Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

SỐC QUÁ! THÀNH HOÀNG LÀNG NÉM THƯỢNG LÀ MỘT TÊN CƯỚP Ư?

Sách 'Hội hè đình đám' của Toan Ánh:
'Thành hoàng làng Ném Thượng là cướp'
Thứ Hai, 09/02/2015 18:19

Trong quá trình tìm hiểu thông tin về Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh), Phóng viên Thể thao & Văn hóa đã được tiếp cận bản in Hội hè đình đám của nhà nghiên cứu Văn hóa Toan Ánh (in tại nhà in Sao Mai, Thủ Đức, phát hành ngày 1/11/1974). 

Thông tin đáng chú ý trong bản in này là “Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng”. Bản in Hội hè đình đám năm 2005 của NXB Trẻ cũng giữ nguyên nội dung này.

Theo cuốn sách này của Toan Ánh: “Hội Niệm Thượng với các cổ tục: Chém lợn nhúng vào nồi nước mắm đang sôi/ Tắt đèn, đốt đuốc, đội nong xôi chạy quanh đình”.

Bìa cuốn Hội hè đình đám in năm 1974

Là người Bắc Ninh gốc, nên Toan Ánh miêu tả khá kỹ: “Làng này nằm bên tỉnh lộ đi từ Bắc Ninh tới Thuận Thành cách tỉnh lỵ vào khoảng trên mười cây số. Dân làng không đông lắm vào khoảng trên năm trăm người, quanh năm sống về nghề canh nông. Dân làng chia làm hai giáp”.

Ông cũng cung cấp thông tin: “Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng. Lý Công quê ở làng Châm Khê cùng huyện, thường kiếm ăn ở các làng quanh vùng. Một hôm Lý Công đi ăn cướp, bị dân chúng và khổ chủ đuổi đánh ráo riết chạy bán sống bán chết, chạy đến núi Nghè gần làng Niệm Thượng. Tới núi, Lý Công tìm chỗ ẩn núp, dân chúng kiếm không ra. Tuy kiếm không ra, nhưng mọi người đều biết họ Lý ẩn ở trên núi, nên cùng nhau vây quanh ngọn núi canh chừng.

Bị vây, ẩn mãi trên núi, tên cướp họ Lý không có gì ăn đang lo chết đói. May thay giữa lúc đói lòng, một con lợn lớn không hiểu từ đâu đi tới, đi từ trong bụi rậm ra. Chàng cướp ta không để lỡ cơ hội, lập tức, sẵn dao dài trong tay, chém một nhát ngang mình lợn, con lợn bị chặt làm đôi, đầu với hai chân trước rời khỏi mình. Chém xong chàng lột bì lợn bỏ đi lấy thịt ăn sống.

Không thấy thần tích nhắc tới, sau này Lý công bị chết ra sao, chỉ biết khi chết gặp giờ linh nên được dân làng Niệm Thượng thờ làm Thành Hoàng”.

Chính vì thế trong phần Những cổ tục, Toan Ánh viết: “Hội làng Niệm Thượng ngoài những lễ nghi thường lệ có những cổ tục nhắc lại kỷ niệm lúc sinh thời của Lý Thành  Hoàng... Trong hội làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, cũng có tục chém lợn chúng tôi đã nhắc qua, nhưng tục chém lợn ở làng Niệm Thượng khác hẳn tục chém lợn ở làng Tích Sơn. Con lợn hy sinh ở làng Niệm Thượng khác hẳn tục chém lợn ở làng Tích Sơn. Con lợn hy sinh ở làng Niệm Thượng khi bị chém còn đang bị nhốt ở trong cũi, và ở đây một năm chém hai con lợn do hai giáp trong làng. Tục này nhắc lại lúc Lý Công bị đói đã chém con lợn ở núi Nghè”.

 Cuốn Nếp cũ – Hội hè đình đám của NXB Trẻ

Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán (1916 - 2009), là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Nhà văn Toan Ánh sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh. Toan Ánh bắt đầu viết văn từ năm 1934. Năm 1935, truyện ngắn đầu tay của ông Chiếc nhẫn quý, được đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy.

Kể từ đó, ông gắn bó mật thiết với đề tài văn hóa truyền thống của Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam và để lại cho đời khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật, như: Nếp cũ (11 cuốn); Việt Nam chí lược (5 cuốn gồm: Người Việt Đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Miền Trung kiên dũng, Miền Nam phú cường, và Cao nguyên miền Thượng); Phong lưu đồng ruộng (1958)...

Tháng 5 năm 2004, NXB Trẻ đã ký hợp đồng mua tác quyền toàn bộ tác phẩm của nhà văn Toan Ánh trong thời hạn đến năm 2015. Đã có gần 20 tác phẩm của ông được in lại một cách có hệ thống theo hình thức Toan Ánh toàn tập. Cuốn Nếp cũ: Hội hè đình đám (NXB Trẻ, năm 2005) không thay đổi nội dung so với bản in 1974.

Theo lời ông Nguyễn Đăng Chương (Khu phố Thượng, Bắc Ninh), trong thần phả còn lưu giữ tại làng Ném Thượng, nghi thức chém lợn gắn liền với những truyền thuyết về tướng Đoàn Thượng thời Lý - người được dân Ném Thượng thờ làm Thành hoàng - và duy trì từ vài trăm năm qua. Hà Thanh (ghi)

Linh Lan
_____________

Rất chán là báo Thể thao & Văn hóa đưa tin rất nửa đời nửa đận, không chụp cái trang ấy lên. Đây là ảnh chụp trang sách của Toan Ánh, mà bên TT & VH không chịu đưa lên:



8 nhận xét :

  1. Bác Tễu ơi , bác có biêt nguồn gốc của lễ hội trọi trâu là thé nào ko? chứ tôi thấy nó cũng khát máu và bạo lực lắm , không khéo lại có nguồn gốc sốc không kém gì cái lễ hội chém lợn !

    Trả lờiXóa
  2. "lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng"

    Thôi thì "ta về ta tắm ao ta". Tục lệ làng này đã phát triển ra cả nước, bỏ không được đâu .

    Trả lờiXóa
  3. Thành hoàng làng Ném Thượng xuất thân là cướp cũng chưa có gì là sốc so với thời nay.Bây giờ khối kẻ chắng khác gì kẻ cướp vẫn,có khi kẻ cướp chính hiệu còn phải bái lũ này là sư phụ.Vậy mà nó vẫn nắm quyền sinh,quyền sát,vẫn lên giọng dạy đời cho dân tình,vẫn ra oai là quan phụ mẫu,vẫn vô tư tham nhũng,thì khác gì kẻ cướp.Kẻ cướp được bảo kê bây giờ sao mà nhiều thế.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa
  4. Có làng Thành hoàng lại là tên ăn trộm . Nửa đêm đi ăn trộm bị dân làng phát hiện đánh cho một trận gần chết . Lúc này tên trộm mới cầu xin đặt cho hắn một cái tên thì hắn mới có thể chết được . Quá bức xúc nên có người gọi hắn là b...lõ . Vì chết phải giờ thiêng nên hắn thành Thành hoàng của làng đó . Về sau khi xây dưng. miếu thờ người ta để một lỗ trống ngay sau bát hương . Hàng năm vào dịp giỗ Thành hoàng (đêm 30 tết thì phải) có một người được cử ra bê trộm bát hương qua cái lỗ đó . Dân làng chờ có thế là hò reo đuổi trộm . Chạy khắp làng xong lại đặt bát hương vào chỗ cũ . Khi khấn thì đọc trại ra là Bùi Đỗ đại vương thần .

    Trả lờiXóa
  5. Thành Hoàng làng là trộm cướp không phải là chuyện lạ. Nhưng cái lạ ở đây là ở chỗ người ta chỉ căn cứ vào tên cướp chết vào giờ thiêng rồi tôn thành Thành Hoàng làng; còn lại đa số Thành Hoàng làng ăn trộm được dân tôn thờ là vì ăn trộm, cướp của nhà giàu trong vùng hoặc nới khác để cứu những người đói kém trong làng mới đáng nói. Chúng ta không nên nhìn nhận "Tên Cướp" theo khái niệm thô thiển như vậy trong văn hóa Việt Nam đâu. Nghiên cứu là phải suy xét kỹ đấy bà con ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Việc bỏ ngay Lễ hội này chắc là chưa ổn đâu. Nước ta nhiều nơi còn thờ ma tàu, lại tôn lên ngôi cao là mẫu, là thánh nữa. Ví dụ, ở Hưng Yên có đền thờ thánh mẫu là thờ vương phi của tướng tàu. Vương phi này chết (tôi không nhớ vì sao) và trôi dạt đến mé sông, người làng vớt lên chôn cất. Từ đó (cách đây chừng hơn 800 năm ) dân làng thắp hương thờ và nay trở thành di tích lịch sử phục vụ khách du lịch trong ngoài nước. Vậy phải xử lí sao đây?

    Trả lờiXóa
  7. "Cướp"
    108 anh hùng trên Lương Sơn Bạc chẳng phải là những tên cướp sao.
    Trước khi theo Tây Sơn thì Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân Làm nghề gì.
    Còn có câu "Được lam vua thua làm giặc" nữa kìa.

    Trả lờiXóa
  8. Thờ một tên cướp thì đây là một hủ tục nên bỏ. Không phải cái gì từ ngàn xưa truyền lại cũng phải tôn thờ. Bởi thời đó, dân còn mê muội, nhiều điều không giải thích được thì cứ cho rằng tên trộm đó chết vào giờ thiêng, mới thờ cúng. Nay thời đại củ thế kỷ 21, những gì quá dã man, kích động bạo lực giới trẻ, không có tính giáo dục thì nên giải thích cho dân hiểu mà loại bỏ. Hầu như những gia đình nào làm nghề sát sinh lâu năm đều gặp vận rủi. Đằng này lại để cho một thứ hủ tục bạo lực kinh hoàng như lễ chém lợn và đâm trâu tồn tại và phô trương, coi như một lễ hội truyền thông để câu khách du lịch là một sai lầm cực lớn của ngành văn hóa VN.

    Trả lờiXóa