Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

TS. LÊ ĐĂNG DOANH NÓI VỀ VIỆC VỪA TUYÊN BỐ PHÁ GIÁ TIỀN ĐỒNG

Phá giá tiền đồng có ý nghĩa gì?
 
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
RFA Tiếng Việt 2015-01-08


Mới đây Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tuyên bố phá giá đồng bạc thêm 1% và đây là lần thứ hai trong vòng bảy tháng qua Việt Nam phá giá đồng tiền của mình. Động thái phá giá này nói lên điều gì? Mặc Lâm có cuộc phỏng vần TS Lê Đăng Doanh nguyên Cố vấn kinh tế cho Bộ KHĐT, giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương để tìm hiểu thêm vấn đề này.

Mặc Lâm: Thưa TS các chuyên gia kinh tế cho rằng đồng tiền châu Á nói chung đã suy yếu so với đồng đô la trong sáu tháng qua do giả định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong năm nay. Như vậy việc phá giá đồng bạc VN có nằm trong lý thuyết này hay không? 

TS Lê Đăng Doanh: Đồng bạc Việt Nam đã được ổn định so với đồng Đô la trong năm 2014. Mức ổn định đó căn cứ trên viêc chỉ giảm giá đồng bạc 2% so với mức lạm phát trung bình cả năm là 4%. Nếu cộng thêm với mức độ lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong những năm trước đây thì các nhà kinh tế tính toán rằng tiền đồng Việt Nam thực sự đã lên giá so với đồng đô la tới 30% và điều này thực sự gây khó khăn cho xuất khẩu tại Việt Nam.

Chúng ta thấy xuất khẩu của các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất ra chứ không phải là mặt hàng gia công nhập khẩu từ bên ngoài vào thì đã có những khó khăn khá lớn. Như vậy cho nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm giá đồng tiền VN 1% trong những ngày đầu năm của 2015 là một điều có thể hiểu được, không có gì đáng lo ngại lắm.

Điều đáng lo ngại là VN đang nợ nước ngoài khá nhiều. Nếu giảm giá đồng bạc Việt Nam thì Việt Nam phải chi tiêu thêm nhiều hơn để trả nợ nước ngoài. Còn tác động đối với xuất khẩu theo tôi thì chỉ tác động với tỷ lệ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước còn nếu như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì họ nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu vào rồi lắp ráp ở Việt Nam thì tỷ lệ giá trị gia tăng tương đối thấp vì vậy cho nên tác động trực thuộc đối với xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là hạn chế.

Mặc Lâm: Việc phá giá lần thứ hai này có liên quan gì đến yếu tố xuất khẩu dầu của Việt Nam hay không vì nền công nghiệp này đóng góp vào GDP rất lớn. Thưa TS?TS Lê Đăng Doanh: Việc giảm giá dầu chắc chắn đã ảnh hưởng không tốt đến nguồn thu ngân sách của Việt Nam và điều này Bộ Tài chính đã có công bố nhiều lần. Vấn đề ở đây là việc giảm giá dầu đó đồng thời nó cũng giảm giá các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu như xăng, chất dẻo, phân đạm, như sợi polyester các sản phẩm này đều sản xuất từ dầu lửa cho nên nếu như các sản phẩm đó cũng giảm giá thì tác động với nền kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn. Vì vậy tôi nghĩ giá dầu giảm sẽ có mặt tích cực cho nền kinh tế và có thể sẽ tích cực đối với sức mua của người dân. Xăng hạ người dân có thể dùng khoản tiền tiết kiệm đó để chi cho các khoản khác.
 
Mặc Lâm: Vâng, TS vừa nói mặt tích cực trong việc sản xuất và chi tiêu của người dân khi giá xăng giảm mạnh vậy thì việc phá giá đồng tiền lần này có ý nghĩa gì nữa thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Đối với việc giảm giá đồng bạc trong tình hình hiện nay thì nó cũng đáp ứng yêu cầu cụ thể của thị trường. Cuối năm thì các doanh nghiệp phải kết toán các hoạt động cho nên họ có nhu cầu mua đô la nhiều hơn và điều ấy thường đem đến cái giá đô la trên thị trường tự do tăng mạnh cho nên sau khi Ngân hàng có điều chỉnh tỉ giá thì ngay lập tức giá đô la cũng đã nâng lên một mức mới. Tôi nghĩ rằng diểu đó cho thấy việc điều chỉnh 1% đối với nền kinh tế Việt Nam không gây ra tác động gì lớn đối với lạm phát cũng như không gây ra biến động lớn đối với kinh tế vĩ mô

Mặc Lâm: Thưa TS đồng tiền phá giá là hình thức chống lạm phát, trong trường hợp này xin cho biết có phải kinh tế VN đang đi vào giai đoạn trì trệ, Sau khi đã phát triển trong mấy năm qua?

.
TS Lê Đăng Doanh: Không. Việt Nam hồi gần đây tăng trưởng trở lại rất mạnh mẽ. Năm 2014 đã tăng trưởng gần 6%. Tôi nghĩ rằng hiện nay không có một dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam đang đi vào giai đoạn trì trệ. Hy vọng sắp tới đây chính phủ sẽ đẩy mạnh công cuộc cải cách và tôi hy vọng rằng nền tảng của nền kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Cái việc điều chỉnh tỷ giá này nó cũng góp phần làm cho các biến động của thị trường và sức ép đối với các ngân hàng được ổn định hơn thôi chứ tôi nghĩ rằng không có gây ra khó khăn gì lớn.

Mặc Lâm: Như TS đã nói là phá giá đồng bạc sẽ gây thêm mối lo ngại vể trả nợ nước ngoài vì nợ sẽ tăng theo việc phá giá. Theo TS ông có đề nghị gì giảm bớt gánh nặng nợ công khi đồng bạc mất giá?
 

TS Lê Đăng Doanh: Trong tình hình hiện nay thì không thể nào có biện pháp để làm vừa lòng tất cả mọi người. Giảm giá đồng bạc 1% thì có nghĩa là nợ sẽ tăng thêm 1%. Điều ấy cũng đáng lo ngại nhưng theo tôi thì không đến nỗi phải lo ngại một cách quá đáng. 1% không phải là điều gì ghê gớm nếu như so với trước đây Việt Nam đã trải qua các biến động lớn hơn 1% nhiều.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn ông.

.

5 nhận xét :

  1. Theo tôi bức tranh nền kinh tế Việt Nam là: Việt Nam hiện đang sống nhờ vay nợ (chủ yếu vay của giặc TC), bán tài nguyên, bán môi trường, bán sức lao động rẻ mạt, bán vị trí chiến lược (vũng Áng, Tây Nguyên...) ... thu ngân sách của các địa phương chủ yếu nhờ bán đất bán tài sản công và bán vé số. Hiện tại nợ công và nợ xấu đang ngập đầu, sản xuất kinh doanh thua lỗ, hàng ngàn công trình tiền tỷ bị rút ruột phá hoại, làm chưa xong đã bị hư hỏng, không phát huy tác dụng, nên không có tiền để trả nợ và chính phủ phải đảo nợ bằng cách vay nợ mới để trả nợ cũ. Chính CTQH Hùng cũng đã phải la lớn là cứ như thế này thì chỉ có chết (đại khái như vậy), vậy thì chúng lạc quan cái nỗi gì, chẳng qua là chúng lừa bịp dân, lừa các nước để tiếp tục vay tiền phá phách phè phỡn để đến năm 2020 chúng tuyên bố vỡ nợ và gả bán luôn nước Việt cho giặc TC là xong nhiệm vụ đảng giao mà thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Thưa TS Lê Đăng Doanh, nhân gặp TS ở diễn đàn này tôi xin hỏi mấy câu:
    1/ Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của Việt Nam là bao nhiêu, trong đó các doanh nghiệp Việt đóng góp bao nhiêu?
    2/ Tổng nợ xấu, tổng nợ công (tính cả nợ của các doanh nghiệp) hiện tại là bao nhiêu (số liệu chính xác), trong đó nợ TC chiếm bao nhiêu %?
    3/ TC hiện đang là tổng thầu bao nhiêu công trình trọng điểm, chất lượng các công trình chắc là rất kém và giá thầu lúc đầu thường rẻ, nhưng sau đó thì được nâng lên rất cao điều này có đúng không? Vì sao?
    4/ Hiện nay nếu các doanh nghiệp TC cùng vận động các doanh nghiệp Đài loan rút về nước và không bán nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam thì hàng triệu công nhân Việt phải thất nghiệp, thu ngân sách giảm, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị chết đứng phải không? Ai là kẻ phải chịu trách nhiệm trong việc phụ thuộc quá đáng này?
    5/ Chính sách mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài cho đến nay mới chỉ có nghĩa trong việc cho thuê đất, bán môi trường, bán sức lao động rẻ mạt ... là có đúng không?
    6/ Hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài diễn ra phổ biến và kéo dài nhiều năm nay, làm thất thu khổng lồ cho ngân sách quốc gia, vậy thì ai là những kẻ hưởng lợi, ai là những kẻ dung túng, ai là kẻ phải chịu trách nhiệm khi bán rẻ quyền lợi của tổ quốc để lấy những đồng tiền dơ bẩn?
    ...
    Tôi tin rằng sau khi trả lời những câu hỏi trên thì TS Nguyễn Đăng Doanh và các nhà kinh tế Việt Nam sẽ thôi không dùng những từ: ổn định, phát triển, tăng trưởng trở lại rất mạnh mẽ ... bởi nghe nó xấu hổ và khôi hài quá.

    Trả lờiXóa
  3. "... tôi nghĩ giá dầu giảm sẽ có mặt tích cực cho nền kinh tế .... Xăng hạ người dân có thể dùng khoản tiền tiết kiệm đó để chi cho các khoản khác." Theo tôi thì ông Doanh phát biểu câu này không theo sát thực tế. Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng xấu đến ngân sách nhà nước thu từ nguồn dầu thô nên thực tế là nhà nước vẫn duy trì giá xăng ở mức cao để bù lỗ cho ngân sách. Giá xăng ở ta thực tế chỉ có ngày càng tăng, còn người dân không bị ''móc túi'' là may lắm rồi, làm gì có chuyện tiết kiệm được đồng nào như ông Doanh lạc quan.

    Trả lờiXóa
  4. Trong thời gian vừa qua NHNN kiểm soát được tỉ giá ngoải tệ, nhất là đồng dollar Mỹ khiến cho nền kinh tế không bị chao đảo . Nguồn dollar dự trữ cũng tăng lên, kim ngạch XK năm 2014 tới 150 tỉ USD . Nghe những con số cũng đáng mừng . Nhưng buôn bán 2 chiều với TQ tới 70 tỉ đô mà TQ thu về tới 47 tỉ , còn VN chỉ có 23 tỉ cũng hơi buồn . Qua năm 2015 hi vọng ít nhất VN 50 / 50 với TQ !

    Trả lờiXóa
  5. Còn nhớ năm 1985 tôi bán 1USD được có dưới 300VND. Nay bán được trên 21.000VND! Ta phát triển quá rồi còn cằn nhằn cái gì nữa?!

    Trả lờiXóa