07/03/2015 01:00 GMT+7
Chúng ta ồn ào về sự cướp có văn hóa của các lễ hội vinh danh và tưởng niệm quá khứ, nhưng thực ra, cả Thánh thần, và nước Việt đều đang nửa cười nửa mếu vì lòng tham có văn hóa của người Việt hiện đại.
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Và vì vậy đến thời điểm này, lễ hội vẫn cứ cờ quạt, kèn trống tưng bừng trên các… trang báo. Có điều, khi sự phẫn nộ bất bình về các hủ tục nhân danh lễ hội văn hóa như chém lợn (Bắc Ninh), đập đầu trâu đến chết (Phú Thọ) vừa lắng xuống, thì bỗng nổi lên một phát ngôn ấn tượng, khiến dư luận XH được dịp Mua vui cũng được một vàitrống canh (Nguyễn Du)
“Cướp có văn hóa”
Mà mua vui là phải, làm sao không vui được, khi tại cuộc họp giao ban báo chí chiều ngày 3/3, vị đại diện HN khẳng định chắc như đinh đóng cột, hiện tượng cướp giò hoa tre, cướp trầu cau trong Lễ hội Đền Gióng, mà báo chí phê phán, không phải là cướp. Theo ông, đây là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ. Vấn đề ở đây là cướp có có sự nỗ lực của cá nhân mới có được chứ không phải tự nhiên mà lộc thánh đến với mình(VietNamNet, 3/3)
Từ xưa đến nay, cướp được hiểu là hành động dùng vũ lực để chiếm đoạt cái không thuộc sở hữu của mình. Đúng là trong tục lệ truyền thống, người ta vẫn có tục cướp hoa tre, cướp trầu cau. Nhưng những hình ảnh trên các báo đưa tin Lễ hội đền Gióng năm nay, với gậy nhọn, với các thế võ song phi, lao vào nhau ẩu đả, thì quả thật khó có thể gọi là cướp theo tục lệ ngày xửa ngày xưa. Chỉ có thể gọi là cướp theo phong cách…. ngày nảy ngày nay.
Thế nên trước đó, ngày 1/3, báo Dân trí đã có bài viết với câu hỏi thẳng thắn “Sao không dám nhìn thẳng vào sự thật?”, phủ nhận những ý kiến bênh vực cho lễ hội này của một số quan chức có trách nhiệm. Trong khi Gs Ngô Đức Thịnh,Thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng: Đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân, chứ không có chút gì là văn hóa (VOV, ngày 2/3)
Cướp lộc gây hỗn chiến ở lễ hội đền Gióng |
Vậy thì ai đúng, ai sai? Cùng là hành vi “cướp” để giành hoa tre, giành trầu cau, nhưng con mắt của báo chí, của nhà nghiên cứu nhận chân ra, đó là sự biến tướng của hành vi lễ hội xa xưa, là hành động cướp giật, ẩu đả, thỏa mãn lòng tham, không chút gì là văn hóa. Còn dưới con mắt mơ màng của vị đại diện nọ, hành vi đó được khoác cái áo ngôn từ đẹp đẽ- cướp có văn hóa.
Khái niệm này ngay lập tức đã được ứng dụng trong đời sống dân gian như một phát hiện thú vị, một khái niệm lạ của văn hóa. Thậm chí mới đây, một tờ báo còn đề nghị đưa khái niệm cóvăn hóa vào… tội cướp (?)
Cũng ngay lập tức, có một lễ hội không biết có nên coi là minh họa cho khái niệm cướp có văn hóa hay không. Đó là Hội phết Hiền quan (huyện Tam Nông- Phú Thọ). Phú Thọ cũng là nơi có lễ hội- hủ tục “nổi tiếng” đập đầu trâu đến chết, khiến cộng đồng kinh sợ, bất bình, nay tiếp tục nổi tiếng với Hội phết Hiền quan. Bởi sự tranh cướp đầy bạo lực quanh quả Phết, mà tương truyền, ai cướp được quả Phết, không chỉ họ, cả gia đình, làng xóm đều gặp may mắn cả năm.
Với niềm tin đầy tín ngưỡng như thế, để gặp vận may, hàng nghìn thanh niên dự lễ đã không quản ngại tung ra mọi miếng võ để cướp Phết.
Võ chưa đủ mạnh, có người rút luôn que gỗ vót nhọn tấn công đồng loại. Không kém miếng, người khác rút luôn thắt lưng ẩu đả. Và đương nhiên máu đã đổ.
Không biết quả Phết về tay ai, và người đó có may mắn không. Nhưng gần nghìn người còn lại tham gia một cuộc cướp có văn hóa đã không lấy gì làm may mắn lắm, khi người ngất xỉu, người chảy máu đầu. Cũng chưa biết sự hận thù có nảy sinh tiếp theo với những kẻ đã đổ máu để giành lấy sự … không may mắn? Trong thời buổi, người ta có thể đánh nhau, thậm chí giết nhau chỉ vì một cái nhìn “đểu”
Đè đầu cưỡi cổ nhau để cướp ấn đền Trần |
Không biết các quan chức có trách nhiệm của Hà Nội, Phú Thọ khi nhìn những hình ảnh trong hội cướp hoa tre, cướp trầu cau, cướp Phết sẽ nhận định thế nào? Chả lẽ cùng là cướp trong lễ hội, cùng trong một môi trường XH thời kim tiền, cùng cộng đồng dân cư Việt, nơi này là cướp có văn hóa, nơi kia lại cướp thiếu văn hóa?
Nhưng điều này mới là quan trọng, liệu các quan chức ngành văn hóa, quản lý chính quyền địa phương có nhận ra một điều- từ lâu, không ít các lễ hội văn hóa đã thực sự biến tướng theo hướng, để gặt hái may mắn, người ta không ngần ngại hung hãn dùng bạo lực. Cái hành vi cướp theo tập tục lễ hội xa xưa đã lùi dần, nhường cho hành vi cướp mang tâm lý XH ích kỷ, trục lợi, hung hãn của thời hiện đại. Điều đó báo chí, dư luận XH nhìn ra rất rõ và ai cũng hiểu. Chỉ tâm lý thành tích chủ nghĩa, thói háo danh, sợ trách nhiệm của các vị cố tình … không hiểu.
Vì thế mới có khái niệm cướp có văn hóa, một khái niệm đã khiến cho người Việt nào cũng … toét miệng, mà không biết là nên cười hay mếu?
Mặt khác bên cạnh đó, có một lễ hội văn hóa rất hay, nhưng đọc kỹ, nghĩ kỹ những gì báo chí đưa mấy ngày nay, thì tuy không hề có bạo lực, mà chỉ có những lời thề đẹp đẽ, xét cho cùng, cách tổ chức và hiệu quả của nó lại rất phản văn hóa. Vì lễ hội này đã bị con người thực hiện không đúng với bản chất truyền thống đạo lễ. Dù cho người dân thực sự cung kính, thực sự thật lòng. Đó là lễ hội Minh Thề.
Sau nhiều năm bị gián đoạn, lễ hội Minh Thề được phục dựng lại từ năm 2003 đến nay tại chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Lễ hội Minh Thề (còn gọi là Minh Thệ), là lễ thề của những người làm quan thể hiện tâm nguyện của mình. Một lời thề truyền thống, tựa như lời thề Hippocrates trong ngành y: Ai dùng của công vào việc công, xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công về làm của tư, cầu thần linh đả tử. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt.
Vậy nhưng, suốt chục năm nay, từ khi lễ hội được phục dựng, chỉ có những thường dân đóng… giả làm quan hô vang lời thề, tuyệt nhiên không một vị quan nào. Chuyện tưởng đùa mà thật! Người phải thề thì không thề. Người không phải thề lại thề. Chẳng hiểu các bậc thần linh hiển thánh có chấp nhận lời thề của các “quan giả” hay không? Còn các vị quan chức, thấy mình giống như trong thành ngữ dân gian Thề cá trê chui ống nên né tránh?
Chủ lễ Phạm Phú Oanh và các bồi lễ tại lễ hội Minh Thề. Ảnh: Laodong |
Hóa ra, không phải trước pháp luật, trước tổ chức, mà là trước Thánh thần bí ẩn, tâm địa con người mới là nơi bộc lộ rõ nhất. Ít nhất các quan chức ở cái Hội Minh Thề đó cũng còn biết sợ, không dám nói dối Thánh thần. Cho dù, cũng hơi thẹn với dân.
Thế nên người viết bài cũng xin thề rằng, tham nhũng còn là căn bệnh phải trăm phương cứu chữa!
Và “tham cũng có văn hóa”?
Cướp có văn hóa, thì tham cũng có văn hóa? Nhưng đúng vậy. Vì cái tham ở đây không giống các hiện tượng cướp ồn ào, hung hãn ở các lễ hội biến tướng, mà nó rất nho nhã, lịch thiệp. Đó là cái tham ở các dự án ODA được báo chí đề cập cách đây không lâu.
Hội nghị “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại VN” do Bộ KH & ĐT phối hợp với Ngân Hàng Thế giới (WB) tổ chức trước Tết âm lịch, đã đưa ra những thông tin khiến bạn đọc phải giật mình. Tại hội nghị này, nhiều chuyên gia đánh giá, vấn đề tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA đang là thực trạng đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý của VN cũng như của các nhà tài trợ (VTC News, ngày 20/1)
Thật ra, dù ít dù nhiều tham có văn hóa đã được cảnh báo tại các phiên họp của kỳ họp QH cuối năm 2014. Nhất là các hiện tượng vi phạm ODA lớn lại chỉ do nước ngoài phát hiện.
Công bằng mà nói, không ai có thể phủ nhận những tiến triển và hiệu quả thực tế của các dự án ODA. Bởi 20 năm qua, nước Việt thực sự đã rất nỗ lực trong việc thu hút nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài, với gần 78 tỷ USD, bình quân 03 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên những vụ án, vụ việc có dính líu tới các dự án tài trợ của ODA, như PU 18, Đại lộ Đông- Tây, vụ nghi vấn tiêu cực Dự án Danida (Đan Mạch) và vụ JTC của ngành đường sắt gần đây (chưa có kết luận) cũng đã gây chấn động cả XH. Lòng tham tối mắt đã khiến những kẻ tham nhũng coi thanh danh quốc gia chả là… cái đinh gì!
Trước đó, tháng 7/2014, người đứng đầu CP đã phải ký Quyết định phê duyệt kế hoạch cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển ODA, vốn ưu đãi thời kỳ 2014- 2015. Thực chất là tăng cường tính minh bạch trong sử dụng vốn vay ODA.
Ảnh: Lê Quân |
Vậy nhưng tại hội nghị mới đây, ông Anders Hjorth Agerskov, Văn phòng Phó CT phụ trách liêm chính của WB cho biết, VN vẫn đứng thứ 02 trong danh sách khách hàng của WB ở khu vực Đông Á- Thái Bình Dương có khiếu nại về tính liêm chính, chỉ sau Indonesia. Cũng theo ông này cho biết, tổng số lời khiếu nại là 189, với tổng giá trị các dự án có khiếu nại tương đương 11,3 tỷ USD. Các ngành có khiếu nại nhiều nhất là giao thông, cấp nước, nông nghiệp và năng lượng.
Chẳng cần đến các chuyên gia kinh tế, tài chính am hiểu vấn đề, cũng có thể nhìn ra những nguyên nhân căn cốt của các hiện tượng tham có văn hóa ở các dự án ODA, gắn với đặc điểm XH của nước Việt mang tính khá đặc thù. Điều này đã đem đến những hệ lụy tai hại.
Không biết, có bao nhiêu dự án không treo bộ “tứ bình”: Hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ? Lâu nay, trong dân gian có một tổng kết “đắc nhân tâm”-muốn có ăn, phải có dự án. Trong khi hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng, có trách nhiệm quản lý lại vốn rất lỏng lẻo.
Đó là nhận thức ngự trị lưu cữu trong tâm lý số đông, nhất là quan chức quản lý các địa phương khi cho rằng, đầu tư các dự án ODA là loại “viện trợ không hoàn lại”. Thứ tư duy “ỉ lại” này từ thời bao cấp lại được o bế, và không chịu bye bye, nên các dự án luôn hấp dẫn như cái bánh ngọt trong cơn khát kiếm… hoa hồng. Mà không nghĩ rằng, như ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH cho hay, trong ODA chỉ có một tỉ lệ nhỏ là viện trợ không hoàn lại. Trước kia khoảng 14-15% nhưng gần đây tỉ lệ này giảm xuống. Số còn lại là vốn vay lãi suất thấp.
Mà cho dù lãi suất vay ưu đãi thấp, thì đó vẫn không phải là thứ tiền để người ta có quyền khoắng tay trong bị.
Chưa nói đến việc, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện tượng tham có văn hóa này sẽ dẫn đến sự mất niềm tin ngay chính các quốc gia đầu tư. Bởi đó cũng là tiền thuế của người dân các quốc gia đóng cho chính phủ họ.
Làm sao để cái hiện tượng tham có văn hóa bị ngăn chặn, xử lý thích đáng?
Chỉ có tăng cường công khai, minh bạch, gắn với quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động các dự án. Nhưng làm thế nào để giải pháp đó thành hiện thực, trong cái cơ chế quản lý trách nhiệm tập thể, rút cục, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm đây?
Mặt khác, có ý kiến cho rằng, các dự án ODA chỉ nên đầu tư hạ tầng cơ sở, không nên đầu tư từ A đến Z, sẽ tạo rất nhiều sơ hở để hoa hồng có thể mọc… lung tung bất cứ khoản nào.
Cướp có văn hóa và tham có văn hóa. Nếu so sánh cả hai loại “văn hóa” đó, thì hóa ra, cái tham, tuy không bạo lực như cái cướp, mà trông nó còn rất lịch lãm, trí thức, rất văn hóa, rút cục đáng sợ hơn cái cướp rất nhiều. Nó làm thất thoát tài lực, tệ hại hơn nữa, làm thất thoát cả… thể diện, danh dự quốc gia, một thứ cướp có văn hóa “cao thủ”.
Ngày xuân, chúng ta ồn ào về sự cướp có văn hóa của các lễ hội vinh danh và tưởng niệm quá khứ, nhưng thực ra, cả Thánh thần, và nước Việt đang nửa cười nửa mếu vì lòng tham của người Việt hiện đại.
Đầu năm mới bậc 'hiền tài văn hóa' của Hà Nội văn hiến nghĩ ra cụm từ 'Cướp có văn hóa'. Và sau đó được cộng đồng rần rần nghĩ ra thêm nhiều cụm từ hay ho có hậu tố 'văn hóa' đi kèm. Tạo ra hội chứng 'văn hóa' trong xã hội 'văn minh' Việt Nam.
Trả lờiXóaCướp và tham có 'văn hóa' rồi. Nghĩ thêm thì thấy hiện tượng trơ trẽn ở vài nơi cũng thể hiện thành 'văn hóa'. Phê bình, tự phê bình chẳng hạn. Rồi thì tự nhận khuyết điểm, thể hiện thành tích, thành tích ảo, tăng trưởng ảo... có thể gọi là sự 'trơ trẽn có văn hóa' được không nhỉ. Đấy là mới chỉ ra vài hiện tượng thôi. Chứ còn nhiều, nhiều lắm.
Sự 'trơ trẽn có văn hóa' xảy ra từ ngoài đường cho tới công sở. Từ thấp cho đến cao. Nói nhiều thành nhảm, biết nói nhảm rồi thì thành trơ. Mà trơ một cách thành 'văn hóa' mới chết chứ.
Có ông bộ trưởng đi thị sát công trình, mở miệng là chê (không tốt chê là đúng rồi), là 'trảm', là 'trị tội',...nghe mạnh miệng lắm. Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Thành ra từ hồi nào đến giờ nói nhiều thành nhảm. Nhảm nhiều thì thành 'trơ trẽn có văn hóa'.
Thế mới biết xã hội mình có nhiều vấn đề 'có văn hóa' tồn tại, chung sống hàng ngày với chúng ta thành một thói quen mà không quên rằng nó thật sự 'xấu xí' tệ hại.
Nên tôi cũng phải cám ơn cái người mà 'phát minh' ra thuật ngữ 'cướp có văn hóa'. Tôi mới có cơ hội, săm soi lại bản thân về 'văn hóa' mà tôi đang sở hữu trong suy nghĩ. thói quen hàng ngày của mình.
Tuyệt thật. Dân mình đúng là...
...Haivl.
Đa số người dân VN nay đều ý thức và thực hiện "chửi thề có văn hóa"!?
Trả lờiXóaTrước cửa dinh thự UBND tỉnh Hà Tĩnh có "đặt" hai tượng sư tử (hoặc hổ) to, rất to, đang nhe răng đe nạt người ra vào. Liệu đây có phải cách "thể hiện quyền lực nhà nước có văn hóa" hay không. Mời các bạn bình luận.
Trả lờiXóaThực ra
Trả lờiXóatrong tiếng Việt từ "cướp" có hai nghĩa.
Một nghĩa là "cướp giật", "ăn cướp", "kẻ cướp", "bọn cướp"...
đây là chỉ hành động của một người hay nhóm người
(không phải cơ quan công quyền)
manh động
dùng sức mạnh,
đôi khi cả vũ khí,
để cưỡng đoạt tài sản cá nhân của người khác.
Để hành động đạt kết quả
những người này có thể đánh thậm chí giết nạn nhân.
Hành động này là phạm pháp trong mọi nền văn hóa.
Còn một nghĩa thứ hai nữa là một trò chơi
hành động này chỉ dùng sự nhanh nhẹn
để "lấy trước" một đồ vật nào đấy
đang không thộc về ai
và được coi như phần thưởng cho người nhanh nhẹn đoạt được.
Trò chơi "cướp cờ"
tục "cướp cháo nả" sau lễ cúng cô hồn
là những hoạt động hợp pháp về hành động cướp này.
Trong hoạt động này
nghiêm cấm dùng vũ khí (dù chỉ là một cái gậy nhỏ)
và cũng nghiêm cấm đả thương người khác như đấm đá.
Còn một trường hợp nữa là hành động "cướp cơm của ăn mày"
là khi có con nhỏ lười ăn thì đi cướp về cho con ăn
mong là nó sẽ có cảm giác đói bụng mà chịu ăn nhiều hơn.
Các hành động này có ranh giới rất rõ ràng
không thể lẫn lộn được.
Dấu hiệu phân biệt là
có vũ khí không,
có làm người khác bị đau không.
Am hiểu thì nói đúng làm đúng.
Em thì hiểu nôm na thế này. Trong một số trò chơi dân gian mà em biết, cụ thể là cái trò 'cướp cờ'. Chữ 'cướp' ở đây mang tính chất ước lệ tượng trưng cho một trò chơi, biểu trưng cho một hành động được quy ước theo 1 vài nguyên tắc nhất định và thường có sự giám sát của một người giống như trọng tài vậy.
XóaVào ngày rằm tháng 7 ở miền Nam có hình thức 'cướp' đồ cúng vào ngày cúng cô hồn. Mọi đồ cúng đều đặt trước cửa nhà được 'don sạch' bởi những người 'trực sẵn ở đó'. Và đây chính là thể hiện đúng nghĩa của 'sự ăn cướp' theo nghĩa của từ 'cướp'. Chẳng qua các món đồ cúng mang giá trị thấp nên mọi người cảm thấy bình thường.
Nhiều nhà cúng đồ cúng có tiền mệnh giá cao, heo quay, trái cây ngon,.. thường có người phải đứng canh. Không thì hương chưa tàn sẽ có người 'dọn hộ' hết trước khi thần linh được hưởng. Cảnh tượng này cũng rất bát nháo, mất trật tự, khó coi. Nhưng vì đã thành thói quen nên chả mấy ai thấy thế làm phiền lòng.
Và đây là những hành động đúng nghĩa của từ 'cướp' hay 'cướp giật' trong từ điển tiếng Việt. Còn nói hành động 'cướp cô hồn' là hợp pháp á. Dạ xin thưa, văn bản pháp quy nào công nhận hành động này là hợp pháp ạ. Không có đâu, chẳng qua là cách nghĩ về một thói quen của một tục lệ thôi nên không thể nói là hợp pháp. Mọi người quan niệm mâm cô hồn để cho cướp hết thì mới tốt.
Và xin thưa ở Sài Gòn em đã từng chứng kiến nhiều năm lắm rồi cảnh 'đại náo cô hồn' trên từng con phố rồi ạ. Năm 2013 ở quận Bình Tân có vụ giết người vì 'cướp cô hồn' rồi đó ạ.
Trong xã hội mà ngày nào cũng chơi trò 'cướp cờ' hay ngày nào cũng cúng cô hồn thì chắc xã hội thành loạn lạc rồi. Hành động cướp và cướp giật ăn ngay vào máu nhanh lắm. Cướp đồ người khác mà không bị làm sao chắc em xin đi cướp đầu tiên. Hớ hớ.
Những trò chơi, tục lệ nhạy cảm nên cẩn thận xây dựng, tổ chức sao cho hợp lý (cái này là phần việc của các bác làm ngành văn hóa).
Còn đã nói đến chuyện tranh giành, cướp giật thì tất nhiên phải bị đau rồi. Không đau sao được khi mâm cúng cô hồn cà vài chục người cùng xô vào bốc cơ chứ. Em đứng canh gác con heo quay mà còn bị bầm dập tùm lum luôn chứ nói gì. Sau mỗi lần như vậy em vừa tởn vừa buồn cười
Haivl.
Kết luận: văn hóa cướp giựt; văn hóa hối lộ-tham nhũng; văn hóa côn đồ; văn hóa đạo chích; văn hóa hôi của; văn hóa nói dối; văn hóa che dấu; văn hóa nói không đi đôi với việc làm; văn hóa nhu nhược; văn hóa tàn độc...
Trả lờiXóaNgày hôm qua trên VTV1, chuyên mục "sự kiện và bình luận" có mời GS Thịnh. Xem buổi đàm luận mà mình...tức anh ách!? con biên tập viên nó...hổn làm sao đấy!?
Trả lờiXóaGS Thịnh chưa nói hết câu hết ý là con này chăng ngang cắt lời!? làm GS cụt hứng mấy lần...! chưa kể là nó nói Đảng đang...quán triệt sâu sắc các lễ hội?
Mèn đét ơi!!! lễ hội là văn hóa tín ngưỡng dân gian có trong chiều dài lịch sử đất nước dân tộc hơn 4000 năm! ông...Đảng này mới có...85 năm mà đòi cai quản kìa!? hèn chi nó không suy đồi là phải....!?!?!? Do có tính...Đảng mà ra hết đất!