Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA LÊN TIẾNG VỀ BÀI PHỎNG VẤN BỊA ĐẶT


CÁCH LÀM VIỆC RẤT KỲ CỤC CỦA BÁO ĐẤT VIỆT


20h30, 29/5/2015

Tôi rất ngạc nhiên khi đọc bài viết "phỏng vấn” tôi trên báo Đất Việt. Tôi hoàn toàn không gặp nhà báo, không trả lời phỏng vấn, cũng không biết mặt phóng viên. Vậy tại sao lại có bài phỏng vấn này? Thật lạ kỳ.

Sự thật, chỉ có một cô phóng viên gọi điện cho tôi, xin gặp để phỏng vấn về Hội Nhà văn. Tôi tưởng cô hỏi tôi với góc nhìn của một hội viên, nhưng khi cô bảo chú lãnh đạo Hội nhà văn thì tôi bảo, cháu nhầm rồi. Cháu muốn tìm lãnh đạo Hội thì phải gặp bác Hữu Thỉnh, bác Nguyễn Trí Huân, bác Lê Quang Trang hay chú Nguyễn Quang Thiều. Cháu bảo thế sao bảo chú về lãnh đạo Hội Nhà văn? Tôi bảo, muốn lãnh đạo Hội Nhà văn phải do Đại hội bầu mà Đại hội thì đã diễn ra đâu. Cháu nên gặp bác Thỉnh hay chú Thiều. Tất cả chỉ có thế. Bây giờ lại thành bài phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa, lại thành “nhà thơ chia sẻ với báo Đất Việt”. Tôi cũng không biết cô làm ở tờ báo nào thì sao biết báo Đất Việt mà chia sẻ. Nguyên tắc phỏng vấn là phải gặp người phỏng vấn, rồi khi thực hiện phải chuyển lại cho người phỏng vấn đọc lại cho thật chính xác rồi mới đưa in. Cách làm này rất không ổn. Báo Đất Việt là tờ báo có uy tín. Vì thế, không nên để có những kiểu "phỏng vấn" như thế này xảy ra.

TRẦN ĐĂNG KHOA
_______________

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: 
Tất cả chỉ là tin đồn

Báo Đất Việt
Thứ Sáu, 29/05/2015 07:18

Trước thông tin sẽ về tham gia lãnh đạo Hội Nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định mình không muốn, đó chỉ là thông tin không căn cứ.

 
Thông tin do nhiều người đồn đại

Chia sẻ với Đất Việt, ngày 28/5, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: "Thông tin cho rằng tôi sẽ về làm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam chỉ là tin đồn, cái đó tôi hoàn toàn chưa nắm được thông tin gì, dù tôi là người trong cuộc".

Bên cạnh đó, ông Khoa cho biết thêm: "Chuyện đổi mới, phát triển Hội Nhà văn thì ai cũng mong muốn, cả nước muốn. Thế nhưng, không phải bản thân tôi sẽ sang lãnh đạo để vực dậy Hội Nhà văn, hướng cho Hội phát triển tốt hơn".

Theo ông Khoa chia sẻ thì đó chỉ là thông tin do nhiều người đồn đại, việc này còn do các thành viên trong Hội Nhà văn bầu, đưa ra ý kiến.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa 7. Đại hội nhà văn khóa 8 ông Khoa đã rút khỏi danh sách đề cử.

Theo một số nhà văn cho biết, ông cũng nhiều lần khẳng định không tham gia vào Ban lãnh đạo Hội Nhà văn để thời gian cho những dự định sáng tác lớn.

Trước đó, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2015-2020, đại hội khu vực Hà Nội , ngày 25/5, đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đòi hỏi sự cải tiến mạnh trong hoạt động hội.

Gần 100 đại biểu tham dự đã trình bày rất nhiều ý kiến đáng chú ý xung quanh việc ghi nhận những thành quả của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua và đóng góp để Hội có thể phát triển, vận hành tốt hơn trong nhiệm kỳ 2015-2020 sắp tới.

Có những ý kiến mạnh dạn về việc xây dựng bộ máy lãnh đạo Hội và nhân sự trong Ban chấp hành (BCH) của Hội. Theo đó, không nên bầu vào BCH những vị không có chính kiến hoặc sức yếu quá. Nhà thơ Đàm Khánh Phương mong mỏi, đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX sắp tới phải lựa chọn được một BCH mới.

“Nếu kéo co thì phải chọn người khỏe, nhưng là nhà văn thì phải chọn người có uy tín văn chương, có trách nhiệm, không tư lợi” - nhà thơ chia sẻ.

Liên quan đến câu chuyện này, bên thềm đại hội, nhà thơ Vũ Xuân Hoát cũng kỳ vọng, nhiệm kỳ tới phải có những người trẻ hơn gánh vác.

Đừng bắt hội viên ăn một món qua nhiều năm liền

Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm thời gian qua, đó chính là lãnh đạo các Hội văn học nghệ thuật như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội KTS VN... đều lớn hơn 70 tuổi, thậm chí còn lãnh đạo 3 – 4 nhiệm kỳ liên tiếp nên Hội chưa phát huy được sức mạnh, vai trò của mình trong phát triển đời sống, xã hội.

Trao đổi với Đất Việt, về vấn đề này, Trung tướng Hữu Ước - Tổng biên tập truyền hình ANTV, Hội viên Hội Nhà văn VN cho biết: "Văn học - nghệ thuật là một lĩnh vực trong đời sống văn hóa, tinh thần, chính vì vậy, mọi tầng lớp trong XH đều hết sức quan tâm, từ lãnh đạo Đảng, nhà nước cho tới mọi người dân.

Cho nên chúng ta không phủ nhận những thành tựu văn học nghệ thuật đã làm được trong những năm qua, nhưng để tạo sự đột phá và tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc để phục vụ công chúng, xứng tầm thời đại, dân tộc thì tôi khẳng định vẫn chưa đạt tới sự mong muốn".

Mặt khác, ông cho hay: "Bản thân tôi, trong những năm qua không muốn vào BCH Hội Nhà văn VN là vì tôi biết vào cũng không giải quyết được gì, vì mọi chuyện vẫn cũ như thế, cũ như Trái Đất vậy.

Chuyện vào BCH ở đây chỉ là để giải quyết khâu oai, lấy cái chức danh, mà vào để gật, thì vào để làm gì. Thậm chí, có một số đồng chí vào BCH mà tôi cũng không biết tên là gì, trong khi tác phẩm không có, tài cũng không thấy đâu, từ đó có thể thấy, Hội sinh ra vốn cũng chỉ là Hội gật".

Ông nói: "Hội Nhà văn hiện tại vẫn đang hoạt động như 1 Bộ, bao gồm đủ các lĩnh vực: báo, xưởng phim, nhà xuất bản, bảo tàng, sáng tác, đối nội, đối ngoại. Hội liên hiệp văn học nghệ thuật cũng như 1 Bộ, nên không ai có thể 1 lúc làm 2 Bộ trưởng, làm 2 Bí thư Đảng đoàn, không những vậy còn vi phạm điều lệ Đảng. Điều lệ của Đảng và pháp luật thì phải được thượng tôn".

Trong khi đó, là 1 trong 2 người mặc dù có tên trong danh sách là thành viên BCH Hội Mỹ thuật VN khóa VIII, nhưng đã xin rút khỏi danh sách BCH , họa sĩ Thành Chương cho hay: "Tôi cảm thấy thất vọng và tiếc, khi cuối buổi đại hội, không có sự thay đổi nào."


Thái Linh

______________

TỄu Blog: Đây là lần thứ hai, lão thi sĩ Trần Đăng Khoa được phỏng vấn giả tưởng.
Mời xem lại bài "Đôi điều thưa lại" của Trần Đăng Khoa trên TN.c, đăng ngày 28.4.2011:


ĐÔI ĐIỀU THƯA LẠI

Trân Đăng Khoa
Thứ năm ngày 28 tháng 4 năm 2011 
9:50 AM

Báo Văn nghệ số 18+19, phát hành dịp 30 Tháng Tư, kỷ niệm 36 năm ngày Thống nhất Đất nước, được chuẩn bị khá công phu, có bài phỏng vấn Trần Đăng Khoa, với tiêu đề: “Những cột mốc sống” của nhà văn, nhà báo Hà Nguyên Huyến. Thoạt đầu, tôi tưởng đây là cuộc phỏng vấn giả tưởng. Nghĩa là tác giả tạo ra cuộc trò chuyện tưởng tượng, như một số nhà phê bình, nhà báo đã từng phỏng vấn Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng hay Chí Phèo, Thị Nở…Nhưng đây không phải thủ pháp nghệ thuật báo chí như thế, mà là cuộc phỏng vấn rất nghiêm túc: “Chiến tranh đã kết thúc, nhưng công cuộc bảo vệ đất nước vẫn không một ngày ngưng nghỉ. Nhân dịp này, nhà văn Hà Nguyên Huyến có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa – Ngưòi đã có mặt nhiều lần trên quần đảo Trường Sa, có nhiều sáng tác hay về những người lính bảo vệ đảo hôm nay”, trong khi đó, Trần Đăng Khoa lại chẳng biết gì về những điều mình đã “trả lời”, nên buộc tôi phải thưa lại đôi điều, để tránh sự hiểu lầm không cần thiết, dù tôi biết nhà văn Hà Nguyên Huyến và tòa báo đều rất thiện chí.
.........
Xem toàn bài tại nguồn: TranNhuong.net


4 nhận xét :

  1. Ông tỉnh hẳn chưa? Ông vẫn còn tin vào bọn chúng lắm mà?...

    Trả lờiXóa
  2. Bản chất của thơ là lãng mạn . Thực với hư , hư với thực , hồn thơ cứ lãng đãng như hồn nàng Đạm Tiên . Nhà thơ Trần Đăng Khoa đang bị chơi trò vừa hư vừa thực . Họ đùa với nhà thơ đấy !

    Trả lờiXóa
  3. Có khi nào lúc phỏng vấn chính là lúc ông đang bị mộng du. he.he.
    Cái đỉnh cao của nhà sản là ở đây.

    Trả lờiXóa
  4. Mộng du. Quá đúng. Trần Đăng Khoa mộng du từ khi chấm hết tuổi thơ. Hình như vẫn chưa tỉnh...he he

    Trả lờiXóa