Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Nam Định: CÃI NHAU KỊCH LIỆT TRƯỚC CỬA THÁNH MẪU LIỄU HẠNH

Tranh cãi nảy lửa về quy chế ở Di tích
Phủ Dày-Nam Định

Báo Tiền Phong
06:32 ngày 21 tháng 01 năm 2015

TP - Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dày (Nam Định) ban hành ngày 6/1, có điểm gây tranh cãi nhất là quy chế bầu ra người trông coi di tích.

Lễ hội Phủ Dày, một trong những điểm thu hút khách thập phương. Ảnh: COVIET.

Dựng lại từ thất bại

Quy chế mới ban hành này có tiền thân là đề án 02, do UBND huyện Vụ Bản thực hiện từ năm 2008, nhưng thất bại. Ông Phạm Đình Mậu, Phó chủ tịch UBND huyện kiêm tổ trưởng tổ soạn thảo nói, đề án có những bước làm chưa chặt chẽ, không hiệu quả. Đến tháng 5/2014, huyện tái khởi động Quy chế, căn cứ rất nhiều văn bản pháp luật, trong đó có thông tư liên tịch số 04 của Bộ VHTT&DL và Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

“Sau khi xây dựng xong, chúng tôi tổ chức họp tổ dự thảo quy chế 10-15 lần, thông qua hội nghị ủy ban chục lần. Nếu tính chính thức họp thường vụ có tới 60-70 hội nghị, lần nào cũng có ý kiến và chỉnh sửa. Ngày 20/11/2014, tổ chức lấy ý kiến tại xã Kim Thái với 95 đại biểu trong đó có thủ nhang các đền phủ”, ông Mậu nói.

Theo lãnh đạo huyện, Quy chế này tránh được vấp váp của đề án trước đó, vì không đặt vấn đề lập BQL nữa-điểm khiến người dân phản ứng mạnh. UBND xã Kim Thái vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm quản lý di tích, thu các phần phí bến bãi, dịch vụ, còn lại các thủ nhang quản lý toàn bộ tiền công đức, giọt dầu tại đền phủ.

Số tiền này được sử dụng theo nguyên tắc “lấy hội nuôi hội, lấy di tích nuôi di tích”, huy động khi tổ chức lễ hội, trùng tu di tích, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, ủng hộ người khó khăn. Chính quyền hoàn toàn không động đến nguồn thu này, thậm chí không biết được tổng số tiền thu được sau mỗi năm ở các đền phủ là bao nhiêu.

Tuy nhiên, điểm khúc mắc nhất mà ông Mậu nói đến chính là quy định về người trông coi di tích, thủ nhang phải hội đủ một số tiêu chuẩn như: Là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, ưu tiên người đã có nhiều năm trực tiếp trông coi, quản lý di tích, có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, được nhân dân địa phương tín nhiệm, có hiểu biết về lịch sử văn hóa di tích. Sau khi được tín nhiệm, người trông coi sẽ ký một dạng hợp đồng trách nhiệm trong nhiệm kỳ 5 năm, sau thời hạn này nếu làm tốt được xem xét tiếp tục. Được biết hạn nộp đơn hết ngày 25/1, lấy làm căn cứ bổ nhiệm đợt đầu, nếu thủ nhang nào không làm đơn mới tính chuyện lấy phiếu tín nhiệm.

Dân không đồng thuận

Chị Trần Thị Huệ, con gái thủ nhang Trần Thị Duyên nói, hôm trước hàng trăm người dân kéo nhau lên trụ sở UBND huyện Vụ Bản phản đối. Gia đình bà Duyên hiện trông coi phủ chính Tiên Hương, phủ này cùng với Vân Cát, Lăng Mẫu trong quần thể di tích Phủ Dày được công nhận là di tích quốc gia.

Chị Huệ không đồng tình, bởi bố mẹ chị ra trông coi phủ từ năm 1988 và do dân tín nhiệm, nay lại phải làm đơn, bầu bán. “Mợ cống hiến cả cuộc đời cho Mẫu, ra đây cái bát mẻ cũng không có, toàn cọc trâu cọc bò, phải đi vay tu sửa lúc đầu. Mợ bức xúc lắm, lúc nào mợ cũng nói các con phải đoàn kết để lo toan việc Mẫu, cống hiến cho Mẫu. Coi di tích như nhà mình, thậm chí hơn nhà mình, vì nếu không lấy ai bảo vệ”, thủ nhang Duyên nói. Bà cũng không đồng tình nhiệm kỳ 5 năm, vì như thế “chẳng làm được cái gì”.

Bức xúc của gia đình bà Duyên một phần nữa còn xuất phát từ những thông tin đăng trên một tờ báo, khi lãnh đạo huyện đương nhiệm nói không có chuyện nhà đền đi vay mượn để dựng lại phủ. Thấy các phóng viên đến Phủ, mấy người con bà Duyên khiêng cả đống ảnh tư liệu ông Trần Kim Đức (chồng bà Duyên) chụp lại cảnh tượng Mẫu còn lại bị hỏng, chuột làm tổ ở các ban, dột nát. Anh Trần Văn Dũng, con trai bà Duyên bảo, nếu không coi di tích như nhà mình, thì làm sao phải đêm hôm lọ mọ canh trộm. Mùa lễ hội nào anh cũng bắt được hơn chục tên móc túi.

Rời phủ Tiên Hương, một nhóm nam phụ lão ấu đón đầu xe chở đoàn phóng viên, cốt là để đưa tập đơn có chữ ký hàng trăm người, họ bảo biết nhà báo về sớm dân sẽ kéo đến đông hơn. “Khách thập phương đưa tâm về, cùng thủ nhang, nhân dân chúng tôi xây dựng nên cơ đồ này, chúng tôi không đồng tình cho cơ quan quản lý của huyện về.

Dân muốn di tích nằm trong phần đất xã Kim Thái, phải để người dân quản lý”, chị Nhương bán hàng quanh phủ nói. Một người dân khác, bà Lan nói, nếu thủ nhang vẫn là bà Duyên thì dân ủng hộ. Có người còn quá khích, đòi bãi bỏ quy chế vừa ký chưa ráo mực của huyện vì “làm nhiễu loạn dân làng”. Những người dân này đều ca ngợi bà Duyên làm đường, giúp đỡ ma chay, góp quỹ trong thôn.

Chính quyền - dân chưa gặp nhau

Qua ý kiến của thủ nhang phủ Tiên Hương, những người dân bức xúc ký đơn thì thấy rõ sự hiểu lầm từ phía người dân. Họ ngỡ là quy chế này sẽ đưa người cửa quan về quản lý di tích, thậm chí cấm buôn bán quanh khu di tích, dù thực tế chỉ là cấm buôn bán trong khu vực 1 theo đúng luật di sản. Quây quanh xe phóng viên hôm 19/1 chủ yếu là những người bán hàng quanh phủ, e dè quy chế động đến chuyện cơm áo cá nhân, nên càng cố tình không chịu đọc, hiểu đúng.

Đại diện chính quyền nói thông qua ý kiến của người dân, tại cuộc họp thu về 85 phiếu trong đó có 5 phiếu không đồng tình như thủ nhang phủ Tiên Hương, Lăng Mẫu, đền Đức vua Kim Thái. Tuy nhiên, theo ý kiến của thủ nhang Duyên và ông Lê Hồng Lân thủ nhang Lăng Mẫu, thời gian góp ý quá ngắn, chỉ 30 phút, dân chưa hiểu được gì làm sao mà góp ý, ký tên.

Ông Lân cũng nói, không ký vào phiếu ý kiến ngay hôm đó. Bà Duyên trong nỗi bức xúc nói, đáng ra quy chế này khi xây dựng phải hỏi qua bà một tiếng. Những người thực hiện tham khảo rất nhiều nguồn ý kiến, nhưng lại chưa khéo léo để có được sự đồng thuận của những người trông coi di tích ngay từ khi quy chế manh nha.
.
Tránh tư nhân hóa di tích
Anh Trần Văn Cường, thủ nhang phủ Vân Cát nói: “Tất nhiên mình là công dân thì phải chấp hành theo đường lối, rõ ràng tôi phải đồng ý. Có những ý kiến phản hồi ngược chiều đối với bản dự thảo, số đó chủ yếu là người trông coi di tích. Họ phản ứng gay gắt vì  quy chế định nghĩa lại- đây là tài sản nhà nước, cộng đồng chứ không phải của bất cứ người nào. Nếu không làm nhanh, nhiều di tích bị biến dạng rất nhiều, cứ làm theo kiểu tiền trảm hậu tấu là không chấp nhận được, rồi thì vì tâm linh nên không ai dám phá”.
 _______________

Tễu: Cái tệ của chính quyền các địa phương và trung ương là lúc di sản tan hoang, hoặc đang được nhân dân âm thầm chắt chiu gìn giữ thì không một ai ngó ngàng. Nhưng khi thấy di sản hồng hào và sinh lợi thì nhảy vào. Chia chác, quy hoạch, thổi phồng, tước đoạt, lũng đoạn...

Làng cổ Đường Lâm vốn đẹp và yên bình như thế bao năm, đến 2005, nhà nước nhảy vào, khoanh lại, cấp cho 1 cái bằng Di tích Quốc gia và cứ thế thu tiền, mặc kệ dân làng sống ra sao.

6 nhận xét :

  1. nhà nước không nên nhúng sâu vào chuyện quản lý mà nên đánh thuế thu nhập là tốt nhất.

    Trả lờiXóa
  2. Cái lũ tham muốn quản để ăn. Làm gì mà phải tới 70 lần họp thường vụ? Ngày xưa có "thường vụ" đâu mà dân vẫn xây được đền chùa, để ngày nay các vị chõ mõm vào ăn chia? Của dân hãy để cho dân quản, lấy thu bù chi. Di tích có hàng trăm năm, người dân thờ cúng theo tín ngưỡng của mình, có ông "thường vụ" nào thờ cúng đâu. Các ông nói hay về dan chủ cơ sở, thì đây là cơ hội để chứng minh. Hãy để cho dân lo, chính quyền hướng dẫn cho dân làm đúng PL là được rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Cứ chính quyền bắng nhắng nhảy vào đòi "quản lý" chỗ nào tức là chỗ ấy đang có "Mầu", hết "mầu" là bỏ rơi! Đúng như Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chẩn đoán: "Thớt có tanh tao, ruồi mới đậu/ Ang không mật mỡ, kiến bò chi"! Loại "ruồi", "kiến", chuột", "sâu bọ" bây giờ nhung nhúc. Thật khốn khổ dân ta phải sống chung với chúng!

    Trả lờiXóa
  4. Liệu chăng "Ang không mật mỡ," là "Gang không mật mỡ" vì ngày xưa dùng chảo gang nên nói "gang..." ý là chảo gang,,, và cho dễ nghe

    Trả lờiXóa
  5. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ này: "thời gian góp ý quá ngắn, chỉ 30 phút, dân chưa hiểu được gì làm sao mà góp ý, ký tên.". Nếu anh đàng hoàng, tôn trọng dân, không có gì mờ ám thì tại sao phải "tàu nhanh" như lừa đảo thế này. Dân không đồng tình mới kéo nhau đi đông thế. Còn chuyện tỷ lệ bỏ phiếu thì anh chọn ai tham gia bỏ phiếu mới là vấn đề. Anh chọn theo thành phần dễ bảo thì kết quả có ngay cả khi chưa bỏ phiếu.
    Suy cho cùng: Cái gì cũng muốn nắm, muốn quản, nhưng công sức thì không chịu bỏ ra thì dân người ta biết ngay và không chịu đâu.

    Trả lờiXóa
  6. Tễu: Cái tệ của chính quyền các địa phương và trung ương là lúc di sản tan hoang, hoặc đang được nhân dân âm thầm chắt chiu gìn giữ thì không một ai ngó ngàng. Nhưng khi thấy di sản hồng hào và sinh lợi thì nhảy vào. Chia chác, quy hoạch, thổi phồng, tước đoạt, lũng đoạn...

    tất cả chỉ có thế !

    Trả lờiXóa