Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

ĐỪNG PHẢN BIỆN THEO CÁCH VỖ TAY BẰNG MỘT BÀN TAY

Tô Văn Trường 

Sự kiện Quốc hội khóa trước bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, và mới đây là Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế quyết định cho dừng việc triển khai dự án du lịch ở đèo Hải Vân, Đà Nẵng tạm dừng dự án hải đăng sông Hàn là những ví dụ điển hình đáng mừng khi những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước biết lắng nghe ý kiến phản biện của người dân. Hay nói cách khác, ý kiến của người dân, những người đóng thuế đã có tác dụng để ngăn chặn, khắc phục kịp thời một số quyết định sai lầm của chính quyền địa phương và kể cả ở cấp quốc gia!

Phản biện xã hội và phản biện khoa học có đặc tính riêng nhưng về bản chất không khác nhau. Chất lượng phản biện, trước hết phụ thuộc vào quan điểm, ý thức và khả năng chuyên môn của người phản biện. Nền tảng tự nhiên của sự cần thiết cho hoạt động phản biện đó là đặc tính vô minh, không thể nắm bắt và nhìn thấu hết cả hiện tượng lẫn bản chất nhiều sự việc trong cuộc sống. Vì lẽ đó, người ra quyết định khôn ngoan bao giờ cũng cần nghe ý kiến phản biện nhiều chiều và để có phản biện chất lượng, trung thực, khách quan thì phải có môi trường thông thoáng, dân chủ cho tư duy độc lập, sáng tạo và truyền thông trách nhiệm.

Thực tiễn cuộc sống là bức tranh rất sinh động của phản biện xã hội. Các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, dân chủ dân sinh, công bằng xã hội, kỷ cương phép nước minh bạch của những người quản lý điều hành đất nước trong quá trình thực thi luôn cần có quá trình điều chỉnh và hoàn thiện thông qua tiếng nói chính trực của đông đảo quần chúng nhân dân.

Nhân dân chính là tác nhân sản sinh ra những luận điểm có tính chân lý. Mặt khác, chúng ta đều biết sức mạnh và tác động to lớn của các phương tiện truyền thông, báo chí đến với xã hội và người dân. Vì vậy, thông tin càng đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan và khoa học thì giá trị và hiệu quả của định hướng dư luận càng có giá trị lớn. Quan trọng hơn ở thời đại kỹ thuật số và tốc độ truyền tin nhanh như tốc độ ánh sáng hiện nay thì bưng bít thông tin hay có suy nghĩ là không cho biết thì người dân sẽ cũng không biết, càng nguy hiểm và phản tác dụng.

Đối với tình hình thực tế ở nước ta, muốn ổn định và phát triển bền vững, nhà cầm quyền đừng bao giờ thực hiện phản biện bằng cách cho phép “vỗ tay bằng một bàn tay”. Thật là sáng suốt cho người lãnh đạo vào lúc khó khăn, nguy nan biết đặt câu hỏi ta nên làm gì. Và lắng nghe các lời tham mưu của các bậc trí giả. Ngày xưa, các bậc vua chúa cũng nhờ biết nghe lời can gián, dùng người tài để được đời sau gọi là minh quân.

Nên đặt trọng tâm vào các giải pháp của công tác phản biện xã hội, hoàn toàn có thể thực hiện triển khai ngay bằng thu thập thông tin rộng rãi từ các thành phần xã hội, sau đó tập hợp phân loại các nhóm ý kiến chủ yếu, bức xúc để đưa ra giải pháp thiết thực bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh các chủ trương chính sách hay quá trình thực hiện. Với trình độ công nghệ thông tin hiện đại, ý kiến phản biện ngày nay hoàn toàn có thể thu thập nhanh chóng từ mọi tầng lớp nhân dân đến các chuyên gia trong và ngoài biên chế hành chính ở mọi lĩnh vực, không tốn kém. Sau đó, chỉ cần thuê một số chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực cụ thể (có thể dễ dàng lập một thư viện chuyên gia trong các lĩnh vực) để tổng hợp, phân tích thông tin, sẽ chọn được những ý kiến, giải pháp đúng đắn, đồng thời loại bỏ được những ý kiến thiếu thiện chí, chỉ vì lợi ích cục bộ.

Người chuyên gia tư vấn không nhận lệnh, không báo cáo, không kiến nghị, không đệ trình. Người chuyên gia tư vấn cho lời khuyên và lời can. Khuyên làm việc tốt cho dân, cho nước. Can làm việc hại cho dân, cho nước. Còn việc quyết định phụ thuộc vào thẩm quyền, tư chất của lãnh đạo và quy định của pháp luật.

Ông Võ Văn Kiệt đã làm việc đó từ lâu. Ông chỉ mới sử dụng một nhóm chuyên gia nhỏ, nhưng qua thời gian kiểm nghiệm cho thấy vẫn có giá trị cao được ghi nhận. Những giây phút cảm động nhất, kính trọng nhất, khâm phục nhất là khi được nghe ông Kiệt tâm sự rất chân thành về một vài quyết định của mình “chưa được trúng”! Trong bối cảnh ra quyết định đó, ông là nhà chính trị trong hệ thống tổ chức, khó làm khác đi được, nhưng thật sáng suốt và dũng cảm là qua kiểm nghiệm thực tế, biết lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều, ông tự nhìn ra những khiếm khuyết, biết sửa và biết rút ra bài học cho chính mình và các thế hệ đi sau.

Chúng ta đều biết trên thế giới này không có nhà nước nào tránh được mọi sai lầm khi đưa ra các chủ trương, chính sách. Nếu lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến của người dân, phân tích, sàng lọc các ý kiến tư vấn của các tổ chức độc lập thì chắc chắn mức độ sai lầm và hậu quả của nó sẽ giảm đi đáng kể!

Một ví dụ điển hình của lối "vỗ tay bằng một bàn tay" là việc lấy ý kiến đóng góp vào sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Khi có kiến nghị sửa một số điều cơ bản về thể chế chính trị thì lập tức người có vị trí lãnh đạo cao nhất liền phê phán nặng nề những người kiến nghị là "thoái hóa, biến chất", nhưng không cho công bố những ý kiến phản biện để có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của nhiều người.

Nhiều thư của trí thức, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà hoạt động tôn giáo... gửi các nhà lãnh đạo dưới hình thức ý kiến đóng góp của tập thể một số người hoặc của từng cá nhân đều không nhận được trả lời, thậm chí còn bị nhiều cách đối phó bằng quyền lực, kể cả biện pháp thô bạo, phi đạo lý.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhân dân, trước hết là các kẻ sĩ, đang có nhiều suy nghĩ, trăn trở về vận mệnh đất nước, sẵn sàng đóng góp ý kiến với lãnh đạo, phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại. Chỉ cần lãnh đạo thật tâm lắng nghe, tôn trọng các ý kiến đóng góp; nếu không đồng tình với ý kiến nào mà mình cho là không đúng hoặc có dụng ý không lành mạnh thì đưa ra tranh luận công khai, phản bác một cách minh bạch, bỏ lối quy kết tùy tiện một chiều và nhất là không dùng bạo lực vô văn hóa để đối phó. Như vậy, chắc chắn tinh thần phản biện xã hội sẽ được phát huy, lòng tin của dân đối với chế độ sẽ được khôi phục, dân và lãnh đạo như hai bàn tay cùng vỗ, cùng kéo để đưa đất nước vượt qua thách thức đang uy hiếp độc lập, chủ quyền và kìm hãm sự phát triển.

Cuộc sống là quá trình vận động và luôn đòi hỏi có sự đóng góp của phản biện xã hội. Đất nước ta đang bước vào đầu xuân mới, nhiều thời cơ và thách thức, nguồn trí tuệ đang dâng lên, dòng nhân ái đang chảy mạnh, nhiều tấm gương biết làm, biết viết, biết nói, để thúc giục nhân tâm, kiên nhẫn từng giờ, từng phút “vắt óc” nghĩ suy tạo ra năng lượng tích cực trong nhân gian. Đó cũng là nguồn lực sâu xa đang âm vang, cộng hưởng, sẽ tác động tới những nơi cần lắng nghe, nếu được tiếp thu sẽ là hồng phúc cho đất nước.

T.V.T.
.

5 nhận xét :

  1. Cách phản biện tốt nhất là đa Đảng.

    Trả lờiXóa
  2. Tốt nhất là Tự Do Ngôn Luận và Bầu cử Tự Do . Đảng họp HN TƯ mà cứ kín như bưng . Bàn đến những nhân vật sẽ LĐ Đất Nước mà ND chẳng biết gì . Vua chúa xưa còn công bố tên Thái tử và các quan đại thần còn được nêu ý kiến . Còn đcsVN ngày nay coi toàn dân như những kẻ bị trị không được phép có ý kiến chọn người LĐQG !

    Trả lờiXóa
  3. Hoan nghênh bác Tô Văn Trường đã có bài viết rất sâu sát và chính xác về thực trạng chính trị của xã hội VN dưới chế độ một đcs cầm quyền hiện nay.Nhưng tôi đoan chắc rằng những người cầm quyền VN họ sẽ không lắng nghe ý kiến của Bác đâu,cũng như đã không lắng nghe nhiều người đã từng đóng góp với họ qua các đợt sinh hoạt chính trị hoặc nhân các sự kiện,sự việc nào đó.Sự ngạo mạn của các nhà cầm quyền khi đã nắm trong tay quyền lực lớn cũng như quyền lợi rất lớn khiến họ không bao giờ chịu thay đổi và lắng nghe ai trong nước nói về cái không hoặc chưa hoàn thiện của họ.Họ chỉ thấy khắp đất nước từ hang cùng ngõ hẻm đến chốn đô hội đô thành nơi nào cũng đầy rẫy cờ hoa,khẩu hiệu,băng rôn.Họ đâu có thấy cảnh thanh niên trưởng thành được cha mẹ chắt chiu cho ăn học đủ các loại bằng cấp đang thất tha thất thểu vì không có việc làm đang trở thành gánh nặng vì sự ăn bám vào cha mẹ,quăng hoài tuổi xuân.Bởi con cái họ dù học hành ẩm ương,tài năng hèn kém đã có ngay chỗ đứng ngon lành do cái"quy hoạch" mà họ đẻ ra.Cái chỗ đứng theo"quy hoạch" đó ngon lành điều mà nhiều quan chức có thực tâm thực tài của các nước trong tốp đầu ASEAN khó lòng có được ở nước họ.Vì những điều đó họ chấp nhận bít tai họ,khóa mồm người khác khi nói ngược điều họ muốn nghe cho dù đất nước có đứng vào tốp dưới sau Campuchia,Lào.Mặc!

    Trả lờiXóa
  4. Thứ nhất, các tác giả dù ở lề nào thì cũng cần viết bài cho thật ngắn, gọn. Thấy dài, rất ngại đọc.
    Thứ hai, Tổng bí thư NPT nói tham nhũng như ngứa ghẻ, rất khó chịu. Tôi đồng ý với TBT và bổ sung thêm vào ý kiến đó rằng : " Ngứa ghẻ mà bị cấm không cho gãi thì sự ngứa đó khó chịu gấp ngàn lần" ! Hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tham nhũng là giặc nội xâm! Mà "như ngứa ghẻ, rất khó chịu"?
      Vậy giặc ngoại xâm chắc phải cỡ "như hắc lào lang ben, rất nhột nhạt"?

      Xóa