Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

THẬT MỪNG, BỘ VĂN HÓA VẪN CÒN NGƯỜI HIỂU BIẾT VỀ VĂN HÓA


Lễ hội Chém lợn: 
Tiếng nói thấu hiểu nhân tình

Báo Đất Việt
Thứ Ba, 10/02/2015 07:13


Lễ hội nào bị dư luận phản ánh phản cảm hoặc có những hành động dã man thì cần cân nhắc chứ không áp đặt theo hướng quản lý hành chính.

Lễ hội chém lợn: Nên bỏ, bỏ cả đâm trâu...
Lễ hội Chém lợn: "Chỉ là vung dao rồi cứa nhẹ"

Không thể áp đặt theo cơ chế quản lý hành chính

Chia sẻ với Đất Việt, ngày 9/2, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho biết: "Đối với các địa phương hàng năm, Bộ có hướng dẫn chỉ đạo tổ chức các lễ hội trên địa bàn đúng theo quan điểm đường lối của Nhà nước, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong sinh hoạt cộng đồng".


Thế nhưng, đối với kiến nghị của Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh muốn thay đổi tên của lễ hội, Cục văn hóa cơ sở vẫn chưa nhận được.

Tuy nhiên, bà Thủy bày tỏ quan điểm: "Lễ hội này là của cộng đồng, đi theo chiều hướng như thế nào thì phải hoàn toàn do cộng đồng quyết định.Về phía cơ quan quản lý, cần phải có tuyên truyền, vận động dần dần, chứ không phải ngay lập tức áp đặt theo cách quản lý hành chính trong sinh hoạt cộng đồng được, như vậy là hoàn toàn không đúng quan điểm của Nhà nước về văn hóa".

Về phía Cục, theo bà Thủy thì đương nhiên lễ hội nào bị dư luận phản ánh phản cảm, hoặc có những hành động dã man, dư luận cho là man rợ thì sẽ cân nhắc, đương nhiên không phải ra mệnh lệnh, áp đặt theo hướng quản lý hành chính. Bởi vì, đã là cộng đồng thì phải có các lý lẽ thuyết phục và vận động.

Bà Thủy cho biết thêm: "Tôi biết Sở VHTT&DL Bắc Ninh cũng đang trong quá trình vận động cộng đồng người dân thay đổi phương thức tổ chức, chứ không phải yêu cầu xóa bỏ. Có nghĩa, chỉ là kiến nghị, chứ không thể cấm người dân không tổ chức vì lễ hội đã tồn tại hàng nghìn năm nay, thay đổi ra sao thì phải do người dân.

Chúng ta chỉ có thể tuyên truyền, khuyến cáo, coi như đó là kênh tham khảo, theo phương thức như nào cho hợp lý, làm sao để vẫn đảm bảo được nghi lễ theo đúng phong tục truyền thống, vẫn có nghi thức chém lợn để làm cỗ ngọc tế thánh, vẫn đảm bảo tính linh thiêng, không làm sai lạc đi mục đích tổ chức lễ hội của cộng đồng dân cư nhưng không ghê sợ".


Từ đó, theo quan điểm của bà Thủy, nếu Tổ chức bảo vệ động vật châu Á chỉ căn cứ vào hành động trong thực hành nghi lễ mà đưa ra nhận xét là phản cảm, dã man thì không đầy đủ.

Trong nghi thức tổ chức có hình thức hiến tế có lễ nghi, nên không thể đừng nhìn vào hành động chém lợn mà nhận xét được. Đó là cả quá trình, cả nghi thức. Ngay kể cả trong lễ đâm trâu của người Tây Nguyên, cũng có cả trình tự lễ hội rất linh thiêng, thể hiện tình cảm của người dân với con vật dùng để tế trời, đó không phải là man rợ, mà là nghi thức của cộng đồng, tạ ơn trời đất, tổ tiên trong 1 năm.


Sẽ có một Hội thảo về lễ hội chém lợn

Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, bà Trần Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng Nếp sống văn hóa (Cục văn hóa cơ sở) phân tích chi tiết hơn: "Hiện nay, cứ nói đến chém lợn, đâm trâu là mọi người nghĩ ngay đến chém, giết, thế nhưng thực tế trong một tiến trình lễ hội có quy trình nghiêm ngặt từ xưa để lại đâu chỉ có thế? Còn nhiều nghi thức khác liên kết chặt chẽ thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng dân cư".

Theo bà Mai, thì như đối với nghi lễ đâm trâu, thì ở đây gọi là nghi lễ ăn trâu chứ không phải đâm trâu. Người tây Nguyên quan niệm con trâu là người bạn tri kỷ, để gửi gắm tâm hồn, tình cảm, có khi ngày mai giết con trâu của họ, hôm nay họ đã khóc than cả đêm.

Trong vòng lễ hội, có cả phần lễ và hội, xuất phát từ nguyện ước của cộng đồng, tồn tại trong tiến trình lịch sử, được cả cộng đồng tôn trọng, cái gì không phù hợp với đời sống sẽ bị đẩy ra.

Vì vậy, bà Mai khẳng định: "Nếu xem xét sự việc nào cũng nên nhìn nhận dưới nhiều góc cạnh, bình diện để có quyết định. Ở đây tổ chức bảo vệ động vật mới nhìn ở 1 góc độ. Đây là nghi thức cần phải được xem xét, cần phải nhìn nó theo cả bề dày lịch sử về mặt thời gian, còn về mặt không gian nó là một cộng đồng. Lễ hội là di sản mà cha ông để lại, tồn tại trong một thời gian lâu như vậy phải có ý nghĩa với cộng đồng, phải khẳng định như vậy để có định hướng, tuyên truyền, định hướng dư luận".

Bên cạnh đó, trước việc có nhiều ý kiến trái chiều về lễ hội này, nên bà Mai tiết lộ, sắp tới sẽ có một Hội thảo khoa học để các nhà quản lý, nhà khoa học lên tiếng về lễ hội này.

Còn yếu tố văn hóa bản địa trong lễ hội này tồn tại rất rõ, vì nó phải xuất phát từ khát vọng của cộng đồng, người ta gửi vào nghi lễ, để cầu điều tốt lành cho cả cộng đồng. Điều quan trọng là nghi lễ được cả cộng đồng chấp nhận.

Trong khi trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phan Ðình Tân - Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTT&DL cho biết: “Bộ VHTT&DL không ủng hộ những hành vi có tính chất bạo lực, man rợ tại các lễ hội như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Còn với trường hợp lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên Bộ VHTT&DL tôn trọng truyền thống của người dân địa phương, nhưng bộ không khuyến khích tuyên truyền, quảng bá lễ hội này".

Bên cạnh đó, ông Tân cho rằng, ở Tây Ban Nha cũng có nhiều ý kiến đề xuất không tổ chức lễ hội đấu bò tót. Sống trong thế giới văn minh này, chúng ta nên cổ vũ những hoạt động văn minh, văn hóa, còn những hoạt động không văn minh, mang tính chất bạo lực, man rợ thì chúng ta phải hạn chế.


Thanh Huyền

Thưa Bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL),
và Bà Trần Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng Nếp sống văn hóa (Cục văn hóa cơ sở),
 
Mấy ngày cuối năm mà nghe được những lời các bà nói, thật rất vui trong lòng.

Xin cám ơn các Bà đã hiểu về truyền thống, đã hiểu công việc của nhà quản lý văn hóa, đã tôn trọng nhân dân và truyền thống.

Hôm nào tổ chức hội thảo (nếu có) các bà nhớ viết giấy mời Tễu với nhé. Tễu muốn nói mấy câu về cái lễ hội Chém lợn cầu may này. 
 

1 nhận xét :