Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

MỘT BẢN ĐIỀU TRẦN XIN DÙNG THUỐC NAM THAY CHO THUỐC BẮC

­­
THÁI KHẮC TUY VÀ BẢN ĐIỀU TRẦN XIN DÙNG
NAM DƯỢC THAY THẾ BẮC DƯỢC

Nguyễn Thị Dương

Lạ thay cho giống tiên rồng,
Thuốc mình bỏ đó đi dùng thuốc đâu?
Phí tiền ngẫm nghĩ mà đau,
Xưa nay mắc hợm người Tàu biết chưa?

Có lẽ không mấy người biết cùng đứng tên với Phan Đình Phùng- một danh nhân Hà Tĩnh, một lãnh tụ tiêu biểu của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX khi biên soạn một cuốn sách có tên Việt sử địa dư[1] hoàn thành vào năm Kiến Phúc thứ nhất (1883) là một đồng hương, đồng thời cũng là đồng liêu với ông đó là Thái Khắc Tuy. Và một điều hẳn càng ít người biết -Thái Khắc Tuy còn là tác giả của bản điều trần gồm năm điều dâng lên triều đình vào năm Tự Đức 32 (1879) trong đó điều đầu tiên xin dùng Nam dược thay thế Bắc dược.

Về tiểu sử hành trạng của Thái Khắc Tuy, ít được các sách ghi chép. Hiện năm sinh năm mất của ông đều chưa rõ. Sách Quốc triều hương khoa lục cho biết Thái Khắc Tuy người xã Việt Yên, huyện La Sơn, đỗ Cử nhân khoa thi năm Đinh Mão (1867) đời Tự Đức tại trường Nghệ An. Ông làm quan tới chức Tri phủ, cáo về[2]. Sách  Lược truyện các tác gia Việt Nam ngoài những thông tin như Quốc triều hương khoa lục đã cung cấp còn có thêm chi tiết Thái Khắc Tuy là tác giả của sách Việt sử địa dư vựng sách[3]. Tuy nhiên, về bản điều trần năm 1879 của Thái Khắc Tuy thì chưa thấy tài liệu nào nhắc tới.

Trong quá trình tìm hiểu châu bản thời Nguyễn, chúng tôi thấy một tài liệu châu bản triều Tự Đức, đó là một bản phiếu nghĩ của bộ Hộ ngày 16 tháng 10 năm Tự Đức 32 (1879) gồm 16 trang (từ tờ 203 tới tờ 210) thuộc tập 325, chữ viết chân phương khá to, nghị bàn về các khoản điều trần của Thái Khắc Tuy. Theo đó, bản điều trần của Thái Khắc Tuy được dâng vào tháng 3 năm Tự Đức 32, nêu lên năm điều, xin dùng Nam dược thay thế Bắc dược, đặt quan trông coi về nông nghiệp tại các phủ huyện, mở trường dạy chữ, võ nghệ, thiên văn, địa lý, y bốc, tướng số, và cấp thực điền từ 3 đến 5 mẫu cho mỗi người phải sung lính (riêng khoản về đê điều thì giao bộ Công nghị bàn). Tờ phiếu nghĩ của bộ Hộ, cứ sau mỗi phần trình bày từng điều kiến nghị của Thái Khắc Tuy đều đưa ra những nhận xét biện luận, đặc biệt phần nghị bàn về việc chuyên dùng Nam dược còn có thêm mấy dòng châu phê. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin nói về khoản điều trần đầu tiên mà Thái Khắc Tuy đề cập liên quan tới vấn đề thuốc Nam thuốc Bắc.
Phiên âm: 

Tự Đức tam thập nhị niên thập nguyệt lục nhật Hộ bộ tấu:

Bản niên tam nguyệt nhật tiếp Thông chính sứ ty phiến lục, phụng tương Hưng Yên tỉnh đại đề Giám lâm Thái Khắc Tuy điều trần ngũ khoản, gian ư chú tự thỉnh bạt đê bá nhất khoản bàng phụng châu phê “Giao Công bộ. Khâm thử”. Chú tự thỉnh dụng Nam dược, thiết nông quan, quảng giáo pháp, cấp binh điền đẳng tứ khoản bàng phụng châu phê “Giao Hộ bộ. Khâm thử”. Tái ư cai tỉnh đại đề sớ văn niên hiệu hậu khâm phụng châu phê “Tự vị hợp, giao Hộ, Công án khoản duyệt nghĩ. Khâm thử” đẳng nhân. Trừ đê bá khoản tuân lánh trích lục Công bộ thần nghĩ biện, ngoại dư tứ khoản thần bộ tuân phụng duyệt thanh nghĩ tiến cẩn phụng thanh tự kê hậu hậu chỉ lục biện.

Kê.

Nhất khoản thỉnh chuyên dụng Nam dược dĩ tỉnh ngoại phí, nội tự “Bản quốc thổ địa quảng mạc, sở sản dược phẩm bất thiếu, nãi vi y giả chỉ tư Bắc dược. Nhi sát chi Bắc dược tự bỉ tải lai dĩ kinh tuế nguyệt, khí vị sảo giảm hựu trần hủ, trùng đố giả hữu chi, điều bệnh hà ích. Hạt nhược Nam dược tùy thái tùy dụng, thủ hiệu thậm tiệp. Tư thỉnh sắc hạ Y viện tường sát bị thường bản quốc dược tính khí vị, thí nghiệm, chế lập phương thư ban bố thiên hạ tri biện” đẳng ngữ. Thần bộ phụng chiếu bản quốc dữ Thanh quốc dược phẩm sở sản hoặc hữu hoặc vô nhi khí lực hoặc hậu hoặc bạc các hữu bất đồng. Y giả liệu bệnh tùy nghi thủ dụng nhưng diệc khảo chi y thư sở tải dược vị các tùy dược tính thi phương. Chí nhược “Bị thường thảo tính, sáng lập phương thư…” phi thần hóa giả bất năng. Duy Nam dược hướng lai thủ dụng, gián hữu đắc chi truyền văn kinh nghiệm, hãn hữu thư tập khả kê, diệc bất quá liệu trị tầm thường bệnh chứng nhi dĩ, vị tất giai hiệu. Tư cai viên ký dĩ thử vi tỉnh phí, thỉnh do Thái y viện thần tái hành tường cứu bản quốc dược tính, như hữu hà vị liệu trị hà chứng khả đại Bắc dược giả, kê liệt cụ phúc hậu chuẩn thông lục phương dân tri biện. 

Tạm dịch 

Ngày 6 tháng 10 năm Tự Đức 32 (1879), bộ Hộ tâu:

Ngày tháng 3 năm nay nhận tờ phiến lục của Thông chánh sứ ty, phụng thay mặt tỉnh thành Hưng Yên dâng bản điều trần gồm 5 khoản của viên Giám lâm Thái Khắc Tuy, trong đó ở bên cạnh khoản xin nâng cao đê điều phụng châu phê “Giao cho bộ Công. Kính đấy”. Về 4 khoản xin dùng Nam dược, đặt chức nông quan, mở mang giáo pháp, bên cạnh phụng châu phê “Giao cho bộ Hộ. Kính đấy”. Lại ở sau dòng niên hiệu tờ sớ văn thay mặt của tỉnh ấy khâm phụng châu phê “Dường như chưa hợp lý, giao cho bộ Hộ, bộ Công theo từng khoản duyệt nghĩ. Kính đấy” vân vân. Trừ khoản về đê điều tuân lệnh trích sao riêng giao cho bầy tôi bộ Công nghĩ biện, 4 khoản còn lại bộ của thần tuân phụng duyệt xong, nghĩ dâng để vua được rõ. Liệt kê dưới đây đợi chỉ thi hành.

Kê.

Một khoản Xin chuyên dùng Nam dược để giảm phí tổn mua của nước ngoài, trong đó trình bày nước ta đất đai rộng rãi, dược phẩm sản được không thiếu, nhưng vì những người làm thuốc chỉ dùng thuốc Bắc, mà xét ra thuốc Bắc từ bên đó chở tới trải qua nhiều tháng, khí vị có phần giảm bớt, lại có khi bị hư mục mối mọt, điều trị bệnh đâu ích gì. Sao bằng thuốc Nam có thể tùy thời hái dùng, công hiệu rất mau. Nay xin ban sắc sai Y viện kê cứu cho rõ khí vị dược tính của bản quốc, thí nghiệm chế ra phương thư ban bố thiên hạ biết mà tuân theo vân vân. Bộ của thần vâng chiếu: dược phẩm sản được nước ta với Trung Quốc vị có vị không mà khí lực vị dày vị mỏng không giống nhau, người thầy thuốc trị bệnh tùy nghi sử dụng. Nhân cũng khảo xét những điều ghi chép trong các thư y, các dược vị phải tùy theo dược tính mà lập phương. Còn như nếm xét kỹ lưỡng tính chất cây cỏ, sáng lập phương thư thì chỉ có bậc thần mới có thể làm được. Xét Nam dược xưa nay việc thủ dụng thỉnh thoảng có được kinh nghiệm truyền nghe song ít khi có được các tập sách có thể kê cứu, mà chẳng qua cũng chỉ là trị liệu các chứng bệnh thông thường, chưa hẳn đều công hiệu. Nay viên ấy đã lấy việc chuyên dùng Nam dược để tiết kiệm chi phí, xin để bề tôi Thái y viện lại kê cứu tường tận dược tính bản quốc, nếu như có vị thuốc nào trị được bệnh gì có thể thay thế được Bắc dược thì liệt kê đầy đủ, lại đợi được phép sao chép thông báo rộng khắp để dân các địa phương biết mà làm. 
Do điều kiện lịch sử, sự giao lưu với Trung Quốc đã để lại nhiều dấu ấn trong nền văn hóa Việt Nam, trong đó có y học. Cùng với những ảnh hưởng của văn hóa chữ Hán, y học Trung Quốc đã được tầng lớp trí thức Việt Nam tiếp thu và được các triều đình phong kiến Việt Nam sử dụng nên đã trở thành dòng y học chính thống. Mặc dù nền y học đó từng bước được dân tộc hóa (một cái mốc đáng chú ý trên phương diện dược là bài Nam dược quốc ngữ phú của Tuệ Tĩnh với câu “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”), các danh y Việt Nam như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông… đều chú trọng và đề xướng dùng nguồn dược liệu bản địa để chữa bệnh song trên thực tế người Việt Nam luôn phải nhập thuốc Bắc của Tàu. Không chỉ triều đình ưa dùng thuốc Tàu, mà tâm lý dân chúng phần lớn cũng thế[4] nên dược liệu dùng chữa bệnh phải dựa vào nguồn thuốc Bắc chủ yếu từ Trung Quốc đưa sang. Cho tới triều Nguyễn cũng vẫn thường xuyên phải mua dược liệu từ bên ngoài. Vì thế mà Thái Khắc Tuy đã dâng bản điều trần lên triều đình trong đó điều đầu tiên xin dùng Nam dược thay thế Bắc dược để tiết kiệm chi phí. Thái Khắc Tuy chỉ ra hai lý do nên chuyên dùng Nam dược. Thứ nhất về phương diện kinh tế, trong khi dược phẩm nước ta không thiếu, các thầy thuốc ta lại chỉ dựa vào nguồn thuốc bắc ngoại nhập thì đó là một sự lãng phí nguồn tài nguyên sẵn có của nước nhà. Thứ hai, do điều kiện vận chuyển lúc bấy giờ, thời gian chuyên chở thuốc bắc từ Trung Quốc sang ta mất đến hàng tháng trời khiến khí vị thuốc giảm bớt, lại bị hư mục sâu mọt nên ảnh hưởng tới chất lượng điều trị. Do đó, dùng Nam dược thay thế Bắc dược không những tận dụng được nguồn dược liệu bản địa phong phú vốn có, đồng thời chủ động việc thu hái thuốc đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất mà còn giúp giảm bớt chi phí và hơn nữa, như lời châu phê bổ sung, tránh được nghịch lý có những vị thuốc lái thương người Thanh mua gom tại Việt Nam mang về tỉa tót rồi bán ngược trở lại nước ta với giá cao. Để thực hiện chủ trương trên, Thái Khắc Tuy đưa ra đề nghị cụ thể xin Thái y viện nếm xét dược tính, thí nghiệm chế lập phương thư ngõ hầu ban bố rộng khắp.

Có thể nói, Thái Khắc Tuy không phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng dùng thuốc Nam trị bệnh người Nam nhưng với bản điều trần của ông thì có lẽ đây là lần đầu tiên một chính sách sử dụng phát triển Nam dược ở tầm vĩ mô đã được trình lên và đưa ra bàn bạc ở cơ quan có thẩm quyền trực tiếp cao nhất- đây chính là điều khác cơ bản giữa Thái Khắc Tuy và Tuệ Tĩnh. Những đề nghị cải cách vừa thực tế vừa mang tầm chiến lược này chính là những đóng góp cho chính sách quốc gia trên phương diện dân sinh cũng như kinh tế. Tiếc là bộ Hộ không hoàn toàn tán thành vì cho rằng dược phẩm nước ta so với Trung Quốc vị có vị không, mà dược lực mạnh yếu cũng khác nên các thầy thuốc phải tùy nghi sử dụng. Còn việc nếm xét dược tính thảo dược, thí nghiệm, chế lập phương thư là không tưởng do đặc trưng kinh nghiệm ít được truyền lưu, thư tịch y dược có thể kê cứu thì cũng chỉ trị liệu những bệnh tầm thường… Những phản biện bộ Hộ đưa ra không sai, nó là thực trạng nền y dược nước nhà- trong đó thói quen điều trị bằng thuốc Bắc, coi thường thuốc Nam và nguồn tài liệu không hệ thống chính là những khó khăn không dễ vượt qua. Ý tưởng của Thái Khắc Tuy đã vượt khỏi quan niệm, tầm nhìn của đương thời, tiếc là nó rốt cuộc vẫn chưa biến thành chủ trương của triều đình. Vua Tự Đức không phải không hiểu mánh khóe lái thương người Thanh, chỉ là ông thấy cần phải chờ xem những thí nghiệm có kết quả hữu hiệu hay không mới có thể tính tiếp. Mà công việc thí nghiệm này lại mới lạ so với hoạt động vốn có của Thái y viện, có lẽ vì thế mà chưa thấy hồi âm nào…

Và rồi hơn 50 năm sau, vào năm 1931, tác giả Phục Ba trên báo Nam Phong khi lại bàn về vấn đề Nam dược cũng rất nhức nhối trước thực tế “người Tàu lấy thuốc của mình chế ra làm thuốc của họ, lấy tiền của mình mà mình vẫn bị họ mãi”… Cho tới ngày nay, việc sử dụng nguồn dược liệu trong Đông y của chúng ta như thế nào? Mặc dù Nhà nước đã ban hành rất nhiều chương trình, chính sách về phát triển y dược cổ truyền, chú ý phát triển thuốc Nam nhưng hơn 80% thuốc Bắc vẫn nhập từ Trung Quốc: “… Nguyên nhân cơ bản của việc lệ thuộc này chủ yếu do thói quen sử dụng thuốc Bắc của các cơ sở công lập. Nguồn thuốc Nam chưa được quan tâm phát triển và chưa được cho sử dụng đại trà tại các cơ sở y tế nhà nước … Chúng ta chưa xây dựng được một chương trình Đông y của riêng ta trong đó phần Đông dược phải được thay thế chủ yếu bằng những cây thuốc Nam… Tại sao chúng ta không mạnh dạn thay thế thuốc Bắc bằng thuốc Nam?”[5]. Vậy là giờ đây chúng ta lại đặt lại vấn đề mà Thái Khắc Tuy cho là cần phải làm cách đây hơn một thế kỷ! Thái Khắc Tuy đỗ đạt không cao (Cử nhân), làm quan cũng chỉ tới chức Tri phủ, công việc đảm trách không liên quan tới y dược mà tầm nhìn của ông khi ấy đã xa rộng như thế, thì hẳn sẽ có những quan lại, trí thức cùng thời và sau này sẻ chia quan điểm với ông. Chỉ là bài học lịch sử cho thấy giữa chuyện nhận thức và thực thi thường không đồng nhất.  Câu tự vấn mà tác giả Phục Ba chia sẻ với Thái Khắc Tuy vẫn là câu hỏi thấm thía cho chúng ta ngày nay. 
Lạ thay cho giống tiên rồng,
Thuốc mình bỏ đó đi dùng thuốc đâu?
Phí tiền ngẫm nghĩ mà đau,
Xưa nay mắc hợm người Tàu biết chưa[6]?


                                                                                   N.T.D


[1] Văn bản sách này hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (ký hiệu A.971) và đã được dịch ra Quốc ngữ (Nguyễn Hữu Mùi dịch và chú giải, Chương Thâu giới thiệu, Nxb Nghệ An, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008).  

[2] Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu), tr.376.  

[3] Trần Văn Giáp (chủ biên), Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, Số thứ tự 606, tr.452.  

[4] Nguyễn Khắc Hanh, “Khảo cứu về thuốc Nam”, Nam Phong, Số 30 năm 1919, tr.511-518. 

[5] Nông Phúc Chinh, “Làm gì để phát triển thuốc Nam đảm bảo cung ứng đủ cho cộng đồng trong giai đoạn hiện nay”, Cây thuốc quý, No 250 tháng 8.2014. 

[6] Phục Ba, “Y phái của nước ta”, Nam Phong, Số 166 năm 1931, tr.260-264.

1 nhận xét :

  1. ...chúng tôi thấy một tài liệu châu bản triều Tự Đức, đó là một bản phiếu nghĩ của bộ Hộ ngày 16 tháng 10 năm Tự Đức 32 (1879) gồm 16 trang (từ tờ 203 tới tờ 210) thuộc tập 325, chữ viết chân phương khá to, nghị bàn về các khoản điều trần của Thái Khắc Tuy. Theo đó, bản điều trần của Thái Khắc Tuy được dâng vào tháng 3 năm Tự Đức 32, nêu lên năm điều, xin dùng Nam dược thay thế Bắc dược, đặt quan trông coi về nông nghiệp tại các phủ huyện, mở trường dạy chữ, võ nghệ, thiên văn, địa lý, y bốc, tướng số, và cấp thực điền từ 3 đến 5 mẫu cho mỗi người phải sung lính (riêng khoản về đê điều thì giao bộ Công nghị bàn). Tờ phiếu nghĩ của bộ Hộ, cứ sau mỗi phần trình bày từng điều kiến nghị của Thái Khắc Tuy đều đưa ra những nhận xét biện luận, đặc biệt phần nghị bàn về việc chuyên dùng Nam dược còn có thêm mấy dòng châu phê. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin nói về khoản điều trần đầu tiên mà Thái Khắc Tuy đề cập liên quan tới vấn đề thuốc Nam thuốc Bắc.

    TÔI MUÓN CÓ BẢN CHỮ HÁN NHƯNG KHÔNG CÓ PHƯƠNG TIỆN MUA QUYỂN SÁCH
    BỞI KHÔNG CÓ PHƯƠNG TIỆN MUA QUYỂN SÁCH.
    KÍNH.MONG TS DIỆN PHỔ BIẾN 16 TRANG SÁCH NẦY NƠI TRANG TỄU.
    XIN THÂM TẠ.
    LVD

    Trả lờiXóa