Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

TRUYỀN THÔNG VÀ Y TẾ - TRƯỜNG HỢP CÁC TỔNG THỐNG MỸ

Truyền thông và y tế
Nguyễn Văn Tuấn
21-07-2015

Liên quan đến tình trạng sức khoẻ của ông Phùng Quang Thanh, có một câu trả lời của Ban bảo vệ sức khoẻ trung ương rằng “Ngày giờ xuất viện cụ thể và nơi ở hiện nay của ông Thanh thì tôi không nắm rõ”. Kể ra cũng ngạc nhiên, vì đáng lẽ quan “ngự y” phải biết tình trạng sức khoẻ của sếp ra sao chứ. Có lẽ vì một lí do tế nhị nào đó, nên ngay cả quan ngự y cũng đành phải ấm ớ. Nhân dịp này tôi nhớ lại những dòng lịch sử của mối tương tác giữa truyền thông và khoa học …

Tờ khải của Viện Thái Y năm Gia Long thứ 18 (1819). Ngự y dâng thuốc và được vua 
phê chuẩn sẽ dùng. Chữ màu son đỏ là bút tích của nhà vua. Ảnh: Báo Dân trí

Mối liên hệ giữa truyền thông và y tế có một lịch sử khá lâu đời, phong phú và thú vị. Điểm qua các sách liên quan đến bộ môn này, có thể nói rằng giới truyền thông bắt đầu chú ý đến các vấn đề y tế liên quan đến tình trạng sức khỏe của các chính trị gia ở Mĩ. Tháng 6 năm 1893, tổng thống Mĩ, Glover Cleveland, xuống một chiếc du thuyền ở hải cảng New York trong một chuyến đi được người ta biết đến như là một chuyến du ngoạn trên biển. Tuy nhiên, trên thuyền còn có 5 bác sĩ giải phẫu và một nha sĩ, và nhiệm vụ của họ là giải phẫu qui hàm trái bị ung thư của tổng thống. Sau khi cuộc phẫu thuật hoàn tất, các quan chức Nhà trắng cho công chúng biết đó là một cuộc … nhổ răng.

Năm 1919, sau khi tổng thống Woodrow Wilson bị tai biến mạch máu não, ông được các quan chức Nhà trắng khuyên phải để râu để che lấp phía trái của mặt bị teo lại vì cơn bệnh. Chẳng những thế, văn phòng ông làm việc mỗi khi khách đến thăm được điều chỉnh ánh sáng sao cho mờ mờ để che dấu khuyết tật của ông. Tương tự, bệnh bại liệt (polio) của tổng thống Roosevelt và bệnh Addison của tổng thống Kennedy cũng được các quan chức Nhà trắng dấu kín, không tiết lộ cho công chúng biết.

Mãi đến năm 1955, khi tổng thống Dwight Eisenhower cho phép tiết lộ chi tiết về việc ông vừa bị nhồi máu cơ tim và trải qua cuộc phẫu thuật lớn do bác sĩ Paul Dudley thực hiện. Thậm chí bí thư báo chí của tổng thống còn tiết lộ với báo chí về màu áo pijama ông mặc và số lần ông … đi tiêu trong ngày! Kể từ đó, các vấn đề y khoa không còn là những thông tin bí mật, mà được chia sẻ một cách thành thật trước công chúng.

Cho đến thập niên 1980, các bản tin liên quan đến y tế bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên mặt báo, hệ thống truyền thanh và truyền hình, và sức khỏe của tổng thống không phải là vấn đề bí mật nữa. Nhờ đó mà chúng ta biết được ông Reagan mắc bệnh Alzheimer, có thể ngay từ lúc ông còn tại chức (?)

Nhưng ở Việt Nam, sức khoẻ của các lãnh đạo vẫn còn úp úp mở mở. Chính tình trạng mù mờ này là môi trường tuyệt vời cho những đồn thổi mà chúng ta thấy qua trường hợp của ông PQT mấy ngày qua. Tính ra thì truyền thông y tế của VN đi sau Mĩ cả 35 năm.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét