Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

LIỆU BỘ TRƯỞNG VĂN HÓA CÓ THẮNG ĐƯỢC ĐỒNG ĐÔ LA?

Cáp treo Sơn Đoòng: 
Văn hóa bảo tồn có thắng được...đô la? 

Báo Đất Việt 

Vấn đề ở đây không phải là cân bằng được giữa bảo tồn và phát triển, mà là cuộc đấu tranh giữa giá trị di sản và lợi ích kinh tế.  

Đó là những nội dung được quan tâm và bàn bạc nhiều nhất, tại tọa đàm “Thách thức bảo tồn từ các dự án phát triển” do Trung tâm bảo vệ con người và thiên nhiên tổ chức, ngày 14/11, với mục đích nhằm trao đổi, thảo luận về những thách thức trong công tác bảo tồn từ một số dự án kinh doanh, phát triển du lịch, trong đó nổi bật nhất là dự án xây dựng tuyến cáp treo đi vào hang Sơn Đoòng của tập đoàn Sun Group đang được dư luận quan tâm. 

Nói không với cáp treo Sơn Đoòng ! 

Mở đầu tọa đàm, là người có nhiều năm nghiên cứu, rất tâm huyết với Sơn Đoòng, PGS.TS Tạ Hòa Phương – Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa Chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội bày tỏ quan điểm rằng, ông không phản đối dự án cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng việc xây dựng tuyến cáp treo phải hợp lý, không nên đưa vào tận vùng lõi mà nếu cố làm thì phải đưa vào vùng đệm. 

Một tin tức mới đáng quan tâm được ông chia sẻ, đó là ngày 13/11, đại diện phía Sungroup có tìm đến ông để xin tư vấn. Ông cũng nêu rõ quan điểm, nếu dự định đưa cáp treo vào cửa sau hang Sơn Đoòng như hôm họp báo 4/11 ở Quảng Bình thì việc đầu tư đó không đem lại hiệu quả. Bởi nó đi vào vùng lõi địa chất của Phong Nha- Kẻ Bàng, và du khách sẽ thất vọng khi đi thêm 200m mà vẫn không có gì đáng xem. 

Đồng tình quan điểm với ông Phương, nhưng nhìn nhận ở góc độ khác, GS Vũ Quang Côn – Chủ tịch Hội côn trùng học VN, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: "Ở Phong Nha - Kẻ Bàng tập trung, 200 luồng sinh thái cảnh quan quan trọng của toàn cầu, 2744 loài thực vật, hơn 1000 loài động vật, mà chỉ cần một tác động nhỏ cũng gây xôn xao đến các loài này, vô cùng nguy hiểm". 

Chỉ cần đưa ra bài toán, 1 ngày có hàng nghìn người lên thì quản lý thế nào, nó tác động đến các loài động vật hoang dã, ô nhiễm môi trường ra sao, bởi ở Việt Nam nói thì tốt, làm thì kém.
Cho nên, ông Côn cho rằng: "Khi đã có sự phản đối của quần chúng cũng như các nhà khoa học thì phải xem xét lại. Vùng lõi là vùng cần bảo vệ thì lại cho tác động nhiều nhất, thì không chấp nhận được. Cho nên nếu dự án này đi vào thực hiện thì sẽ gây mất tính toàn vẹn của khu lõi, vì thế các loài động vật sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi để đưa vật liệu vào thi công thì phải mở đường". 

Ngoài ra, theo ông Côn thì trong khi xây dựng, dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của động vật. 

Trong khi đó, ông TS. Nguyễn Quốc Dựng, Phó Trưởng Phòng Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Viện Điều tra Quy hoạch rừng lại là người có nhiều năm nghiên cứu và nắm bắt rất rõ về dự án này lại nhìn nhận ở góc độ khác. 

Ông muốn đưa ra ý kiến cụ thể hơn, ông chia sẻ: "Có một dự án quy hoạch xây dựng chung cho Phong Nha - Kẻ Bàng do Viện quy hoạch đô thị và vùng nông thôn (Bộ xây dựng) thực hiện. Từ năm 2011, dự án này đã được tiến hành, chính trong dự án của Bộ xây dựng có tuyến cáp treo đi vào vườn quốc gia này, Sun Group là người tiếp thu ý tưởng đó".

Ông Dựng chỉ rõ, tiến trình xây dựng tuyến cáp treo này hiện nay đang không minh bạch, tất cả mới chỉ dừng ở mức ý tưởng. Lấy ngay ví dụ sống, ông kể: "Tôi đã có 4 lần đi cáp treo ở Bà Nà, nên tôi rất hiểu cách làm của họ, đối với Bà Nà, tôi hoàn toàn phản đối, bởi toàn bộ hệ thống hành lang làm trụ cột, họ chặt hết rừng, bây giờ nhìn đúng là thảm cảnh, dù hiện nay họ đang trồng lại, nhưng làm sao nó nguyên trạng được, sắp tới đối với Phong Nha-Kẻ Bàng họ cũng sẽ làm như vậy". 

Du khách vào tham quan hang Sơn Đoòng
Du khách vào tham quan hang Sơn Đoòng

Giá trị lớn nhất của vườn quốc gia này so với các nước trên thế giới, ông Dựng cho biết: "Đó chính là khu rừng "bách xanh núi đá" chỉ có ở đây, toàn cầu không nơi nào có". 

Và bốn tiêu chí của Hội di sản tự nhiên: một là, quá trình phát triển địa chất, hai là cảnh quan, ba là đa dạng sinh thái, bốn là đa dạng sinh học, Phong Nha-Kẻ Bàng có thể đáp ứng tất cả các tiêu chí này, nên hãy giữ gìn nó một cách trân trọng. 

Tự bôi mỡ cho kiến đốt?

Trong khi các chuyên gia khác nhìn nhận, đưa ra nhận xét theo góc độ chuyên môn, thì GS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH‐TTDL lại đưa ra ý kiến khá chung chung: "Trong tay tôi chưa có đề án cụ thể, nhưng nếu đề án cụ thể mà ảnh hưởng đến di sản văn hóa thì tôi sẽ lắc đầu là chắc chắn. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ là khảo sát, thậm chí trong Luật cũng không có quy định nào cấm nghiên cứu, khảo sát". 

Việc hiện nay, theo ông Bài cần làm là phải tìm cách làm cho giá trị của di sản văn hóa thiên nhiên có vị trí trong đời sống xã hội. Hơn nữa, hiện nay, UNESCO không cản trở phát triển, miễn là dòng phát triển không gây ảnh hưởng đến di sản, nhưng không được làm suy giảm giá trị nổi bật cộng đồng của di sản ấy, vì điều đó mà di sản ấy được công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên Thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, ông Bài vẫn bày tỏ quan điểm: "Tôi không nói không nhưng cũng không nói được vì tôi chưa cầm trong tay dự án, nhưng chúng ta hãy thể hiện tình yêu với di sản văn hóa của quốc gia, chúng ta hãy cảnh báo những rủi ro cả về thiên nhiên, xã hội, để cho cơ quan doanh nghiệp nếu muốn làm nghiên cứu cũng phù hợp. Hơn nữa, đáng lẽ Quảng Bình nên giấu chuyện khảo sát, giờ chót khoe ra thì phải chịu, không khác nào bôi mỡ cho kiến đốt".

Trong khi, ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam lại có phát biểu dưới góc độ người làm du lịch. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi rất cần các nhà đầu tư, nhưng vấn đề đặt ra đầu tư thế nào có hiệu quả hay không? Tại vườn quốc gia ở Bruney, ở đây khi vào bên trong, tất cả hướng dẫn viên đều đi sau đoàn khách, không phải bảo vệ mà là rình ai vứt rác thì phạt, đuổi về không cho đi nữa.

Hay ngay tại các đảo của Hàn Quốc, cũng không được lượm hòn đá nào về, họ cho rằng đó là tài sản quốc gia, Việt Nam thì lại khác, mang cả núi đá về cũng được miễn có tiền. 
____________ 

Tễu: Mặc dù không tin là ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch sẽ thắng được đồng đô la Mỹ. Nhưng mình vẫn hy vọng mỏng manh là ông ta sẽ thắng! 

5 nhận xét :

  1. Đây không phải là cuộc đấu tranh giữa bảo tồn di sản và lợi ích kinh tế mà là giữa lợi ích của quốc gia và lợi ích nhóm.

    Trả lờiXóa
  2. Những thành tích của ông bộ trưởng đã được khẳng định trong phiên bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội hôm nay.

    Trả lờiXóa
  3. Cưỡng lại đồng đô . Xưa nay hiếm ! Đồng đo còn đánh đổ được cả đồng chí, đồng đội . BT Họ Hoàng nhằm gi nhò gì ?

    Trả lờiXóa
  4. Kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm làm ta có thể suy nghĩ tới một tình huống"trận đánh cuối" của ông HTA tương tự như kiểu ông Trần Văn Truyền.Không hiểu ông HTA có cô em gái kết nghĩa nào không?mọi người cùng để ý xem nhé

    Trả lờiXóa
  5. Cán bộ Tham Nhũnglúc 07:32 16 tháng 11, 2014

    "Đô-la, Đô-la, Đô-la... Người yêu dấu...
    Thấy nàng anh muốn ôm vào lòng..."

    Trả lờiXóa