Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI DẸP "LOẠN" TIỀN SĨ CHỐN QUAN TRƯỜNG

Đã đến lúc dẹp “loạn” tiến sĩ chốn quan trường?

Dân trí
Thứ Bẩy, 24/01/2015 - 07:29

(Dân trí) - “Tôi nghĩ là Thủ tướng có thể thấy rõ tác hại của vấn đề tiến sĩ và quan chức, một vấn đề chỉ có ở Việt Nam. Nhưng đây cũng là vấn đề có thể giải quyết dễ dàng, giải quyết ngay nếu Thủ tướng quyết tâm làm”. 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là ý kiến của Giáo sư Trần Văn Thọ viết trên Tuổi trẻ ngày 17/1 với đoạn thông điệp 2014 của Thủ tướng: “Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ”.

Chưa ai biết “sáng kiến” đưa học vị thạc sĩ, tiến sĩ như một tiêu chí bổ nhiệm quan chức do ai đưa ra, có từ khi nào, nhưng đến nay thì hậu quả đã rõ mồn một. Nạn sính bằng, mua bằng, bằng giả ngày càng nghiêm trọng. Có địa phương “tham vọng” tiến sĩ hóa toàn bộ cán bộ lãnh đạo. Chợ bằng cấp ngày một xôn xao là để phục vụ cho những quan chức có nhu cầu bằng cấp.

Người ta mua bằng trong nước, rồi ra nước ngoài mua bằng. Nghiên cứu sinh đi lấy học vị tiến sĩ ở nước ngoài nhưng không cần học, không biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi. Sau vụ Trường Đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) bị phanh phui, người ta lại đổ qua Philippines lấy bằng tiến sĩ. Học tiến sĩ nhưng thực chất là đi du lịch, kết hợp mua bằng.

Nếu như bằng cấp không có giá trị liên quan đến bổ nhiệm, thăng quan tiến chức trong hệ thống cơ quan nhà nước, thì không có nạn mua bán bằng cấp như mua rau hiện nay.

Xã hội cũng chẳng ai tin bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà quan chức show ra trên danh thiếp. Nhắm con mắt cũng biết là tiến sĩ giấy.

Giáo sư Trần Văn Thọ đề xuất “phải đoạn tuyệt quan hệ giữa văn bằng tiến sĩ với tiêu chuẩn, tư cách, trách nhiệm của một quan chức. Cần quyết định chấm dứt ngay việc xem văn bằng tiến sĩ là một tiêu chuẩn để đề bạt quan chức, cấm quan chức học tại chức để lấy bằng tiến sĩ, cấm quan chức tham gia việc đào tạo tiến sĩ”.

Quá đúng. Làm cán bộ, công chức, làm lãnh đạo trong cơ quan nhà nước không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ. Đó là hệ quả của thói chuộng hư danh, háo danh, phù phiếm. Cơ quan hành chính cần những công chức chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, có lương tâm nghề nghiệp, có trách nhiệm của một công chức, không nhất thiết cần một nhà khoa học.

Chỉ có nước ta mới có chuyện tréo nghoe như vậy.

Cấm quan chức tham gia đào tạo tiến sĩ. Quá đúng. Anh là cán bộ nhà nước, lo công việc của cơ quan anh, của bộ, ngành anh còn chưa xong, sao lại đi tham gia đào tạo tiến sĩ?

Trách nhiệm đào tạo tiến sĩ là của các trường, viện, không phải là việc của quan chức. Hiện nay, có nhiều quan chức có học hàm, học vị (chưa biết thật giả), nên tham gia đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Vừa cho nó oai vừa có thêm thu nhập. Việc này chỉ hỏng nền khoa học nước nhà đồng thời hỏng luôn công việc của cơ quan nhà nước.

Một cán bộ có trách nhiệm với cơ quan không bao giờ nhận đào tạo tiến sĩ cho dù có thực lực.

Một nhà khoa học chân chính không ai đi nhận đào tạo tiến sĩ theo kiểu làm thêm giờ vô trách nhiệm như vậy.

Rất ủng hộ ý kiến đề xuất của Giáo sư Trần Văn Thọ. Dẹp ngay kiểu nhập nhằng quan chức và tiến sĩ.

Lê Chân Nhân

8 nhận xét :

  1. Có gì đâu mà khó, trước hết anh nào có bằng giả thì tước hết những gì anh ta kiếm đuợc từ lúc mua bắng, và cho về vườn, cấm không đuợc ở trong bộ máy công quyền. Anh nào học giả bằng thiệt ( nhờ học gìùm ) thì hơi khó nhưng cũng có thể điều tra và xử phạt như trên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Học giả bằng thiệt" thì cho thử việc là biết ngay chứ khó gì. Cứ mở hội nghị Diên Hồng trên mạng như Tễu đây là khối cách xử lý.
      CCB

      Xóa
    2. TRƯỚC NĂM 1990, THẬM CHÍ NHỮNG NĂM 60 THẾ KỶ TRƯỚC, NHIỀU PHÓ TIẾN SĨ TỐT NGHIỆP Ở CÁC NƯỚC XHCN VỀ GIẢNG DẠY Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRONG NƯỚC, CHẲNG THẤY HỌ ĐƯỢC ƯU ĐÃI GÌ. TRONG BỘ MÔN CŨNG CHỈ GIỮ CHỨC PHÓ CHỦ NHIỆM BỘ MÔN HOẶC KHÔNG, LƯƠNG LẬU CŨNG KHÔNG ĐƯỢC ƯU TIÊN LÀ MẤY, THẾ MÀ HỌ VẪN SAY SƯA LÀM VIỆC. TỪ KHI ƯU TIÊN BẰNG CẤP, ĐUA NHAU LẤY BẰNG TIẾN SĨ NHƯ TẰM ĂN RỖI, NGƯỜI KHÔNG CÓ KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN TỐT NHOI LÊN LÀM LÃNH ĐẠO, LÀM NGƯỜI CÓ CHUYÊN MÔN THỰC SỰ CHÁN KHÔNG THIẾT CỐNG HIẾN. TIẾN SĨ THỜI GIAN QUA ĐEM LẠI CÁI GỌI LÀ "CÁ ĐỐI BẰNG ĐẦU", ANH SINH VIÊN TẠI CHỨC HỌC BUỔI TỐI MỚI HÔM NÀO, TỐT NGHIỆP CÓ BẰNG MÀ KHÔNG CÓ KIẾN THỨC, QUAY ĐI QUAY LẠI ĐÃ THẤY VỀ TRƯỜNG NHẬN BẰNG TIÉN SĨ. KHÔNG HIỂU CÁI BẰNG TIẾN SĨ ẤY CÓ LỢI GÌ CHO DÂN CHO NƯỚC?

      Xóa
  2. Bằng cấp làm gì, chẳng hạn cơ quan cần vị trí kế toán. Người nào đến xin việc, thử việc họ bằng đống dữ liệu, nếu họ có cách giải quyết hay, thông minh, kết quả chính xác thì thu nhận ( cho dù trước khi đến họ trưng ra đủ thứ bằng, hoặc là không có một bằng cấp nào hết cũng vậy ). Mục đích chính, là thu nhận người làm được việc.

    Trả lờiXóa
  3. Kiểm tra nghiêm túc tin học và ngoại ngữ, chắc chắn loại 2/3 số tiến sĩ hiện nay

    Trả lờiXóa
  4. Có quá nhiều sư nên của chùa mấy cũng không lại nên phải bán cả bát hương,hương án,nay chuẩn bị bán tiếp hương án bài vị

    Trả lờiXóa
  5. Các bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám phải ngậm ngùi rơi lệ vì có tới 3/4 tiến sĩ hậu sinh vô học hữu bằng.

    Trả lờiXóa