Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

AI DUYỆT PANO "KỲ DI", SAI TÊN NƯỚC, NHẦM XE TĂNG MỸ?

Ai duyệt pano "kì dị", sai tên nước, nhầm xe tăng Mỹ?

Đời sống & Pháp luật
13:02 PM, 24-04-2015

(ĐSPL) - Liên quan đến Pano "kì dị" in hình cô gái có bàn tay 4 ngón gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến cho rằng, việc đơn vị chịu trách nhiệm đổ lỗi cho kỹ thuật là không thỏa đáng, thiếu trách nhiệm.

Như tin tức đã phản ánh, tấm pano chào mừng ngày 30/4 in hình cô gái với cánh tay mọc từ cổ, bàn tay trái có 4 ngón, bàn tay phải không ăn khớp với bó hoa… thể hiện sự cắt ghép cẩu thả gâyphản cảm trong dư luận. Theo đơn vị chịu trách nhiệm, những tấm pano này đã được lập tức tháo gỡ, thay mới trong đêm nhận được phản ánh.

.
 Tấm pano chào mừng 30/4 kỳ dị gây xôn xao dư luận
 với hình ảnh cô gái cùng bàn tay 4 ngón.

Trao đổi với báo chí về “sự cố” trên, ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, được báo cáo là do lỗi kỹ thuật, thiết kế. Theo ông Long, bản để duyệt, cấp phép được in trên khổ nhỏ nên đơn vị cấp phép đã không phát hiện ra lỗi này.

Đây cũng là lời giải thích của cán bộ Sở Văn hóa – thể thao – du lịch Hà Nội khi trao đổi với phóng viên về những chi tiết “kì dị” của tấm pano gây xôn xao dư luận.


Cán bộ này đã cho biết, lúc phê duyệt, cấp phép bản vẽ chỉ là khổ giấy A4 nên không phát hiện được những chi tiết không hợp lý, khi in bản lớn, phóng to mới phát sinh một số trường hợp bị xấu.

Trước câu trả lời này, phóng viên đã đặt câu hỏi “Nếu đánh giá lỗi kỹ thuật, do bản duyệt, xin cấp phép ở khổ nhỏ vậy sao không yêu cầu đơn vị thiết kế nộp bản to?” thì vị cán bộ này nói rằng “những ngày lễ lớn như dịp 30/4 này có hàng nghìn mẫu tranh cổ động gửi cho các quận huyện để lựa chọn tấm nào đẹp, treo ở đâu thì phù hợp nên không thể in hết bản cỡ lớn được”.

Điều này có nghĩa, việc in bản duyệt ở khổ giấy lớn sẽ gây tốn kém kinh phí cho đơn vị thực hiện. Vậy khi triển khai, những tấm pano sai phải gỡ bỏ, thay bằng tấm mới thì ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi hoàn? Điều lớn hơn là khi những tấm biển “kì dị” được treo trên phố làm người dân mất niềm tin vào cơ quan quản lý thì ai có thế lấy lại hay bù đắp?

Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng treo pano lỗi trên các tuyến phố. Vậy phải chăng tất cả các vụ pano lỗi đều do lỗi kỹ thuật? do khâu phóng to?

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đổ lỗi cho kỹ thuật không thỏa đáng, thể hiện sự thiếu trách của những cá nhân, đơn vị liên quan. Dù có thể những sai sót này không lớn, nhưng cơ quan có trách nhiệm phải có phản hồi đề dân biết, phải xử lý trách nhiệm những cá nhân, đơn vị liên quan chứ không phải chỉ gỡ bỏ bano lỗi, thay mới là xong. Ai, đơn vị nào duyệt những pano kỳ dị này? chịu trách nhiệm ra sao? Tất cả cần phải được thông tin rõ ràng để dư luận biết và chia sẻ.

“Từ đơn vị thiết kế đến đơn vị phê duyệt, cấp phép, kiểm tra không thể làm ăn ẩu như thế được. Nếu không làm nghiêm một lần thì hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn”, một độc giả ý kiến.

Trên thực tế, những tấm pano lỗi, phản cảm đã xuất hiện ở những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn những năm trước.

Cụ thể, dịp kỷ niệm ngày lễ 2/9 năm 2013, nhiều người dân Thủ đô không khỏi nhức mắt trước tấm pano ghi sai tên nước Việt Namvới nội dụng "Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước cộng hòa xã hội Việt Nam Việt Nam" được dựng lên tại ngã tư đường Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng và La Thành thuộc quận Đống Đa (Hà Nội). Điều đáng nói, ngay sau khi tấm pano ghi sai tên nước được dựng lên, người dân cho biết đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền sở tại để sửa đổi, song đến nay tấm biển vẫn đứng "hiên ngang" giữa ngã tư phố.
.
Pano viết sai tên nước xuất hiện trên đường phố Hà Nội trong dịp kỷ niệm ngày 2/9/2013.

Trao đổi với báo chí vào thời điểm đó, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thừa nhận: “Sai sót như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với một tấm pano biểu ngữ chào mừng ngày Quốc khánh”.

Theo ông Lợi, để dẫn đến sự sai sót này là do sự thiếu thận trọng của những người trực tiếp làm tấm pano và sự lơ là của cán bộ của Phòng Văn hóa quận Đống Đa trong việc giám sát, kiểm tra việc triển khai hệ thống pano, biểu ngữ chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.

Và khoảng 2 ngày sau khi sự việc được dư luận phản ánh, bí thư quận Đống Đa Lê Tiến Nhật thừa nhận sai sót của quận và cho biết, thành phố chỉ đạo làm pano 2/9, còn việc thiết kế, in ấn là do quận.

"Do sơ xuất trong quản lý, triển khai và thực hiện nên quận đã in sai tên nước trên pano. Quận không đổ trách nhiệm riêng cho ai vì cũng cảm thông cho cán bộ nhiều khi làm việc mệt mỏi nên sai sót", ông Nhật nói.

Trước đó, dịp chào mừng giải phóng miền Nam năm 2010, một tấm pano mừng giải phóng miền Nam sai chính tả một cách khó hiểu (chữ nước viết thành nớc - PV) được treo ngay bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Không chỉ ở Hà Nội, những tấm Pano sai chính tả cũng xuất hiện ở nhiều địa phương khác.

Dịp kỷ niệm 30/4 năm 2014, cư dân mạng sôi sục truy tìm tác giả pano"39 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc” với hình ảnh một chiếc xe tăng của Mỹ thay cho hình ảnh chiếc xe tăng T59 của Quân đội nhân dân Việt nam.

.
Tấm pano in hình xe tăng Mỹ treo ở thành phố Trà Vinh dịp kỷ niệm 39 năm 
giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.

Theo tìm hiểu của phóng viên sau đó, tấm pano bị dư luận phản ứng dữ dội trên được treo tại nhiều địa điểm công cộng của thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Cũng thể hiện sự cẩu thả, tấm Pano “Không sao nhãng ngược đãi bạo lực trẻ em” treo gần trụ sở UBND xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cũng bị dư luận phản ánh hồi tháng 3/2014. Dòng chữ cảnh báo trên tấm pano thiếu dấu phẩy khiến người xem có thể hiểu là: hãy nhớ (đừng quên) ngược đãi bạo lực đối với trẻ em.

Hay tấm băng rôn có nội dung “Để có hai miếng bít tết cần 15.000 lít nước” xuất hiện trên đường phố Lạng Sơn cuối tháng 3 vừa qua cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng, không hiểu nội dung tuyên truyền là gì; cơ quan chức năng cũng... bối rối.

Các đơn vị chịu trách nhiệm có thể coi những trường hơp trên là sơ xuất nhỏ, do lỗi kỹ thuật nhưng với người dân nó là “thảm họa” thể hiện sự cẩu thả, thiếu sự tôn trọng người dân và làm lãng phí của công.


H.MINH


11 nhận xét :

  1. Phải phạt thật nặng bằng cách trừ lương, hạ tầng công tác của cán bộ chịu trách nhiệm phê duyệt cho phép in ấn, quảng cáo những tấm pa-nô, tuyên truyền này, chứ không thể chỉ "nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc" được.
    Ai làm sai, phải bỏ tiền túi ra mà đền, chứ không được lấy tiền thuế của dân ra mà đền bù cho việc làm sai trái gây thiệt hại đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề là ai giám sát thực hiện!
      Bó tay thôi!

      Xóa
  2. Biết đây là loại pa-nô sẽ phóng to khi treo
    mà lại duyệt cái bảng phóng nhỏ
    để chừa đường đổ thừa ...
    Thật điên khùng !
    Nhưng có cái ăn tiền thì không điên chút nào !
    Nhưng là ăn bẩn !

    Trả lờiXóa
  3. Có gì đâu, vẫn là lỗi do... cậu đánh máy ấy mà

    Trả lờiXóa
  4. Tui nghĩ là những cơ quan, cán bộ liên quan đến những tấm pano làm cẩu thả - đầy sai sót đó là do họ muốn "chơi" đảng và nhà nước đấy thôi. "Chơi" là phải, vì chính sách chổ nào cũng sai - cũng sót, thì sá gì mấy tấm pano.

    Trả lờiXóa
  5. Cái hình trong bài ni chỉ bằng 1/4 trang A4 mà nhìn hình vẫn rõ, lồ lộ sự cắt ghép cẩu thả. Hình này được in trên giấy A4 thì còn rõ hơn. Vậy mà Phan Đăng Long, phó ban tuyên giáo TU Hà Nội còn trơ trẽn nói do in trên giấy A4 nhỏ, không rõ nên duyệt. Thằng cha này có nhiều phát ngôn ngu ngốc. Vậy mà làm ở ban tuyên giáo khác nào giao cho y cái loa để chửi đảng. Nó nói láo, cũng đồng nghĩa với bôi nhọ đảng. Tay này cho nghỉ việc là còn nhẹ.

    Trả lờiXóa
  6. Không chỉ là xe tăng của Mỹ mà nó còn biết bay, tôi thấy nó không chạm đất.
    chuyện khổ nhỏ (A4) không nhìn ra chỉ là ngụy biện. ảnh trên các trang mạng tuy đã bị chụp lại và trong màn hình nhỏ hơn tờ A4 mà vẫn thấy rõ sự cẩu thả. Lỗi tại người duyệt đừng đổ cho thiết kế. Thiết kế không chuẩn thì đừng duyệt.

    Trả lờiXóa
  7. Bụng làm dạ chịu . Cái bụng đã bẩn làm sao có cái dạ tốt lành ? Cứ những anh nào làm sai từ khâu duyệt đến khâu thi hành thì bắt anh phải móc tiền túi ra mà đền . Trừ lương cho chắc ăn . Nhất định lần sau bố bảo cũng không dám sai ! Mỗi cái pano khổ lớn chắc không dưới chục triệu !

    Trả lờiXóa
  8. "...lúc phê duyệt, cấp phép bản vẽ chỉ là khổ giấy A4 nên không phát hiện được những chi tiết không hợp lý, khi in bản lớn, phóng to mới phát sinh một số trường hợp bị xấu"
    Đã biết thế rồi, lần sau nhớ đòi cho bằng được panô thiết kế được gởi đến dưới dạng .pdf,..jpg (600dpi) nhé. Lúc đó muốn phóng to khuôn mặt, bàn tay... to như con kingkong đều được mà không tốn 1 xu nào.

    Đỗ Chí Việt

    Trả lờiXóa
  9. Có nơi còn khuyến khích các doanh nghiệp làm các băng rôn treo ở cột đèn, cây trên hè phố với những khẩu hiệu chào mừng này nọ. Có băng rôn ghi: "Hoa hong Hotel mừng Đảng mừng Xuân". Truy ra thì cái khách sạn mini này chuyên cho thuê phòng theo giờ. Thuê giờ chẳng có gì xáu, đó là nhu cầu của khách hàng, mà khách hàng cũng chẳng có gì xấu, họ cần nơi yên tĩnh để tâm sự. Cách ly nhịp sống nóng bức, ồn ào 2, 3 tiếng đồng hồ với bạn cũng là một cách sống riêng tư văn mình, không làm phiền người khác nơi công cộng, tuy có tốn kém một chút. Thế nhưng "mừng đảng, mừng xuân" để quảng cáo cho KS của mình thì cũng cần xem lại.

    Trả lờiXóa
  10. Là con người, ai chả có lúc sai, nhầm lẫn. Nhưng sai thì phải trung thực nhận lỗi để sửa chữa. Nhìn vào đâu cũng thấy sai phạm của cơ quan công quyền thế nhưng không bao giờ họ chịu nhận lỗi mà chỉ chuyên đổ lỗi, bao biện! Không còn biết liêm sỉ gì nữa!

    Trả lờiXóa