Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Vụ Công Phượng: VTV ĐÃ VI PHẠM PHÁP LUẬT!

Công bố thông tin cá nhân của Công Phượng: 
VTV đã vi phạm pháp luật!
 

Hồng Chuyên
Infonet
 
Đó là nhận định của Luật sư Huỳnh Kim Ngân (Đoàn Luật sư Tp HCM) quanh vụ việc VTV công bố thông tin cá nhân của cầu thủ bóng đá Công Phượng.

Sau 4 số truyền hình mà VTV 24 tung ra trong chương trình Chuyển động 24h để làm rõ tuổi của cầu thủ bóng đã Công Phượng, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ trước cách làm của VTV24.

Một đoạn đẩy cao trào mà công chúng không hài lòng

Công chúng nhiều người khẳng định rằng: Xét về góc độ truyền thông, đạo đức, việc làm của VTV là có vấn đề. Vậy nhìn ở góc độ pháp luật, sự việc này được hiểu như thế nào? PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mỹ (Đoàn Luật sư TpHCM) xung quanh câu chuyện này.


Thưa luật sư, luật sư có nhận xét gì về việc VTV công bố thông tin cá nhân, đời tư của Công Phượng lên truyền hình. Việc này có vi phạm Luật dân sự không? 

Trước hết, mọi người đều công nhận rằng Công Phượng là một cầu thủ sáng chói trong giải đấu U19 vừa qua, tài năng của bạn Công Phượng thực sự đang được nhiều người ngưỡng mộ, yêu mến.

Bên cạnh đó, thành tích thể thao đòi hỏi tính trung thực rất cao và có thể nói là tuyệt đối, nếu không trung thực thì mọi thành tích sẽ không có giá trị.

Có thể vì lý do “trung thực” nên VTV tiến hành cuộc “điều tra” xem tuổi thật của cầu thủ Công Phượng là bao nhiêu? Sinh năm 1993 hay 1995 tức là 19 tuổi hay 21 tuổi trong giải đấu U19 vừa qua.

Tuy nhiên, việc VTV công bố “khai sinh”, “học bạ” và ‘kê khai nhân khẩu”, . . . liên quan đến Công Phượng nhưng chưa được sự đồng ý của Công Phượng là điều đáng tiếc.

Lý do là theo quy định tại Điều 21 của Hiến Pháp mới nhất nước ta đã được Quốc Hội thông qua ngày 28/11/2013 thì mọi cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật đời tư, gia đình, . . . .

Ngoài ra, Điều 38 Bộ Luật Dân Sự cũng đã quy định rõ “Quyền bí mật đời tư”


Điều 21  Hiến Pháp

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.  

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Bộ Luật Dân Sự : Điều 38. Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”   

Việc truy xuất thông tin cá nhân như vậy có được phép làm không? 

Như trên đã nói, việc tìm hiểu thông tin cá nhân hay bí mật đời tư là công việc tùy mục đích của từng tổ chức cá nhân mà thực hiện nhưng tuyệt đối không được “xâm phạm” bằng các hình thức làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đó.

Trong trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “bí mật đời tư” của một cá nhân thì người phát hiện có quyền trình báo với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật.

Việc truy xuất thông tin cá nhân như trên một cách công khai, đồng thời nêu cả quan điểm trước khi có kết luật chính thức của các cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật, không được phép làm. 

Nếu nghi án gian lận tuổi của Công Phượng là thật thì Công Phượng và những người liên quan có vi phạm pháp luật không, thưa luật sư? 

Trong trường hợp xấu nhất là có hành vi gian lận tuổi trong thi đấu thể thao thì những thành tích cá nhân và tập thể liên quan sẽ chịu trách nhiệm. Tùy theo tính chất mức độ hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính quy định tại Khoản 5 điều 40 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, theo đó sẽ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và hủy bỏ thành tích. 

Vậy còn khoản 4 điều 6 Luật Báo chí, nói về quyền của báo chí thì sao, thưa luật sư? 

“Tại khoản 4, Điều 6 Luật Báo chí ghi, báo chí có quyền phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác ;”

Theo đó, cũng cần phân biệt khái niệm “Đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật” khác với việc “điều tra xác định vi phạm pháp luật”, nếu tổ chức cá nhân có cơ sở cho rằng mình đã phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì có trách nhiệm báo cho cơ quan chức năng xử lý và xác định hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không? Vi phạm mức độ nào? Rõ ràng, báo chí không thể là cơ quan kết tội, buộc tội, vì pháp luật đã quy định rõ và không thể hiểu khác được. 

Nhìn từ góc độ pháp luật, theo luật sư, những bằng chứng VTV đưa ra có đủ thuyết phục cho việc VTV làm hay chưa? 

Xét về tổng thể thì những bằng chứng mà VTV thu thập được có thể được xem là “nguồn chứng cứ” để các cơ quan chức năng xem xét xử lý mà nó chưa được xem là “chứng cứ” vì thẩm quyền xác định đâu là chứng cứ hợp pháp, đủ làm cơ sở để kết luận xử lý một vụ việc thuộc về các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như Công an Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Những bằng chứng VTV đã nêu ra thì theo tôi chưa đủ cơ sở thuyết phục để đưa ra “kết luận” giữa công chúng. 

Xin hỏi lại, luật sư có đồng ý với cách công bố thông tin của VTV vụ tuổi thật của Công Phượng hay không? 

Với tư cách là một người ham thích thể thao và yêu bóng đá, tôi xin trả lời là: Không. Tốt nhất nên đưa vấn đề này ra khi nhận được kết quả điều tra chính thức có giá trị pháp lý. 

Xin cảm ơn luật sư! 

Hồng Chuyên (thực hiện) 

4 nhận xét :

  1. Hà cớ gì VTV trắng trợn xâm phạm đời tư cầu thủ Công Phượng . Đề nghị CQĐT vào cuộc . Cần phải khởi tố vụ thô bỉ này để bảo đảm đời tư của một tài năng trẻ ! VTV muốn làm cho Công Phượng tàn đời ?

    Trả lờiXóa
  2. Tôi xem chương trình VTV"moi móc"Công Phượng,vừa xem tôi cũng tự buột miệng chửi rất bậy(tuy đã u 50)tay dẫn chương trình,do thấy VTV quá hèn,quá nhỏ nhen,không phải thực lòng vì sự công bằng hay vì sự nghiêm minh của pháp luật.Nếu là những người có tâm,VTV thực lòng muốn đưa ra ánh sáng những chuyện gian lận làm ảnh hưởng đển hình ảnh đất nước,để nghiẽm kỷ cương phép nước như mấy ông,bà phát thanh viên luôn ông ổng trên đài,thì họ phải làm phóng sự về cái gian lận tày trời của lũ quan tham gian dối,chứ việc của CP cần gì phải"đao to,búa lớn"như vậy.CP gian lận hay khộng cũng chỉ là tuổi để đá đá bóng,và CP đã đem vinh dự,tự hào cho người hâm mộ,cho đất nước.Còn những ông,bà cán bộ nhà nước gian lận đủ thứ,gian lận từ kinh tế cho đến chính trị,làm nguy hại cho dân,cho nước thì sao các vị ở đài,báo nhà nước lại im lặng không dám công khai đưa lên truyền hình để"đấu tố"như đang"đấu tố"một cậu bé trong trắng,non nớt như Công Phượng?Tôi nghĩ VTV "sinh ra"chắc chỉ để phục vụ lợi ích cá nhân và lợi ích của một tầng lớp đứng trên Nhân Dân.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa
  3. UBND Nghệ an sao không làm một cái công văn ghi rõ"Căn cứ hồ sơ gốc,UBND tỉnh Nghệ an xác nhận cầu thủ Nguyễn Công Phương sinh ngày...tháng...năm"là xong nhỉ? Việc gì phải để VTV ỏm củ tỏi mất thời gian rác tai nhức mắt người xem

    Trả lờiXóa
  4. Có hàng chục kênh TV, nên khi bật lên mà vô tình đang ở các kênh VTV, tôi lập tức chuyển ngay! Để bảo đảm cho sức khỏe tinh thần của mình.

    Trả lờiXóa