Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

RFA: ĐẢNG CSVN LÀM CÔNG TÁC NGOẠI GIAO CÓ HIỆU QUẢ?

Đảng CSVN cùng làm công tác ngoại giao có hiệu quả?
Anh Vũ, thông tín viên RFA  
2014-11-27 

Thứ trưởng ngoại giao Nga, ông Morgulov, Đại diện Tổng thống Nga ra sân bay đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 23 tháng 11, 2014

Gần đây liên tiếp có các chuyến công du Phương Tây của các quan chức Đảng CSVN dưới danh nghĩa ngoại giao. Điều này đã khiến dư luận đặt câu hỏi “Đảng CSVN tham gia làm công tác ngoại giao có cần thiết và mang lại hiệu quả hay không?”

Ngoại giao VN với chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Tuy vậy, gần đây bên cạnh các hoạt động ngoại giao của Chính phủ, người ta thấy liên tiếp có nhiều chuyến thăm nước ngoài của các quan chức Đảng CSVN. Như các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hàn Quốc, Nga, Belarus… hay chuyến thăm Hoa kỳ của Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị.

Đánh giá về vấn đề này, Nhà báo, Luật sư Vũ Đức Khanh thấy rằng, năm 2016 Đảng CSVN sẽ tiến hành Đại hội Đảng lần thứ 12. Theo ông các hoạt động ngoại giao của các quan chức Đảng gần đây cho thấy sự cạnh tranh và chạy đua nhằm thể hiện vị thế và uy tín của Đảng so với Chính phủ.
Từ Canada, Nhà báo, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định:

“Các hoạt động đối ngoại của Đảng chỉ nhằm thổi phồng vai trò của Đảng CSVN, để cho những người dân trong nước không nhìn thấy được cục diện tình hình chính trị thế giới và họ tiếp tục tin rằng Đảng CSVN còn mạnh. Nhưng trên thực tế thì tôi nghĩ rằng Đảng CSVN không có chút ý nghĩa và vai trò nào đối với tình hình chính trị trong khu vực và trên thế giới. Cho dù Chính phủ của Việt nam vẫn tin rằng VN có thể đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định, hòa bình  và thịnh vượng của khu vực, nhưng theo tôi chính quyền Hà nội chưa phải là một đối tác mà các quốc gia trong khu vực có thể đặt niềm tin và đưa tới có một vai trò quan trọng hơn.”

Vì lý do sức khỏe, trao đổi qua e.mail TS. Đinh Hoàng Thắng cựu Đại sứ VN tại Hà lan thấy rằng: chính sách ngoại giao thời toàn cầu hóa không còn khái niệm tư bản và XHCN. Và ngoại giao VN ngày nay đã không còn nhân tố ý thức hệ, kể cả quan hệ với TQ cũng chỉ là quan hệ giữa 1 nước lớn với 1 thuộc quốc, theo một phiên bản đặc biệt. Theo ông, những chuyến công du tới các đối tác Phương Tây của các quan chức Đảng CSVN là điều quan trọng, tất cả nhằm phục vụ cho một chiến lược "thoát hiểm", 1 chính sách "cân bằng động" của nhà nước VN.

Trả lời câu hỏi những chuyến thăm ngoại giao của các quan chức Đảng đó có cần thiết và có mang lại hiệu quả hay không?

Nhà báo, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đây là việc làm hình thức và không cần thiết, vì theo ông mọi hoạt động của công tác ngoại giao VN đều do Bộ Chính trị Đảng CSVN quyết định.
Nhà báo, Luật sư Vũ Đức Khanh nói với chúng tôi:

“Vì mô hình chính trị của VN hiện tại là theo mô hình của Liên xô trước đây, nên vai trò của Tổng BT giữ vai trò hết sức quan trọng. Nếu chúng ta quan sát mối quan hệ ngoại giao giữa VN và Phương Tây thì vai trò của Đảng không có gì là quan trọng, VN thực sự không là một cái trọng lực nào trong mối qua hệ bang giao quốc tế. Cho nên, các quốc gia Phương Tây không coi trọng vai trò của Đảng CSVN đối với họ. Tuy nhiên, họ đã chấp nhận tiếp đón, nhưng sự tiếp đón đó chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức ngoại giao mà thôi chứ không có giá trị gì về ý nghĩa gì về chính trị.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng theo ông đấy là một chuyện bình thường, vì về thực chất Đảng và Chính phủ là một và các nước Phương Tây cũng hiểu như vậy. Theo ông điều đó không phải là chuyện Đảng lấn sân của Chính phủ như đánh giá của nhiều người.

Từ Nha trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:

“Hiện nay VN mình chưa là cái gì quan trọng trong bản đồ chính trị, kinh tế, quân sự của thế giới. Nhưng quan trọng là thay mặt cho Đảng là cá nhân nào? Vấn đề là phải có thực quyền, phải có ý thức cấp tiến và đầu óc học hỏi là cái tốt nhất. Tôi không quan trọng vấn đề những chuyến đi ấy là của Đảng hay Chính quyền, ông Tổng Bí thư hay ông Thủ tướng cũng thế. Nhưng phải là cái ông nào mà đi học hỏi được cái gì mới là quan trọng, vấn đề là đi thế nào và được cái gì cho đất nước?”
Bình luận về chuyến thăm Nga của TBT Nguyễn Phú Trọng gần đây, đặc biệt là chi tiết người ra đón Tổng BT ở sân bay chỉ là một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga.

Nhà báo, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đây là bằng chứng cho thấy sự thất bại, cũng như sự xem nhẹ vai trò của Đảng CSVN trong quan hệ đối ngoại với các nước Phương Tây.

Nhà báo, Luật sư Vũ Đức Khanh khẳng định:

“Thực sự ra trong mối quan hệ với Nga, VN không phải là một quốc gia đồng minh hay một quốc gia quan trọng. Việc tiếp đón ông Tổng Bí thư như thế là đúng với đường lối, chính sách của Chính phủ ông Putin hiện tại. Điều đó cho thấy VN không có một giá trị gì trong mối quan hệ giữa Nga và VN, cho dù VN luôn luôn ca ngợi là mối qua hệ đồng minh chiến lược hay đối tác chiến lược để gợi lại một dĩ vãng vàng son của thời kỳ Liên xô cũ trước đây. Mà họ không thấy rằng cục diện chính trị thế giới và châu Á – Thái Bình Dương đã hoàn toàn thay đổi. ”

Nhà báo Võ Văn Tạo tiếp lời:

“Còn rất nhiều người còn ngộ nhận về mối tình nồng thắm Việt-Nga như tuyên truyền trước đây. Việc ông TBT Nguyễn Phú Trọng đến Nga chỉ có một thứ trưởng ra đón ở sân bay là bình thường và phản ảnh đúng tương quan của hai nước. Nếu chúng ta trở lại với sự kiện giàn khoan của TQ ăn hiếp VN mà cộng đồng quốc tế đã lên tiếng, trong lúc VN nín thở đề chờ xem thái độ phản ứng của Nga như thế nào? Thì lúc đó ông Putin lại đi Bắc kinh hội đàm với Tập Cận Bình, còn quân đội Nga lại tập trân chung với quân đội TQ rất lớn ở biển Hoa Đông. Lúc đó mọi người mới hiểu ông VN chả có chút trọng lượng gì đối với Nga.”

Quan hệ đối ngoại là một trong những trọng trách của mọi chính phủ, nhằm đảm bảo thúc đẩy vấn đề hợp tác phát triển và quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Đồng thời đảm bảo an ninh quốc tế và khu vực để cùng tồn tại trong hòa bình. Đây không chỉ là thông lệ quốc tế mà còn là nghĩa vụ của mọi nhà nước. Việc cạnh tranh giữa Đảng và Chính phủ trong vấn đề ngoại giao là vấn đề không cần thiết, mà đôi khi còn có hại cho lợi ích quốc gia.


4 nhận xét :

  1. Giỏi hay không xin hỏi bà Tổng thống Braxin trong vụ ông Tổng định thăm xứ này!

    Trả lờiXóa
  2. Kỳ quái ở VN ta là Quốc Hội-Chính phủ,cho đến các bộ,rồi các tịnh thành trong cả nước,nhìn bề ngoài đều rất rạch ròi đầy đủ ban bệ phân quyền độc lập.Nhưng thực chất là chỉ có một,đó là đảng.Công đoàn ,Toà án,Kiểm sát,Công an,cho đến Hội Cựu chiến binh,rồi Quốc hội cũng là đảng tất.Vì thực tế các cơ quan này toàn người của đảng đưa vào nắm quyền,hơn nữa cũng không có quyền tự quyết độc lập.Ngay như vừa qua chỉ mội việc tăng tiền chỗ ngồi ở chợ Đồng Xuân cũng phải xin ý kiến Ban Thường vụ Quận ủy quyết.Một sự vô lý góp phần làm thui chột nhân tài,kéo đất nước tụt hậu là qui định làm lãnh đạo phải là đảng viên,quá coi nặng về bằng cấp,và chuyện"đá lấn sân"của đảng là lực cản lớn nhất cho sự phát triển đất nước.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa
  3. không hiểu tại sao người đứng đầu đảng lại đi thăm nước khác với tư cách nguyên thủ quốc gia , tuyên bố chung hoăc các văn bản được ký giữa 2 người này có giá trị pháp lý không , có phù hợp với công ước quốc tế về quan hệ ngoại giao hay không nhỉ, Tễu cho biết ý kiến với

    Trả lờiXóa
  4. Danh bất chính, ngôn bất thuận . Cụ TBT đảng tự cho mình là người đứng đầu cao nhất cả nước ! Hơn nữa cụ lại là ngoài đứng ngoài cả Hiến Pháp . Cái bát nháo ngay từ thượng tầng thì làm sao hạ tầng ổn. Từ lâu người ta vẫn kêu gọi thể chế hóa sự lãnh đạo bằng luật pháp nhưng kêu thì kêu mà chẳng ai làm . Cho nên cụ TBt đi công du nước ngoài cứ đòi được đón tiếp như NTQG và kí những thỏa hiệp với QG khác như là người đứng đầu NN ! Một người đứng ngoài HP của một nước lại thay mặt cho một nước . Chữ kí của vị này giá trị thế nào trong LPVN và Luật QT ?

    Trả lờiXóa