Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Hà Nội Xanh: THẤY GÌ SAU CƠN MƯA LỐC HÔM QUA?


THẤY GÌ SAU CƠN MƯA LỐC HÔM QUA?


Chiều 13/06/2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra cơn mưa giông lốc, gây thiệt hại về người và của. Đã có 1 người chết và ít nhất 3 người bị thương, nhiều nhà bị tốc mái... Nhiều phương tiện giao thông bị gió lốc quật ngã, có trường hợp bị thương, biển báo, cột điện bị đổ. Trên nhiều tuyến phố, cây xanh đổ xuống đường, gây thiệt hại về phương tiện và gây nguy hiểm tới người dân.

Lợi dụng cơ hội này, một số người đứng sau vụ chặt cây sai trái, các “dư luận viên” và cả những người có suy nghĩ kiểu dư luận viên được dịp hả hê bao biện để cổ vũ cho cái “chủ trương đúng” về việc thảm sát cây Hà Nội.

Trong khi đó, chúng ta đều biết rằng việc thảm sát hàng loạt cây xanh khoẻ mạnh trên đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Chí Thanh là vi phạm Luật Thủ đô và Luật Môi trường, có nhiều gian dối, lừa đảo (đánh tráo cây)... Một số luật sư thậm chí đã đề cập đến trách nhiệm hình sự trong vụ chặt cây sai trái.

Ngay cả bản kết luận thanh tra của Hà Nội, tuy chưa đề cập đến sự vi phạm pháp luật và chưa yêu cầu xử lý nghiêm khắc trước pháp luật những cá nhân phạm tội, cũng đã kết luận rằng việc chặt hạ cây xanh “có nhiều sai sót”.

Tuy vậy, dư luận không đồng tình với cách đưa ra kết luận quanh co, đầy bất cập và chủ ý giảm nhẹ cho những người vi phạm luật pháp. Thêm vào đó, ông Phạm Quang Nghị còn phát biểu: “Thanh tra đã làm rõ hết... " và ông Nguyễn Xuân Phúc cũng phát biểu cùng màn kịch, lại càng tạo thêm bức xúc trong nhân dân khi xử lý vụ việc không thoả đáng, gây mất niềm tin cho dân.

ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO CÂY

Cứ đến mùa mưa bão hàng năm, các cây xanh lại bị bật gốc hoặc đổ. Thành phố Hà Nội liên tiếp đào xới vỉa hè để hạ ngầm cáp, lát lại vỉa hè, khiến rễ cây bị chặt, cây mục ruỗng. Sau mỗi đợt mưa kéo dài, do ngâm nước lâu, nền đất quanh gốc cây ấm, nhão và khi có gió lớn là nhiều cây, nhất là cây lớn, tán rộng, dễ bị đánh đổ. Ngoài ra còn có hiện tiện “bức tử” cây xanh do ý thức người dân chưa cao; những cuộn dây thép chằng chịt quấn quanh, những đường dây đèn trang trí, đinh đóng vào cây… đều gây ảnh hưởng tới sự sống của cây.

Lý do để biện bạch cho vụ chặt cây xanh Hà Nội là “cây cong nghiêng gây nguy hiểm cho người dân, cây sâu bệnh, cần phải chặt/thay”. Tuy nhiên, chính quyền buộc phải có biện pháp bảo vệ và phòng tránh nguy hiểm, chứ không thể chặt hàng loạt cây khoẻ mạnh, và càng không thể chặt đồng loạt hơn 400 cây xà cừ lớn trên cả đường Nguyễn Trãi; lý do này là sự biện bạch không thể chấp nhận!

Như GS. Nguyễn Lân Dũng đã phát biểu tại một hội thảo về Đề án 6700 cây xanh, chiều 22/3 tại Hà Nội: "Cây cũng như người. Cây sâu bệnh thì chúng ta phải có phương án chữa, chống gãy đổ chứ không phải mang ra chặt cả loạt. Người bị bệnh thì chúng ta phải chữa trị chứ không ai lại đem chôn".

Những bức ảnh chụp những cây bị đổ do gió lốc ngày 13/6 cho thấy hầu hết là những cây nhỏ, yếu, rễ nông, cây nào to hơn thì là do gốc cây mục ruỗng, lá loà xoà mà không được cắt tỉa, chứ không phải là những cây khoẻ mạnh rễ sâu, thân to như những cây xà cừ cổ thụ đã bị chặt oan uổng! Các bạn hãy xem: Trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngày 13/6 ở Đường Láng, hàng cây xà cừ giữa giải phân cách giữa hai làn đường gần như không thiệt hại. Trong khi đó, những cây nhỏ bên phía làn sông Tô Lịch lại bị gãy, đổ ngổn ngang.

Điều này cho thấy sự bất cập và vô trách nhiệm trong cách quản lý cây xanh của chính quyền Hà Nội: Việc đáng phải làm là chăm sóc và thay những cây yếu dễ đổ thì họ không làm, mà lại tổ chức chặt những cây to khoẻ mạnh! Những bức ảnh về những cây mới trồng bị đổ còn nguyên cả túi nylon và dây buộc quanh gốc cây càng là bằng chứng tố cáo về sự vô trách nhiệm và làm ăn tắc trách của chính quyền!

Chưa kể, chính quyền đã chỉ đạo chặt hàng loạt cây xanh, cây cổ thụ, để thay thế một số bằng cây mỡ (đánh tráo cây vàng tâm). Đặc điểm của cây mỡ là “dễ trồng, nhưng tán thưa, tạo bóng mát kém. Đặc biệt, gỗ của loại cây này rất mềm, hay gãy đổ, trồng làm cây đô thị sẽ không an toàn trong mùa mưa bão” (TS Đặng Văn Hà – Phó viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lâm nghiệp đô thị (ĐH Lâm nghiệp) – trao đổi với báo chí ngày 21/3).

Vậy thì thực sự chính quyền Hà Nội đã và đang làm gì?

Cây xanh có tác dụng giảm tốc độ gió, lọc bụi, điều hoà không khí, tránh ngập lụt, bảo vệ môi trường... Vì một bộ phận dư luận đang cho rằng “phản đối chặt cây là sai”, suy ra họ đồng ý với việc chặt hạ 6700 cây trên địa bàn Hà Nội, nếu có thay thế thì thay bằng những cây mỡ “tong teo” mà chúng ta đã thấy trên đường Nguyễn Chí Thanh (hiện đã chết khô rất nhiều).

Vậy hãy thử hình dung một Hà Nội trơ trụi. Những mái nhà gắn bằng tôn, hay những tấm cửa sổ, thậm chí các phương tiện đi đường sẽ bị gió, giông lốc quật ngã, thổi bay như thế nào? Thiếu cây xanh, Hà Nội vốn đã ô nhiễm ngột ngạt, nay sẽ ra sao? Chúng ta đều đã được chứng kiến điều đó trong những ngày nắng nóng vừa qua khi đi qua những con đường bị chặt hết cây xanh.

QUA ĐÂY CHÚNG TA TẠM THỜI KẾT LUẬN:

1. Chính quyền TP. Hà Nội đã không làm đúng trách nhiệm trong việc kiểm tra, cắt tỉa và thay thế những cây YẾU, RỄ MỤC/NÔNG VÀ SÂU BỆNH THỰC SỰ để tránh gãy đổ, gây thiệt hại cho dân.

2. Vụ CHẶT HÀNG LOẠT CÂY CỔ THỤ KHỎE MẠNH của TP. Hà Nội là vi phạm pháp luật và không thể biện bạch, không thể che giấu. Bản kết luận thanh tra hiện nay không thoả đáng, bỏ sót rất nhiều sai phạm nghiêm trọng. Chúng ta cần yêu cầu Quốc hội vào cuộc thanh tra lại để những cá nhân vi phạm pháp luật phải bị xử lý thích đáng.

Sau cơn mưa, trời lại nắng. Và trong dư luận, có những người hễ mưa bão thì đổ tại cây và chỉ trích người bảo vệ môi trường, hễ nắng thì tìm bóng râm.


3 nhận xét :

  1. Anh che cho tôi thì tôi đỡ cho anh, hề hề ! bọn trí thấp không biết gì đâu mà lo ?

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều cây sẽ cản bớt sức gió, càng ít cây giông gió sẽ càng lớn, cột điện còn đổ nói gì cây! Cứ chặt đi rồi sẽ gánh hậu quả nhãn tiền!

    Trả lờiXóa
  3. Khẩu hiệu này mới "đúng"
    DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, QUAN KIỂM SOÁT!

    Trả lờiXóa