Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

LÁ THƯ KHÔNG NGƯỜI NHẬN CỦA CON GÁI LIỆT SĨ GẠC MA


Lá thư không người nhận của con gái liệt sĩ Gạc Ma

VNExpress
Thứ sáu, 13/3/2015 | 09:49 GMT+7
 


7 ngày sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, con gái liệt sĩ Trần Đức Thông chưa biết tin bố hy sinh nên vẫn viết thư cho ông. Lá thư vĩnh viễn không có người nhận.
 

Từ bỏ giảng đường làm chiến sĩ giữ Trường Sa / 'Xây đền tưởng niệm Gạc Ma là nguyện vọng toàn dân'

Lá thư mực xanh viết trên nền giấy đã ố vàng được chị Trần Thị Thu Hà, con gái liệt sĩ Trần Đức Thông gửi cho bố ngày 20/3/1988, tức 7 ngày sau khi lính Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, cưỡng chiếm đảo Gạc Ma. 


"Con ngồi vào bàn mà không sao học được vì lúc đó là buổi ca nhạc 7h30-8h toàn hát những bài về Trường Sa. Lúc này, con nhớ bố vô hạn", linh cảm khiến chị Thu Hà đặt bút viết. Cô con gái thông báo với bố đã nhận được 50 kg gạo và 140.000 đồng ông gửi theo đoàn công tác của Lữ đoàn 147 cho ba mẹ con ở nhà.

Chị Hà kể lại, tối hôm đó đang học bài thì thấy nóng ruột nên viết thư cho bố và ba ngày sau chị mang đi gửi. Hòm thư của Bưu điện Cam Ranh nhận ngày 28/3/1988. Cô con gái không ngờ đó là lá thư cuối cùng viết cho bố, nhưng ông không nhận được vì vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vào sáng 14/3/1988 khi xảy ra trận hải chiến.

"Cả nhà không biết và cũng không ai tin ông hy sinh. Bởi vì sau ngày 14/3, cứ cách vài ba ngày, mẹ con tôi lại nhận được những lá thư ông viết, hỏi thăm tình hình ở nhà, bảo đừng lo lắng khi ông đi làm nhiệm vụ. Kể cả khi nhà biết tin rồi mà vẫn nhận được thư", chị Hà cho hay. Mãi sau này khi gặp người lính liên lạc của ông, chị mới biết trước khi xuống tàu đi đảo, trung tá Thông đã viết rất nhiều thư rồi dặn dò người lính ấy cách vài ngày mới chuyển cho vợ con đang sống ngoài Bắc.

Tối 26/3/1988, chị Hà cùng em trai Trần Hoài Nam học bài mệt quá bèn bật chiếc đài nhỏ lên nghe chương trình ca nhạc. Chị loáng loáng nghe được "trung tá Trần Đức Thông bị thương nặng vào đầu vẫn đứng ở mũi tàu chỉ huy cho đến lúc hy sinh". Hai chị em ngờ ngợ vì đơn vị bố có hai người tên Thông. Chị vẫn hy vọng bố mình chỉ bị thương chứ không ngờ ông đã hy sinh và con tàu HQ-604 mãi mãi nằm dưới đáy biển.

"Chị em tôi tìm cách giấu chiếc đài cassette đi, nhưng chẳng ngờ tối hôm đó mẹ từ bệnh viện về, cứ nằng nặc đòi tìm chiếc đài để nghe tin tức. Thế rồi bản tin lúc nửa đêm phát lại một lần nữa. Mẹ nghe tin bố hy sinh mà ngất lịm", chị Hà nhớ lại.

Những ngày sau đó, bà Nguyễn Thị Seo nằm một chỗ vì suy sụp tinh thần, từ 45 kg sụt xuống chỉ còn hơn 30 kg. Trong thâm tâm bà vẫn hy vọng chồng mình nằm trong số người lính bị Trung Quốc bắt. Mãi sau này, khi các chiến sĩ được trao trả không có tên ông, bà mới tắt hẳn hy vọng. Nhận lại quân tư trang của ông từ đơn vị, bà nâng niu từng bộ quần áo, chiếc chăn cũ hay chiếc võng dù. Nhiều năm sau này, chiếc chăn của ông luôn được bà Seo gấp ngay ngắn ở đầu giường để như có hơi ấm của chồng kề bên.


Kết hôn năm 1971, cuối năm ấy bà Seo sinh con gái thì ông Thông lên đường ra mặt trận. Cả cuộc đời làm vợ, bà chỉ được ở bên chồng vỏn vẹn một năm cộng dồn những ngày ông về phép. Năm 2005, bà Seo ra đi sau một cơn tai biến. "Bố nằm lại giữa biển khơi không ai được nhìn mặt lần cuối, mẹ ra đi đột ngột cũng không kịp trăng trối với chị em tôi điều gì", chị Hà đau xót.

Chị nhớ lại lần cuối cùng được gặp cha là dịp Tết năm 1988. Đóng quân ở đảo 18 tháng ông mới được về nghỉ phép. Mỗi lần ông về đều rất gầy và đen, từng bị sốt rét trong những ngày chống Mỹ nên ông không bao giờ béo được. Lần về phép ấy như có linh tính báo trước, ông lên trường xin cho con gái nghỉ tập quân sự rồi hai bố con đạp xe từ nhà ở Phủ Lý (Hà Nam) về Hưng Hà (Thái Bình) thăm họ hàng, giới thiệu với từng người bạn đồng ngũ "đây là con gái của tôi".

Khi còn gần một tháng nghỉ phép thì ông nhận được điện của đơn vị vào đi làm nhiệm vụ gấp. Trước ngày đi, ông còn bảo "mai đi rồi, tôi gánh tặng cho con gái rượu của tôi một bể nước kỷ niệm". Ông ra sông gánh từ chiều đến tối được một bể nước đầy. Sáng hôm sau, ông xuống tàu ở Nam Định xuôi vào Nha Trang (Khánh Hòa) rồi từ đó không trở về nữa.

Khi bố hy sinh, Thu Hà 17 tuổi, còn em trai Trần Hoài Nam 14 tuổi. Trong ký ức của cô con gái lớn, người cha rất giản dị và gần gũi. Mỗi lần về phép, ông thường mang thịt hộp về làm quà, có khi là bộ quân trang được cấp theo tiêu chuẩn. Chị Hà thích nhất chiếc quần hải quân màu xanh, liền sửa thành quần nữ sinh rồi mặc suốt mấy năm phổ thông, đến tận lúc rách rồi còn không nỡ vứt đi.
 
Ông dạy các con cách gấp quần áo, chăn màn gọn gàng như trong quân ngũ. Sống ở Trường Sa thiếu nước ngọt, ông dạy con phải tiết kiệm nước. Ông không bao giờ nói đến hiểm nguy của người lính, nhưng góp nhặt những câu chuyện ông kể, chị Hà biết thế nào là "tắm búng" của lính đảo Trường Sa. Sau mỗi lần luyện tập mồ hôi ướt đẫm người, họ ngồi cọ ghét rồi vê lại thành viên nhỏ búng đi, sau đó nhúng ướt khăn lau người cho sạch sẽ. Tiêu chuẩn chỉ huy cũng chỉ được 3 lít nước ngọt để đánh răng, rửa mặt và tắm mỗi ngày. Dùng xong rồi lại phải để nước đó tưới rau.

Chị Hà kể: "Ở đảo thiếu rau xanh nên mỗi lần về là ông rất thèm rau, nhất là rau muống, rau lang, su hào, bắp cải. Tranh thủ thời gian ít ỏi ở nhà, ông luôn chăm chút vườn rau cho mấy mẹ con trước khi về đơn vị".

Năm 1978, sau chuyến thăm Trường Sa cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đang công tác ở đơn vị pháo binh ông liền xin chuyển sang hải quân rồi đi xây dựng đảo. Hơn 10 năm gắn bó với Trường Sa, ông đưa đảo Sơn Ca từ trung bình lên khá nhất trong quần đảo; tổ chức tiếp nhận hàng nghìn tấn vật liệu và chỉ huy xây dựng các đảo Nam Yết, Thuyền Chài.

Năm 2013, chị Hà được ra Trường Sa, thăm nơi cha mình từng gắn bó và ngã xuống khi làm nhiệm vụ. Nhìn ngắm những Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết hôm nay, chị tự hào vì biết trong đó có sự đóng góp của cha.

27 năm trôi qua, chị Hà vẫn sống ở ngôi nhà cũ ở Phủ Lý (Hà Nam) để chăm lo hương khói cho bố mẹ. Ngôi nhà ở Thái Bình hiện đã trở thành nhà tưởng niệm, là nơi gặp gỡ của gia đình, đồng đội mỗi ngày giỗ ông. Theo phong tục truyền thống của người Việt, ngày giỗ được tính theo âm lịch nên nhiều năm nay, gia đình đều làm giỗ vào 27 tháng Giêng - ngày 64 liệt sĩ ngã xuống năm Mậu Thìn 1988.

"27 năm qua, ngày ấy đã trở thành ngày giỗ chung của 64 gia đình trên đất nước này. Nỗi đau nào qua thời gian rồi cũng nguôi ngoai, nhưng nỗi đau này thì âm ỉ mãi. Tôi không còn hy vọng có thể tìm thấy hài cốt của cha nữa, chỉ có thể sống tốt, kể cho các con nghe câu chuyện về ông ngoại chúng và rất nhiều người lính đã ngã xuống giữa Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền của đất nước", chị nói.

*Lá thư của chị Thu Hà gửi bố Trần Đức Thông



Năm 2001, người dân thôn Cộng hòa, xã Minh Hòa (Hưng Hà, Thái Bình) đã góp tiền xây dựng đài tưởng niệm mang tên anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông. Năm 2009, Bộ tư lệnh quân chủng Hải quân xây dựng nhà tưởng niệm ông. Năm 2010, UBND huyện Hưng Hà quyết định lấy tên anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông đặt tên cho trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS ở xã Minh Hòa như lời tri ân dành cho người con anh hùng của quê hương.
Ngày 13/3/2015, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng UBND tỉnh Khánh Hòa đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hy sinh trong cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc. Khu tưởng niệm rộng 2,5 ha nhìn ra biển Đông và hướng về đảo Gạc Ma, thuộc xã Cam Hải Đông (Cam Lâm, Khánh Hòa).
"Khu tưởng niệm giúp gia đình liệt sĩ Gạc Ma có nơi thắp hương vào dịp 14/3. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ tổ quốc cho thế hệ sau. Những người ngã xuống ở Hoàng Sa hay Gạc Ma đều là tấm gương hy sinh vì dân tộc. Họ đáng được trân trọng", ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ.

Hoàng Phương

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét