Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

GS. Trần Ngọc Thêm: KHÔNG HIỂU THÌ ĐỪNG CÓ BÀN

Lễ hội chém lợn: 
"Không hiểu thì đừng đến xem"

Báo Dân Việt
2.2.2015 


“Nếu người nào muốn tham gia Lễ hội chém lợn phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm bày tỏ.
Ngày 27.1, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến, tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.

Trước đề nghị trên, phóng viên có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Cơ sở văn hóa Việt Nam”. 

Thưa Giáo sư, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, Lễ hội chém lợn với nghi lễ “chém đứt đôi con lợn” là lễ hội dã man, tàn bạo, cần phải loại bỏ. Ý kiến của ông thế nào? 

- Dưới góc độ người nghiên cứu văn hóa, tôi không đồng ý với yêu cầu cấm Lễ hội chém lợn, nhất là khi yêu cầu này dựa trên lý lẽ rằng đây là cách đối xử dã man với động vật. 

Khái niệm “dã man” vốn là sản phẩm của phương Tây từ thời thực dân. Họ từng biện bạch khi đi xâm lược các dân tộc Châu Á và Châu Phi rằng đó là họ đi “khai hóa văn minh” cho các dân tộc còn sống trong cảnh man di mọi rợ.

Khái niệm “văn minh” vốn hoàn toàn đúng khi được dùng để chỉ sự phát triển cao về khoa học công nghệ. Nhưng từ chỗ phương Tây là nơi có nền khoa học công nghệ phát triển để suy ra rằng văn hóa của họ cũng cao luôn, rằng mọi cái gì khác biệt với Châu Âu đều là dã man, lạc hậu lại là một sự nhầm lẫn lớn ở lĩnh vực văn hóa. 

Ông nhìn nhận Lễ hội chém lợn như thế nào? 

- Lễ hội là một hiện tượng mang tính văn hóa đậm đặc. Mà văn hóa thì luôn là sản phẩm của một cộng đồng chủ thể, trong một không gian và một thời gian rất cụ thể.

Nếu chịu khó đặt mình vào vị trí của người làng Ném Thượng thì có thể chúng ta sẽ hiểu được rằng lễ hội này có truyền thống từ rất lâu đời. Nó được tổ chức để tưởng nhớ công lao của một vị tướng cuối đời Lý, khi đến vùng núi này đã chém lợn rừng nuôi quân đánh giặc.

Con lợn trong lễ chém lợn rất được coi trọng và mang tính linh thiêng. Người dân gọi một cách tôn kính là "Ông ỉn", vào ngày lễ được nhốt trong cũi hồng rước với cờ trống, lọng, kèn, đưa đi khắp làng. Đi đến đâu, người dân trong làng bày mâm cúng, góp tiền công đức đến đấy.

Người nuôi lợn được lựa chọn kỹ càng từ những người có gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay. Người chém lợn để tế Thánh cũng được chọn từ những người khỏe mạnh, con cháu đề huề, đúng tuổi 50.

Ông lợn trong lễ hội làng Ném Thượng phải được chém một nhát đứt làm đôi trong sự hò reo của người tham gia. Thịt lợn được xem là thiêng liêng, máu lợn được xem là đem lại may mắn, sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...

Vì vậy sau mỗi khi chém lợn, người dân tranh nhau sờ vào hoặc nhúng đồ của mình vào tiết lợn để cầu may. Thịt lợn sau khi tế Thánh được chia đều cho mọi người trong làng, để cả làng được phát tài, phát lộc. 

.
Lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á

Như ông nói, lễ hội này có truyền thống từ lâu đời, vậy tại sao chỉ mới vài năm gần đây dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về “nghi lễ chém lợn”?
 

- Lễ hội là hiện tượng văn hóa làng. Lâu nay lễ hội chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ của làng. Trong phạm vi ấy chẳng hề có vấn đề gì về đạo đức, giáo dục con em, vì thông qua đó họ chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp. 

Gần đây do các thông tin về lễ hội bị đưa lên mạng, lên các phương tiện thông tin. Qua lời bình của những người ngoài cuộc, thiếu hiểu biết về văn hóa nên đã khiến cho vấn đề bị bóp méo. 

Trước ý kiến lo ngại rằng, nghi lễ chém lợn với hình ảnh con lợn bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em sẽ tác động không tốt đến tâm lý trẻ, ông thấy sao? 

- Từ ngàn đời nay, người dân khắp nơi vẫn mổ lợn, làng Ném Thượng vẫn chém lợn, trẻ em khắp nơi vẫn cứ xem và không có chuyện vì thế mà đứa trẻ trở nên hung ác. 

Bây giờ thử thống kê xem trong số những người trộm cướp trên cả nước có bao nhiêu người gốc ở làng Ném Thượng? So sánh với các làng xung quanh xem, làng Ném Thượng có tàn ác hơn không? Tôi cho rằng, chuyện này tuyệt đối không có. 

Thậm chí tôi tin rằng, ngược lại, những nơi mà dân làng giữ gìn được văn hóa truyền thống như làng Ném Thượng, con em trong làng sẽ được giáo dục tốt hơn.
.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Vậy ông thấy thế nào về việc duy trì lễ hội truyền thống này vào năm 2015 và cách xử lý của UBND tỉnh Bắc Ninh là vận động để người dân Ném Thượng chỉ thực hiện “thịt lợn” thay vì “chém lợn”. Nghi lễ được thực hiện phía “sau đình” và chỉ cho ít người xem, thay vì thực hiện giữa sân đình như trước? 

- Trước hết tôi cho rằng, người ngoài làng như chúng ta không có quyền bàn về việc cho phép hay không cho phép dân làng thực hiện những công việc nội bộ của riêng mình mà không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng gì đến những làng xung quanh.

Việc người dân thực hiện nghi lễ “chém lợn” hay “thịt lợn” thế nào là truyền thống của họ, không ai có thể bắt họ thay đổi truyền thống. Đó là lễ hội riêng, chuyện nội bộ của người dân làng Ném Thượng.

Tuy nhiên, nếu việc riêng này lại được chụp ảnh, quay phim đưa lên báo chí thì đúng là có thể có ảnh hưởng đến người khác thật. Nhưng đây đâu phải lỗi của dân làng Ném Thượng? Họ đâu có mời khách đến xem, đâu có bán vé thu tiền người xem? Còn nếu người nào muốn tham dự thì phải tôn trọng phong tục tập quán địa phương, muốn đưa tin và bình luận thì phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn.

Tôi cho rằng, với thời gian trôi đi, quan niệm về văn hóa và tâm linh của người làng Ném Thượng có thể sẽ khác đi; làng Ném Thượng có thể rồi cũng sẽ bị đô thị hóa - khi đó Lễ hội chém lợn sẽ tự mất đi hoặc có thể sẽ diễn ra theo cách khác. Nhưng đó chỉ có thể là một quá trình tự nhiên do chủ thể văn hóa quyết định, người ngoài không thể ép họ thay đổi dù nhân danh bất cứ thứ gì. 

Từ Lễ hội chém lợn có thể thấy, “người ngoài làng” cũng như khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài thì đó là lễ hội dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người “dân trong làng” nghĩ đó là làm việc tâm linh, lấy may mắn. Vậy, làm sao để hài hòa giữa các quan điểm trên? 

- Văn hóa là cái đặc thù, nó phụ thuộc vào tập tục, truyền thống xã hội rất khác nhau của mỗi dân tộc. Văn hóa luôn là tốt, là giá trị đối với chính chủ nhân của nó, nhưng có thể sẽ là không thể chấp nhận được với các cộng đồng dân cư khác.

Khi một dân tộc này tự cho mình là văn minh và chê văn hóa của dân tộc kia lạc hậu, dã man, nhiều khi họ quên rằng chính họ cũng có những phong tục tập quán hoàn toàn tương tự.

Ví dụ, nhiều người phương Tây chê bai một số dân tộc Đông Á ăn thịt chó như ăn thịt người bạn của mình. Trong khi đó, người phương Tây gốc du mục, con ngựa cũng từng được xem là bạn, và món thịt ngựa vẫn được họ ăn một cách ngon lành.

Trong Lễ hội chém lợn - người dân chém một loài gia súc nuôi lấy thịt và cố gắng chỉ chém một nhát để “Ông” được “hóa” (hóa kiếp) ngay. Trong khi đó, trong trò chơi đấu bò của Tây Ban Nha, con bò bị lừa bằng tấm vải, bị đâm rất nhiều nhát để mua vui trước khi ngã gục. Trong trò chơi đấm bốc và nhiều trò thể thao mạnh khác của phương Tây - con người đấm vỡ mặt mũi đồng loại, làm cho máu chảy ròng ròng... Trong khi người phương Tây xem những cảnh này một cách hoàn toàn thích thú, thì với nhiều người phương Đông, đó mới thực sự là cảnh dã man, gây sốc.

Do vậy, không thể có mẫu văn hóa nào chung cho tất cả các dân tộc, các vùng miền. Cũng  không thể nói văn hóa của dân tộc này, vùng miền này là đúng; dân tộc kia, vùng miền kia là sai. Chỉ khi ta thấu hiểu nó, chính ta cũng có thể sẽ bị nó chinh phục.

Việc nhiều người miền Bắc nay rất thích món sầu riêng có mùi cực nặng của Nam Bộ, nhiều người am hiểu văn hóa Trung Hoa thích món đậu phụ thối của người Hoa, nhiều người phương Đông thích món pho-mát có mùi thum thủm của phương Tây là minh chứng cho việc đó. Văn hóa đòi hỏi sự khoan dung và thấu hiểu, chứ không phải sự đàn áp trên thế đông, thế mạnh, bằng cách nhìn lấy bản thân mình làm trung tâm. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!
.

14 nhận xét :

  1. GS Trần Ngọc Thêm có bài viết tuyệt hay và quá đúng! Những ai không hiểu về lễ hội chém lợn thì đừng có bàn và không thể đàn áp bằng số đông và thế mạnh của bản thân mình.Những ai cấm lễ hội này hãy sang Ấn Độ cấm họ tắm tiên hay sang châu Âu châu Mỹ cấm tắm nuy trên các bãi biển thơ mộng trước đã rồi hãy cấm lễ hội chém lợn này.

    Trả lờiXóa
  2. Trong một thế giới văn minh, mọi hành động bạo lực, man rợ đối với con người và động vật đều phải bị lên án. Có thể nói, con người là loài động vật dã man nhất trong các loài động vật. Văn hóa cũng phải nằm trong khuôn khổ văn minh và nhân đạo.
    Ông GS Thêm chỉ nói ở góc độ của một nhà nghiên cứu văn hóa đơn thuần chứ không phải là góc độ của con người văn minh.

    Trả lờiXóa
  3. Một số ý kiến của ông Thêm còn thiếu cơ sở luận cứ và thiếu cái nhìn rộng hơn. Ví dụ: ông ép cách nhìn nhận vụ việc ở đây dưới lăng kính Tây - Đông về sự man rợ và văn minh, nhưng động cơ để những người ủng hộ thay đổi đến từ nội tại. Nói cách khác, chính người Việt thấy nó là dã man chứ không phải là do họ bị các tổ chức phương Tây tác động.

    Thêm vào đó, ông chưa thấy được rằng những tổ chức vận động bảo vệ động vật cũng chỉ trích những hành động giết chóc động vật ở chính đất nước của họ và các nước phương Tây khác chứ không chỉ khen văn hóa của họ và chê văn hóa ta.

    Một điểm nữa mà ông Thêm nói có vẻ quá cầu toàn: ông cho là nếu là truyền thống của họ thì để họ tự quyết định. Vậy những hủ tục xung quanh ta nếu đáp ứng tính truyền thống thì cứ để vậy ư? Nếu ông muốn bằng cứ thống kê như ông đã dùng để biện hộ mối liên hệ giữa tính dung dữ con người và chứng kiến sự tàn bạo thì ông thử vào các trang tin xem polling của người đọc, bao nhiêu ủng hộ, bao nhiêu phản đối.

    Trả lờiXóa
  4. Ở đây có hai vấn đề: nghiên cứu văn hóa và thực tiễn văn hóa. Dưới góc độ nghiên cứu, lễ hội chém lợn là câu chuyên riêng về thế giới tâm trong văn hóa của một nhóm người hoặc một tộc người nào đó, đem đến cho họ niềm tin và sức mạnh để vươn lên. Dưới góc độ thực tiễn thì nó có tác động đến không chỉ một nhóm người một tộc người mà có thể đến cả một cộng đồng rộng lớn. Vì thế phải có cách làm sao cho phù hợp, như không tuyên truyền, không chụp ảnh, quay video và không đề cao loại hình lễ hội này. Còn thực tiễn, trong quá trình phát triển và hội nhập, thì nó phải được coi là đã lạc hậu, không còn phù hợp và cần phải có những đổi mới cho phù hợp, như lợn giả, máu giả...Lễ hội đấu bò của Tây Ban Nha được cho là dã man nên có rất nhiều người phản đối yêu cầu chấm dứt. Đây là sự phát triển của văn hóa trong một thế giới ngày càng văn minh.

    Trả lờiXóa
  5. Những nghi thức dã man phải dần được loại bỏ...có những nghi thức đã hòn toàn bị bãi bỏ từ ngàn năm trước như tế trinh nữa cho thần chẳng hạn,không thể dựa vào văn hóa lâu đời và làm như thế thì dân chúng sẽ thịnnh vượng như ông giáo sư đã biện hộ...
    Vài dòng ý kiến thế thôi

    Trả lờiXóa
  6. Cháu biết đến lễ hội chém lợn chỉ trong thời gian vừa qua khi báo chí đề cập nhiều về chuyện này. Và cháu xem khá nhiều ảnh về lễ hội. Qua ảnh thì cháu thấy thế này: Con heo (cháu thích dùng từ heo hơn ạ mặc dù cháu là bắc kỳ ăn rau muống cá rô phi) bị phanh thây như kiểu 'tứ mã phanh thây' mà cháu thấy ở trong sách tàu... Và còn nhiều hình ảnh ghê rợn khác nữa. Thật khủng khiếp. Biết rằng ở đâu đó, dân tộc nào đó trên thế giới, ở xã hội văn minh châu Âu hay lạu hậu như châu Phi vẫn còn tồn tại những hình ảnh tương tự. Và nếu nó còn tồn tại kiểu đẫm máu như thế này ở đâu đó trên địa cầu hay cụ thể hơn là ở Bắc Ninh thì cần phải loại bỏ nên thay vào đó là hỉnh ảnh tượng trưng 'giết heo' nhẹ nhàng hơn chứ không phải 'phanh thây' man rợ như vậy. Kế thừa và phát huy văn hóa nhưng cũng phải loại bỏ những 'tình tiết' không phù hợp với hiện tại. LỄ HỘI CẦN PHẢI GIỮ GÌN ĐỜI ĐỜI nhưng không phải giữ theo kiểu man di mọi rợ như vậy. Những tư liệu theo thời kỳ thì ghi nó lại bằng nhiều hình thức. Còn hàng năm lễ hội nên mang tính biểu trưng, tượng trưng, ước lệ. Tử hình bây giờ cũng còn phải tiêm thuốc độc để cho 'nhân bản, nhân văn' hơn theo như cháu đọc được của mấy cụ nhà mình phát biểu. Vậy mà bao biện cho cái lễ hội man di này bằng mọi giá theo kiểu các bác thì quả thật cháu chỉ muốn nói haivl (hài vui lắm) ạ. Dòng họ cháu ở Thập tam trại gắn bó với Thăng Long 1000 năm nên cháu vẫn còn cổ hủ và bảo thủ. Nên cháu chu du thiên hạ một thời gian để cái đầu nó tỉnh ra thêm bác Thêm ạ. Cháu thấy chỉ một số thằng ngáo đá, ngu dốt trong chính quyền là muốn giữ lại mấy thứ máu me rác rưởi để kiếm chác mà thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng! Cái gì là truyền thống tốt, nhân văn thì mới nên kế thừa và phát huy. Còn những gì là hủ tục, man dợ thì cũng dần bị loại bỏ chứ không thể tồn tại mãi được!

      Xóa
  7. GS muốn nói gì thì nói, nhưng quy luật của cuộc sống là: Cái gì "truyền thống", "Tâm linh" nhưng không được đại đa số người đương thời chấp nhận thì cũng tự biết mà dẹp đi cho đẹp! Nếu cứ khư khư đó là "văn hóa" của một cộng đồng nhỏ, người ngoài đừng can thiệp, thì các hủ tục như người BaNa chôn trẻ sơ sinh theo mẹ chết; người Jrai giết chết trẻ sinh đôi, sinh ba đẻ ra sau để trừ hậu họa, rồi Lễ hiến trinh nữ cổ đại v. v... cứ duy trì, mà không ai ĐƯỢC LÊN TIẾNG chăng?

    Trả lờiXóa
  8. Đối với mình là người ngoài, cả đời có lẽ chỉ thấy chọc tiết mổ lợn 1 lần, còn thì toàn ăn ...từ siêu thị (!) thì thấy việc chém mổ đương nhiên kinh hoàng, tàn bạo. Nhưng đối với người dân ở đây, sống trong truyền thống đó hàng bao đời, lễ hội chém lợn đương nhiên có mầu sắc khác.
    Một bên là truyền thống uy võ chống giặc ngoại xâm, một bên là sự phản cảm của những người ăn thịt qua siêu thị. Cái nào quan trọng hơn cái nào? Thật là một câu hỏi khó!

    Nhưng rõ ràng để ăn thịt thì lợn, gà phải bị giết mổ; ăn từ siêu thị chỉ chẳng qua là khuất mắt trông qua chứ đâu có làm giảm "sự tàn bạo đối với động vật" đi đâu? Cũng như nếu là ngày xưa, làng nào biết làng đấy thì câu chuyện chém lợn này có ai biết, ai hay, có ảnh hưởng đến ai hay khiến ai phải cảm thấy "kinh hoàng"? Mình cũng tự hỏi nếu dân làng đó vẫn tổ chức chém lợn thì có ảnh hưởng gì đến mình, đến con cháu mình không? Và phải trả lời là không. Ít nhất là không nếu không cho con cháu đi xem cái lễ hội đó! Còn bắt chấm dứt có ảnh hưởng đến những người dân đó không? Đương nhiên là có, thậm chí là ảnh hưởng nhiều vì mất đi cả một truyền thống lâu đời gắn bó với một lịch sử hào hùng.

    Như vậy là một việc vốn chẳng liên quan gì đến những người ngoài lại tự nhiên được xới lên để gây sức ép với những người liên quan. Lấy cái lý của đám đông mà bắt ép thay đổi niềm tin của một nhóm thiểu số trong một việc vốn chẳng liên quan gì đến mình thì đâu phải là dân chủ.

    Cái cần làm là cấm đưa tin, đưa hình ảnh về lễ hội này cho đám đông. Cấm trẻ em đến chứng kiến lễ hội (vì chúng chưa tự quyết được) và ủng hộ giúp những người dân làng muốn thay đổi lên tiếng. Còn niềm tin của họ, hãy để tự họ xử lý, đấu tranh nội bộ với nhau xem nên giữ hay nên bỏ.

    Trả lờiXóa
  9. Theo GS Thêm thì: "Ông lợn trong lễ hội làng Ném Thượng phải được chém một nhát đứt làm đôi trong sự hò reo của người tham gia. Thịt lợn được xem là thiêng liêng, máu lợn được xem là đem lại may mắn, sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...
    Vì vậy sau mỗi khi chém lợn, người dân tranh nhau sờ vào hoặc nhúng đồ của mình vào tiết lợn để cầu may. Thịt lợn sau khi tế Thánh được chia đều cho mọi người trong làng, để cả làng được phát tài, phát lộc."
    Vậy thì chắc thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh) có nhiều may mắn, mùa màng bội thu, phát tài, phát lộc ... phải không? Thực tế người dân ở đây cũng nghèo đói như bao làng xã Việt Nam khác, ông GS giải thích sao về việc này?

    Ông GS nói: "Lễ hội là hiện tượng văn hóa làng. Lâu nay lễ hội chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ của làng." nếu vậy thì ông dùng chữ "lễ hội" là đâu có đúng phải không ông, bởi đã gọi là lễ hội thì phải diễn ra và ảnh hưởng trên một phạm vi rộng.

    Cũng theo GS Thêm thì: "Lễ hội là một hiện tượng mang tính văn hóa đậm đặc." còn theo tôi "lễ hội chém lợn" chỉ là một trò chơi vô bổ, không có ý nghĩa văn hóa gì ngoài thể hiện sự dã man đáng sợ.
    Loài người trong quá trình đi lên đã có biết bao những trò chơi, những lễ hội những công trình vô bổ, những cổ hủ lạc hậu ... nhưng theo thời gian thì những cái đó đã và sẽ bị đào thải, "lễ hội chém lợn" rồi sẽ cũng sẽ chịu chung số phận.

    Trả lờiXóa
  10. Thế giới bây giờ đã mở rồi, mọi người tiến đến là công dân toàn cầu chính vì thế cái gì không phù hợp với văn minh nhân loại thì nên bỏ hoặc thay đổi cho phù hơp, đừng bảo thủ kiểu như ông Thêm. chém lợn chỉ là lễ hội cấp làng nên giữ hay bỏ thì cũng không mấy ảnh hưởng đến hơn 90 triệu dân.

    Trả lờiXóa
  11. Nếu nói là vì phong tục lâu đời,là nét văn hoá vùng miền,đem lại cho cả làng may mắn,phát tài,thì dù có ghê rợn,lạc hậu cũng mong ông GS đề nghị nhà nước mở rộng cho toàn dân tham gia chém lợn để cả nước gặp may,toàn dân giàu có đỡ vất vả nắng mưa kiếm bữa.
    Thứ nữa nếu nói là nét văn hoá nên cần để tồn tại.Vậy sao không để dân vùng vua mèo xưa thoải mái hút thuốc phiện,vì đó cũng là phong tục,là văn hoá của người mèo xưa.
    Phong tục,lễ hội có tồn tại cũng phải
    tôn trọng ý kiến của đại đa số người dân GS nhé.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa
  12. "Trước hết tôi cho rằng, người ngoài làng như chúng ta không có quyền bàn về việc cho phép hay không cho phép dân làng thực hiện những công việc nội bộ của riêng mình mà không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng gì đến những làng xung quanh.
    Việc người dân thực hiện nghi lễ “chém lợn” hay “thịt lợn” thế nào là truyền thống của họ, không ai có thể bắt họ thay đổi truyền thống. Đó là lễ hội riêng, chuyện nội bộ của người dân làng Ném Thượng."
    GS Thêm nói như vậy là hoàn sai,bởi chuyện lễ hội là chuyện của cả một khu vực rộng lớn nên nó không thể là chuyện nội bộ của một làng được, GS cũng đừng quên rằng pháp luật chẳng qua là những điều luật do con người tự quy định và hiện nay nhiều nước đã quy định giết mèo, giết chó, giết chim ... là vi phạm pháp luật đấy.

    Trả lờiXóa
  13. Thưa Gs Thêm : cái gì dù là lễ hội truyền thống nhưng phản văn minh thì nên vận động bãi bỏ . Ta đã chẳng cấm đốt pháo đó sao?

    Trả lờiXóa