Tranh cãi giữa lãnh đạo không chắc là tự do báo chí
Kính Hòa, phóng viên RFA
RFA 2015-07-01
Thời gian qua trên báo chí chính thống tại Việt nam xuất hiện những cuộc tranh luận khá cởi mở, liên quan cả đến những vấn đề lớn như là thể chế chính trị. Đó có phải là dấu hiệu tự do hơn của nền báo chí Việt nam hay không?
Đầu tháng sáu trên báo Dân trí xuất hiện bài báo mang tựa đề Phải chăng kinh tế tư nhân là nền tảng của kinh tế quốc dân, của tác giả Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà nội. Trong bài viết này tác giả cho rằng nền kinh tế tư nhân ở Việt nam mặc dù đã ‘tiến những bước dài’ nhưng không thể là trụ cột của nền kinh tế quốc dân được. Và ông cũng vận dụng những lý thuyết kinh điển của chủ nghĩa cộng sản để nói rằng kinh tế nhà nước phải có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Ngày 11 tháng sáu trên Thời báo kinh tế Sài gòn xuất hiện bài viết về nghiên cứu của nhóm học giả Fulbright tại Việt nam. Nghiên cứu này đưa ra những ý kiến xem kinh tế tư nhân là một đối tác liên minh với chính quyền trong việc tạo ra một nước Việt nam thịnh vượng. Ngoài ra các học giả được trích lời cũng cho rằng thời điểm cải cách thể chế đã đến, trong đó bao gồm cả việc tạo cho nền tư pháp một tư thế độc lập.
Ngày 30/6 nội dung tương tự như bài báo trên tờ Kinh tế Sài gòn xuất hiện trên báo online Vietnamnet với hình thức phỏng vấn.
Như vậy là những ý kiến rất khác biệt liên quan đến cả ý thức hệ xuất hiện một cách công khai trên phương tiện truyền thông chính thống. Đó có phải là một dấú hiệu cởi mở về chính trị hay ít nhất một sự cởi mở cho phép tranh luận trên truyền thông do nhà nước quản lý hay không?
Sự khác biệt trong đảng?
Khi được hỏi như thế, nhà hoạt động dân sự Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về những khác biệt đó:
“Trước kia nó cũng thế, không bao giờ có cái gọi là thống nhất cả. Vấn đề là cái đó nó có bộc lộ ra trên truyền thông đại chúng hay không mà thội.”
Một nhà quan sát chính trị xã hội trong nước là cựu tù nhân chính trị Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung cũng cho rằng có những khác biệt trong đảng cầm quyền, thậm chí là những ý tưởng cải cách chính trị mạnh mẽ:
“Theo quan điểm của tôi thì phía trong nội bộ đảng cũng có nhiều người người ta muốn bức phá, thay đổi thể chế, để có dân chủ hơn, cũng như bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả hơn. Cho nên qua chuyện họ đặt hàng chương trình Fulbright hay Harvard để có ý kiến thì tôi thấy rất là tốt. Chúng ta thấy trong nội bộ đảng có nhiều phe nhóm chứ không phải chỉ có 1 nhóm muốn độc tài, độc quyền, độc đảng.”
Trở lại bài viết của nhóm Fulbright, các học giả có đề cập đến sự thiết kế một nền tư pháp độc lập, điều mà cho đến nay đều bị các quan chức cao cấp của đảng chính thức bác bỏ. Một ủy viên trung ương đảng cao cấp cũng có nói với chúng tôi rằng sự độc lập đó là cần thiết, và theo vị này thì nếu không thích cái tên tam quyền phân lập thì có thể dùng từ khác. Tam quyền phân lập vốn thường hay được nhắc tới như một đặc điểm của thể chế tư bản.
Truyền thông được phép tự do trong nững dịp đặc biệt?!
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định về những bài viết có quan điểm mạnh mẽ khác nhau trên truyền thông chính thống trong thời gian gần đây:
“Tôi nghĩ rằng 10 năm trước cũng có những phát biểu không kém mạnh mẽ như của nhóm Fulbright, mà cũng không lạ gì cũng có những ông bộ chính trị rất là bảo thủ đứng lên phản bác lại. Tôi nghĩ rằng cái này nó chỉ phản ánh mỗi một chuyện là sắp tới đại hội đảng và người ta tranh luận, và cái chuyện tranh luận như thế này rất là tốt nếu nó tiếp tục trong một thời gian dài chứ không phải chỉ nhân một cơ hội. Tôi nhớ lại là vào khoảng năm 2005 cũng có những tranh luận trên báo chí khá là cởi mở.”
Như vậy có thể là chuyện đưa các ý kiến khác biệt công khai lên báo chí chưa chắc là một chỉ dấu cho sự nới lõng về tự do báo chí. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói rằng trang blog cá nhân của ông liên tục bị chặn đến mức ông không muốn dùng nữa mà chuyển qua mạng xã hội, mặc dù mạng xã hội ở Việt nam vẫn thường xuyên bị cản trở:
“Chận blog thì càng ngày càng khắc nghiệt hơn. Nhiều người than phiền không vào được, mà vào được thì có khi thấy mã độc nữa. Facebook thì những lúc trọng điểm lại nghe nói là cá mập cắn cáp.”
Một nguồn tin từ giới nhà báo trong nước cho chúng tôi biết về các bài báo mang tính phản biện chính sách trên tờ thời báo Kinh tế Sài gòn:
Có điều báo TBKTSG xưa nay vẫn đi theo tôn chỉ "phản biện chính sách" nên lâu lâu phản biện các chủ trương này nọ, đưa ra cách làm của nước khác hoặc nêu kiến nghị của giới nghiên cứu, học giả v.v... Hầu như tất cả các bài này đều "có chừng mực" và mang tính xây dựng nên tuyên giáo cũng khó bắt bẻ.
Bên cạnh chuyện cho phép các tờ báo do nhà nước quản lý nêu các tranh luận, và cũng có thể là những ý kiến khác biệt trong đảng, trong những khoảng thời gian trước đại hội đảng, người ta còn thấy có những lời kêu gọi dân chúng đóng góp ý kiến. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung nêu lên sự khác biệt giữa hai vấn đề đó:
“Cũng lưu ý là chuyện các ý kiến khác nhau trong đảng được thấy rõ ở báo chí trong nước, đó là một chuyện. Còn chuyện khác mà tôi chứng kiến như là kêu gọi dân góp ý thì lại là để biết ai có tư tưởng trái ý với họ để họ sách nhiễu. Hồi 2006 có đại hội đảng thì người ta cũng kêu gọi góp những ý kiến khác biệt cho báo cáo chính trị của đảng cộng sản. Mình viết xong rồi thì sau này họ nói là bài viết đó chống phá đảng cộng sản, không thật tâm chút nào cả. Cần phân biệt những chuyện đó.”
Không rõ lần này sự tranh luận trên báo chí chính thống có được kéo dài thành một việc thường xuyên hay không, nhưng giới nhà báo vẫn còn dè dặt khi bàn đến những chuyện lâu nay được coi là nhạy cảm. Một nhà báo về hưu thì nói là ông không quan tâm đến những tranh luận trên báo trong thời gian gần đây. Một người khác hiện đang giữ trọng trách ở một tờ báo lớn thì nói là nếu muốn hỏi ý kiến ông về sự cởi mở của ngành truyền thông hiện nay thì ông phải có thời gian suy nghĩ vì chuyện đó đụng chạm đến cả một sự nghiệp chính trị của ông.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét