Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

HỘI THẢO BÓC TRẦN SỰ THẬT CỦA CÁI GỌI LÀ "CON ĐƯỜNG TƠ LỤA"

Hình ảnh cuộc tọa đàm về Con đường tơ lụa

Sáng 20.6.2015, Trung tâm Minh Triết tổ chức tọa đàm khoa học về chủ đề “Con đường tơ lụa trên biển” tại trụ sở Viện SENA, 35 Điện Biên Phủ, với sự hợp tác của một số nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa Biển (IMC) và Chương trình Minh triết Làm chủ Biển Đông.

Đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, cựu quan chức đã tham gia tọa đàm: Dương Danh Dy, Nguyễn Khắc Mai, Trần Ngọc Vương, Giáp Văn Dương, Trịnh Quang Vũ, Trần Đình Hiến, Lê Mã Lương, Phạm Gia Minh, Nguyễn Vi Khải, Lâm Bảo, Đinh Kim Phúc, Lê Vĩnh Trương, Trịnh Văn Định, Đinh Hoàng Thắng, Hoàng Ngọc Giao, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang A, Nguyễn Đăng Quang, Thang Văn Phúc, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Thị Kim Chi, Vũ Linh, Ngô Sỹ Thuyết, ….

Mở đầu, sau lời giới thiệu vắn tắt của TS Đinh Hoàng Thắng, các diễn giả bắt đầu trình bày. TS. Trịnh Văn Định mở màn tọa đàm với bản tham luận “Con đường tơ lụa – con đường thế giới “về chầu” Thiên triều”. Tham luận của TS. Trịnh Văn Định là một báo cáo khoa học công phu, khách quan, khoa học và giàu sức thuyết phục; được toàn bộ cử tọa khen ngợi. Dưới đây là toàn văn bài tham luận quan trọng này:


Con đường tơ lụa
–  Con đường thế giới “về chầu” Thiên Triều

TS. Trịnh Văn Định
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội

Đặt vấn đề
Nhìn tổng thể, ở Trung Hoa từ cổ đại cho đến tận ngày nay, cơ bản định hình hai loại hình giao thông thủy bộ lớn: một loại hình hình thành cơ bản do tự nhiên kiến tạo và một loại hình phi tự nhiên, tức do con người kiến tạo. Loại hình giao thông thủy bộ được tự nhiên kiến tạo, lớn nhất là hệ thống sông Hoàng Hà và Trường Giang, cũng là hai cái nôi định hình văn minh Trung Hoa và sự dịch chuyển, lan tỏa của văn hóa Trung Hoa[1]. Hệ thống giao thông con đường tơ lụa cổ xưa, hệ thống Đại Vận Hà (sông đào) và vành đai con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên Biển thế kỷ XXI thuộc loại hình phi tự nhiên, do ý chí của con người kiến tạo. Có một điểm đặc biệt đáng chú ý là, cả con đường tơ lụa cổ xưa, hệ thống Đại Vận Hà con đường tơ lụa trên bộcon đường tơ lụa trên Biển thế kỷ XXI đều gắn liên với tên tuổi của những đại hoàng đế của Trung Hoa và gắn liền với một ý đồ chính trị cụ thể, hay nói cách khác hệ thống đường này được chính trị hóa, hoặc có thể gọi là những con đường chính trị. Hệ thống đường tơ lụa cổ xưa gắn liền với ý đồ tiêu diệt Hung Nô của Hán Võ Đế, để phía Tây, Tây Vực về chầu Thiên Triều. Hệ thống Đại Vận Hà mà Tùy Dạng Đế khai thông, kết nối và thống nhất thành công với mục đích kiến tạo sự liên thông Bắc - Nam để bốn phía về chầu Lạc Dương – kinh đô nhà Tùy. Và, hệ thống đường tơ lụa trên bộ cùng với hệ thống đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI ngày nay gắn liền với Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc ngày nay: Tập Cận Bình[2]. Vậy ngày nay, tái cấu trúc và tái mở rộng đường tơ lụa trên bộ và mở rộng đường tơ lụa trên Biển  ra toàn thế giới  của Tổng bí thư, chủ tịch nước Trung Hoa ngày này hướng đến đâu và nhằm mục đích gì?

Rõ ràng, hệ thống giao thông phi tự nhiên đã được chính trị hóa triệt để. Vì vậy, về mặt phương pháp luận, vành đai kinh tế đường tơ lụa trên bộ và hệ thống đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI cần đặt trong trường nghiên cứu với mối quan hệ với hệ thống tơ lụa cổ xưa và hệ thống Đại Vận Hà. Tức là, con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI trước hết cần ưu tiên nghiên cứu từ góc nhìn chính trị.

Nếu như Hán Vũ Đế mở ra con đường tơ lụa thông sang phía Tây với tâm thức và khát vọng là Tây vực về chầu Thiên triều, Tùy Dạng Đế thiết lập và khai thông hệ thống Đại Vận Hà đề cai trị và mở đường về chầu từ bốn phía. Ngày nay, hệ thống tơ lụa trên bộ và đặc biệt mở ra vô tận trên biển, thì phải chăng mục đích của đế chế không chỉ dừng lại ở phía Tây hay trong nội địa Trung Hoa, trong đất liền nữa, mà còn muốn tiến ra phía Đông, ra Biển Đông và vùng biển xa hơn nữa để toàn thế giới về chầu Thiên Triều?!

1. Đường tơ lụa cổ xưa

1.1.Sơ lược tiểu sử con đường

Trước hết, tên chính thức “con đường tơ lụa” xuất hiện năm 1877, do nhà địa chất học người Đức F.Richeho fen (1833 – 1905) viết trong cuốn sách Trung Quốc. Từ đó, cái tên đầy quyến rũ này được toàn thế giới biết đến. Sở dĩ nhà địa chất học này đặt tên cho con đường là con đường tơ lụa là bởi một lý do giản dị, tuyến đường xuyên châu Á này chủ yếu là vận chuyển tơ lụa từ Trung Quốc ra bên ngoài. 

Tuyến đường xuyên hai lục đia Á- Âu , đông từ Tây An, Trung Quốc, tây đến bờ Địa Trung Hải. Việc buôn bán tơ lụa giữa Trung Quốc với Hy Lạp và La Mã có từ sớm nhưng tuyến đường này chính thức được khai thông sau hai lần Trương Khiên đi sứ vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất TCN, cho đến thế kỷ 15 thì đình chỉ (khoảng giữa đời Minh), tồn tại trên dưới 1.700 năm. Từ sau thời Đường, trọng tâm kinh tế dịch chuyển xuống phía Nam nên mặc dù giao thông đường bộ Trung Tây vẫn duy trì nhưng không phát triển bằng đường biển nữa. Do vậy, đường tơ lụa phồn thịnh nhất giai đoạn Hán Đường.[3]

1.2.Cấu trúc con đường tơ lụa cổ xưa

Con đương tơ lụa nối Trung Quốc và Địa Trung Hải tổng cộng ước khoảng 7.000km, được cấu trúc như sau:

Xuất phát  từ Truờng An, theo hướng Tây, xuyên qua hành lang Hà Tây, đầu tiên đến vùng Đôn Hoàng của ngõ đất Tây Vực. Tiếp đó, con đường tơ lụa chia làm hai ngả Bắc - Nam đề vào Tây Vực.

Phía Bắc, bắt đầu từ Ngọc Môn Quan, men theo đường sông Tháp Lý Mộc tiến lên phía Bắc, qua Quy Tư (nay là vùng phục cận Khố Sa – Tân Cương) rồi dạt sang phía Tây, vượt qua Thông Lĩnh (tiếng gọi chung của cao nguyên Pamir và dãy núi Cao Lạt Côn Luân), sau đó xuyên qua Đại Uyển, nay là vùng Phí Nhĩ Can Nạp (Pherezana), Trung Á. Cuối cùng, vượt ngang qua Khang Cư, nay là phụ cận vùng Tất Mã Nhĩ Hãn (Samarkan), tiếp tục hướng về thánh Mộc Lộc, nay gọi là Mã Lý (Mali), thuộc nước cộng hòa Thổ Khố Man (Tuôc mênia, thuộc Liên Xô trước đây).

Phía Nam, con đường tơ lụa men theo sông Tháp Lý Mộc tiến xuống phía Nam, rồi theo con đường Thiện Thiện (nay là Nhược Khương – Tân Cương), Vu Điền (nay là Hòa Điền – Tân Cương) đến Saxa. Tại đây, vượt qua Thông Lĩnh, sang phía Tây, tới Pháp Trát Ba Đức (nay thuộc Afghanistan), rồi ngoặt tới thành Mali.

Sau khi hai đường Nam Bắc gặp nhau ở thành Mali, lại vòng vèo tiến lên phía trước, tới thành Hoa Thực (nay là vùng phụ cận Đạt Mẫu Cam thuộc Iran) phía Đông Nam Lý Hải (tức biển caxpiên), là biển hồ lớn nhất thế giới, ba phía Tây, Bắc, Đông thuộc Liên Xô cũ, Phía Nam thuộc Iran. Chiều dài Nam – Bắc khoảng 1200km, rồi thẳng tới Aman, nay gọi là Ha Mã Đôn (tức Hamadan, thành phố phía Tây cả Iran ngày nay).

Đoạn đầu của con đường tơ lụa chạy ngoằn ngheo qua vùng Tây Á. Ra khỏi A man, tới lưu vực Lưỡng Hà, rồi từ thành cổ Tư Tân (Irắc ngày nay), đi ngược lên Phía Bắc và theo sông Ấu Phát Lạp Để (Euphrates) đến thượng du, sau đó ngoặt sang phía Tây, cuối cùng đến điểm cuối của con đường tơ lụa, đó là thương nghiệp An Điều Khắc (Antiochia) bên bờ Địa Trung Hải, nay gọi An Tháp Cơ Á (Antakya) thuộc miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời ấy, tơ lụa từ thành phố cảng Antiochia tiếp tục được vận chuyển đến Châu Âu[4].

Ngoài ra, còn có một nhánh khác được gọi là đường tơ lụa Tây Nam. Tuyến đường này người La Mã đã chứng minh là có tuyến đường này từ Tứ Xuyên qua Vân Nam, qua Miến Điện, qua Ấn Độ để đến Phương Tây, hoặc được xem là một bộ phận của con đường tơ lụa trên Biển[5]

1.3.Chức năng nguyên ủy của con đường tơ lụa cổ xưa

Một trong những tên tuổi không thể bỏ qua khi nhắc đến con đường tơ lụa là Trương Khiên (164TCN – 114TCN). Ông được coi là người mở đường.

Hán Vũ Đế đã chọn được người cần cho chuyến đi. Trương Khiên xuất thân là Quan Lang, hưởng ứng chiêu mộ của Hán Vũ Đế, dẫn tùy tùng hơn 100 người đi sứ. Khi đến khu vực của người Hung Nô ông bị bắt và giam giữ hơn 10 năm mới trốn thoát. Tuy chuyến đi không thành công, nhưng ông đã đem về nhiều thông tin quý báu về tình hình Hung Nô và Tây Vực báo cáo cho Hán Vũ Đế và quảng bá hình ảnh nhà Hán với Tây Vực. Sau đó, ông được Hán Vũ Đế phái đi Tây Vực lần thứ hai. Sau chuyến đi này, các sứ giả của các nước Tây Vực liên tục vào giao lưu, buôn bán với nhà Hán. Đánh giá về vai trò của Trương Khiên, nhóm tác giả Cát Kiếm Hùng viết, Hai lần đi sứ của Trương Khiên mặc dù không đạt được mục đích về quân sự, nhưng đã xây dựng được mối liên hệ trực tiếp giữa vương triều nhà Hán cũng như dân chúng đều tán dương cao độ. Ảnh hương của Trương Khiên ở Tây Vực cũng rất lớn. Các nước đều biết “Bác Vọng Hầu” (tước phong của Trương Khiên) .“Con đường tơ lụa” cũng từ đó được khai thông, nối liên hai nền văn mình lớn giữa Đông và Tây[6].

Như vậy, ngay từ đầu phái Trương Khiên đi Tây Vực trong ý đồ của Hán Vũ Đế không phải để buôn bán hay phát triển và giao lưu văn hóa. Bởi, nhà buôn chủ yếu là người Tây Vực, người Hán bị cấm buôn bán với bên ngoài. Về kinh tế, không những không thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn tạo thêm gánh nặng do những chuyến đi của Trương Khiên, không chỉ đông người mà còn mang hàng hóa, quà cáp ban phát cho các nước Tây vực, để thể hiện phong độ của Thiên Triều.

Tuy không thực hiện được ý đồ tiêu diệt Hung Nô nhưng cái được nhất của Hán Vũ Đế mà cũng chính là một phần trong ý đồ của ông: các nước Tây Vực đã về chầu Thiên Triều. Mặt khác, tạo được sự liên thông, qua lại giữa nhà Hán và thế giới. Là tiền để cho sự khai thông con đường tơ lụa trong tương lai và việc mở rộng cương vực của các triều đại sau trong lịch sử Trung Hoa.

Như vậy, đặc điểm con đường tơ lụa cổ xưa, chủ yếu diễn  ra theo một chiều đơn tuyến: các nước bên ngoài, chủ yếu là các nước phía Tây, Tây Vực về chầu Thiên Triều và Thiên Triều xuất mặt hành quyến rũ tơ lụa ra bên ngoài. Thiên triều thì thể hiện được uy danh và sự giàu có của mình. Các nhà buôn Tây vực thì giàu có.

Như vậy, chức năng kinh tế và chức năng giao lưu văn hóa là chức năng thứ yếu và phái sinh từ chức năng chính trị.

2. Hệ thống Đại Vận Hà

Nếu như hệ thống con đường tơ lụa cổ xưa là tiền thân trực tiếp của vành đai Kinh tế con đường tơ lụa trên biển, thì hệ thống Đại Vận Hà là sự tiếp tục quy luật vận động và lan tỏa của lãnh thổ Trung Hoa dịch chuyển theo hai trục từ Tây sang Đông và từ sông ra biển[7].

Hệ thống đại vận Hà nhìn từ góc độ địa chính trị là sự đấu nối với hệ thống con đường tơ lụa trên biển. Vì vậy, chúng tôi trình bầy tương đối chi tiết hệ thống này cũng là cơ sở đế có thể đánh giá từ góc độ lịch sử quy luật vận động địa chính trị Trung Hoa từ cổ đại cho đến ngày nay. Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI là sự tiếp tục của một diễn trình từ Ngô Vương Phù Sai cho đến cha con Tùy Văn Đế Dương Kiên và Tùy Dạng Đế Dương Quảng ở quy mô toàn cầu hơn.

2.1.Hệ thống Đại Vận Hà trước nhà Tùy (581 – 619)

Sở dĩ chúng tôi lấy nhà Tùy làm điểm mốc cho hệ thống Đại Vận Hà Trung Quốc là bởi, đến nhà Tùy hoàn thiện kết nối, khai thông hệ thống giao thông sông đào có từ trước, thống nhất thành một hệ thống giao thông thông suốt Bắc – Nam.

Theo nhóm tác giả Cát Kiếm Hùng và đồng sự, một trong những nguyên nhân qua trọng Tùy Dương Đế Dương Quảng cho kết nối, khai thông hệ thống Đại vận hà như sau: “Đô Thành của vương triều nhà Tùy là Trường An, do nằm lệch về phía Tây Bắc, khiến việc truyền đạt mệnh lệnh của chính quyền đến bốn phương có phần bất tiện, nhất là muốn khống chế vùng phía đông lại càng bất tiện…”[8]

Vì vậy, Tùy Dương Đế quyết định huy động sức mạnh của cả đế chế vào khai thông và hoàn thiện hệ thống đại vận hà vĩ đại này.

Nhà Đường lập đô ở Quan Trung, tuyến đường vận tải cơ bản giống với thời Tùy, cho nên không xây dựng và mở mang vận hà với quy mô lớn. Thời Nguyên: Toàn tuyến Đại vận hà Kinh Hàng đã hoàn thành. Thời Thanh: Hoàn thiện tiếp. Cuối cùng làm cho toàn bộ Đại vận hà Kinh Hàng trở thành con đường thủy lợi do sức người tạo ra, từ bắc xuống nam. Tổng dài 1794km, rút ngắn hành trình thủy Bắc – Nam.

3. Lịch đại đế vương, Hoàng đế Trung Hoa và hệ thống đường tơ lụa và hệ thống Đại vận Hà

-  Ngô Vương Phù Sai: Năm 486 TCN, Ngô Vương Phù Sai cho đào sông Hán Câu ở giữa vùng Dương Châu và Hoài An, tỉnh Giang Tô ngày nay để thông với Giang Hoài. Mục đích của ông này để giành bá chủ Trung Nguyên.

-  Tần Thủy Hoàng: cho đào sông Linh Cừ (nay là sông Hưng An) vào năm 221 TCN, nối liền Tương Thủy và Ly Thủy. Từ đó, hệ thống đường thủy quy mô, gồm bốn sông Hoàng, Hoài, Giang và Chu đều được nối với nhau bởi những sông đào. Thủy bè thuộc lưu vực sông Hoàng Hà có thể đến thẳng Lĩnh Nam theo đường thủy. Mục đích của Tần Thủy Hoàng để tiến đánh Nam Việt.

-  Hán Vũ Đế: mở con đường sang tây vực, kết nối với Địa Trung Hải. Mục đích chính đánh Hung Nô.

- Tào Tháo: đào hàng loạt các sông Bạch Câu, Bình Lỗ Cừ, Tuyền Châu Cừ và Tân Hà …Mục đích tiện cho chuyển quân và vận lương

-  Cha con Tùy Văn Đế Dương Kiên và Tùy Dương đế Dạng Quảng đều chú trọng đào và kết nối hệ thống sông, đặc biệt là Tùy Dạng đế. Mục đích kết nối Kinh Đô và bốn phía để vận lương và chuyển quan khi chư hầu và các vùng ngoài kinh đô có biến.

-  Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều hoàn thiện, khai thông hệ thống đại vận hà. Thời Thanh là hoàn thiện toàn tuyến.

-  Ngày nay, Tổng Bí Thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, không đào Kênh, mà ông làm mới hệ thống đường tơ lụa trên bộ và mở đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI[9]

Tất cả những tuyến đường thủy bộ trên đây đều phục vụ ý đồ chính trị của hoàng dế Trung Hoa.

4. Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và hệ thống đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI

4.1. Vài nét về bối cảnh ra đời

Sáng kiến về Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộCon đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ XXI gắn liên nhân vật số 1 và số 2 của Trung Quốc hiện nay là Tổng bí thư, chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong văn kiện Tầm nhìn và hành động thúc đẩy cùng xây dựng vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (sau đây viết tắt là Tầm nhìn và hành động) viết: Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2013, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm các nước Trung Á và Đông Nam Á đã có đề xuất quan trọng về xây dựng một “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ” và “Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ XXI”, đây là sáng kiến lớn thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi tham dự triển lãm Trung Quốc – ASEAN Expo 2013 cũng đã nhấn mạnh tới việc thúc đẩy con đường tơ lụa trên biển tại khu vực Đông Nam Á với mong muốn tạo một điểm tựa chiến lược thúc đẩy sự phát triển của các vùng nội địa.”[10]

Con đường tơ lụa mới có mối liên hệ chặt chẽ với con đường tơ lụa cổ xưa: “Để thúc đẩy thực hiện đề xuất có ý nghĩa quan trọng này, hãy để con đường tơ lụa cổ xưa mang một sức sống mới[11]

Các quốc gia tham gia con đường tơ lụa này không chỉ dừng lại ở các quốc gia mà con đường tơ lụa cổ đi qua: “Việc xác định quốc gia nào thuộc phạm vi “một vành đai một con đường” dựa trên nhưng không giới hạn bởi phạm vi  của con đường tơ lụa thời cổ đại, các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực đều có thể tham gia, để khu vực rộng lớn hơn được hưởng lợi ích từ việc xây dựng “một vành đại một con đường[12]

4.2. Cấu trúc của hệ thống đường tơ lụa mới

4.2.1. Cấu trúc của hệ thống đường tơ lụa

Cấu trúc khung của hệ thống đường tơ lụa mới gồm trục tương tác chính Á – Âu gồm: “một vành đai một con đường” trải dài khắp châu Á, Châu Âu và Châu Phi, một đầu của nó là vòng tròn kinh tế Đông Á đầy năng động, đầu kia là vòng trong kinh tế châu Âu phát triển, ở giữa hai đầu ấy là các nước giàu tiềm năng kinh tế. Trong điểm của vành đai kinh tế con đường tơ lụa [gồm 3 nhánh] là [ khai thông lộ trình] Trung Quốc qua Trung Á và Nga tới Châu Âu (vùng Baltic); từ Trung Quốc qua Trung Á, Tây Á đến Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải; Từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương . Trong điểm của con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI đi từ các cảng ven biển Trung Quốc qua Biển Đông đến các cảng ven biển Ấn Độ Dương, mở rộng sang Châu Âu; một nhánh khác là từ các cảng ven biển của Trung Quốc đi qua Biển Đông tới Nam Thái Bình Dương[13]

Trên cơ sở cấu trúc khung này sẽ hình thành các hành lang kinh tế: “căn cứ theo đường hướng của một vành đại một con đường”, [các bên sẽ] cùng nhau hình thành nên các hành lang hợp tác kinh tế quốc tế như “cầu nối Á – Âu”, [hành lang kinh tế ] Trung Quốc – Nga – Mông Cổ, [hành lang kinh tế] Trung Quốc – Trung Á – Tây Á [hành lang kinh tế] Trung Quốc – bán đảo Nam Á .v.v… các hành lang kinh tế dựa vào các tuyến đường quốc tế lớn, với điểm tựa là các thành phố trung tâm nằm dọc tuyến đường, với nội dung hợp tác là cụm liên kết ngành và kinh tế thương mại trọng điểm. Đối với con đường tơ lụa trên biển lấy các cảng biển quan trọng làm tiếp điểm, cùng xây dựng mạng lưới giao thông vận tải đường biển thông suốt, an toàn và hiêu quả cao. Việc xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, và Bangladesh – Trung Quốc - Ấn Độ - Myanma có có quan hệ mật thiết với việc hình thành “một vành đai một con đường, cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong việc xây dựng hai hành lang kinh tế này, để đạt được nhiều tiến triển hơn nữa[14]

4.3. Chức năng của hệ thống đường tơ lụa mới.

Nếu căn cứ vào ý nghĩa hiển ngôn của văn kiện này, đặc biệt ngay từ tiêu đề của văn kiện đã mang tính định hướng rất rõ: tầm nhìn và hành động thúc đẩy cùng xây dựng vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI.[15] Nếu căn cứ vào văn kiện này, chức năng của vành đai con đường tơ lụa hướng đến phục vụ phát triển kinh tế. Cũng trong tiêu đề văn kiện này, về con đường tơ lụa trên biển chỉ viết: Con đường tơ lụa trên biển thể kỷ XXI[16].

5. Tổng luận

Để tổng luận về mối liên đới giữa hệ thống con đường tơ lụa cổ, hệ thống Đại Vận Hà và “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” (SREB) trên bộ (NSR) và trên biển (MSR) thế kỷ XXI, bước đầu nên chăng thống nhất một số luận điểm then chốt sau đây:

Một là, với tư cách là một trung tâm văn minh lớn của thế giới, văn minh Trung Quốc có sự tồn tại liên tục, không đứt đoạn. Tức là diện mạo và quyết sách ngày nay của Trung Hoa và lãnh đạo của họ có mối liên hệ sâu sắc và chịu sự chi phối của truyền thống. Ở đây cần dẫn một luận điểm then chốt về sự chi phối của quá khứ đối với hiện đại trong của truyền thống Trung Hoa: nước Trung Hoa luôn luôn được cai quản và bây giờ vẫn được cai quản bởi ý chí tưởng tượng của các đế vương đã qua đời – điều này tuyệt đối không thể hồ nghi[17]… Hay nói như hai nhà báo Juan Pablo Cardenal & Heriberto Araújo: “Không có gì thay đổi trong đất nước của những thay đổi chóng mặt”[18]. Luận điểm này là có thể là tiên đề để chúng ta xác lập được mối liên hệ, sự chi phối của quá khứ, cửa tố tiên đối với Trung Hoa và lãnh đạo tối cao Trung Hoa ngày nay.

Hai là, theo nhiều nhà nghiên cứu có thẩm quyền về Trung Quốc, khác với châu Âu, từ rất sớm Trung Quốc đã kiến tạo được sự thống nhất cao độ[19]. Trong đó, mọi tôn giáo, tín ngưỡng và mọi thiết chế xã hội, học thuyết được đặt dưới sự kiểm soát và phục vụ cho Hoàng đế và thiết chế quân chủ. Hệ thống Trường Thành, hệ thống đường và giao thông, cả đường bộ, sông và biển phục vụ cho nhu cầu cai trị. Vì vậy, cần tìm hiểu hệ thống này từ góc độ chính trị.  Nho giáo được chính trị hóa và đạo đức hóa và thần thánh hóa để phục vụ nhu cầu cai trị[20]. Vạn Lý Trường Thành để chống lại sự xâm lược của dân tộc du mục phương bắc xâm lăng Trung Nguyên và là bàn đạp tiến xuống thâu tóm phía Nam. Hệ thống tơ lụa và sông đào cũng vậy.

Ba là, Trung Quốc không phải là một quốc gia, một dân tộc…. Trung Quốc là một thế giới, hơn nữa lại là một thế giới trung tâm, hội tụ mọi tinh hoa[21]. Tâm thức này hình thành từ sớm và chi phối cho đến tận ngày nay. Đường tơ lụa cổ xưa và đường tơ lụa hiện đại được cấu trúc với trung tâm là Bắc Kinh (quá khứ là các Đại Đô của Trung Hoa) rồi tỏa đi toàn thế giới[22].

Bốn là, gần đây, lãnh đạo tối cao Trung Quốc không ngừng nói về Trung Quốc mộng[23]sự phục hưng sự  vĩ đại của Trung Hoa.  Tinh thần chung của nó có thể được tóm gọn như sau: sự phục hưng Trung Hoa là khôi phục sự vĩ đại của Trung Hoa từ trong quá khư xa xưa, tức từ trước thế kỷ 18, thời kỳ mà gần 2000 năm Trung Quốc là Trung tâm văn minh, phát triển phồn thịnh bậc nhất của thế giới, nói như người Trung Hoa là cả thế giới về châu dưới chân Thiên triều. Đó chính là giấc mộng Trung Hoa. Tại sao lại phải phục Hưng, vì trong lúc Trung Hoa đang tột đỉnh huy Hoàng lại bị phương Tây vào hạ nhục. Người Trung Hoa luôn đau đáu nỗi nhục Quốc sỉ này. Để luận giải nguyên nhân thất bại và con đường để trở thành cường quốc, Trung Quốc đã tiến hành phản tư ở tầm quốc gia và quy mô toàn cầu, trả lời cho câu hỏi, vì sao các quốc gia nhỏ bé, như Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha và các quốc gia khác như Anh, Đức Nhật, Nga, Mỹ…lại có thể trở thành những cường quốc, lại có thể hạ nhục Trung Hoa huy hoàng mấy ngàn năm. Sau khi tiến hành một bộ phim, phỏng vấn hàng loạt các sử gia, chính khách, chiến lược trên thế giới tại sao các quốc gia phương Tây lớn mạnh như vậy, Trung Quốc đã có câu trả lời: tất cả những quốc gia trở thành cường quốc đều là những quốc gia sớm khống chế đường những tuyến đường biển chiến lược: Năm 2006, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã cho chiếu một loạt phim lịch sử có tựa đề “sự vươn lên của các cường quốc” (Đại quốc Sử kí), rất thành công. Phim thực hiện những cuộc phỏng vấn các sử gia, các nhà lãnh đạo thế giới, đã được đánh giá là khá chính xác. Kênh lịch sử của Mĩ đã mua lại bản quyền và đem chiếu ở Hoa Kì. Cuốn phim dài 1.250 phút cắt nghĩa nguyên nhân các đế quốc đã vươn lên, phát triển và lụi tàn. Đó là các đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Anh, Đức, Nhật, Nga và Mĩ. Người đứng sau tư tưởng này, giáo sư Tiễn Thừa Đán, Đại học Bắc Kinh đã hiểu được ý nghĩa lời kêu gọi trong phim: “chỉ vì Trung Quốc, người dân Trung Quốc, chủng tộc Trung Quốc đã được sống dậy và tham gia thêm một lần nữa vào sân khấu thế giới[24]

Đó là lý do giải thích tại sao để phục hưng Trung Hoa, phải mở ra con đường tơ lụa trên Biển thế kỷ XXI. Về bản chất nó là sự nhận thức muộn màng, do tâm thức Trung Hoa là trung tâm chi phối.

5.1. Luận về  hàm ý mới của từ “tơ lụa”

Căn cứ vào văn kiện Tầm nhìn và hành động, con đường tơ lụa trên bộ, hệ thống Đại Vận Hà và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI có mối liên hệ nền tảng với nhau. Trước hết, như văn kiện khẳng định, cần tạo ra sức sống mới cho con đường tơ lụa cũ, bẳng việc làm mới, mở rộng, bổ sung và xây dựng thêm những con đường mới.

Như đã trình bầy, con đường tơ lụa ra đời từ thời kỳ nhà Hán, việc buôn bán tơ lụa nở rộ hai thời Hán Đường[25]. Nhưng từ tơ lụa chỉ xuất hiện năm 1877 trong cuốn sách mang tên Trung Quốc của nhà địa chất học người Đức Ferdinand von Richthofe. Như vậy, tên tơ lụa xuất hiện muộn gần 2000 năm so với thời điểm mà con đường này xuất hiện. Thú vị nữa là, nó không phải do người Trung Quốc đặt tên cho nó. Sở dĩ có tên này là do điều chính yếu: tơ lụa của Trung Quốc xuất ra ngoài Trung Quốc, đến Tây Vực, Trung Á, Địa Trung Hải. Các quốc gia thụ hưởng đã bị ấn tượng và quyến rũ bởi mặt hàng này mà đặt tên cho con đường[26]. Từ đó, nó quyền rũ cả thời giới. Cách đặt tên này xuất phái từ nhà địa chất học và là người thụ hưởng, chứ không phải từ góc độ nhà ban phát là đại Hoàng đế Trung Hoa. Như đã chứng minh, Hán Vũ Đến nhìn con đường này với tư cách là con đường chính trị, được chính trị hóa chứ không phải là con đường được tơ lụa hóa.

Mặt khác, căn cứ vào tư liệu về con đường tơ lụa, căn cứ vào văn kiện Tầm nhìn và hành động, căn cứ vào phát biểu của những nhà lãnh đạo tối cao của Trung Hoa về giấc mộng Trung Hoa, phục hưng Trung Hoa[27], căn cứ vào quy luật vận động và phát triển của chính trị học Trung Hoa và khát vọng của Hoàng đế Trung Hoa, có thể giải thích “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc ngày nay được hiểu từ hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, thực chất nó là sự mê hoặc thế giới về sức quyền rũ của con đường, mục đích quảng bá và thúc đẩy hình ảnh của một Trung Quốc quyễn rũ ra toàn thế giới, từ đó đánh lừa thế giới hướng theo hình ảnh tốt đẹp, sự quyến rũ của con đường, mà quên đi khía cạnh quan trọng nhất và là mục tiêu tối hậu của hệ thống con đường tơ lụa ngày nay là chính trị hóa con đường. Khía cạnh thứ hai, được hiểu là khát vọng của Trung Hoa về một ký ức huy hoảng về một Trung Tâm thế giới thời đại Hán – Đường, thời kỳ mà đế chế huy hoàng và thế giới chầu về Thiên Triêu, uy thế Hoàng đế vang vọng và bao phủ bốn biển.

5.2. Không có gì thay đổi trong đất nước của sự thay đổi chóng mặt – luận về phương thức mới Trung Quốc buộc thế giới “về chầu” Thiên Triều

Câu nói không có gì thay đổi trong đất nước của sự thay đổi chóng mặt hay Đất nước này đã biến đổi không còn nhận ra mặc dù các yếu tố cấu trúc cơ bản của nó vẫn giữ nguyên[28]  của hai nhà báo Tây Ban Nha trong sách Đạo quân Trung Quốc thầm lặng, cực kỳ chính xác với quy luật vận động chính trị Trung Hoa từ cổ đại cho đến ngày nay. Cái không đổi của Trung Quốc, được tất cả hoàng đế và lãnh tụ của Trung Hoa luôn luôn khát vọng: cuốn hút cả thế giới về chầu quanh Thiên Triều. Tâm thức này, một lần nữa lại được nhà lãnh đạo lừng danh Lý Quang Diệu gốc Tàu nhắc lại cảnh báo thế giới: Cái lõi suy nghĩ của họ chính là cái thế giới trước giai đoạn thuộc địa đi kèm với tình trạng bóc lột và nỗi ô nhục mà họ phải chịu. Trong tiếng Trung, “Trung Quốc” có nghĩa là “Vương quốc Trung tâm” – gợi nhớ về một thế giới trong đó họ giữ vai trò thống trị trong khu vực, các quốc gia khác có liên hệ với họ như là những chư hầu đối với một thiên triều và những chư hầu này đến Bắc Kinh mang theo cống phẩm: chẳng hạn, quốc vương Brunei mang theo lụa làm lễ vật, những rồi mất tại đó từ bốn thế kỷ trước và hiện vẫn còn miếu thờ tại Bắc Kinh[29]. Cái thay đổi là những sự phát triển chóng mặt của cơ sở vật chất, của đường xá, nhà cửa…. Nhưng tại Đại Lễ Đường, chủ của Trung Nam Hải vẫn là một hoàng đế trị vì. Hoàng đế này là hiện thân của hết thảy mọi ý tưởng từ tất cả những vị Hoàng đế đã băng hà[30].

 Ngày nay, Trung Quốc có gì mới so với các vị hoàng đế trước đây đã làm để quy phục thế giới thông quan hệ thống con đường thủy bộ?

Để buộc các dân tộc phía Tây, Tây Vực[31] về chầu Thiên Triều và tạo ra uy danh vang khắp bốn bể của Thiên Triều, Hán Vũ Đế (156 – 87 TCN) cho xuất khẩu nhiều mặt hàng, trong đó tiêu biểu nhất là mặt hàng tơ lụa ra bên ngoài. Thương hồ Tây Vực vào nhà Hán mang tơ lụa qua con đường tơ lụa đi khắp phía Tây đến Địa Trung Hải và ra các nước khác ở châu Âu. Trong khi đó thì chính bản thân các thương nhân Hán bị cấm đi ra nước ngoài. Thương nhân Tây Vực trở nên giàu có. Tuy các nước phía Tây quy phục và giao thương với Trung Quốc, nhưng tổn thất kinh tế của Thiên Triều là không tránh khỏi.

Nhiều sử gia khẳng định rằng, công trình Đại Vận Hà là công trình vĩ đại nhất nhà Tùy để lại. Và cũng vì nó mà quốc khố và quốc lực suy giảm. Đổi lại sự mất mát đó, Trung Quốc đã tạo được sự thông thương bốn phía kinh đô Lạc Dương, tạo ra sự thống nhất Nam – Bắc bằng đường thủy, rất thuận lợi cho chuyên chở hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ trung tâm kinh tế phương Nam về đại đô. Nhưng quốc khố quốc lực suy kiệt lại là một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc nhà Tùy mất vào tay nhà Đường.

Nếu như thời Hán Đường (618 – 907) Trung Quốc phát triển đến mức của cải thừa thãi, không chỉ là đỉnh cao của khu vực, mà còn là một quốc gia cường thịnh nhất thế giới. Đến thời nhà Thanh, hoàng đế Càn Long còn nói với phái đoàn người Anh như sau: “Thiên Triều đã sở hữu mọi thứ với số lượng dư thừa rồi” nên không có nhu cầu giao thương với người Anh[32]. Dễ hiểu tại sao hàng hóa, đặc biệt là tơ lụa xuất ra bên ngoài và phát triển đỉnh cao ở thời kỳ này. Sau thời này, con đường tơ lụa đã ít phồn thịnh hơn, trọng tâm chuyển xuống phía  nam, đường sông phồn thịnh hơn, tuy nhiên con đường tơ lụa vẫn tiếp tục tồn tại. Với con đường tơ lụa ngày nay, chắc hẳn không còn tơ Thiên Triều ban phát ra bên ngoài nữa, mà gió đã đổi chiều, con đường tơ lụa trên bộ và trên biển là con đường thế giới chầu về Thiên Triều theo nghĩa: là đường để chư hầu trên thế giới đưa tài vật về chầu thiên triều. Trên con đường về chầu đó, diễn ra theo hai trục: Một là, kim cương tuyệt hảo ở Myanmar chở về Thiên Triều, dầu lửa ở Venezuela chở về Thiên Triều, gỗ ở Nga trở về Thiên Triều, dầu lửa Iran trở về thiên triều, thiếc, vàng, tài nguyên thiên nhiên từ Công Gô, Pêru, Sudan… châu Phi sẽ chở về Thiên Triều, đồng, vàng bạc…ở Mỹ La Tinh đã được Trung Quốc tiếp cận như thế nào [33]. Một trục khác, thay vì tơ lụa Thiên Triều ban ra để chinh phục thế giới, là những mặt hàng phế phẩm, rác, chất độc trong hành hóa sẽ trở đi các nước Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông, Mỹ... Đây chính là cái mà hai tác giả Peter Navarro và Greg AuTry nói “Chết dưới bàn tay Trung Quốc[34].

Mặt khác, nếu như trước đây, Hán Vũ Đế, Thành Cát Tư Hãn …đem quân đội đi chinh phục chư hầu và quy phục thế giới thì ngày nay vẫn là chinh phục thế giới nhưng bằng tiền, bằng cơ sở hạ tầng. Đó là lý do trong văn kiện Tầm nhìn và hành động nhấn mạnh Quỹ con đường tơ lụa, quỹ này không chỉ giúp đỡ các nước hai bên con đường tơ lụa cổ mà còn kết nạp và hỗ trợ những nước mới. Mặt khác, một khi tham gia Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và nhận hỗ trợ từ quỹ này, mọi quốc gia sẽ phải theo luật chơi và phụ thuộc vào Bắc Kinh, tiến tới lệ thuộc và nghiễm nhiên trở thành chư hầu của Bắc Kinh. Các khoản tiền rồi đây sẽ được Trung Quốc hỗ trợ như thế nào? Theo hai nhà báo Tây Ban Nha, trên cơ sở phỏng vấn trực tiếp người dân bản địa và quan chức địa phương, Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cách xây dựng đường xá, sân bay, sân vận động…. Cách làm là hối lộ các quan chức đứng đầu các nước này và đổi lại sẽ được khai thác tài nguyên thiên nhiên giá rẻ, trở về Thiên Triều. Rút ruộc, các cơ sở hạ tầng như sân bay, sân vận động xây bằng tiền Trung Quốc lại bỏ không, tài nguyên cạn kiệt. Đất nước dần dần phụ thuộc vào Trung Quốc, dần dần trở thành chư hầu của Thiên Triều: “Chiến lược thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng để đổi lấy ưu tiên  tiếp cận tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc, một chiến lược đã được sử dụng có hiệu quả ở các vùng khác, đặc biệt là châu Phi, đang tăng lên ở châu Mỹ - La – tinh; cụ thể ở Ecuador, Venezula và Argentina.”[35]

Các sử gia cho rằng, trước đây vì dùng tiền và vàng đầu tư mua tơ lụa Trung Quốc, nên tiền và vàng đổ về hết Trung Hoa, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt đổ của La Mã: Trong thành La Mã tơ lụa Trung Quốc đắt như vàng, có những nhà lịch sử cận đại cho rằng, sự diệt vong của đế quốc La Mã thực tế là do việc tham mua tơ lụa Trung Quốc với số lượng lớn nên vàng bạc đã chạy ra nước ngoài[36]. Ngay nay, với sức hút của thị trưởng khổng lồ, theo nhà lãnh đạo lừng danh Lý Quang Diệu, các quốc gia trong khu vực không một nước nào thoát khỏi sức hút của thị trường khổng lồ Trung Hoa: Hằng năm, Trung Quốc thu hút nhiều hàng xuất nhập khẩu từ các nước láng giềng của mình hơn là Hoa Kỳ làm được với khu vực này. Không có một hiệp định tự do thương mại, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Asean sẽ bị sáp nhập vào nền kinh tế của Trung Quốc – một viễn cảnh cần tránh[37]. Không một nước nào muốn phát triển mà lại quay lưng lại với thị trưởng này? Nếu không tham gia và đánh mất thị trưởng này ít có cơ hội phát triển. Nhưng nếu tham gia rất dễ trở thành nô dịch của Trung Quốc? đây là bài toán của tất cả các quốc gia trong khu vực. Bi quan nhất, tham gia hay không tham gia các nước sớm hay muộn cũng về chầu Thiên Triều!

5.3. Luận về lịch đại Hoàng đế Trung Hoa và hệ thống giao thông thủy bộ phi tự nhiên

Nhìn ngược trở lại danh sách đế vương Trung Hoa từ Ngô Vương Phù Sai(495-473TCN), Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN), Tào Tháo (155 – 200), Hán Vũ Đế, Tùy Văn Đế ( 541 – 604), Tùy Dạng Đế (569 – 618)…và đến này, những đế vương có liên quan trực tiếp đến kiến tạo hệ thống giao thông thủy bộ phi tự nhiền, nhất loạt ý tưởng kiến tạo này nhằm và xuất phát từ mục đích chính trị. Ngô Vương Phù Sai đào kênh để trở thành bá chủ Trung Nguyên. Tần Thủy Hoàng đào kênh thẳng Lĩnh Nam đánh Nam Việt. Tào Thào đào kênh vận lương. Hán Vũ Đế mở đường tơ lụa tiêu diệt Hung Nô, cha con Tùy Văn Đế Dương Kiên và Tùy Dạng Đế Dương Quảng khai thông và hoàn thiện Đại Vận Hà để cai trị bốn phương quanh Lạc Dương. Từ đó có thể suy ra, con đường tơ lụa trên bộ và trên biển ngày này vẫn là sự tiếp tục của khát vọng thế giới về chầu Thiên triều. Tuy nhiên từ Ngô Vương Phù Sai, qua Hán Vũ Đến, Tùy Dương Đế đến Tập Cận Bình ngày nay đã có sự khác biệt hết sức lớn.

Vậy, Tập Cân Bình và các đế vương trước ông có gì giống và khác nhau. Về giống, ông tiếp tục sự nghiệp của tiền nhân. Ông đãng tự biến mình trở thành Hoàng đế Thiên Triều, trên truyền hình Trung Quốc phát động phong trào học tập tấm gương:Tập đại đại, Bành Mẫu mẫu. Chính ông đã nói thực hiện giấc mộng Trung Hoaphục hưng Trung Hoa. Việc dùng từ lại tơ lụa rõ ràng là ông muốn tiếp tục khát vọng khôi phục sự huy hoàng của tiền nhân qua con đường tơ lụa. Mặt khác, ông tiếp tục sự nghiệp của tiền nhân biến Trung Hoa trở thành trung tâm, chinh phục thế giời về chầu Thiên Triều.

Về khác, về mặt tư duy, ông vượt qua tất cả các hoàng đế trước ông, kiến tạo hệ thống tơ lụa toàn cầu, Trung Quốc là Trung Tâm. Rõ ràng, ông là sự tiếp tục và kết thừa từ Hán Vũ Đế, từ Ngô Vương Phù Sai, Tùy Dạng Đế. Ông làm mới và mở rộng, kết nạp thêm thành viên trên cơ sở con đường tơ lụa cũ. Ông tiếp tục cảm hứng từ Hán Vũ Đế. Trong văn kiện và trong các bài phát biểu của ông không đề cập đến Đại Vận Hà, rõ ràng, hệ thống Đại vận hà đã cơ bản hoàn thiện thời nhà Thanh. Vì vậy, xây dựng con đường tơ lụa trên biển, với các thành phố trung Tâm ven biển như Phúc Kiến, Quảng Châu, tận dụng lợi thế của Hồng Hông, Ma Cao là sự tiếp túc, đấu nối và mở rộng của hệ thống Đại Vận Hà.

Sự khác biệt nữa là, nếu như tiền nhân, kể cả đến Hoàng đế đời nhà Thanh, đều coi Trung Hoa là Trung tâm của Trung tâm, giàu có và văn minh, phát triển nhất thế giới thì ông có khác. Vẫn chia sẻ với tiền nhân, vẫn cho rằng Trung Hoa sẽ trở thành trung tâm của thế giới như tiền bối đã làm, biến Trung Hoa thành Trung tâm nhưng ông khác với tiền nhân, không ảo tưởng xem Trung Hoa là Trung tâm của tiến bộ, khoa học và công nghệ thế giới nữa. Để biến Trung Hoa thành Trung tâm thế giới chầu về, ông đã học tập thế giới và thâu tóm tài nguyên thiên nhiên quý giá của thế giới mang về Thiên Triều. Đây là sự khác biệt căn bản giữa đế chế Trung Hoa truyền thống và chủ tịch Tập của Trung Quốc ngày nay.

5.4 Luận về quy mô, cấu trúc và chức năng

Hệ thống con đường tơ lụa cổ xưa, hệ thống Đại Vận Hà và hệ thống tơ lụa trên bộ và tơ lụa mới ngày nay là một thế thống nhất, bởi tính phi tự nhiên, và tính chính trị hóa của chúng. Nó cùng là một thể thống nhất, là một sinh mệnh không đứt đoạn, có tính kế thừa, có tính kết nối và một thể sống động không ngừng làm mới, không ngừng mở rộng và không ngừng lan tỏa. Hệ thống tơ lụa mới vừa là sự kế thừa, vừa là sự phát triển và “thăng hoa” của hệ thống tơ lụa và Đại Vận Hà.

Một là, con đường tơ lụa cổ xưa  và vành đai kinh tế con đường tơ lụa mới. Như văn kiện đã trình bầy, đường tơ lụa mới là sự kế thừa ý tưởng, từ ngữ và hệ thống đường tơ lụa cũ cách đây trên 2000 năm. Tuy nhiên, về quy mô, tơ lụa mới vừa là làm mới hệ thống tơ lụa cũ, vừa là mở rộng của tơ lụa cũ (kết nạp thêm thành viên mới), vừa là mở thêm nhiều tuyến đướng mới qua Nga đến Châu Âu, vừa là bổ sung hệ thống tơ lụa ít được biết đến từ Vân Nam đến Đông Nam Á (đường tơ lụa trên bộ lần này quét vào Việt Nam). Như vậy, không chỉ mở sang phía Tây, châu Âu lần này được ôm ấp, tiến đến bởi hai đầu, một đầu phía Nga sang và một đầu vào từ Địa Trung Hải. Đặc biệt, hệ thống tơ lụa được mở ra toàn biển Đông, sang Ấn Độ Dương với điểm tựa trung tâm là các thành phố từ ven biển Trung Hoa xuống Đông Nam Á, qua Ấn Độ Dương.

Như vậy, về quy mô, hệ thống tơ lụa mới là sự kết thừa từ hệ thống tơ lụa cổ xưa, nhưng quy mô toàn cầu nhất trong lịch sử đường tơ lụa.

Về cấu trúc, nếu như hệ thống tơ lụa cổ xưa cơ bản là 2 nhánh chính của đường bộ, hệ thống tơ lụa mới ít nhất được cấu trúc theo hệ đường bộ, hệ thống biển và hệ trên không (tơ lụa thông tin). Như vậy, cấu trúc của hệ thống tơ lụa mới đa chiều hơn, quy mô hơn.

Hai là, Đại Vận Hà và hệ thống tơ lụa trên biển.

Hai con sông lớn Hoàng Hà và Trường Giang chảy theo hướng từ Tây sang Đông và đổ ra Biển. Hệ thống Đại Vận Hà xẻ dọc Bắc - Nam của hệ thống Trung Quốc, đi dọc đất nước Trung Hoa rộng lớn, cùng với xuôi dòng của hai con sông lớn và hệ thống đại vận hà là sự thậu nạp vào đất của đế chế nhiều vùng đất, với các nền văn hóa khác nhau[38]. Trong văn kiện, không nhắc đến hệ thống Đại vận hà, nếu nhìn nó theo con mắt địa chính  trị, thì hệ thống Đại Vận Hà cơ bản hoàn thiện, đường tơ lụa trên biển là sự tiếp nối, đấu nối và kế thừa từ hệ đồng đại vận hà. Có thể hình dung, hệ thống đại vận hà là những con đường tơ lụa sông nhân tạo theo chiều Bắc Nam, Hoàng hà và Trường Giang là hệ thống sông tự nhiên theo trục Đông Tây, thì hệ thông tơ lụa trên biển là sự đấu nối của hai hệ thống sông nảy vươn ra ngoài biển khởi. Nếu như sông chảy đến đâu đất của đế chế vươn ra đến đó, vậy có thể hiểu tư duy địa chính trị của đế chế Biển vươn ra đến đâu là lãnh thổ của đế chế đến đó.

Đến đây, người viết tự nhiên nhớ tới một phát biểu của Đặng Tiểu Bình về Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, năm 1974: Trung Quốc không phải là một siêu cường, cũng không bao giờ tìm cách trở thành siêu cường. Nếu ngày nào đó Trung Quốc đổi màu và trở thành một siêu cường, cũng đóng vai trò bạo chúa trên thế giới, và buộc thế giới cần điểm mặt chủ nghĩa đế quốc – xã hội của nó, vạch trần nó, chống lại nó và hợp tác với nhân dân Trung Quốc lật đổ nó” (Đặng Tiểu Bình, phát biểu tại Liên Hợp Quốc, ngày 10.4.1974)[39].

Phải chăng, một Trung Quốc đổi màu mà Đặng Tiểu Bỉnh nói chính là Trung Quốc tại thời điểm này hay một ngày không xa trong tương lai!

Đến đây, chợt giật mình nghĩ đến hai tiếng “về chầu” trong tiếng Việt, mà người Việt thường dùng theo nghĩa “về chầu trời”./.

 Trịnh Văn Định
                                                                                                                                       





[1] Riêng về vấn đề sự lan tỏa lãnh thổ của đế chế, chúng tôi đã khảo thành một bài viết riêng biệt, có tên: Biển – thành tố trẻ trong cấu trúc địa chính trị Trung Hoa, in trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 227, năm 2012, tr. 25 – 32. và xem thêm bài viết của giáo sư Tràn Ngọc Vương: Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ, Tạp chí Triết học, Viện Triết học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, Số 4/1980, tr. 99 - 118

[2]Xem Thêm, Tập Cận Bình, Thuật trị quốc, (nguyên bản tên cuốn sách là: Đàm trị quốc lý chính) nhà xuất bản Ngoại văn (bản tiếng Trung), in năm 2014. Cụ thể xem các bài trong mục 13, có tên: làm tốt công tác ngoại giao với bên ngoài, gồm ba bài từ trang 287 đến 296, gồm: Cùng nhau kiến thiết: vành đai kinh tế con đường tơ lụa” ( phát biểu ngày 7 tháng 9 năm 2013), bài hai: Cùng nhau kiến thiết con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (phát biểu ngày 3 tháng 10 năm 2013) và bài Kiên trì lý niệm ngoại giao: Thân, Thành, Huệ, Dung trong quan hệ ngoại giao với chung quanh (phát biểu ngày 24 tháng 10 năm 2013).

[3] Lý Duy Côn chủ biên, Trung Quốc nhất tuyệt, tập II, Trương Chính, Phan Văn Các, Ông Văn Tùng, Nguyễn Bá Thính dịch, Trung Quốc nhất tuyệt, Nxb Văn hóa Thông tin, HN, 1997, tr. 709 – 716. 

[4] Thông tin chi tiết về cấc trúc con đường tơ lụa, chúng tôi trích dẫn từ bài viết: Con đường tơ lụa là gì? Tác dụng của nó trong giao lưu văn hóa Trung Quốc – Phương Tây? Của tác giả Đặng Tây Dụ, in trong, Lịch sử văn hóa Trung Quốc, tập 2,(ba trăm đề mục) , Nhóm dịch giả Trần Ngọc Thuận, Đào Duy Đạt, Đào Phương Chi, Nxb văn hóa Thông tin, năm 1999, tr. 662-664.

[5] Cát Kiếm Hùng chủ biên, người dịch Phong Đảo, Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, tập I, Nhà Tần, Nhà Hán, Ngụy – Tấn và Nam Bắc Triều, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004, tr. 493.

[6] Cát Kiếm Hùng chủ biên, người dịch Phong Đảo, Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, tập I, Nhà Tần, Nhà Hán, Ngụy – Tấn và Nam Bắc Triều, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004, tr , 490.

[7] Xem thêm, …Trung Quốc trên bàn cân, …

[8] Cát Kiếm Hùng chủ biên, người dịch Phong Đảo, Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, Nhà Đường, Nhà Lưỡng Tống, Nhà Nguyên tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2004, tr. 76.

[9] 

[10] Tâm nhìn và hành động thúc đẩy cùng xây dựng vành đại kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI, cơ quan ban hành: Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương. Văn kiện được Quốc vụ viện Trung Quốc ủy quyền ban hành ngày 28 tháng 3 năm 2015. Tài liệu này được biển dịch bởi TS. Phạm Sỹ Thành, Trần Hải Yến, Hiệu đính Phạm Sỹ Thành, tài liệu dịch thuộc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[11] Sđd, tr.1

[12] Sđd, tr. 3.

[13] Sđd, tr. 4

[14] Sđd, tr. 4

[15] Sđd, 

[16] Sđd

[17] Câu nói này của Georgiesky, dẫn lại theo Vladimir Soloviev, Siêu lý tình yêu, tập 1 Triết học và thần học, Biên dịch và tổng hợp: Phạm Vĩnh Cư, Nxb Tri thức, năm 2011, tr,224.

[18] Juan Pablo Cardenal và Heriberto Arújo, Đạo quân Trung Quốc thầm lặng, Bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh, Nxb Hội nhà văn, 2015, tr. 198

[19] JaRed Diamond, Súng vi trùng và thép định mệnh của các xã hội loài người, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nxb Tri thức, năm 2012, tr. 400 – 401.

[20] Lý Linh, Táng gia cẩu “ngã độc luận ngữ” (chó nhà có tang: tôi đọc Luận ngữ), Nxb Nhân dân Sơn Tây, năm 2007, tr 1 -11, Lý Linh là giáo sư lừng danh, chuyên gia nghiên cứu nho học của Đại học Bắc Kinh. Cuốn sách Chó nhà có tang: tôi đọc luận ngữ là cuốn sách nổi tiếng Trung Quốc và trên thế giới.

[21] Đương nhiên là theo quan niệm của họ, tức là họ tự định vị mình trước và với xung quanh.

[22] Xem then các phần con đường tơ lụa cổ xưa và con đường tơ lụa hiện đại ở bên dưới bài viết này.

[23] Xem thêm hai cuốn sách: Tác giả Tống Thái Khánh, Thời Đại Trung Quốc, Nhà xuất bản Nhân dân Quý Châu, Trung Quốc, tháng 8 – 1994, được Tổng cục II, Bộ Quốc Phòng dịch không công bố chính thức tháng 5 năm 1994 và cuốn Giấc mộng Trung Hoa, tác giả Lưu Minh Phúc, do Công ty xuất bản Hữu Nghị Trung Quốc, Bắc Kinh, 2010. Được Nguyễn Văn Lập, chủ biên, tài liệu tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam.

[24] Bài báo là Lemonde diplomatique, nguyên bản tiếng Anh, tác giả Olivier Zajec, tháng 9 -2008. Thông tin này người viết dẫn lại theo cuốn sách Trung Quốc sau khủng hoảng, dưới con mắt các nhà báo và các chuyên gia kinh tế quốc tế, do Nguyễn Nhã tổng hợp và dịch, Nhà xuất bản tri thức, 2011, bài Tham vọng của hải quân Trung Quốc, tr. 190.

[25] Sau thời kỳ Hán Đường, buôn bán tơ lụa trên con đường này không phồn thịnh nữa. Việc buôn bán dịch chuyển xuống phía Nam, đường sông phát triển hơn, bởi kinh tế từ thời Đường chuyển trọng tâm xuống phía Nam. Tuy nhiên, đường tơ lụa này vẫn tiếp tục tồn tại.

[26] Theo người Đức: “loại vài từ sợi bong không làm rát da như len bản xứ, hoa văn in trên vải lại giữ màu, sau khi giặt không bị bạc mầu như vải dệt từ sợi lanh ở Châu Âu, Xem thêm: Ulrike Herrmann, Tâu Âu trong tiến trình phát triển kinh tế, Nxb Tri thức, năm 2014, tr. 75-76

[27] Xem thêm hai cuốn sách: Tác giả Tống Thái Khánh, Thời Đại Trung Quốc, Nhà xuất bản Nhân dân Quý Châu, Trung Quốc, tháng 8 – 1994, được Tổng cục II, Bộ Quốc Phòng dịch không công bố chính thức tháng 5 năm 1994 và cuốn Giấc mộng Trung Hoa, tác giả Lưu Minh Phúc, do Công ty xuất bản Hữu Nghị Trung Quốc, Bắc Kinh, 2010. Được Nguyễn Văn Lập, chủ biên, tài liệu tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam., 

[28] Juan Pablo Cardenal & Heriberto Araújo, Đạo quân Trung Quốc thầm lặng, bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh, Nxb Hội nhà văn, 2015, tr. 199

[29] G.Allisson, R.D. Blackwill, A.Wyne, Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới, Nxb thế giới, năm 2013, tr. 4.

[30] Valadimir Soloviev, sđd.

[31] 

[32] Dẫn lại theo, Ulrike Herrmann, Tâu Âu trong tiến trình phát triển kinh tế, Nxb Tri thức, năm 2014, tr. 52.

[33] Juan Pablo Cardenal & Heriberto Araújo, Đạo quân Trung Quốc thầm lặng, bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh, Nxb Hội nhà văn, 2015. Có thể xem chi tiết việc Trung Quốc khai thác Kim Cương ở Mynnma như thế nào. Chá vez đã dâng dầu để lấy ý thức hệ với Bắc Kinh như thế nào. Trung Quốc khai thác gỗ ở Nga như thế nào., đặc khu kinh tế Trung Quốc ở Lào như thế nào

[34] Peter Navarro và GregAutry, Chết bởi Trung Quốc, dịch giả Trần Diệu Chân, Tiểu luận những vấn đề Trung Quốc của dân tộc Việt Nam, Nxb Việt News, in lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, tháng 9 năm 2012.

[35] [35] Juan Pablo Cardenal & Heriberto Araújo, Đạo quân Trung Quốc thầm lặng, bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh, Nxb Hội nhà văn, 2015. Tr. 162

[36] Nghê Kiện Trung, Trung Quốc trên bàn cân, Phạm Đình Cầu dịch, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 1998, tr. 543.

[37] G.Allisson, R.D. Blackwill, A.Wyne, Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới, Nxb thế giới, năm 2013, tr. 57.

[38] Xem thêm hai bài viết. Một là: Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ của giáo sư Trần Ngọc vương. Hai là, bài biển – thành tố trẻ trong cấu trúc địa chính trị Trung Hoa, của tác giả, in trên Văn hóa Nghệ An, số 227, năm 2012, tr. 25 - 32

[39] Juan Pablo Cardenal & Heriberto Araújo, Đạo quân Trung Quốc thầm lặng, bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh, Nxb Hội nhà văn, 2015. Câu nói này ở trang bìa ngoài cuốn sách này.


6 nhận xét :

  1. có thông tin "lề trái" nói bác trọng sang trung quốc đã đưa cảng Hải phòng để phục vụ con đường tơ lụa trên biển của trung quốc. Không biết có đúng không ?

    Trả lờiXóa
  2. Báo Nhật nói nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đồng ý đưa cảng Hải Phòng vào chương trình xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng.(http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/04/150408_xi_trong_haiphong_silk_road).Bài của Tetsuya Abe và Atsushi Tomiyama trên trang Nikkei Asian Review hôm 8/04/2015 cho rằng hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng “đồng ý hợp tác về sáng kiến Con đường Tơ lụa, một nỗ lực của Trung Quốc thu hút Việt Nam và để tăng cường ảnh hưởng kinh tế trong vùng”.
    Theo báo Nhật Bản, hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã “đồng ý lập các nhóm công tác về hạ tầng cơ sở và hợp tác tài chính” cho dự án Con đường Tơ lụa.
    Hai bên có ý định “xây cơ sở cảng, đường cao tốc và các dịch vụ hạ tầng khác” với sự trợ giúp của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB).
    Ông Tập “hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam vào sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển”, theo Nikkei Asian Review.
    Tờ báo này cũng viết:
    “Việt Nam là phần trọng yếu trong kế hoạch Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc, một mạng lưới thương mại từ Phúc Kiến sang Đông Nam Á, Nam Á và châu Âu.”
    Vẫn các nhà báo Nhật cho rằng “cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam có thể được xây dựng thành cảng đón tàu chuyên chở container lớn ở miền Bắc Việt Nam vào cuối năm 2017” như một phần của dự án này.
    Từ Hải Phòng, hàng hóa có thể đưa lên bộ và chuyển vào nội địa Trung Quốc ngắn hơn từ cảng Hong Kong và Thượng Hải."
    THẾ THÌ CŨNG CHẦU THIÊN TRIỀU À?

    Trả lờiXóa
  3. P. THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 22:04 20 tháng 6, 2015

    Hết Vạn Lí Trường Thành phía Bắc thời Thượng Cổ đến đường Tơ Lụa phía Tây. 20 tk sau BK lại mưu toan bành trướng về phía Nam mà họ gọi là Van Lí Trường Thành trên biển và rộng hơn là nữa là con đường Tơ Lụa trên biển . Vạn Lí trường thành trên biển và con đường chín đoạn nuốt hết 80 % Biển Đông đều nằm trong ý đồ bành trướng của BK . Từ ngàn xưa người Tầu đã nam tiến rất mạnh, nhưng mạnh nhất là từ cuối thời Minh sang đời Thanh. Họ đến Đại Việt bằng đường thủy và lần lượt xin được định cư ở Đại Việt . Phía Bắc VN người Minh hương một số xin chúa Trịnh cho cư ngụ tại Nghệ An. Xuống phí Nam ồ ạt nhất là cha con Mạc Cửu, Mạc thiên Tích khai khẩn đất Hà Tiên rồi xin thần phục Chúa Nguyễn . Người Minh hương cũng được Chúa Nguyễn cho cư n gụ tại miền Đông Nam Bộ ngày nay như Đông Nai, Bình Dương, Gia Định, Chợ Lớn . Vì người Kinh lúc đó chưa nhiều , chúa Nguyễn lại muốn mau chiêm trọn Thủy Chân Lạp, nên đồng ý cho người Minh hương sinh sống ở miền Đông và lan dần xuống miền Tây Nam Bộ nối liền với Hà Tiên .
    Trong khi đó người Minh hương cũng vượt biển xuống Nam Dương quần đảo và Philippines ngày nay . Tập Cận Bình lấy tiếng là phục hồi con đường tơ lụa trên biển, nhưng thâm ý của ông ta là phục hồi con đường nam tiến của người Hán những tk trước . Indonesia là một nước Hồi giáo, nhưng người Hoa cư ngụ rất đông ở các đảo lớn và trù phú như Java, Sumatra . Việc kinh doanh và ngân hàng phần lớn trong tay họ . Ở Malaysia 48 % dân số là người Hoa, Ở Singapore tới 96 % dân số gốc Hoa. Ở miền Nam VN cũng không phải là ít người Hoa. Con đường tơ lụa trên biển tk 21 của Tập Cận Bình chắc chắn không thể bỏ qua cái quá khứ nam tiến và lập sợi giây liên kết những người Hoa ở ĐNÁ . Các nước Indonesia, Malaysia, Singapore đều đã và đang rất cảnh giác , chỉ có VN thì đcsVN dưới sự lãnh đạo của TBT NPT xem ra lại rất thân thiện với kế hoạch của TCB !

    Trả lờiXóa
  4. Không những ĐNÁ mà cả thế giới còn khổ nhiều vì cái đám con trời BK . Người Hán đi tới đâu mang theo cả phong tục tập quán đi tới đó . Họ chỉ hòa nhập vào cái dòng tiền của thế giói . Người Do thái ở Âu châu, nhất là ở Đức , mặc dầu góp rất nhiều tài năng cho Đức và thế giới, vậy mà Hitler không chịu nổi . Còn người Hoa với caí mắn đẻ, sinh sản nhiều đang trở nên mối lo cho thế giới . Ngày xưa công nghê rất lạc hầu, việc sản xuất tơ lụa không đủ cung cấp cho dân trong nước, xuất khẩu do dân buôn bán một số rất ít qua tận phương tây, cùng với một số sản phẩm khác như đồ gia vị trên lưng lạc đà hàng tháng trời, có khi cả năm mới tới được . Việc chuyên chở bằng đường bô theo dấu chân lạc đà làm thành lối mòn trên cát , vậy mà ngày nay được kêu cho sang là con đường tơ lụa . Còn trên biển, những con tầu gỗ chạy bằng buồm xuất phát từ Thượng Hải, Hàng Châu tỏa ra biển Hoa Đông , Biển Đông thường có nhiều bão, những thương nhân người Hoa chủ yêu cung cấp cho đồng bào xa xứ của họ, một số rất ít tới tay giới giàu có, quí tộc địa phương. Vậy mà ngày nay cũng đạt cho nó cái tên : con đường tơ lụa trên biển !
    Trong chiến tranh VN từ 1954 đến 1975, một số những con tầu gỗ nhỏ bé đi dọc theo ven biển tải vũ khí từ Bắc vào Nam cũng được gọi là đường HCM trên biển !
    Đường tơ lụa, hay đường HCM chỉ là những danh hư thì nhiều mà thực thì ít , mới gọi nó là huyền thoại tức là huyền hoặc mơ hồ chứ đâu phải là sự thực hoàn toàn .

    Trả lờiXóa
  5. Tơ lụa con mẹ gì,đường xâm lược thì có !

    Trả lờiXóa
  6. Dây tơ lụa cũng có công dụng để... tự tử!

    Trả lờiXóa