Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Nhà báo Dương Phương Vinh bàn về VĂN HÓA CHÉM LỢN

Văn hóa chém lợn 
Dương Phương Vinh


Báo Tiền Phong 
06:33 ngày 27 tháng 02 năm 2015

TP - Lợn là loài ăn tạp, gì cũng xơi song hôm mùng 6 âm lịch vừa rồi, lần đầu tiên tôi chứng kiến lợn được người đút từng miếng bánh chưng, giò lụa, tu nước đóng trong chai, trong khi chuẩn bị bước vào lễ rước quanh làng Ném Thượng. Ưu ái quá! Chết đến nơi, mà chết thảm, vẫn được dân chúng “mừng tuổi” (ném tiền vào cái hộp phía trên đầu trên cổ lợn- thực chất hành động này là một kiểu công đức cho người hành lễ).

 
Cảnh chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) ngày mùng 6 Tết Ất Mùi. Ảnh: Như Ý.

Chốc chốc, hai chú lợn nằm cũi sắt lại bĩnh, tè tung tóe sân đình trước con mắt chăm chú của bao người. Cơ khổ!

Ở đời mỗi người một cơ địa một tính cách. Có người đứng gần chỗ hạ đao quá, khi dao vung lên hạ xuống xong, có kết quả rồi, thì nhăn mặt kêu tanh. Có người chẳng hề biến sắc ngay cả khi bị máu bắn đầy quần áo, đầy mặt. Lại có người chỉ thấy con lợn không được giữ bộ lông tự nhiên của nó mà cứ bị bôi bôi quét quét thứ phẩm màu hồng hồng đỏ đỏ lên mình là đã thấy khó chịu, thương thay cho con lợn. Bốn chân bị trói chặt, “ông lợn” theo cách gọi cung kính của dân làng còn đội cái hòm sắt lớn đựng tiền nói ở trên kia, giong đi trong đám rước 4-5 cây số. Ông thường xuyên kêu rống, giãy giụa nên đầu cổ cứ thế cứa mạnh vào cạnh sắc của cũi sắt, đẩy bật chiếc hộp đầy tiền. Chứng kiến cảnh đó đã thấy bạo lực thì lẽ ra đừng bén mảng đến lễ hội chém lợn mới phải.

Dân làng Ném Thượng không phải ai cũng rành rẽ thần tích về thành hoàng làng mình- cơn cớ sinh ra lễ hội chém lợn nổi tiếng. Nhiều lão ông lão bà mà chúng tôi hỏi chuyện không biết tướng quân Lý Đoàn Thượng của họ đánh giặc gì, chỉ nói chung chung là đánh giặc. Có người nói rõ là chống lại nhà Trần chứ không phải ngoại xâm song lại nêu con số đáng ngờ “có tới 72 nơi thờ tướng quân Thượng cả thảy”.

Tài liệu phát ra của Ban quản lý Di tích đình chùa Ném Thượng ghi: “Đông Hải đại vương Lý Đoàn Thượng quan võ thế kỷ 13 thời hậu Lý phong tư đĩnh đạc, tư chất thông minh, tài kinh bang tế thế. Năm 23 tuổi được vua Lý Cao Tông phong làm quan Tham tán đại phu. Tướng võ oai hùng với những trận đánh lớn, chiến công hiển hách tụ nghĩa tại vùng núi Ngoan Sơn (núi Chùa Ném Thượng), ông ra lệnh chém lợn khao quân động viên quân sĩ chiến đấu phò vua bảo quốc hộ dân, được sắc phong 5 đạo, cho phép dân tôn thờ làm thành hoàng làng...”.Thế nhưng, theo khảo cứu của soạn giả nổi tiếng Toan Ánh trong bộ sách Nếp cũ, tập Hội hè đình đám - quyển hạ (NXB Trẻ mua bản quyền xuất bản trong 10 năm), thì Lý Đoàn Thượng là cướp! “Thành hoàng làng Niệm Thượng tổng Khắc Niệm họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi Lý Công, sinh thời làm nghề ăn cướp. Một hôm đi ăn cướp, bị dân chúng và khổ chủ đuổi đánh ráo riết chạy bán sống bán chết đến núi Nghè gần làng Niệm Thượng. Bị vây, ẩn mãi trên núi, tên cướp họ Lý không có gì ăn, may thay một con lợn lớn không hiểu ở đâu tới chui từ bụi rậm ra. Lập tức chàng cướp sẵn đao dài trong tay chém một nhát ngang mình lợn. Chém xong lột bì lợn bỏ đi lấy thịt ăn sống. Không thấy thần tích nhắc sau này Lý Công chết ra sao, chỉ biết chết vào giờ linh nên được dân làng thờ làm thành hoàng...”.
“Chém lợn tốt hay xấu tùy mắt người nhìn. Người ngoài thấy ghê rợn nhưng dân làng thấy thế nào mới quan trọng!”
GS-TS Trần Ngọc Thêm

Được biết tục chém lợn này bẵng đi nhiều chục năm, mới phục dựng và cho đến gần đây thì vấp phải dư luận trái chiều. Gần như các giáo sư tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa đều ủng hộ giữ nguyên tục chém lợn, như GS-TS Trần Ngọc Thêm nói: “Chém lợn tốt hay xấu tùy mắt người nhìn. Người ngoài thấy ghê rợn nhưng dân làng thấy thế nào mới quan trọng!”.

Hôm rồi, trong lời khai mạc, những người tổ chức lễ hội Ném Thượng hân hoan “Chào mừng du khách gần xa về trẩy hội xuân phố Thượng”. Hội làng, lễ hội là một động thái du lịch, không phải cuộc tế lễ nội bộ, nội bất xuất ngoại bất nhập, để có thể bất cần cảm nhận của người ngoài. Có lẽ, ý của nhiều nhà nghiên cứu muốn nói, nếu đã nhát gan, sợ thì đừng có mò đến lễ hội. (Và đừng để những bức ảnh chụp lễ hội - động thái du lịch - đập vào mắt mình?).

Những người dân làng mà chúng tôi gặp hôm đó xem ra đều cứng rắn cả, phải chăng là một tinh thần quả cảm hợp thời hợp thế.

Một số báo nước ngoài khi phê phán lễ hội chém lợn mới nhất vừa qua, đã từ chối đăng những bức ảnh có cảnh chém lợn, không tránh khỏi máu me này. Một số báo trong nước thì không hiểu vô tình hay cố ý, không gọi hai ông chém lợn là “thủ đao” mà gọi “đao phủ” nghe khá ngộ. Ném Thượng hôm nay, đến thần tích của làng còn mù mờ nhưng như vừa được tiếp thêm sức mạnh đâu đó, nên câu cửa miệng của họ trong lễ hội năm nay là “phép vua thua lệ làng”. GS-TS Thêm cũng nói đại ý, giả dụ tỉnh hoặc Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch mà ra quyết định cấm hẳn lễ hội chém lợn thì dân có thể kiện, và tỉnh- Bộ có thể thua, vì họ đâu có làm gì vi phạm pháp luật. Tỉnh, Bộ chắc sẽ không làm cái việc cấm đó nhưng không có nghĩa văn hóa vung dao chém lìa đầu lợn và lệ làng đã thắng!
 _______________

Cũng từng hy vọng về Dương Phương Vinh một nữ nhà báo xuất thân Văn khoa Tổng Hợp thành danh từ sớm. Tuy nhiên, đọc bài này thì sự "ngưỡng mộ" đã ít nhiều gầy hao đi rồi!

Giỏi nhất về văn hóa ở Báo Tiền Phong mà chỉ cắt nghĩa được như vậy về lễ hội Chém lợn cầu may độc đáo ở Bắc Ninh thì cũng hơi buồn cho nền báo chí cách mạng nước nhà.

Không ai yêu cầu nhà báo phải lý giải văn hóa để định hướng và dẫn dắt dư luận. Nhưng nếu nhà báo tự gánh lấy trách nhiệm đó thì cần phải làm cho thật xứng đáng!



3 nhận xét :

  1. Trông hình chú lợm tội nghiệp bị chém đứt đôi như tàu Titanic, tôi cố gắng nhập tâm "Là văn hóa đấy... Rất là văn hóa... Văn hóa... Văn hóa...
    Văn hóa...
    Văn hóa..."

    Trả lờiXóa
  2. ngụy biện kiểu nào đi chăng nữa thì cũng là một hành động dã man. Không nên để những hành động da man này trước diễn ra trước hàng trăm cặp mắt cộng đồng

    Trả lờiXóa
  3. Văn hoá là điều đáng trân trọng, tuy vậy có những điểm cần phải thay đổi 1 chút cho phù hợp với tiến trình văn minh con người nói chung. Lễ hội Chém Lợn được cử hành lần đầu đã rất lâu, lúc đó các sinh hoạt văn hoá chỉ diễn ra 1 địa phương, và người dân lúc đó cũng còn lạc hậu so với bây giờ. Như vậy có thay đổi là chính đáng. Thí dụ; hồi đó dân VN còn nghèo nàn, chuyện chém con lợn, giết con chó...ăn thịt là chuyện bình thường, nhưng bây giờ thì có khác 1 chút...Theo ý kiến của tôi, nghi thức Chém Lợn nên được thay thế bằng một "con lợn giả" (làm mô hình)...Chúng ta tôn trọng văn hoá, bảo tồn văn hoá của VN, nhưng chúng ta cũng phải tôn trọng VĂN HOÁ CHUNG THẾ GIỚI , con người càng lúc càng ý thức hơn trong cuộc sống, đó là tiến trình văn hoá chung của loài người.

    Trả lờiXóa