Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

NÀY ÔNG TRỌNG, XIN HÃY NHẮC ĐẾN HỌ MỘT CÂU !


XIN HÃY NHẮC ĐẾN HỌ MỘT CÂU!

TS. Trần Đức Anh Sơn

BBC tiếng Việt vừa đăng bài viết về sự kiện Việt Nam kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng CSVN (3/2/1930 - 3/2/2015) cách đây 1 giờ, giật tít như sau: "TBT Trọng: '160 nghìn Đảng viên hy sinh'" (Xem: http://www.bbc.co.uk/…/2015/02/150203_vn_war_party_people_k…).

Bài báo có đoạn viết: "Trong bài diễn văn kỷ niệm 85 năm thành lập đảng hiện đang cầm quyền tại Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng không nêu có bao nhiêu người dân và quân nhân, cán bộ không phải đảng viên bị thiệt mạng trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, và không nói gì về Chiến tranh Biên giới 1979 với Trung Quốc cùng cuộc chiến Campuchia".


Tôi nhớ không nhầm là cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc vào tháng 2/1979 ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc và cuộc chiến tranh chống Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam từ năm 1978 đến ngày 7/1/1979, cũng do Đảng CSVN lãnh đạo và cũng có hàng vạn chiến sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh, trong đó có hàng ngàn Đảng viên Đảng CSVN. Cậu họ của tôi là Phạm Bá Hải cũng hy sinh tại mặt trận Lạng Sơn ngày 18/2/1979 và được nhà nước công nhận là liệt sĩ.

Vậy sao ông TBT không nhắc tới họ nhỉ?

Nếu ngại dùng hai chữ "Trung Quốc" thì xin ông TBT nói "trại" qua chữ khác cũng được. Chẳng hạn: "Ngoài 160 nghìn Đảng viên hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, còn có hàng nghìn Đảng viên hy sinh trong hai cuộc chiến tranh chống lại NƯỚC LẠ và tay sai của NƯỚC LẠ để bảo vệ Tổ quốc vào các năm 1978 - 1979".

Máu của cậu tôi, của hàng vạn bộ đội Việt Nam đã đổ trong hai cuộc chiến tranh chống Khmer Đỏ và quân Trung Quốc xâm lược thì cũng là máu đào của con dân nước Việt và họ cũng chiến đấu để bảo vệ hoà bình, độc lập cho Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN mà.

Không nhắc đến họ thì coi sao được!
_____________
BỨC ẢNH VÀ ĐƯỜNG LINK

Tối qua (3/2/2015), tôi post lên FB của tôi một status viết về SỰ LÃNG QUÊN những mất mát, hy sinh của đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống hoạ Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam và chống quân xâm lược Bắc Kinh ở biên giới phía Bắc trong những năm 1978 - 1979 (và còn kéo dài dai dẳng cả 1 thập niên sau đó) trong bài diễn văn kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng CSVN của ông TBT.

Có rất nhiều người vào đọc status này, nhấn nút like hay gửi những comments đầy bức xúc về sự việc này. Cũng có người vài đọc rồi lặng lẽ quay ra, không dám bày tỏ thái độ vì sợ phiền toái (Tôi biết điều này vì những dấu vết họ để lại đây đó trên FB của tôi). Âu đó cũng là chuyện thường tình.

Nhưng có hai người để lại hai thứ: 1. Bức ảnh “Chỉ mong Tổ quốc 1 lần nhắc tên họ công khai” và 2. Đường link “Bà mẹ VNAH: Má chỉ cần… Mỹ nó quay lại thôi” (http://kenh13.info/ong-nguyen-xuan-anh-tha-chung-ta-mat-lon…). 


Tôi lặng người khi xem ảnh và chua chát cười khi đọc thông tin từ đường link, cùng nói về SỰ LÃNG QUÊN này.

Giữ lời hứa với bản thân là từ hôm nay tôi sẽ “ít nói, ít nghe, ít thấy” để “ít phiền não”, nên tôi sẽ không bình luận về bức ảnh và thông tin trong đường link này. Xin nhường việc ấy cho các bạn.


5 nhận xét :

  1. Tôi đã gửi VNN: Hôm nay 17 tháng 2, Vietnamnet có biết là ngày gì không? Ngày mà hàng vạn người con đất Việt ngã xuống bảo vệ biên cương phía bắc trước cuộc tấn công của bọn Trung Quốc xâm lược. Vietnamnet một tờ báo mạng lớn, vậy mà có thể quên được ngày đau thương này sao? không đăng một bài nào nói về 17-2-1979, thật buồn cho một tờ báo lớn. Đừng vì miếng cơm manh áo, đừng vì cái gì đó mà cố tình cúi đầu quên đi trước lỗi đau của bao trái tim còn rớm máu, của những người mẹ, người cha, người con đã hy sinh trước bọn Tầu xâm lược 17-2-1979. Chúng ta viết lên không phải đào sâu hận thù VN-TQ, mà viết lên để những người đã hy sinh được tôn kính, viết lên để những người đang sống biết được về ngày 17-2 đau thương này.
    Thay cho Vietnamnet tôi xin thắp một nén hương, kính dâng một bó hoa cho đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc trong sự kiện 17-2-1979

    Trả lờiXóa
  2. Phong cảnh Vị Xuyên-ThanhThủy ngày nay ( ảnh báo Tuổi trẻ online )



    Thanh Thủy-Vị Xuyên đồi núi nhấp nhô, sông suối uốn lượn vẫn như xưa nhưng thay vào những đồi trọc đất đá lở loét do đạn pháo cày sới, bây giờ cây xanh phủ kín, khói lam chiều thơ mộng. Những hẻm núi sống còn con đường lên „ cửa tử“ Làng Lò bên bờ Đông của sông Lô thời chiến tranh giờ như những dải lụa xanh viền quanh chân các điểm chốt 772, 655.



    Cao điểm 1509 bên kia, hình như Trung Quốc gọi là Lão Sơn, hiện là một trung tâm Rada, căn cứ quân sự lớn của Trung Quốc.



    Việt nhỏ nhẹ: Sông núi kia, sau 30 năm, bây giờ tươi đẹp lên bao nhiêu. Em xưa trẻ trung, giờ đầu đã điểm bạc. Năm tháng qua đi, duy chỉ có các đồng đội em, những đứa đã ngã xuống, nằm lại ở Thanh Thủy-Vị Xuyên ngày đó là vẫn mãi mãi với tuổi 20.



    Từ suối Thanh Thủy đi ngược lên K là các chốt FAP-1, FAP-2. Nhấp nhô mấy cây số vuông là trận địa đại đội em phụ trách. Suốt hai năm giữ chốt, hậu phương bảo đảm về hâu cần , trang bị kỹ thuật cho phía trước theo cơ số non trăm tay súng, nhưng có bao giờ chốt có được trên ba bốn chục anh em! Chúng nó ra đi hàng ngày, hôm qua còn chia cơm nắm cho hai mươi năm xuất, bữa hôm nay, nuôi quân thấy thừa bẩy xuất không có người ăn.



    Có những đợt 9-10 ngày liên tục tụi em chịu pháo kích từ bên kia biên giới. Anh nuôi thương vong dọc đường tiếp cơm lên, cả chốt phải nhai lương khô, đái ra lấy nước mà uống.



    Khi vác hơn 40 cân súng đạn và quân tư trang lên chốt, em nặng 45 cân, vừa qua huấn luyện được phong binh nhất. Giữ chốt 5 tháng, quân số đơn vị hy sinh nhiều, bổ xung ít.



    5- 6 lần bổ xung, quân số cả chốt liên hoàn còn hơn 20 anh em. Sau một đợt pháo kích, em nhân điện bộ đàm từ ban chỉ huy trung đoàn lệnh vượt cấp phong lên trung sỹ, phụ trách trung đội thay các anh cán bộ vừa hy sinh trong đợt pháo kích hôm qua!

    Trả lờiXóa
  3. Thung lũng chết giờ là những thửa ruộng bậc thang lúa xanh mát mắt nhưng ngày 12-7, chính nơi đây, tại bình độ 400 này, đất đá Thanh Thủy đã thấm đẫm xương máu của hàng trăm người con anh dũng hy sinh trong cuộc phản công dành lại phần đất bị quân thù lấn chiếm. Kế hoạch phản công trên quy mô toàn tuyến để dành lại 1509 được hoạch định từ cơ quan cấp trên, nhưng hình như kế hoạch bị bại lộ . Toàn tuyến rời chốt tấn công vào hang ổ địch. Dù vẫn thấy đèn sáng, khói tỏa nhưng đơn vị như tràn vào chỗ không người. Trong thế bị bao vây, mắc bẫy do những đợt pháo giấy nghi binh của địch , quân ta vẫn anh dũng chiến đấu, có nơi phải giáp lá cà với bộ binh địch để trụ giữ những cao điểm mới chiếm lại được.



    Đầu năm 1985, trong ngày luân phiên về tắm ở Hang Rơi , Em nhận được lệnh từ sở chỉ huy tiền phương: Trở lên FAP-2 , phụ trách đại đội củng cố trận địa , thu gom thương binh, liệt sỹ chuyển về trạm phẫu ở tuyến sau. Pháo địch không ngớt. Đơn vị vẫn ở thế bị vây hãm. Chung quanh em, đồng đội đứa bị thương, đứa đã hy sinh nhưng em hiểu rằng, còn chúng em đứng đây thì mảnh đất này vẫn thuộc về Tổ quốc, bỉên giới lãnh thổ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Dãy Tây Côn Lĩnh ( cao hơn 2000m) lừng lững, hùnh vĩ phía sau là lá chắn thép của hậu phương. Tổ quốc đỡ lưng cho chúng em .



    Bẩy ngày sau đêm kinh hoàng , chúng em vừa giữ chốt vừa cử nhau đi thu gom liệt sỹ. Hàng trăm xác đồng đội đã được tìm thấy nhưng còn nhiêu đứa nữa vẫn phải nằm lại. Mìn, lựu đạn do cả ta và địch gài còn vương vãi ở khắp nơi. Việc thu gom, làm số thương vong tăng lên.



    Phần lãnh thổ do đơn vị em phụ trách vẫn được giữ chắc cho đến ngày kết thúc chiến tranh.

    Trả lờiXóa
  4. Như một phần lịch sử im lặng, người nằm xuống ở biên giới Thanh Thủy ít được nhắc tới (Tuổi trẻ Online) nhưng những người như chúng em thì không bao giờ quên ơn những đồng đội của mình. Em biết, tại Thanh Thủy bây giờ đã xây một nghĩa trang Liệt sỹ lớn , quy tụ hàng nghìn liệt sỹ nhưng em cũng biết, nhiều đồng đội, thi thể còn lại nằm lẫn trong các bãi mìn nên việc quy tập không thể dễ dáng.

    Trả lờiXóa
  5. 30 năm đã qua đi, nhắc lại thời máu lửa , sống chết trong gang tấc của cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt nam và Trung Quốc, trung sỹ Vương Anh Việt vẫn khắc khoải nhớ đến nhiều tên tuổi những đồng đội cũ cũa mình.

    Việt trầm ngâm: Quá khứ đau thương của chiến tranh có thể lãng quên để hướng tới một tương lai Hòa bình, Hữu nghị cho quan hệ Việt Trung mà sông núi liền giải, nhưng là người đã có những ngày tháng cầm súng bảo vệ biên giới em khẳng định rằng: Không kẻ nào có thể hòng dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp và xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta.



    Trong phạm vi của mình, là một người đã tham gia cuộc chiến, và may mắn còn được sống nhờ những hy sinh của đồng đội, Việt-Hà bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đến Các Anh, xin đặt một vòng hoa tười bên mồ những người đồng đội mãi mãi tuổi hai mươi.



    Những anh hùng liệt sỹ ngã xuống vì Tổ Quốc trong cuộc chiến 1979-1989 đời đời được tôn vinh và ghi ơn.





    Trần Đình Ngân



    (Bài ký viết tại Berlin TET 2014 )

    Trả lờiXóa