Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

VIỆT NAM CỨ RA NGÕ GẶP TOÀN ANH HÙNG LAO ĐỘNG?

Cứ ra ngõ gặp toàn anh hùng lao động? 
Nguyễn Công Thảo 
VNN

Ảnh minh họa
.
Đã có nhiều bài báo và quan chức chính phủ từng cảnh báo, bộ phận công chức “cắp ô” sáng đi muộn, chiều về sớm đang ngày càng tăng hay không ít cơ quan có giảm đi một nửa biên chế vẫn vận hành bình thường.

Theo công bố năm 2013 của Tổ chức Lao động Quốc tế, năng xuất lao động của công nhân Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần. Với các nước ASEAN, một lao động Malaysia làm việc bằng 5 lao động Việt Nam…

Nghịch lý này khiến cho người ta phải đau đáu nhiều câu hỏi…

Hãy bắt đầu từ phong trào được phát động hàng năm mà bất cứ công chức, viên chức nào cũng biết.

Không thể phủ nhận bản chất ban đầu của hoạt động này là tích cực bởi nó khuyến khích người ta phấn đấu, nỗ lực, sáng tạo trong khả năng tốt nhất của mình. Thi đua vì thế trước hết là với bản thân bởi nó khích lệ người ta khám phá, vượt qua giới hạn bình thường của mỗi cá nhân.

Đâu đó nhiều nơi, thi đua dường như bị đồng nhất với danh hiệu, bằng khen, với lên lương trước thời hạn, thành tích, tăng lương rồi tiến chức… Tấm bằng khen giờ đây trở thành một thứ bảo bối mà không ít người “lao tâm, khổ tứ” muốn kiếm được bằng mọi giá. Điều đáng nói là dường như càng là bộ phận “cắp ô”, người ta càng phải trang trí hồ sơ của mình với càng nhiều danh hiệu thi đua càng tốt bởi thiếu chúng, lí lịch cán bộ của họ sẽ trống trơn đến tội nghiệp.

Trong khi đó, ít người có năng lực thực chất ham hố điều này bởi lòng tự trọng, bởi họ không muốn “xin” những thứ mà họ cho đáng ra nên được cấp trên tự động khen thưởng dựa trên thành tích cá nhân. Hơn nữa, họ thấy cũng chẳng cần phải tô điểm hay chứng minh thêm gì ngoài kết quả làm việc cụ thể của mình.

Đâu đó nhiều nơi dường như trở thành sân khấu cho những màn kịch vụng về đến tội nghiệp bởi người đạo diễn không biết phân vai phù hợp cho các diễn viên của mình. Người xứng đáng thì không đăng kí, mà không đăng kí thì làm sao được xét? Người không xứng đáng thì đăng kí và được xét, vì không xét cho họ thì biết xét cho ai?

Đâu đó nhiều nơi bỗng trở nên “trào phúng” đến quặn lòng mỗi kỳ họp bình chọn danh hiệu. Người ta chả buồn nghe báo cáo thành tích của người đăng kí, người ta thờ ở bình chọn. Cứ 100% hay ít nhất cũng trên 90% phiếu thuận cho những bảng thành tích quá đỗi nghèo nàn, rồi thì lương lại tăng, bậc lại nâng…

Thế là, thay vì thi đua với chính mình, người ta “thi” rồi “đua” với những lá phiếu, những mối quan hệ. Thay vì làm việc, nỗ lực sáng tạo hơn, người ta dành nhiều thời gian cho những toan tính cá nhân, lấy lòng người nọ, thuyết phục người kia. Người ta chẳng ngó ngàng đến chuyên môn của mình, cũng không thèm quan tâm đến việc làm của đồng nghiệp. Như thế cho nó an toàn…

Thế rồi, thi đua dường như biến số đông trở nên “thỏa hiệp” hay “thụt chí” với bản thân. Người ta ngày càng trở nên “vô trách nhiệm” với lá phiếu của mình. Ai cũng tự nhủ thôi thì chả mất gì, cho cơ quan có phong trào, ý kiến này nọ thì lại bị cho là thiếu tinh thần xây dựng, lại bị oán ghét. Thế là người ta dần dần….im lặng với thi đua.

Có đồng nghiệp từng bảo tôi gì mà nghiêm trọng hóa vấn đề như thế. Có tổn hại gì đâu, thôi thì cũng phải có phong trào cho nó vui vẻ, cho có cớ vỗ tay, rồi ăn nhậu cuối năm.

Nhưng tôi cứ ngờ rằng nếu “thi” mãi kiểu này, rồi biết đâu sẽ dẫn đến không ít hệ lụy…

Các doanh nghiệp nước ngoài rồi đây liệu còn dám đầu tư, thuê lao động của ta. Đẳng cấp đã đứng đầu ASEAN, rồi chẳng lâu nữa sẽ là nhất châu Á, không biết chừng rồi sẽ nhất quả đất cũng nên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhìn nhận: Việc suy tôn, phong tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có biểu hiện tràn lan, nhiều trường hợp được khen thưởng chưa phải là tấm gương tiêu biểu, khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân còn ít.

Có lẽ đã đến lúc những vở kịch vụng về cần phải được hạ màn, những “con sâu thi đua” cần phải được cho uống thuốc giải, những danh hiệu cần phải được trả về đúng vị trí. 

Theo Vnn

4 nhận xét :

  1. Thi đua là chỗ dựa, là cơ sở vững và chắc cho các quyết định lương, thưởng, đề bạt .... Nó là một cái rễ của toàn bộ tổ chức guồng máy nhà nước do Đảng lãnh đạo.
    Bỏ nó sao được !!!
    Nó ra sao, tự ai cũng biết.
    Người ta còn tung hô ông vua cởi truồng là cái áo đẹp nhất ...
    Người ta còn tuyên bố đường chúng ta đi trăm năm không biết tới chưa ...
    Thì sá gì chuyện thi đua cò con ...

    Trả lờiXóa
  2. "Năng xuất lao động của công nhân Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần. Với các nước ASEAN, một lao động Malaysia làm việc bằng 5 lao động Việt Nam…"
    Nếu năng suất lao đông VN ngang với các nước trong khu vực thì số anh hùng lao động sẽ tăng lên 15 đến 20 lần bây giờ. thích thật...

    Trả lờiXóa
  3. Singapore, Hàn Quốc , Malaysia là những nước giàu hơn VN . Một người của họ làm có năng suất cao hơn người Việt nhiều lần . VN nghèo, 15 người, 10 người cùng chia nhau một đồng lương đấy các bác ạ . Thếm bát, thêm mâm cho vui vẻ cả làng , cho bớt người thất nghiệp !

    Trả lờiXóa
  4. Các nước khác, lao động là lao động. Vậy thôi. "Anh hùng lao động" chắc là trong lao động vừa phải phải đánh lại các công ty cạnh tranh?
    Lại còn "Nghệ sĩ ưu tú" nữa chứ! Hãi quá! Các nghệ sĩ còn lại chắc bị xếp vào hạng "Nghệ sĩ suy thoái"?
    Nói chung, bây giờ toàn nói như vẹt học tiếng người!
    "Người" ơi! Bỏ đi đâu hết rồi?...

    Trả lờiXóa