Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Trần Kinh Nghị: BÁO CHÍ VÀ GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHÁCH QUAN

Báo chí và giá trị của sự khách quan 
Trần Kinh Nghị 
Blog Bách Việt

Ngày 4/11/2014 Báo SGGP đăng bài: 61 Sự thật về lòng “trung thành” của nhóm thư ngỏ ,qua đó đưa ra những đánh giá chủ quan, phiến diện và áp đặt những "tội danh" không có thực đối với các đảng viên có tên trong "bức thư ngỏ 61" như "mượn danh đảng viên và yêu nước"..."tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động", v.v... 

Bất bình trước việc này, ngày 10/11 vừa qua một số đảng viên thuộc nhóm “thư ngỏ 61” tại TP HCM đã cử đại diện đến gặp TBT báo SGGP đề nghị tổ chức đối thoại làm sáng tỏ nội dung quy chụp vô căn cứ nói trên. Tuy nhiên họ đã không được Báo SGGP nhận lời tiếp với lý do lúc đầu là "bận họp" sau là "thiếu ghế ngồi" (!?).

Thiển nghĩ, việc làm của Báo SGGP cho thấy cách tư duy về công tác tuyên huấn theo lối mòn cũ kỹ nhìn sự vật bằng cách suy diễn chủ quan không tính đến hậu quả trước mắt và lâu dài. Đây là việc làm không đáng có đối với một tờ báo lớn đã có thời được bạn đọc cả nước đánh giá cao nhờ tính chính danh, chính luận và tôn trọng sự thật của nó.
 


Người đọc dễ dàng nhận thấy sự khập khiển trong cách đặt vấn đề của bài báo ngày 4/11. Phần mở đầu bài báo viết "Hiện nay, trên mạng internet có nhiều ý kiến tranh luận về bức thư ngỏ của 61 đảng viên “trung thành” gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới lăng kính của các tác giả khác nhau về cùng một vấn đề, có nhiều tác giả đăng bài phản đối kịch liệt, cũng lắm người tán thưởng vỗ tay, người nói thế này, người nói thế khác, cũng có người dùng các thủ thuật để che giấu mục đích của mình".
 
Bài báo cũng cho rằng “61 Đảng viên trung thành” đã lựa chọn thời điểm hết sức “hợp lý” (trước thềm Đại hội Đảng XII) phần nào thể hiện sự "quan tâm lo lắng" của họ đến thời cuộc, đến vận mệnh của Đảng, tương lai thể chế chính trị của nước nhà".

Tuy nhiên, sau những lời đánh giá có vẻ khách quan không đặng đừng đó, bài báo đã chuyển gam sang thủ pháp "vạch lá tìm sâu" bằng cách kể ra một vài thành viên của nhóm 61 hiện không ở trong nước hoặc "không còn sinh hoạt" để đi đến kết luận rằng "nhóm 61" tự xưng là Đảng viên trung thành với Đảng là không đúng. Cũng không ngờ một bài báo chính luận như vậy lại suy luận một cách vu vơ:  "Hay là do một thế lực nào đó, một tổ chức nào đó lôi kéo, tập hợp lại, rồi mượn danh Đảng viên, mượn danh “yêu nước” mà tạo nên một sự hỗn loạn về thông tin, gieo rắc những mầm mống độc hại cho xã hội tạo nên sự bất ổn về tư tưởng, an ninh, gây nhiễu loạn, gây bất ổn trong quần chúng nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết của dân tộc". Tác giả bài báo còn "Đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm công khai để mọi người hiểu rõ bộ mặt thật của nhóm tự xưng là 61 đảng viên “trung thành” này".
 
Chẳng lẽ tác giả bài báo không biết rằng trong hàng vạn đảng viên đã về hưu hiện nay có rất nhiều người do hoàn cảnh sức khỏe hoặc điều kiện sống không nhất thiết phải sinh hoạt thường thuyên nhưng tấm lòng của họ vẫn trung thành với sự nghiệp mà họ đã lựa chọn; ngược lại không ít đảng viên đương chức đương quyền nhưng tham nhũng và hành động sai trái gây thiệt hại nặng nề đối với đất nước và uy tín của Đảng? Chính những phần tử đó đã và đang phá hoại thành quả cách mạng của Đảng và đang tiếp tục tạo ra nguy cơ "đe dọa sự tồn vong của chế độ" (như đã nêu trong NQ XI).
 
Bài báo khá dài nhưng chỉ nhằm một động cơ duy nhất là vu khống và kết tội các đảng viên đã ký vào bức thư mà nội dung chỉ là lời kiến nghị chân thành với nguyện vọng chính đáng, đó là kịp thời thay đổi đường lối chính sách và chỉnh đốn nội bộ Đảng nếu muốn tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Thực chất đó là sự phản ảnh tâm tư nguyện vọng của đại đa số nhân dân và đảng viên của đất nước ta hiện nay-sự thật mà nhiều người do hoàn cảnh và lợi ích thiết thân không thể hoặc chưa thể nói ra mà thôi. Xét trong bối cảnh chính trị-xã hội và nguy cơ ngoại xâm dưới mọi hình thức đối với nước ta hiện nay thì những tiếng nói phản biện từ phía quần chúng nhân dân dù có mặt này mặt kia đều có tác dụng tích cực. Nếu không có ý kiến dù là "trái chiều" của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước chắc chắn Đảng và Nhà nước sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc đối phó với các thế lực "thù trong giặc ngoài" trong những năm qua. Do đó, cần khách quan nhìn nhận vai trò tích cực của mọi ý kiến đóng góp từ quần chúng, trong đó có cán bộ đảng viên hưu trí; tiếp thu như thế nào tùy thuộc giới lãnh đạo đất nước. Mọi biện pháp kỳ thị, phân biệt đối xử hay trấn áp đối với người có ý kiến trái chiều nhất định không đem lại kết quả tích cực.
   
Chẳng lẽ tác giả bài báo và Ban Biên tập Báo SGGP quên rồi lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một nguyên tắc cơ bản của Đảng là muốn thực hiện dân chủ với toàn dân thì trước hết phải thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng? Trên tinh thần đó, thiết nghĩ Ban BT Báo SGGP nên sẵn lòng đón tiếp và thảo luận công khai chân thần cởi mở với các đảng viên khi họ yêu cầu, chứ không tránh né bằng những "lý do" quá lộ liễu như vậy. Báo chí sẽ được tôn trọng nhờ biết tôn trọng sự thật và tốt hơn hết đừng tự cho mình vai trò của quan tòa. 

1 nhận xét :

  1. Nếu nói các vị trí thức này có động cơ xấu và kiến nghị của họ có hại, sao tác giả bài phê phán không đăng toàn văn Kiến nghị này lên báo công khai, chỉ cho nhân dân dân biết những điểm xấu, những điểm ngụy tạo của họ, cùng toàn thể nhân dân đập ta âm mưu đen tối của những người này? Và một điều quan trọng nữa, sao không cho những những người này và những người bênh vực họ tranh luận với từng luận điểm cáo buộc. Nhân dân sẽ là người chấm điểm.Thời buổi ngày nay, kết án mà không dẫn ra được bằng chứng, sẽ không thuyết phục được ai đâu, chỉ "cả vú lấp miệng em" thôi.

    Trả lờiXóa