay mai thôi! Nhưng trong cả 2 phiên tòa sơ thẩm kết án lẫn phiên tòa chung thẩm y án tử hình đối với Hồ Duy Hải, các cơ quan tố tụng đã phạm phải rất nhiều sai sót, và những sai sót này là vô cùng nghiêm trọng!

Vâng, sai sót không phải chỉ của 1 mà của cả 3 cơ quan tố tụng là Điều tra (Công an), Truy tố (Kiểm sát) và Xét xử (Tòa án), đặc biệt là ở khâu Điều tra và Xét xử!  Mọi người đều biết là trong tất cả các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án giết người, thì chứng cứ quan trọng bậc nhất là dấu vân tay của thủ phạm để lại tại hiện trường và trên các hung khí gây án. Nhưng trong vụ án này thì CQĐT không tìm thấy dấu vân tay của Hồ Duy Hải tại hiện trường cũng như trên các hung khí gây án!  Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An ghi : “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14/01/2008 tại Bưu cục  Cầu Voi không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.  Các hung khí mà CQĐT xác định Hải đã sử dụng để sát hại 2 nạn nhân thì Ban Chuyên án cũng không thu giữ được. Con dao và cái thớt thì nhờ người ra chợ mua mới thay thế. Chiếc ghế inox có dính máu do không xác định chính xác là chiếc nào nên buộc Ban Chuyên án phải lấy chiếc khác tương tự thay vào!  Tất nhiên 3 hung khí thay thế này không thể có dấu vân tay và vết máu của Hồ Duy Hải và của thủ phạm thực thụ (mà tôi cho rằng hiện đang giấu mặt hoặc lẩn trốn) cũng như của cả 2 nạn nhân!   Ấy vậy nhưng CQĐT Công an Long An vẫn đưa ra được Hồ sơ vụ án “đúng quy trình” với đầy đủ “tang vật” và kết luận Hồ Duy Hải là thủ phạm duy nhất để rồi Viện Kiểm sát truy tố và sau đó Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên án tử hình!  Việc tuyên án tử hình Hồ Duy Hải chỉ dựa trên cơ sở duy nhất là lời khai nhận của nghi phạm Hồ Duy Hải với CQĐT!  Xem ra, ở nước ta ngày nay, việc tước đoạt sinh mạng con người sao thật dễ dàng và đơn giản đến vậy sao?! 

Điều quan trọng bậc nhất là CQĐT phải làm rõ các dấu vân tay thu được tại hiện trường  nếu không phải là của Hồ Duy Hải thì là của ai?   Đây là nút thắt rất quan trọng, không được bỏ qua và cũng không thể bỏ qua! Vì trong số các dấu vân tay thu được trên hiện trường, chắc chắn phải có vân tay của kẻ gây án.  Được biết, ngay sau khi vụ án xảy ra, CQĐT Công an Long An có triệu tập trên dưới 20 nghi can. Sau khi sàng lọc, Ban chuyên án tập trung và “khoanh” vào 4 nghi can có  dấu hiệu đáng ngờ nhất. Trước hết và nổi bật nhất là Nguyễn Văn Nghị được xác định là nghi can số một. Ba nghi can tiếp theo là 3 thợ bạc (kim hoàn) tạm trú tại địa phương. Cả 4 nghi can này đều có quen biết 2 nạn nhân và đều có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án. Nhưng sau đó CQĐT lại trả tự do cho tất cả các nghi can này, kể cả 4 nghi can nói trên, trong đó có Nguyễn Văn Nghị.  Thế rồi bẵng đi hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Ban Chuyên án mới triệu tập Hồ Duy Hải để hỏi về tội cá độ bóng đá, nhưng lại đọc lệnh bắt và truy tố Hải với tội danh là thủ phạm giết hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi!  Ba tuần lễ sau, ngày 11/4/2008,  Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An khẳng định dấu vân tay để lại trên hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải như đã nói ở trên.  Vậy các dấu vân tay để lại trên hiện trường không phải của Hồ Duy Hải thì là của ai trong số những nghi can mà CQĐT đã triệu tập và lấy mẫu vân tay?  Đây là tình tiết hết sức quan trọng, không thể không làm rõ!  Với phương châm “ Thượng tôn Pháp luật”, “Không bắt oan người ngay và không bỏ lọt tội phạm” và “ Trọng chứng hơn trọng cung”, thiết nghĩ  các cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Long An phải giải thích cho công luận rõ vấn đề này!

Trong vụ án này, việc Ban Chuyên án (CQĐT) lấy mẫu vân tay và gửi trưng cầu giám định để xem trong các nghi can bị triệu tập, đặc biệt là 4 nghi can có mặt tại Bưu cục Cầu Voi trong buổi tối ngày 13/1/2008, xem ai là người có vân tay “trùng” với các dấu vân tay thu thập được tại hiện trường là việc đương nhiên và bắt buộc phải làm. Nếu CQĐT không thực hiện công đoạn này, thì đây là một sai sót nghiệp vụ rất ấu trĩ, không một ai có thể chấp nhận được!  Còn đối với Hồ Duy Hải, ngoài lời khai “tự nhận tội” ra, CQĐT cũng cần giải thích rõ, trên cơ sở chứng cứ pháp lý và khoa học nào lại kết luận Hồ Duy Hải là thủ phạm duy nhất giết hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi, trong khi các dấu vân tay thu được tại hiện trường đều không phải là của Hồ Duy Hải, và vật chứng (hung khí gây án) cũng không thu giữ được, phải cho người ra chợ mua mới để thế vào  theo “lời mô tả” của nghi can. Ngay cả động cơ gây án của Hải cũng cần được xác định cho thật rõ!  Tôi không khẳng định việc Hồ Duy Hải buộc phải khai nhận tội là do bị bức cung, bị tra tấn, bị nhục hình. Đây chỉ là một trong những giả thiết! Cũng có thể do Hải bị tâm thần hoang tưởng, do buồn chán, bế tắc trong cuộc sống, mà khai bừa, tội nào cũng sẵn sàng nhận để sớm được chết!  Đây chỉ là những khả năng giả tưởng, song cũng không nên loại trừ khả năng hay giả thiết nào cả! Trong thực tế ở nươc ta đã xảy ra rất nhiều vụ án oan sai rồi, đặc biệt là do không chịu đựng nổi mỗi khi bị bức cung, ép cung hay bị tra tấn, nhục hình hoặc do bị cả 2 hình thức này mà nghi can buộc phải nhân tội trước CQĐT, mà ví dụ mới nhất là vụ án oan chấn động dư luận Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang vừa qua; hoăc như vụ nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị đánh và tra tấn đến chết tại trại tạm giam của Công an Thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên hồi tháng 5/2012 vừa qua khiến cho 5 sỹ quan công an phải ngồi tù!

Trong vụ án Bưu cục Cầu Voi này, có một chi tiết rất đáng nghi ngờ và cần phải làm rõ là sau khi được thả, nghi can số một Nguyễn Văn Nghị đã biến mất tăm, và không rõ hiện anh ta trốn ở đâu?  Nếu là CQĐT, tôi sẽ tìm lại Nguyễn Văn Nghị bằng được để lấy điểm chỉ 10 ngón tay của nghi can này gửi đi giám định xem có trùng với các dấu vân tay đã thu thập được tại hiện trường vụ án hay không?  Một khuất tất nữa là vì sao mọi thông tin, tài liệu, lời khai, bút lục của các nghi can - nhất là của nghi can Nguyễn Văn Nghị -  lại được rút ra khỏi Hồ sơ Vụ án?  Ai là người làm việc này và nhằm mục đích gì?  Tại địa phương (Long An) hiện đang có dư luận râm ran rằng Nguyễn Văn Nghị là cháu ruột một quan chức rất quan trọng trong bộ máy chính quyền Nhà nước và Nghị còn có người chú dượng chức vụ rất to đang công tác tại địa phương!  Vậy thực hư việc này ra sao, rất cần được làm sáng tỏ để giải tỏa hồ nghi của dư luận, kể cả dư luận nói rằng Hồ Duy Hải phải chết để thế mạng cho Nguyễn Văn Nghị!

Những ai quan tâm và theo dõi vụ trọng án xảy ra tại Bưu cục Cầu Voi (Long An) đêm 13/1/2008  và các phiên xét xử sau đó rất dễ nhận ra những dấu hiệu oan sai hiển nhiên đối với Hồ Duy Hải, chỉ xin điểm qua 4 dấu hiệu oan sai rõ nhất sau đây: 

- Dấu vân tay để lại tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải. 

- Không có nhân chứng nào nhận diện Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án (13/1/2008).  

- Không thu giữ được hung khí mà thủ phạm dùng gây án, thế vào chỉ là “hung khí giả” thay cho”hung khí thật” mà thôi.  

- Hồ sơ Vụ án bị làm sai lệch; lời khai của bị cáo trong bản cung bị tự tiện sửa chữa, tảy xóa mà không có sự xác nhận của bị cáo.  

Thật không thể hình dung nổi, ở giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này, loài người lại có những bản án cướp đoạt sinh mạng con người một cách sơ đẳng và tàn nhẫn đến như vây?!  Ở thời đại văn minh ngày nay, tại sao lại vẫn còn những phiên tòa phạm phải nhiều sai sót cực kỳ ấu trĩ và nghiêm trọng như vậy?! Người dân có quyền đặt câu hỏi CÔNG LÝ ở đâu, có đứng về phía dân lành hay không? 

Điều 273 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự nói rõ chỉ cần có 1 trong 4 căn cứ theo quy định là đủ điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm. Vụ án Hồ Duy Hải này không chỉ có 1 mà có đủ cả 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm!  Điều đáng mừng là, ngày 20/ 3/2015 , Đoàn Giám sát của Quốc Hội về tình hình án oan sai đã xem xét rất kỹ vụ án Hồ Duy Hải và đã thống nhất yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này! Tất cả 3 luật sư bào chữa và nhiều ĐBQH là thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cũng yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm vụ án nói trên!  Song không hiểu vì lý do gì mà TANDTC và VKSNDTC cho đến nay vẫn nhất quyết không chấp nhận kháng nghị vụ án này theo trình tự giám đốc thẩm?

Nước ta đang tiến hành công cuộc Cải cách Tư pháp mà trọng tâm là cải cách ngành Tòa án, lấy Tòa án làm trung tâm trong quá trình Cải cách Tư pháp để sớm đưa nước ta thành Nhà nước Pháp quyền. Các cơ quan tố tụng như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, đặc biệt là Tòa án phải gương mẫu đi tiên phong trong công cuộc cải cách quan trọng này. Việc TANDTC và VKSNDTC chấp nhận giám đốc thẩm vụ án này - theo kiến nghị của Đoàn Giám Sát của Quốc Hội tháng 3/2015 vừa qua - sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc Cải cách Tư pháp, giúp nước ta đẩy nhanh hội nhập với thế giới, góp sức làm xã hội ta công bằng và tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng nước ta sớm trở thành Nhà nước Pháp quyền, thực sự của dân, do dân và vì dân!  Việc này cũng sẽ ít nhiều khôi phục lại lòng tin của nhân dân trong toàn quốc nói chung, cũng như là của người dân tỉnh Long An nói riêng, vào hệ thống TƯ PHÁP và CÔNG LÝ nước nhà!        

                                                                                      Hà Nội, ngày 3/7/2015.
                                                                                                    N.Đ.Q


      
                                                             

21 nhận xét :

  1. Có lẻ một trong nhiều lý do mà các nước tân tiến không tử hình những phạm nhân là : tử hình oan sai. Những việc sai khác còn sửa chửa, đền bù, chỉnh đốn nhưng khi một con người đã chết thì làm sao cho sống lại được. Đặt trường hợp xảy đến cho người thân thuộc của mình thì ra sao ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không hẳn là như vậy.
      Họ xoá bỏ mức án tử hình
      là do lý do khác
      chứ không phải để hòng sửa sai.

      Xóa
    2. Quan điểm của họ (các nước có nền văn minh tiến bộ) là trân quý sinh mạng con người và quyền được sống ! Người mắc tội thì bị pháp luật trừng phạt, người mắc tội nguy hiểm thì bị giam giữ để cách ly với xã hội vĩnh viễn ( chung thân), nhưng để Người mắc tôi sống và người ấy suy nghĩ ! Đấy mới là giá trị nhân văn đích thực. Còn như "đoàng một phát" là chỉ để răn đe kẻ sống, chứ không hề có tính giáo dục kẻ đã phạm tội ?
      Còn nếu phải chọn giữa cái "án sai/oan" và cái "án sót/bỏ lọt" với một nghi phạm, thì người ta phải chọn cái "án sót/bỏ lọt", bởi vì kẻ phạm tội mà cố ý phạm tội tiếp thì trước sau cũng bị trừng trị, còn kẻ ấy biết sợ mà không tiếp tục phạm tội tiếp nữa thì xem như vô hại với xã hội ! Cái quan niệm "có vay có trả" đối với nghi phạm là cái nhìn lỗi thời lạc hậu của thời đại hôm nay !
      Thưa cụ cố Hồng có phải thế không ạ ?

      Xóa
  2. "Hồ Duy Hải - Tử tù oan. Oan khiên hay thế mạng ho Nguyễn Văn Nghị?"
    Vậy Nguyễn Văn Nghị là ai và vì sao không bị điều tra?

    Trả lờiXóa
  3. Chắc ai học phổ thông cũng có thể nhớ câu ca dao nói về thời xưa „Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, Ba Bộ đồng tình bóp vú con tôi“. Còn thời nay cũng không khác xưa, nếu nhìn những vụ như vụ anh Chấn hay các vụ tương tự, - cả 3 cơ quan tố tụng đều nhất trí „bắt và xử tội phạm“ – mặc dù trước đó điều tra cẩu thả, áp đặt, nhục hình, ép cung và đặc biệt nhất coi thường nhân phẩm người bị bắt giam, tức là xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Tôi phải cho vào ngoặc kép, vì khi bắt sai tội phạm thì lại gây án mới, và tội phạm thật thì nhởn nhơ. Chưa kể nhiều vụ chạy án thì kẻ phạm tội lại ung dung tự tại, vì dù là gây án nhưng do có tiền, rất nhiều tiền càng tốt, hay có thể thay thế dùng ô che quyền lực. Và những người đại diện cho 3 cơ quan kia khi thấy những án oan ngút trời xanh , điển hình nhất là cơ quan công an thì lại dùng những từ rất đồng đội: do anh em nôn nóng muốn phá án ... họ cố tình không biết rằng khi nhân viên mình dùng nhục hình như trong vụ anh Chấn thì đó là tội ác và là tội phạm nghiêm trọng và xử lý bình thường phải nghiêm minh bình đẳng như dân thì ít nhất ngồi giam mọt gông! Đáng buồn luật hình Việt nam áp dụng cho quan cũng nhẹ hơn hẳn, nên mới có vụ công an đánh chết dân chỉ bị tù 4 năm như vụ Ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh chết. Tóm lại cả luật hình, tố tụng hình sự và 3 cơ quan tố tụng đều cần phải được xem xét và thay đổi cơ bản mới hy vọng không có oan sai và trong lĩnh vực hình sự kể cả những quan chức thần kinh có vấn đề như „nghị“ Đỗ Văn Đương cũng nên biến nhanh khỏi chính trường vì dám quy ủng hộ quyền im lặng là ủng hộ „diễn biến hòa bình“.

    Trả lờiXóa
  4. CÔN AN ĐIỀU TRA VN ĐƯỢC TIẾNG GIỎI NHẤT THẾ GIỚI, KHÔNG TỘI LÀM RA TỘI, "KIỂM SÁT", TÒA ÁN ĐỀU THUỘC LOẠI SIÊU ĐẲNG, QUAN TOÀ KHÔNG HỀ NGHE LỜI LUẬT SƯ BÀO CHỮA, NHIỀU KHI CẤM LUÃT SƯ BIỆN HỘ. BỊT MIỆNG BỊ CÁO V.V. THÔNG THƯỜNG BẢN ÁN ĐÃ CÓ SẴN TRƯỚC KHI XỬ.
    LVD

    Trả lờiXóa
  5. http://www.phapluatso.com/luat-su-hai-mang-trong-vu-tu-tu-ho-duy-hai.html.
    Đọc "Luật sư hai mang trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải" để thấy cả một bộ máy bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và ....luật sư toa rập với nhau để đưa Hải vào chổ thế mạng.
    Thủ phạm là thằng khốn kiếp nào mà ghê gớm như vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Báo Điện tử Pháp Luật:
      Luật sư hai mang trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải
      http://baophapluat.vn/phong-su-dieu-tra/luat-su-hai-mang-trong-vu-an-tu-tu-ho-duy-hai-205247.html

      Xóa
    2. Luật sư là không có "mang", bảo vệ thân chủ không có nghĩa là biện bác cho thân chủ, mà là vận dụng luật pháp trên cơ sở đúng/sai mà thôi ! Có nghĩa là làm cho việc thực thi pháp luật được công bằng-bình đẳng cho mọi công dan ! Còn làm luật sư mà lại có "mang" thì là luật sư "đểu", họ lợi dụng chức danh luật sư làm điều bậy bạ. Những luật sư như vậy sẽ bị pháp luật trừng trị và xã hội thải loại ?

      Xóa
    3. Nguyễn Văn Nghị là cháu của Trương Mỹ Hoa,
      vậy Lê THanh Hải là dượng của nó.

      Xóa
    4. nếu đúng như vậy thì cái gia đình này có nhiều nợ máu với nhân dân

      Xóa
  6. Bọn làm sai nó sợ sửa sai lắm vì vừa mất danh dự, vừa phải đền ốm, có khi lại tù tội nên nó đếch sửa đâu ! Chó chết mà!

    Trả lờiXóa
  7. Trong hồ sơ lưu ở công an phải có dấu vân tay của tên Nghị chứ? Cứ thế mà so sánh.
    Mờ ám quá!

    Trả lờiXóa
  8. Một việc làm rất đơn giản là truy bắt Nguyễn Văn Nghị về điều tra mà cơ quan pháp luật vẫn không làm thì người dân có cơ sở để khẳng định Hồ Duy Hải là người bị đem làm vật thế mạng cho con cháu một ông lơn lớn.

    Trả lờiXóa
  9. CTN có tha chết cho HDH thì cứu được một mạng người và cũng chẳng chết ai !

    Trả lờiXóa
  10. Tôi được thầy giáo trong trường Công an dạy :
    "Trọng chứng hơn trọng cung" Có nghĩa là tôn trọng chứng cứ không dễ tin vào lời khai...
    - Trường hợp này cơ quan điều tra căn cứ vào “suy luận Logic” (đoán mò) để hướng cho bị can khai theo ý của điều tra viên, không hề có bằng chứng và dấu vết tội phạm, vậy thì dân chết oan là cái chắc.
    - Cơ quan Kiểm sát và Toà án căn cứ theo kết luận điều tra để truy tố Hải là chuyện đương nhiên. Tiếc thay trong quá trình xét xử thì kết quả thẩm vấn công khai ở Toà không được xác minh kiểm tra lại. Đây là sai lầm chết người của Toà án ND...
    Khi một người chưa từng bị công an băt và điều tra, chưa có kinh nghiệm đối phó với việc thẩm vấn xét hỏi thường bị hoang mang, ất bình tĩnh nên dễ bị điều tra viên bắt chẹt truy bức đến cùng….Buộc họ phải khai ra theo gợi ý của Điều tra viên là dễ hiểu.
    Vụ án này theo cá nhân tôi cần phải tìm cho ra tên Nghị…để làm rõ về dấu vân tay và những nghi ngờ như bài báo đã nêu. (Tuy nhiên việc không thu được dấu vân tay của Hải ở hiện trường không đồng nghĩa với việc Hải không phải là tội phamh vì người phạm tội có thể sử dug bao tay)…

    Trả lờiXóa
  11. Nếu cho chửi, tôi không có từ ngữ mất dạy nào đủ để mô tả sự đểu giả của các "cơ quan tư pháp" của cái đất nước này.
    Nếu để bênh vực chúng thì thế này: bà Nguyễn Thị Năm với bao nhiêu tài sản, bao nhiêu công sức nuôi giấu "cán bộ" mà còn bị lôi ra bắn thì Hồ Duy Hải xem ra tử hình còn chưa thỏa cơn "cách mạng" của chúng!

    Trả lờiXóa
  12. "không bắt được tay không day được trán"... "tang vật cặp tang nhân"
    Các cụ xưa dạy thế.

    Trả lờiXóa
  13. HT ĐIỀU TRA VÀ XỬ ÁN THỐI THA NHƯ VẬY MÀ XÂY TƯỢNG BT HAY ĐÒI DỰNG TƯỢNG CHÁNH ÁN TATC
    KHÔNG BIẾT NGƯỢNG

    Trả lờiXóa
  14. ĐỀ NGHỊ CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG LẤY HỒ DUY HẢI LÀM BIỂU TƯỢNG CHO TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI VIỆT NAM.

    Trả lờiXóa
  15. Đáng lẽ, Luật sư Trần Hồng Phong phải được nghe đầy đủ ý kiến và trình bày của những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm này, ví dụ như ý kiến, trình bày của một số Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã tiến hành tố tụng ở cấp Sơ thẩm, Phúc thẩm đang tham gia phiên tòa. Nếu Luật sư Trần Hồng Phong không đồng ý với những ý kiến trình bày đó, hoặc phát hiện những vấn đề cần làm rõ thì có quyền và nghĩa vụ tranh tụng đến cùng và Chủ tọa có nghĩa vụ tạo điều kiện cho Luật sư trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng với những người tham gia phiên tòa khác. Tuy nhiên, việc ông Chủ tọa không cho Luật sư tiếp tục phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
    Khi Luật sư Trần Hồng Phong mất đi quyền có mặt và thực hiện nghĩa vụ, quyền tranh tụng của mình tại phần tiếp theo của phiên tòa, có nghĩa là bị án Hồ Duy Hải đã bị tước đi cơ hội cuối cùng, hy vọng cuối cùng được xem xét công bằng theo quy định.
    Có lẽ chủ tọa phiên tòa NH Bình 1 lần nữa muốn kết tội Hồ Duy Hải nên mới không cho luật sư Phong tiếp tục tham dự phiên tòa để dễ bề xử lý!

    Trả lờiXóa