Phạm Viết Đào
Phạm Viết Đào - Hệ lụy điều luật 258 của Bộ luật hình sự
Phạm Viết Đào - Hệ lụy điều luật 258 của Bộ luật hình sự (phần 2 & 3)
Phạm Viết Đào - Hệ lụy điều luật 258 của Bộ luật hình sự (phần 4)
Phạm Viết Đào - Hệ lụy điều luật 258 của Bộ luật hình sự (phần 5)
Ngày 19/6/2013 GĐCAHN, Đại tá Nguyễn Đức Chung gặp blogger Phạm Viết Đào tại trụ sở CAHN, tuyên bố chuyển sang xử lý hành chính sau 7 ngày tạm giữ; Biện pháp này theo Đại tá Nguyễn Đức Chung đã xin ý kiến BTBCA Trần Đại Quang…
Trưa 21/6/2014, Viện trưởng VKSNDTP Hà Nội gia hạn lệnh tạm giam blogger Phạm Viết Đào thêm 3 tháng để điều tra?
Ngày 19/6/2013, tôi đã bị tạm giữ được 7 ngày, theo luật, thời hạn tạm giữ là 9 ngày; Sáng hôm đó, quản giáo D. vào thông báo: Sáng nay anh chuẩn bị lên gặp, báo cáo với Giám đốc công Hà Nội, liệu liệu ăn nói để ông ta thả cho về, việc của anh có thể được thả đấy; Mấy ngày hôm trước, tôi có nghe quản giáp nói phong thanh: Giám đốc Công an Hà Nội, Đại tá Nguyễn Đức Chung sẽ vào trại giam gặp tôi ?
Vì bị tù lần đầu nên tôi không rõ tại sao Giám đốc Công an lại vào trại gặp mình; không rõ đây là sự may mắn hay là chuyện rắc rối, phức tạp bên trong…
Suốt một tuần qua, ngày nào mình cũng bị đi cung cả sáng lẫn chiều; điều tra viên B.V.H. trực tiếp lấy cung, thỉnh thoảng có thêm 1 cán bộ PC 92 đi cùng. Xung quanh chuyện lấy cung có nhiều chi tiết rất đáng ghi và kể lại nhưng thôi, đợi dịp khác sẽ viết lại chi tiết, kỹ lưỡng…Chỉ xin nêu một chi tiết nhỏ; Một cán bộ điều tra vặn hỏi mình: Trong máy và trên blog của tôi có rất nhiều bài được lưu, chưa đưa lên mạng, hoặc đưa lên rồi sau lại hạ xuống; đặc biệt trong máy có rất nhiều bài có nội dung có vấn đề có thể nói là nội dung xấu, độc…
Tôi trả lời: Về trách nhiệm pháp lý, tôi chỉ chịu trách nhiệm pháp lý những bài tôi đã đưa lên mạng và chủ yếu là những bài do tự tay tôi viết với các bút danh: Phạm Viết Đào, Phúc Lộc Thọ, Hai Xe Ôm; có một số bài tôi đưa lên một thời gian, thấy nội dung bất ổn tôi hạ xuống coi như chưa gây ra hậu quả đáng kể; còn một số bài lưu dưới dạng tư liệu là do bởi tôi là nhà văn, những thông tin mà tôi thu thập trên mạng từ nhiều nguồn có những vấn đề mà tôi cảm thấy cần cho nghề viết văn của tôi nên tôi lưu lại.
Tôi giải thích thêm: để viết được những bộ sách như Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, các nhà văn Trung Quốc thời xưa đã sưu tầm những chuyện lưu truyền trong dân gian, dư luận hiện đại gọi là chuyện vỉa hè và những tiểu thuyết đó do các nhà văn viết thường có sức sống lan toả lâu dài trong dân chúng hơn là chính sử do cac sử quan triều định ghi lại. Hiện nay nhờ phương tiện hiện đại, nhiều thông tin, câu chuyện được lưu hành trên mạng rất cần thiết, bổ ích đối với người làm nghề viết văn nên tôi sưu tập để sử dụng cho nghề nghiệp. Sau này, khi tôi bắt tay viết một cuốn truyện, hay cuồn tiểu thuyết, những câu chuyện, những thông tin mà tôi thu thập trên mạng sẽ là những tư liệu cần thiết; viết văn không phải là việc ngồi một mình trong phòng để mà bịa ra mọi chuyện trên đời mà phải căn cứ những điều có thật trong đời sống. Tôi sưu tập để nhằm mục đích đó !
Điều tra này vặn lại: qua những gì chúng tôi đọc được trên máy của anh, qua những bài anh lưu trữ toàn thấy những thông tin xấu độc; nếu sau này mà anh dựa vào chất liệu này để viết tiểu thuyết hay gì đó thì chắc chắn toàn chuyện xấu độc, có hại…Tại sao anh không lưu giữ những chuyện, thông tin tốt, đẹp mà toàn chuyện xấu độc. Anh biết đấy: Tội tàng trữ những cái xấu độc cũng là tội hình sự đấy ???
Tôi cãi: Các ông không thể ví việc các nhà văn tàng trữ các thông tin, câu chuyện thu thập qua mạng hay qua chứng kiến cá nhân để khép tôi chúng tôi giống như những kẻ tàng trữ buôn ma tuý, heroin…Tôi biết trong Luật hình sự Việt Nam khung hình phạt đối với hành vi tàng trữ các chất gây nghiện thường nặng hơn với hành vi kinh doanh, buôn bán. Trong Luật Đặc xá: hành vi buôn bán, kinh doanh ma tuý được giảm án còn tàng trữ thì không.Các ông không thể máy móc ví những nhà văn thu thập vốn sống, tư liệu giống với đám tàng trữ ma tuý, heroin để kinh doanh kiếm lời…Tôi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội nhà báo Việt Nam, tôi được cấp thẻ tức tôi có giấy phép hành nghề giống như các dược sĩ mở hiệu thuốc họ được nhập bán biệt dược…
Đây là câu căn vặn của một điều tra có giọng nói Nghệ An và đang còn trẻ; mình không ngờ ông điều tra người đồng hương hắc thế, lại có ý đồ nâng quan điểm, tăng nặng tội cho mình…Thấy mình nói quyết liệt, nhân lúc anh ta ra ngoài, mình tranh thủ nói thêm với điều tra viên B.V.H. để anh ta hiểu thêm về nghề viết văn của mình không giống với đám buôn lậu ma tuý, không quy tội cho việc lưu giữ trong máy những bài, thông tin, tư liệu rất “phản động”…Lần sau mình thấy vị này không tham gia lấy cung mình nữa!
Trong bảy ngày lấy cung, tôi thấy điều tra viên B.V.H lật đi lật lại nhiều lần bài viết: Thể chế cộng hoà xã hội Việt Nam có giống với hệ điều hành của nhà máy lọc dầu Dung Quất ? Đây là bài viết góp ý sửa đổi Điều 4 Hiến pháp theo chủ trương kêu gọi toàn dân góp ý vào bản dự thảo hiến pháp của ban soạn thảo…
Tôi có cảm giác B.V.H được giao nhiệm vụ soi, tìm cho được bằng chứng trong các bài viết của tôi có những quan điểm, câu chữ có chủ ý cổ suý cho sự đa nguyên, đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam để minh hoạ cho cái gọi là hành vi “ vi phạm Điều 258 của Bộ Luật hình sự” đối với tôi…
Trong những ngày đầu, điều tra viên B.V.H cho rằng: việc tôi đem ví cái hệ điều hành Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý với hệ điều hành nhà máy lọc dầu Dung Quất là một thứ lập luận thô lỗ, hạ thấp, nói xấu Đảng và Nhà nước ? Để khỏi căng: tôi nhận lỗi viết như vậy, so sánh như vậy là khập khiễng, là thô sơ, thô lỗ hoá bộ máy nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa; Đây là ý kiến góp ý chân thành của tôi, không có ý đồ hạ thấp, nói xấu Đảng và nhà nước; không có ý đồ hạ thấp vài trò lãnh đạo của Đảng và không nhằm mục đích chống lại việc góp ý sửa đổi hiến pháp, một chủ trương lớn của nhà nước. Tôi có thể góp ý không đúng, không có cơ sở… nếu thế thì ban soạn thảo không tiếp nhận chứ đem việc làm này của tôi để coi là hành vi xâm phạm lợi ích nhà nước, quy kết cho tôi vào tội phát tán thông tin, vi phạm Điều 258 là không chính xác…
Điều tra viên có lúc nói với tôi là đã soi kỹ nhưng không phát hiện ra trong bài viết trên của tôi có dòng nào, câu nào cổ suý cho sự đa nguyên, đa đảng; Tôi chỉ nhận thiếu sót: trong bài viết có một dòng, tôi có thiếu đi một chữ khiến cho người ta có thể suy diễn là tôi nói xấu Đảng; Câu đó đáng lẽ tôi viết: “Những nghị quyết “ sai “ của Đảng”, do tôi khi viết thiếu chữ “ sai “ nên người ta có thể suy diễn cho bài viết của tôi có mục đích, dụng ý nói: Đảng là cội nguồn của tiêu cực, tham nhũng?
Tôi đã thuyết phục điều tra viên B.V.H rằng: các ông thẩm định các văn bản của tôi viết dưới dạng blog, một dạng văn bản báo chí, văn học theo cách thẩm định, vận dụng chiết câu từ theo phương pháp chiết tự khi tiếp nhận các văn bản luật pháp. Đối mỗi văn bản luật pháp thì mọi dòng, điều được viết đều tồn tại độc lập nên khi áp dụng thì không cần viễn dẫn, tham chiếu thêm điều khác để bổ trợ…Khi cần bổ sung thì người ta bổ sung, bổ trợ thì ngay trong điều nào đó, người ta ghi thẳng vào: khi áp dụng điều này thì phải vận dụng thêm điều a,b,c…Nếu không ghi như thế thì mỗi điều, khoản đều mang ý nghĩa độc lập về nội dung thông tin pháp lý trong đó. Còn các bài viết của chúng tôi không thể cắt khúc, chẻ hoe từng câu để rồi quy kết cho toàn bộ thông tin của bài viết.
Khi xem xét một bài viết dạng báo chí thì phải căn cứ vào toàn bộ hệ thống lập luận, thông tin trong bài viết để cân nhắc để trên cơ sở đó mà kết luận: động cơ, hiệu quả gây hại tổng thế của các nội dung thông tin, thông điệp của bài viết giống như việc nhìn nhận, xét đoán một con người. Các ông chỉ căn cứ vào một câu nào đó trong bài viết do sơ suất, sơ hở về phương tiện chữ nghĩa rồi nâng quản điểm để kết tội hình sự là không đúng.
Về phương diện thông tin thì ngay người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nhiều nước trong đó có Việt Nam còn phải cải chính xin lỗi về những thông tin đã chính thức phát; huống chi một bài viết trên blog, một dạng nhật ký cá nhân. Còn về phương diện thông tin báo chí thì trong Luật Báo chí, Luật Xuất bản đều có quy định người viết, cơ quan xuất bản được quyền cải chính, xin lỗi, đính chính thậm chí bị phạt tiền đối với những thông tin chưa chính xác, thậm chí sai…mà không bị quy ngay là phạm tội hình sự, không bị bỏ tù ngay…
Đối với bài viết về vụ án Đoàn Văn Vươn, tôi nhận lỗi là đã viết trong đầu đề: “Quan toà tiếp tay cho cướp ngày”, viết như vậy là xúc phạm Toà hành chính Hải Phòng. Về nội dung thông tin của bài viết tôi cho rằng tôi không sai: Sở dĩ có sự cưỡng chế nhà đất của Đoàn Văn Vươn sai pháp luật phần trách nhiệm chính thuộc Toà hành chính Hải Phòng đã xử cho Chủ tịch huyện Tiên Lãng thắng, từ đó dẫn tới việc cưỡng chế sai ! Tôi nhận lỗi là đã viết câu mang nội dung thoá mạ một cơ quan nhà nước; hành vi này là hành vi vi phạm hành chính: chửi bới, thoá mạ người khác nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính theo một nghị định mà Bộ công an đang trình Quốc hội chưa được thông qua. Hành vi viết những câu chữ thoá mạ toà hành chính Hải Phòng của tôi khi viết blog, có làm ai chết hay gây thiệt hại gì về vật chất cho cá nhân hay cơ quan này đâu!
Tôi đã có ý kiến với điều tra viên: Về cách nhìn nhận, xét đoán một bài viết giống như việc nhìn nhận đánh giá một con người; nếu tôi áp dụng cách của các ông đang “chẻ sợi tóc làm tư” các bài viết của tôi, các phản hồi dưới bài thì tôi cũng có đủ khả năng vô hiệu hành vi điều tra của cá nhân tôi đối với cá nhân ông. Ông biết đấy, chính quyền Hà Nội có quy định công chức trong bộ máy chính quyền Hà Nội không được phép hút thuốc lá nơi nhiệm sở ? Thế nhưng trong suốt thời gian ông lấy cung tôi, tôi thấy ông đốt thuốc lá liên tục, tôi lại là người không hút thuốc…Như vậy ông cũng đang vi phạm pháp luật đấy ? Nếu tôi nâng quan điểm lên, cắt xén hành vi này ra để tố cáo chuyện này ra thì tôi nghĩ hoặc là ông phải thôi hút thuốc khi lấy cung tôi hai là công an Hà Nội phải điều chuyển ông, không để ông điều tra tôi ?!
Phạm Viết Đào.
(Còn nữa…)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét