Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

AI ĐANG LÀ ĐẠI DIỆN THỰC SỰ CỦA CÔNG NHÂN VN?

‘Ai đang là đại diện thực sự của công nhân VN?’

BBC
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung – Gửi cho BBC từ Sài Gòn
04-04-2015

Cuộc đình công của công nhân ở khu công nghiệp Tân Tạo, TP. Hồ Chí Minh đã buộc chính quyền thay đổi chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Những ngày vừa qua, quy mô và cuộc đấu tranh của công nhân công ty Pou Yuen, khu công nghiệp Tân Tạo, ở TP. Hồ Chí Minh đã gây chú ý trong cả nước và gợi cho tôi nghĩ đến lời bài Quốc tế ca mà chính những người cộng sản Việt Nam nhiều thế hệ trước đây khi đấu tranh, lúc xuống đường đã cất lời hát.


Đây là lần đầu tiên một số lượng lớn công nhân, người lao động, với trên dưới 90.000 người, theo chính số liệu của truyền thông nhà nước, đã tự tập hợp lại để tranh đấu nhằm thay đổi chính sách đối với người lao động, với giai cấp công nhân, của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, những người luôn nhận mình là ‘bộ phận tiên tiến và đại diện của giai cấp công, nông’.

Điều đặc biệt ở diễn biến đình công Tân Tạo lần này là mục tiêu của công nhân đã không phải là về vấn đề đấu tranh với chủ lao động đòi cải thiện tiền lương, tiền thưởng, giờ làm v.v… nữa, mà họ đã dám đấu tranh trong ôn hòa gây áp lực nhằm làm thay đổi chủ trương, chính sách của nhà nước và đảng cộng sản cầm quyền.

‘Mạo danh?’

Cuộc tranh đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, tầng lớp thợ thuyền hiện đại như ở Tân Tạo tuần này đặt lại một vấn đề về chính tư cách, về tính chính danh của chính cái gọi là đảng đại diện cho ‘giai cấp công nhân’ ở Việt Nam và chính quyền do đảng này lãnh đạo và lập ra.

Chúng ta đều biết, trong Hiến pháp cũng như trong cương lĩnh đảng cộng sản ghi rõ đảng cộng sản Việt Nam đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam.

Thế nhưng, mỉa mai thay, đảng cộng sản lại dường như không đếm xỉa đến nguyện vọng, tâm tư, nhu cầu và cả những bức xúc của anh chị em công nhân, thợ thuyền, và phải đợi đến lúc đình công bùng phát đông đảo, trên diện rộng, thì Chính quyền mới ‘giật mình’ và chính phủ đã phải hứa hẹn và đề nghị Quốc hội sửa luật Bảo hiểm xã hội.

Đáng nói hơn, khi nhìn sâu vào vấn đề, thì tiền của anh chị em lao động, của công nhân đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội lại bị quản lý không minh bạch, thậm chí đem đi cho vay và để thất thoát, như chính truyền thông và giới quan sát ở trong nước cho hay.

Ngày 24/4/2014, trước thực tế 1.052 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội coi như mất trắng, và Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Tuân đã đặt vấn đề về sự công bằng:

Ông nói: “Tại sao người lao động không đóng bảo hiểm xã hội thì đòi xử lý hình sự, trong khi chúng ta lấy tiền của họ cho vay và làm thất thoát thì lại không ai chịu trách nhiệm?”

Qua đó, ta thấy rõ luật pháp do đảng cộng sản ban hành là thứ luật pháp bất công, tùy tiện.

Đến đây, lại cần phải nhắc lại rằng từ năm 2009 đến 2014, có tới khoảng 3.120 cuộc đình công, và không có cuộc đình công nào diễn ra ‘đúng luật’.


Tác giả đặt vấn đề liệu khi được chào bán ‘lao động Việt Nam’ có giá rẻ hơn ở nơi khác, công nhân VN đang bị ‘bóc lột’ nặng nề hơn?

Tổ chức công đoàn của đảng cộng sản lập ra đã không hề ‘đại diện’, lãnh đạo, tổ chức được bất cứ một cuộc đình công nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân.

Thậm chí, báo Lao Động còn đăng ý kiến cần giao chỉ tiêu tổ chức đình công đúng luật, tặng bằng khen cho công đoàn cơ sở nào tổ chức đình công đúng luật.


‘Bóc lột’


Như thế, ở đây dấu hỏi đặt ra là đảng và công đoàn do chính quyền của đảng lập ra có phải của công nhân Việt Nam hay không? Họ đại diện cho ai? Ai cho họ đại diện như vậy?

Thực vậy, luật pháp làm ra không thể đi vào thực tế, không hề là cơ sở pháp lý để công nhân có thể tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Luật pháp đó không hề chuẩn mực vì những người soạn ra nó không hề đại diện cho giai cấp công nhân và cả toàn dân.

Ngoài ra, trong việc thu hút vốn đầu tư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn nêu luận điệu ‘lợi thế giá công nhân rẻ hơn’ so với các nước khác.

Như vậy, nghĩa là nếu chiếu theo chủ nghĩa Mác, giai cấp công nhân Việt Nam đang bị bóc lột “giá trị thặng dư” tàn bạo hơn các nước khác, có phải như vậy không? Xin lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam lên tiếng trả lời giúp.

Chính Tạp chí Cộng sản, một cơ quan lý luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng công nhận những ‘khó khăn ngặt nghèo’ của công nhân Việt Nam hiện nay: nào là chất lượng sống và thu nhập quá thấp, nào là doanh nghiệp vi phạm luật lao động không bị xử lý nghiêm, nào là vai trò công đoàn mờ nhạt, v.v…

Và mới đây, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất Asean, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia, thấp hơn cả Lào. Rõ ràng rằng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa không thể đào tạo ra được đội ngũ công nhân lành nghề có năng suất cao, đủ sức cạnh tranh với quốc tế.

Trong khi cuối năm nay, người lao động lành nghề ở các nước Asean có thể tự do sang Việt Nam để làm việc. Sức ép đối với người lao động, công nhân ở Việt Nam rất lớn khi phải cạnh tranh với lao động lành nghề từ các quốc gia khác đến.

Đời sống khó khăn là thế, công đoàn chỉ là hình thức như thế, mà người công nhân Việt Nam lại không có quyền thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của mình. Trong đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề gai góc nhất, chúng ta đã biết, vẫn là quyền được tự do thành lập công đoàn độc lập của công nhân Việt Nam.

Tại sao quyền lập công đoàn của người công nhân nói riêng, quyền lập hội cũng như các quyền tự do dân chủ khác của người dân nói chung trong quốc gia tự nhận là xã hội chủ nghĩa, do các đảng cộng sản, mà ở đây là đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền, lại bị tước đoạt như vậy? Ai cho phép Đảng Cộng sản và chính quyền cộng sản làm điều này?

‘Đổi ngôi’

 
Tác giả đặt dấu hỏi liệu đảng cộng sản và tập thể lãnh đạo hiện nay ai đang là đại diện 
thực sự cho giai cấp công nhân VN?

Để trả lời câu hỏi này, câu hỏi về việc ‘bị tước đoạt ấy’, nhìn lại chính các văn kiện lý luận của cộng sản, cách đây hơn một thế kỷ, trong cuốn “Thể chế nhà nước và Tình trạng vô chính phủ” xuất bản năm 1874 của Mikhail Bakunin (1814-1876), một đối thủ của Mác từ thời Quốc tế I, ông Bakunin đã cho rằng:

“Kiểu bầu cử độc đảng của những người Mác-xít là “những lời nói dối, chúng che đậy sự chuyên chế của một thiểu số người quản lý, và những lời nói dối này còn nguy hiểm hơn nữa, ở chỗ phần thiểu số này là sự biểu hiện của cái gọi là ý chí nhân dân.”

“Kết quả là: một số ít người có đặc quyền cai trị đại đa số nhân dân. Nhưng theo những người Mác-xít nói, phần thiểu số đó sẽ gồm những người công nhân.”

Thật vậy, theo ý của Bakunin, nhà triết học phương Tây bị những nhà marxist đả phá là ‘cựu hữu, vô chính phủ’, thiểu số ấy có lẽ là ‘gồm những người công nhân trước kia’, nhưng một khi những người công nhân đó lên nắm quyền, trở thành “người đại diện” tự xưng hoặc người cai trị nhân dân (tầng lớp cai trị), thì họ sẽ ‘không còn là người công nhân’ nữa (bị trị), họ đã đổi ngôi (cai trị) không như những gì họ tự nhận nữa.

Khi ấy, vẫn theo triết gia này, họ sẽ từ ‘trên tầm cao’ của chính quyền cai trị ‘nhìn xuống toàn bộ thế giới’ của những người ‘công nhân bình thường’, một giai cấp và tầng lớp bị trị trong xã hội. Kể từ đó, họ ‘không còn đại diện’ cho nhân dân, mà chỉ đại diện, bảo vệ chính yếu, trước hết cho chính bản thân ‘quyền lợi’ của họ, của nhóm cai trị, đảng cầm quyền của họ.

Quan tâm của họ lúc này hóa ra là ra những chính sách trước hết đảm bảo quyền lợi, vị thế của mình, và sau đó là nhắm vào cai trị có lợi nhất quần chúng, nhân dân, trong đó có tầng lớp công nhân, người làm công ăn lương, trong nhân dân, vẫn theo Bakunin.

“Kẻ nào nghi ngờ điều đó, kẻ đó hoàn toàn chẳng biết gì về bản tính của con người,” nhà lý luận đối lập và triết gia người Nga nói.

Và ông khẳng định:

“Họ [các nhà Mác-xít] luôn xác nhận rằng chỉ là một chế độ độc tài – dĩ nhiên là chế độ độc tài của họ – có thể tạo ra ý chí nguyện vọng cho người dân, nhưng câu trả lời của chúng tôi về điều này là: không có chế độ độc tài nào nhắm được vào mục đích nào khác hơn, ngoài mục đích tự làm cho mình bất tử, và nó chỉ có thể là cha đẻ của nô dịch, nhờ vào việc người dân phải chịu đựng nó (chế độ)…”


‘Vùng lên’

Con số gần 90.000 công nhân đình công ở khu công nghiệp Tân Tạo tuần này, khi đem so sánh với số lượng thành viên của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã làm tôi kinh ngạc. Nó khiến tôi nhớ lại những gì tôi được học trong chủ nghĩa Mác về giai cấp công nhân trên ghế nhà trường ở Việt Nam trước đây.

Theo đó, đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: “kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, kỷ luật”.


Cảnh sát và an ninh được cho là sẵn sàng ‘vào cuộc’ trong cuộc đình công mà cuối cùng 
đã diễn ra ‘trong trật tự’ ở Tân Tạo tuần này.

Tinh thần đấu tranh của họ có thể “ảnh hưởng và làm gương” cho các tầng lớp khác. Do đó, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều “giữ vai trò lãnh đạo”. Sức mạnh đó của công nhân ngày hôm nay, như trong các vụ đình công nhiều năm trở lại, đặc biệt vụ ở Tân Tạo, đã buộc lãnh đạo đảng cộng sản phải tỏ dấu hiệu nhượng bộ ngay lập tức.

Qua sự kiện vừa qua, ta thấy rõ trên thực tế đảng cộng sản Việt Nam không hề đại diện cho giai cấp công nhân và toàn dân tộc, khi mà quyền lợi, lợi ích chính đáng của công nhân và quyền làm chủ của người dân bị tước đoạt.

Để tránh tình trạng thay đổi trong ‘bạo lực’ mà giới quan sát đã cảnh báo, Việt Nam cần phải có một nền tảng quốc gia vững chắc, đó chính là tính chính danh của người cầm quyền, điều mà chỉ có tể đạt được thông qua bầu cử công khai, dân chủ, trung thực và pháp luật phải chuẩn mực, không thiên vị, không vi Hiến ngay từ đầu, phải có phân lập tam quyền, mà trong đó, tư pháp phải được độc lập.

Chỉ có một nền pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ một bản Hiến pháp Dân chủ cho dân lập ra, phúc quyết, mới đảm bảo quyền làm chủ, và đảm bảo quyền con người của người dân được tôn trọng, trong đó có các quyền tự do lập hội, quyền thành lập công đoàn độc lập của công nhân v.v…

Cho nên, để tranh đấu cho quyền lợi của nhân dân và giai cấp công nhân hay co quyền lợi của quốc gia một cách triệt để, thì thiết nghĩ anh em lao động cũng cần lưu ý tranh đấu sao cho lãnh đạo đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam phải hủy bỏ bản hiến pháp áp đặt hiện hành và mau chóng thay thế bằng một hiến pháp của toàn dân, do dân soạn thảo và phúc quyết…

Nói cách khác, chỉ có hiến pháp của toàn dân mới thực sự bảo vệ được cho quyền lợi của toàn dân, trong đó có giai cấp công nhân, giai cấp lao động mà danh nghĩa của họ đang bị người khác, mà ở đây là Đảng cộng sản cầm quyền và chính quyền do đảng này lãnh đạo ‘tước đoạt’, ‘mạo xưng’.

Viết tới đây, trong tai tôi, tự dưng lại vang lại giai điệu và lời của bài Quốc tế ca, bài hát chính thức chung cho các đảng giai cấp công nhân các nước trên thế giới mà chính những người Marxists một thời từng hát vang trên các đường phố và chặng đường đấu tranh của họ:

“Vùng lên hỡi các nô lệ của thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…” Phải chăng câu hát ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa, hay là vẫn chưa đi hết con đường của nó trong xã hội Việt Nam của ngày hôm nay, cũng như trong ít nhất suốt bốn chục năm vừa qua, khi đất nước được cho là đã ‘thống nhất’, ‘độc lập’ mà dường như chưa có ‘tự do’, ‘dân chủ’ như nhiều người kỳ vọng.


7 nhận xét :

  1. Chính giai cấp công nhân Nga là người giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản. Tuy nhiên, sau khi giành được chính quyền, nhưng người gọi là đại diện giai cấp CN nắm quyền đã không thực hiện được những gì mà người giai cấp CN kỳ vọng. Việc giai cấp CN đấu tranh có tổ chức là tự bản chất của những người công nhân, họ không phải học tập bất kỳ lý thuyết chủ nghĩa nào. Quyền sống và quyền được hưởng những giá trị vật chất, tinh thần từ công sức lao động mình bỏ ra là chính đáng. Họ có chung một mục đích là cơm áo. Khi họ bị dồn đến chân tường, bị bóc lột thì đương nhiên họ phải đấu tranh, triệu người như một. Sự công bằng không thể chỉ trên lời nói, những lời rao giảng vô bổ. Hỏi hàng triệu người CN Việt Nam ai đã học đạo đức tư tưởng HCM chưa? chưa, nhưng họ ý thức được quyền lợi của mình như chính tuyên ngôn độc lập mà Hô Chí Minh đã đọc ngày 2/9/1945. Đảng hiện nay hoàn toàn không đại diện cho giai cấp công nhân. Đó là điều khẳng định. Sự đại diện chỉ có ở thời kỳ chuẩn bị giành chính quyền và giai đoạn đầu sau khi giành được chính quyền. Đảng hiện nay đã tha hóa, biến thể. Nhu cầu đa nguyên đa đảng là có thật, đó cũng là quy luật khách quan của sự vận động, không phải như TBT Nguyễn Phú Trọng nói khi thăm ấn độ là "Việt Nam chưa có nhu cầu đa đảng". Đó là TBT nói chứ không phải người dân VN nói.
    Đại hộ đảng 12 nếu không thoát xác để có một tư duy thức thời thì đảng sẽ càng mất uy tín. Giai cấp công nhân thực sự đã thấy được vận mệnh của mình. Họ không có nhu cầu nắm chính quyền, nhưng nhu cầu thay đổi là có thật. Hãy thử tưởng tượng hàng triệu công nhân trên cả nước đình công thì chính quyền sẽ xoay sở ra sao? Giữ ổn định chính trị phải ngay từ chính sách, pháp luật chứ không phải những lời rao giảng của mấy ông tuyên giáo kiểu như phó ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long. Mà chính sách pháp luật phải được xây dựng trên nền tảng thực tiễn, nhu cầu phát triển và đời sống người dân chứ không phải trên nền tảng chính sách được vạch ra trên ghế salon một cách chủ quan, duy ý chí. Rõ ràng những người cầm quyền (mà đã cầm quyền đương nhiên phải là đv ĐCSVN) không thể đại diện của giai cấp công nhân, vì họ chẳng có gì chung với giai cấp công nhân cả. Họ cứ loanh quanh giảng dạy cho nhau nghe về CNXH, về CN M-L. Cuối cùng là chỉ nói dối nhau. Ai cũng biết là dối nhưng ai cũng phải chấp nhận sự dối, vui vẻ với sự dối trá đó để đượng lên quan lên chức, hưởng bổng lộc. Thực sự đã và đang hình thành một giai cấp cầm quyền với cơ sở tồn tại và phát triển sự giàu có của nó là tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  2. Tổ chức nào đứng lên đấu tranh cho quyền lợi công nhân và được công nhân thật sự tin tưởng thì tổ chức đó chính là người đại diện chân chính cho họ. Những người đại diện cho công nhân phải do chính công nhân lựa chọn bằng lá phiếu của mình. Không ai được quyền mạo nhận đai diện cho giai cấp công nhân nhưng lại không do công nhân lựa
    Bất kỳ một tổ chức nào gọi là " Đại diện chân chính cho giai cấp công nhân" mà đi ngược lại nguyện vọng của công nhân , chỉ biết bảo vệ giới chủ nhân và phục vụ cho một tổ chức chính trị mà quyền lợi của tổ chức đó đi ngược lại quyền lợi của công nhân thì tổ chức nầy không thể gọi là đại diện cho họ được.

    Trả lờiXóa
  3. Ở Việt nam có Tổng LĐLĐ VN, cấp tỉnh có Liên đoàn lao động tỉnh, huyện có liên đoàn lao động huyện. Cả nước có cả nghìn cán bộ công đoàn chuyên trách, ăn lương công chức. Nên đây là cơ quan nhà nước đúng nghĩa, là cánh tay nối dài của ĐCS, không đại diện quyền lợi của công nhân và người lao động. Nếu muốn đại diện cho công nhân thì phải có công đoàn độc lập với chính quyền, do công nhân và người lao động bầu lên. Những người được công nhân bầu lên, làm công đoàn chuyên trách trong từng nhiệm kỳ sẽ ăn lương từ nguồn đóng góp của công nhân.
    Còn các "liên đoàn lao động" như hiện nay chỉ là một hệ thống cơ quan nhà nước với đủ các ban bệ (mỗi Liên đoàn LĐ có từ 7 - 9 phòng ban) giống như cục thịt thừa trên một cơ thể thiếu đói. Ngân sách vốn chăng dư giả gì nhưng vẫn phải nuôi cái cụ thịt thừa này mỗi năm hàng nghìn tỉ đồng thì vô lý hết sức.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Minh Hoà Pou Yuenlúc 12:23 6 tháng 4, 2015

      Vậy mà ông Đặng Ngọc Tùng cứ bảo chúng tôi bị xúi giục đình công mới ức chứ.... Chảng lẽ chúng tôi không biết thế nào là sai, đúng, chẳng lẽ chúng tôi vô ý thức, thiếu nhận thức, u mê như rô bốt đến nỗi phải nhờ "các thế lực thù địch" xúi giục mới biết quyền lợi của mình bị xâm phạm mà đình công...

      Xóa
    2. Xúi cái đầu chúng nó! Bọn đần độn đó chẳng biết nói cái gì nghe lọt lỗ tai!

      Xóa
  4. Thực tế qua đợt biểu tình của hơn 90.000 Công nhân ở Sài gòn thì mới thấy rỏ ràng Tổng liên đoàn lao động Việt nam thực sự là một chậu cây kiểng trang trí lấy hình thức của đảng . Họ hoàn toàn không có một tí gì đại diện của Công nhân cả , mà chỉ lo bảo vệ uy tín của đảng và chế độ . Còn đảng luôn nói họ là đại diện của giai cấp Công nhân nhưng thực sự là họ một gai cấp cầm quyền hoàn toàn xa lạ với Công nhân , đến khi Công nhân biểu tình chống lại chính sách mà đảng đưa ra thì mới cuống cuồng sửa chửa ... thật hài hước không chịu nổi .

    Trả lờiXóa
  5. Chỉ khi công nhân có tổ chức độc lập của mình, có những nhà lãnh đạo thực sự của phong trào công nhân thì họ mới biết đoàn kết và thống nhất hành động thành sức mạh. Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan là một ví dụ.
    Công nhân ta hiện nay khổ cực trăm bề, chẳng khác mấy so với "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh" được F. Engels mô tả vào năm 1844!

    Trả lờiXóa