Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Hà Nội: AI SẼ THẨM ĐỊNH TRÌNH ĐỘ ÔNG ĐỒ Ở VĂN MIẾU?

Hà Nội sẽ thẩm định trình độ ông đồ 
ở Văn Miếu

28.1.2015

Ngoài việc phải vào Hồ Văn viết chữ, các ông đồ phải được thẩm định về trình độ Hán ngữ và khả năng viết thư pháp nhất định. Giá cho chữ cũng sẽ được niêm yết công khai, tránh tình trạng 'nhìn mặt ra giá tiền'.

 
 Năm 2015, phố ông đồ sẽ được tổ chức trong Hồ Văn thuộc khuôn viên di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh phố ông đồ năm 2014: Quỳnh Trang/ VnExpress

Sáng 28/1, Sở Văn hóa Hà Nội kết hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng đại diện các CLB Thư pháp của thủ đô, đã họp báo về công tác tổ chức phố ông đồ tại Văn Miếu.

Phó giám đốc Sở Văn hóa Trương Minh Tiến cho biết, năm 2014, lần đầu tiên Sở phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, UBND quận Đống Đa và các phường có liên quan, tổ chức phố ông đồ trong Hồ Văn (thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám). "Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, không đủ lều cho các ông đồ ngồi viết chữ, xử lý việc ông đồ lấn chiếm vỉa hè chưa tốt nên phố ông đồ Hồ Văn chưa được như mong muốn", ông Tiến nói.


Theo ông Tiến, năm 2015, ngành chức năng khẳng định sẽ tổ chức hoạt động viết thư pháp tại Văn Miếu dịp Tết Ất Mùi thật quy củ. Việc quản lý nghiệp vụ của các ông đồ, Sở giao cho CLB UNESCO Việt Nam chịu trách nhiệm. "Chúng tôi mong phố ông đồ sẽ trở thành nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xin - cho chữ của nhân dân", ông Tiến chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bà Nguyễn Thị Luận cho biết, hội chữ xuân Ất Mùi sẽ bắt đầu từ 20 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng trong khuôn viên Hồ Văn. Đến nay đã có 200 ông đồ đăng ký tham gia hội chữ xuân. Hàng ngày, các ông đồ sẽ cho chữ từ 8h30 đến 20h, riêng 30 Tết sẽ hoạt động đến 2h sáng hôm sau và mùng 1-2 Tết đến 22h.

Sau khi được ban tổ chức thẩm định chất lượng chữ viết, các ông đồ sẽ nhận thẻ và ngồi hoạt động trong những lều khung sắt lợp mái bạt, bố trí xung quanh Hồ Văn, hướng mặt ra phía đường Quốc Tử Giám.

Thành viên ban tổ chức, ông Trần Quốc Chí, Phó chủ nhiệm CLB thư pháp UNESCO Việt Nam cho biết, các ông đồ được lựa chọn cho chữ ở Hồ Văn phải viết đúng chữ, đúng quy tắc nội dung, có trình độ Hán ngữ và viết thư pháp nhất định. Các ông đồ nhiều chữ sẽ được bố trí ngồi cạnh người biết ít, viết chưa tốt để kèm nhau. Ban tổ chức có một lều thường trực, thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động viết chữ và giải quyết các vụ việc tại chỗ. Giá cả bức thư pháp trong hội chữ xuân Ất Mùi được niêm yết công khai, tránh tình trạng “nhìn mặt ra giá tiền” như một số ông đồ đã làm trước đây.

Trước băn khoăn số lượng ông đồ đăng ký tham gia quá đông có thể không đủ chỗ, Phó giám đốc Sở Văn hóa nhấn mạnh: "Năm nay, nếu ông đồ nào nhổ lều ra ngoài, sang năm sẽ không được vào Hồ Văn hoạt động nữa. Nếu chúng ta không làm kiên quyết thì chẳng khác nào "nối giáo cho giặc", giúp những người lộn xộn bên ngoài càng không có trật tự, kỷ cương", ông Tiến khẳng định.

 

4 nhận xét :

  1. Nó chỉ là cơ chế thị trường ăn theo hoài cổ Vũ Đình Liên.
    Mấy ai hiểu "ông đồ" nghĩa là gì.
    Ông đồ là mấy người có học mà đa phần là thi chưa đỗ, hoặc đỗ đạt rồi mà bất đắc chí hay quan chức hồi hưu
    ( không dám nói đến các cụ thánh nhân như cụ Đồ Chiểu hay cụ Yên Đổ và cao xa hơn là cụ Trình Bạch Vân)
    nay lấy nghề bảo học để nuôi thân và dưỡng chí.
    Nghề gõ đầu trẻ thực ra cũng hẻo
    cho nên
    nhân dịp tết đến xuân về
    Tam Dương Khai Thái
    các ông đồ làm thêm cái dịch vụ mang tính thời vụ
    là ra ngồi vỉa hè chốn phồn hoa bán ít chữ cho người muốn chữ.
    Nay thị trường hóa lại thêm cơ cấu hóa thì chỉ cần đủ chung chi và biết tô phóng mấy chữ Phú-Quý-Thọ-Khang Ninh hay Cát-Tường-Như-Ý hay Phúc-Lộc-Thọ là đủ làm Ông Đồ.
    Có ai còn biết ông đồ là người làm nghề dạy cho trẻ con học chữ Thánh Hiền.
    Lại có người mách cho những ai muốn xin chữ thì đến năn nỉ cụ Vũ Khiêu hoặc chầu chực mấy ông thư ký hay cố vấn của Thủ tướng thì thể nào cũng có được Thánh Ngôn Thánh Tự về treo làm bùa.
    Ôi, thế gian biến cải
    vũng nên đồi
    thì cũng âu là
    nhưng trắng đen lẫn lộn thì chỉ có ở đời loạn.
    nhưng
    mà thôi không nói.

    Trả lờiXóa
  2. Mấy ông "đồ" viết "thư phét" bằng mẫu tự Latin... Gọi là "Lợn lành thành lợn què" (It’s better to leave well alone)!

    Trả lờiXóa
  3. Hà Nội: AI SẼ THẨM ĐỊNH TRÌNH ĐỘ ÔNG ĐỒ Ở VĂN MIẾU? - Thế mà bác Xuân Nguyên cũng phải lo. ta có Viện Khổng Tử rồi đấy gì !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thẩm định "ông đồ" không khó !
      Người xưa xin chữ "thày" không chỉ có "chữ" mà còn ăn theo phúc lộc của ông thày nữa ! Tinh hoa, đức độ, sự nghiệp... người cho chữ hòa quyện trong tác phẩm thư pháp, giúp cho cái "duyên" của người chơi chữ được thăng hoa !
      Vậy nên chọn thày để xin chữ, chứ không như bây giờ chọn chữ không cần chọn thầy. Ai viết mà chả được?
      Khi thú chơi đã lạc điệu, gọi là "chợ chữ" vì kẻ bán người mua xô bồ, thì hỏi đâu còn cái tinh túy của lối xưa? Vậy nên thẩm định ông đồ để làm gì?
      Cái thời mua quan mua chức nhan nhản lại đi thẩm định anh chị bán chữ cho vui hỏi có ích gì?
      Tui nói thế có phải hông Bác Tễu ?

      Xóa