HÃY CẢNH GIÁC
VỚI CÁC LOẠI SÁCH “ĂN THEO”
Mạc Văn Trang
- bài gửi riêng Tễu Blog
Những năm gần đây việc xuất bản các ấn phẩm được cởi mở, dễ dàng hơn, có nhiều mặt rất tốt. Tuy nhiên do những người quản lý xuất bản vì yếu kém hay vì vụ lợi mà cho ra đời nhiều loại sách kém chất lượng, nhất là những sách “ăn theo”.
1.Trước hết là
các sách ăn theo trong giáo dục. Có lẽ không ở đâu dễ lừa hơn trong giáo dục.
Các sách thông qua giáo viên để phát hành đến học sinh là dễ nhất. Thầy /cô đã
giới thiệu sách thì học sinh khó lòng không mua; cha mẹ thấy con xin tiền mua
sách không lỡ từ chối. Với đồng lương sống khắc khoải, giáo viên nghĩ rằng kiếm
thêm chút “hoa hồng” bán sách cũng là lương thiện, thêm mấy đồng rau dưa hay có
cái phong bì giúi cho bác sĩ khi đưa con đến bệnh viện… Có giáo viên thiếu
lương thiện còn dùng mẹo vặt để dụ các học sinh ngây thơ mua thật nhiều sách
cho họ kiếm nhiều tiền “hoa hồng”. Có lần tôi phát hiện trong tủ sách thằng
cháu ngoại mới 5 tuổi mà có mấy chục quyển sách truyện tranh, đủ các loại nhảm
nhí, hỏi ra mới biết tuần nào cô Mẫu giáo cũng bảo mua một quyển truyện để chủ
nhật xem ở nhà! Còn ở phổthông từ lớp 1 đến lớp 12, với hơn 15 triệu học sinh,
mỗi môn học không biết có cơ man nào là các loại sách ăn theo sách giáo khoa.
Chỉ mỗi môn Toán lớp 1 cũng có hàng chục cuốn ăn theo: Nào những bài Toán cơ
bản, nào nâng cao, nào muốn giỏi Toán, nào em yêu Toán học, nào giúp con giỏi
Toán, 50 bài Toán, rồi Toán vui…Có giáo viên ra bài tập về nhà ở mấy quyển ăn
theo khác nhau, thế là trò phải mua mấyquyển đó cho đủ...
Sách ăn theo
tràn lan không chỉ lãng phí nguồn lực xã hội, làm rối nhiễu thông tin cho thầy
và trò, làm xấu đi quan hệ thầy – trò do bán sách ăn hoa hồng, mà quan trọng là
làm lẫn lộn các giá trị: Sách quý bị sách hàng chợ “đánh lận con đen”…
Bộ Giáo dục cần
có biện pháp quản lý sách tham khảo cho học sinh phổ thông, như nhiều nước tiên
tiến đã làm để có kỷ cương.
2. Sách “ăn
theo” các sự kiện, các trào lưu. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, có người cầm giấy
giới thiệu của một cơ quan trung ương rất oai, đến Ban biên tập Tạp chí do tôi
làm Tổng biên tập, vận động cơ quan mua một cuốn sách: “Học tập làm theo Tư
tưởng Đạo đức Hồ Chí Minh”, in rất dày, bìa rất đẹp, bọc kín trong bao nilon,
giá 500 nghìn đồng. Tôi về hưu hơn 10 năm, đến cơ quan cũ chơi, thấy quyển sách
vẫn nguyên xi trong bao ni lon đóng kín! Dù sao cũng còn bí mật, chưa biết bên
trong sách viết gì!
Nhưng gần đây
tôi bị hai cú lừa cay đắng, cần nói để bà con cảnh giác.
Giữa những ngày
Trung quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam, xâm phạm chủ quyền
nước ta, không khí xã hội sôi sục lên án bọn Bành trướng xâm lược, thì có người
gọi điện đến giới thiệu cuốn sách “Lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,
rồi các trận hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa, đầy đủ bản đồ, tranh ảnh tư liệu vô
cùng phong phú, quý giá,… vân vân”. Thấy đứa cháu học lớp 6 đang tìm kiếm tư
liệu để làm bài “Tìm hiểu về biển đảo Tổ quốc” do nhà trường phát động, ông
liền ô- kê, gửi cho một quyển. Bưu điện đưa đến, trả 350 ngàn đồng, mở sách ra:
Ôi, “treo đầu đê, bán thịt chó”! Chả có cái bản đồ nào! Chả có trận “Hải chiến
Hoàng Sa” đâu! Chỉ toàn cóp nhặt những bài đăng trên báo chí gần đây và mấy tấm
ảnh bộ đội Trường Sa và bà con tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa
1988, rồi Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển. Tên cuốn sách cũng giới
hạn: “Hải chiến Trường Sa- Những người con bất tử” chứ không huênh hoang như họ
tiếp thị qua điện thoại. Nhưng với cái tên “khiêm tốn” này, cũng chẳng thấy bản
đồ, hình ảnh nào, sơ đồ nào về đảo Gạc Ma và chiến trận ra sao! Cháu tôi xem
qua quyển sách, vứt tạch xuống bàn, kêu: “Ông phí tiền quá. Ở trên mạng đầy đủ
thông tin gấp vạn quyển sách này”!
Cách đây dăm
ngày lại có người gọi điện đến:
- Cháu thấy
trang Web họ Mạc của bác rất hay. Hiện nay NXB cháu có cuốn tôn vinh những
người con làm rạng danh các dòng họ…
- Có viết về
những người họ Mạc theo những nghiên cứu mới đây không?
- Có ạ. Cập nhật
đầy đủ những nghiên cứu mới nhất ạ. Họ Mạc riêng một chương đấy ạ.
- Tôi không mua
đâu, nhưng anh gửi cho một quyển để tôi giới thiệu sách lên trang Web thì có
hàng nghìn người biết đến, hàng trăm người sẽ mua…
- Bác cho cháu
biết địa chỉ ạ…
Mấy hôm sau tôi
đi vắng, về con gái bảo: Bưu điện chuyển đến cho bố quyển sách gì, con phải trả
335 ngàn đồng.
Tôi mở bưu kiện,
lấy sách ra xem, thì hỡi ôi: Chả có người họ Mạc nào trong cuốn sách cả! Lưỡng
quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, anh hùng Mạc Thị Bưởi không thấy đâu. Những
nghiên cứu mới chiêu tuyết cho các vua nhà Mạc và xác định rõ những người con
gốc họ Mạc nổi tiếng như Hoàng Diệu, Hoàng Công Chất, Phạm Hồng Thái, Phan Đăng
Lưu, Hoàng Hanh, Phạm Kiệt…cũng đâu có “cập nhật”! Như vậy kẻ tiếp thị có thể
bịa đặt đủ mọi điều, cốt sao đánh lừa được người nghe, cho địa chỉ để gửi sách
đến. Khi mình đã trả tiền, mở ra xem mới biết bị lừa, chẳng thể trả lại sách
đòi tiền (có cố làm thì chắc mất nhiều thì giờ, nhiêu khê quá, nên đành chịu).
Bỏ qua lời nói
gió bay lừa đảo của kẻ tiếp thị, cuốn sách “Tôn vinh những người con làm rạng
danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam” do Thùy Linh – Việt Trinh (biên soạn
– Tổng hợp), NXB Đồng Nai, 2014, 481 trang khổ A4, là rất cẩu thả, kém giá trị,
không khoa học, vì:
- Ở Việt Nam có
gần 200 họ, nhưng trong sách chỉ đề cập đến 28 họ, không cho biết tiêu chí nào
gọi đó là những “dòng họ nổi tiếng”? Cứ đông hơn là nổi tiếng sao?
- Những người
con thế nào là “làm rạng danh dòng họ”? Tiêu chí này rất tùy tiện. Tôi tin rằng
mỗi dòng họ có “những người con” được nêu trong đó đều không thể hài lòng, vì
các “soạn giả” cóp từ rất nhiều nguồn, từ Wikipedia, từ sách, báo, có người nào
“cóp” người ấy; ai viết dài thì “cóp” dài, ai viết ngắn thì “cóp” ngắn. Ai
không tìm thấy có bài viết sẵn thì thôi! Cho nên thiếu rất nhiều những nhân vật
tên tuổi trong lịch sử. Nhiều tên tuổi không “rạng danh” lắm, nhưng vì được
viết dài dài, cứ thế bê vào nguyên xi, rất bất cân xứng giữa các nhân vật trong
một cuốn sách;
- Tùy tiện gán
họ cho các nhân vật, ví dụ: Trường Chinh thì cho mang họ Đặng, Hồ Chí Minh cho
mang họ Nguyễn, nhưng Lê Đức Thọ (tên thật Phan Đình Khải) thì ghép vào “con họ
Lê”, nhưng Lê Duẩn lại không có trong số những người “con họ Lê”? Tố Hữu cũng
không có tên là “con họ Nguyễn” hay “con họ Tố”! vân vân…
- Việc sắp xếp
các dòng họ không theo vần a-b-c- … nên tìm rất khó chịu; các nhân vật trong
mỗi dòng họ cũng xếp tùy tiện: người thế hệ sau xếp lên trước, người thế hệ
trước xếp sau, người sống lẫn vào người chết (Hoàng Diệu – Hoàng Tụy – Huỳnh
Thúc Kháng – Huỳnh Tấn Phát…);
- Điều không thể
chấp nhận được là các “soạn giả” tùy tiện loại bỏ rất nhiều nhân vật nổi tiếng
trong các dòng họ và lịch sử dân tộc, như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị
Trinh, Lý Thường Kiệt, Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi… xa xưa đã đành, nhưng họ
quên luôn: Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Văn Vĩnh, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Thị Minh
Khai, Nguyễn Thái Học, Mạc Thị Bưởi, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Nguyễn Viết
Xuân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn
Bính, Văn Cao, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, vân vân… Ẩu đến thế là cùng!
- Còn chuyện nữa
mới buồn cười: Những người đang sống thì ai là người làm rạng danh dòng họ? Các
“soạn giả” chỉ coi mấy người đang sống sau đây là “những người con đang làm
rạng danh các dòng họ”: Hoàng Tụy, Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu, Cao Việt Bách,
Đinh Xuân Lâm, Hà Minh Đức, La Văn Cầu và Phạm Tuân (nhà ở chỗ đường Trường
Chinh “uốn cong mềm mại” nổi tiếng)! Còn nhưng người khác đang sống như: Nguyễn
Thị Bình, Nguyễn Thị Doan, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng,
Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Nguyễn
Văn An, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết… coi như chưa được xét vào loại “làm
rạng danh dòng họ”. Đặc biệt GS 2 lần AHLĐ Vũ Khiêu nổi tiếng lẫy lừng như vậy
mà nó không xếp vào người “con họ Đặng”, cũng chẳng xếp vào người “con họ
Vũ/Võ”?! Láo đến thế là cùng!
Các cơ quan quản
lý còn đợi gì nữa, không thu hồi cuốn sách nhăng nhít này và phạt nặng cho cạch
thói xuất bản tầm bậy.
Tôi đang viết
đến đây lại thấy điện thoại gọi đến:
- Thưa bác, NXB
Lao Động mới ra cuốn sách rất cần thiết cho mỗi gia đình dòng họ. Đó là cuốn
“Tìm hiểu nét văn hóa tâm linh…”
- Bao nhiêu
tiền?
- Dạ, sách in
gần 500 trang, khổ A4… giá 350 ngàn đồng…
- Cám ơn anh tôi
không bị lừa lần thứ tư nữa nhá!
Bà con nhớ là
chớ mua sách mời chào qua điện thoại. Chớ mua sách bọc kín. Phải cầm tận tay,
giở xem mục lục, đọc lướt vài chỗ quan trọng và giở xem qua từng trang rồi hãy
mua sách nhé. Cách quản lý của nhà nước ta là biến dân ta thành những người
tiêu dùng “tự học để thông minh” mà!
Ngày 27/11/2014
M.V.T
Thời của những kẻ ăn theo nói theo . Cũng giống như những kẻ sản xuất hàng nhái hàng giả. Bọn này cùng họ hàng với nhau . Chỉ riêng bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 có biết bao cuốn sách ăn theo do những NXB lớn với những người biên soạn ghi là những nhà giáo có tên tuổi ! Văn hóa xuống cấp, đạo đức suy đồi , suy thoái chính trị . Thời cuối cùng của CNXH ! Thời của giả dối !
Trả lờiXóa