Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Dự án Hải Vân: TỈNH THỪA THIÊN HUẾ HAY KHU CÁT CỨ ?

Dự án Hải Vân: Tỉnh Thừa Thiên Huế hay khu tự trị? 
Nguyễn Thái Nguyên  
Quê Choa


Cách nay vừa đúng một năm, ngày 24/10/2013, Ban quản lý khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Wold Shine” của Công ty Thế Diệu của Trung Quốc do ông Lu Wang Sheng, quốc tịch TQ  làm Tổng giám đốc, mặc dù trên danh nghĩa, đây là một công ty thành viên của một tập đoàn Hong Kong.

Trong suốt một năm qua kể từ khi Thừa thiên Huế cấp phép cho công ty Thế Diệu, đã có rất nhiều ý kiến phản đối gửi đến lãnh đạo đảng, nhà nước cũng như các ngành chức năng Trung ương. Gần đây thì cả báo chí của nhà nước và báo mạng đã có nhiều bài viết tỏ thái độ phản đối rất gay gắt việc cấp phép cho TQ đầu tư dự án này.

Chuyện gì đang xẩy ra nơi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”? (Chữ đề của vua Lê Thánh Tông trên Hải vân quan). 

1/ Rất nhiều người biết, có lẽ trừ một số lãnh đạo tỉnh Thừa thiên-Huế, đây là đèo đường bộ dài nhất (21 km) và cao nhất (496m so mực nước biển) của nước ta, án ngữ trên con đường quốc lộ 1A, cũng có nghĩa là điểm yết hầu có thể chia đôi đất nước một cách dễ dàng nếu nó nằm trong tay kẻ xâm lược một khi có giặc phương Bắc. Từ khu vực này có thể quan sát được một cách rõ ràng toàn cảnh TP Đà Nẵng,  cảng Tiên Sa, Bán đảo Sơn Trà và Cù Lao Chàm. Bởi thế mà vị trí địa lý này có ý nghĩa hết sức nhạy cảm về an ninh quốc phòng ngay cả  dưới thời của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa trước đây.

 Ngày nay câu chuyện còn mang một tầm quan trọng lớn hơn nữa khi Obama đưa ra chủ thuyết “xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương” thì Mỹ đã và đang xây dựng phòng tuyến quân sự nối liền từ Nhật bản về Đài Loan, Philippines đến Malaysia. Với 3 điểm đầu tư “dân sự” theo dáng dấp một căn cứ quân sự của Trung Quốc là Sân golf Trà Cổ (Quảng Ninh), Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Khu Nghỉ dưỡng du lịch Hải Vân thì TQ hoàn toàn có thể thoải mái theo dỗi mọi hoạt động của lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh ở khu vực biển Đông  (Đương nhiên họ không loại trừ Việt Nam).

Với ý nghĩa ấy thì TQ sẵn sàng bỏ ra nhiều trăm triệu đôla và sẵn sàng “đả thông” bất cứ khâu tắc nghẽn nào để được làm chủ những vị trí ấy. Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đánh giá công ty Thế Diệu có đủ khả năng tài chính cũng không sai vì trong mấy nghìn tỷ đôla dự trử của TQ, khó ai biết được có mấy trăm tỷ đã được chuyển vào Ngân hàng đầu tư quốc tế, một ngân hàng đặc biệt do Trung ương Đảng CSTQ quản lý để phục vụ cho các mục tiêu bành trướng ra thế giới dưới vỏ bọc các dự án kinh tế mà tôi đã giới thiệu sơ bộ về hoạt động của nó trong bài viết “Giấc mộng Trung Hoa” trước đây. Không lẽ các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế không hề hay biết gì về những ý đồ và những hành động bành trướng của Trung Quốc?

Với một vị trí như trên đèo Hải Vân mà bảo rằng bỏ ra ra 250 triệu đôla để đầu tư cho nghỉ dưỡng và du lịch thì bất cứ ai có chút hiểu biết về khu vực này đều không thể tin được, thế mà các ban ngành chức năng của tỉnh lại tin! Công ty Thế Diệu nói họ xây dựng một quần thể các biệt thự và có cả “Trung tâm hội nghị quốc tế” với hội trường mênh mông đủ chỗ cho 2000 đại biểu là những chuyện hoang đường trong giới kinh doanh. Không lẽ trong tương lai, họ tự tổ chức các hội nghị quốc tế ở đây?

Hãy nhìn xuống dưới chân đèo, cách vị trí Cửa Khẻm không xa đã có một khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm một tổ hợp 5 sao Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore). Tại dự án này có 255 biệt thự, 4 phòng họp và một hội trường dành cho hội nghị với 200 đại biểu. Cũng tại khu kinh tế này có 4 khách sạn khá lớn và hiện đại. Vậy thì hội nghị gì và những khách quốc tế nào đến đây hội nghị mà xây hội trường nhiều thế, to thế? Một ý đồ phi kinh tế, đầu tư bằng mọi giá, xoay xở bằng mọi cách để có được một thành phố tàu (China Town) trước mắt là trong thời hạn 50 năm trên đèo Hải Vân là rõ như ban ngày rồi, nhất là dự án do người “láng giềng tốt” đầu tư 100% vốn.

Bây giờ mời các bạn đến Vũng Áng quê tôi mà xem, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện vào cái thành phố tàu “tường cao hào sâu” theo đúng nghĩa đen của từ này. Ngay lãnh đạo tỉnh muốn vào cũng phải xin phép trước kia mà! Một Vũng Áng đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và chưa biết đến bao giờ mới gỡ ra được thì nay lại thêm Hải Vân. Đây cũng là những cửa ngõ quan trọng để ra biển của “Hành lang kinh tế Đông – Tây” và Trung Quốc đã “giúp” Lào làm đường cao tốc từ biên giới Bắc Lào xuống đến Nam Lào, ngang với khu vực Quảng trị đến Đà Nẵng mà từ đây sang Lào thì rất gần, càng thấy vị trí Hải Vân quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay.

Xin nhắc lại một chút, vào năm 2012, khi nhà thầu Trung Quốc Ralls Corp trúng thầu lắp đặt Tuốc-bin điện gió gần căn cứ Hải quân Mỹ ở Boardman thuộc Tiểu bang Oregen mà Tổng thống Obama đã phải ra lệnh ngăn chặn không cho các nhà thầu này làm vì lý do “giao dịch có thể làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ” (Báo CAND ngày 26/10/2012). Đây chỉ là các “công nhân” đến lắp máy rồi đi chứ không lập làng tại đó mà người Mỹ còn lo xa đến thế. Chúng ta thường tự hào đánh thắng hai đế quốc to, có đội ngũ cán bộ đảng viên đã tôi rèn qua hai cuộc chiến tranh lâu dài gian khổ, vậy mà chẳng lẽ bây giờ không còn nhớ tí gì những vấn đề liện quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia? 

2/ Dù biết đã có nhiều phản ứng từ các vị lão thành, các tướng lĩnh quân đội mà có nhiều vị đã từng vào sinh ra tử ngay vùng đất này thời chiến tranh chống Mỹ, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn khẳng định nhiều lần, ở nhiều nơi rằng tỉnh đã làm đúng theo quy hoạch được Thủ tướng duyệt, tỉnh đã làm đúng quy trình v.v..

Về “quy trình” thì không cần phải bàn vì ai cũng biết đất nước ta trong mấy năm gần đây đã có quá nhiều tai họa không nhỏ được “làm đúng quy trình” cả. Tôi xin nói thêm đôi điều về việc lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã “làm đúng” theo các văn bản nào của Thủ tướng Chính phủ?

Là người đã từng có cơ hội theo dõi quá trình khảo sát và xây dựng quy hoạch “Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô” từ lúc khởi thủy dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, qua thời Thủ tướng Phan Văn Khải và kéo dài sang đến thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên tôi cũng hiểu được ít nhiều câu chuyện về Chân Mây-Lăng Cô nó phức tạp đến thế nào. Nói như thế cũng để thấy rằng đây là một dự án có lẽ kéo dài nhất trong các dự án quy hoạch một khu kinh tế của Việt Nam, nhưng không phải vì những khó khăn về kỹ thuật mà vì những lình xình về ranh giới cho đến nay vẫn không giải quyết được. Ngày 10/10/2007 thì Thủ tướng Chính phủ mới có Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thay mặt Thủ tướng ký. (Theo sự hiểu biết của tôi thì đối với những dự án lớn, có tầm quan trọng như bản “Quy hoạch khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô” thường là Thủ tướng trực tiếp ký chứ không ủy quyền cho các phó. Có thể bây giờ có sự đổi mới gì chăng).

Dù có Quyết định phê duyệt của Thủ tướng, nhưng đây là bản quy hoạch về các “nhiệm vụ chung” chứ không phải phê duyệt một dự án nào trong khu kinh tế này. Khi giải thích những vấn đề liên quan đến dự án “Khu kinh tế quốc tế nghỉ dưỡng và du lịch Hải Vân”, nếu có các vị lãnh đạo Thừa Thiên Huế nào đó nói rằng “đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” là hoàn toàn sai  và rất thiếu trách nhiệm. Sự lập lờ như thế sẽ gây hiểu lầm rất không tốt trước công luận. Tôi còn ngờ rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ biết rất sơ qua, thậm chí không biết gì về dự án này. Vai trò của cấp phó và cách làm việc của nền hành chính không giống ai của Việt Nam rất có khả năng như thế!

Biết rằng có những vấn đề vướng mắc về ranh giới hai địa phương Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng (mà có những thời đoạn trước đây căng thẳng, nói như Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đương nhiệm “ như tranh chấp lãnh thổ quốc gia”!) nên từ năm 1997, VPCP đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo chặt chẽ các ngành chức năng của địa phương và chính quyền các quận huyện giáp ranh không thực hiện những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh khu vực này” (Thông báo số 6278/NC/97). Xây dựng khu kinh tế của tỉnh với các đối tác trong nước đã không được, huống hồ giao cho người nước ngoài đầu tư 100% vốn thì có lẽ các vị lãnh đạo tỉnh không nhớ có những văn bản chỉ đạo này của Thủ tướng.

Cần phải nêu lại ở đây một Quyết định khác của Thủ tướng chính phủ: Quyết định gần đây hơn, Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước” thì tại khu vực Cửa Khẻm được xác định là “đất địa hình loại 2”.  Phàm là lãnh đạo, nhất là những vị phụ trách các lĩnh vực liên quan đến đất đai phải biết nội dung quy định đối với loại đất này. Tư lệnh, Phó tư lệnh và các sĩ quan trung cao cấp trong bộ chỉ huy quân sự tỉnh càng biết rõ nội dung này hơn các công chức dân sự: Có thể sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nhưng không xây dựng các công trình kiên cố vĩnh cữu. Không được phép đầu tư những dự án “có yếu tố nước ngoài, kể cả Việt kiều” trên loại đất này. Chỉ có yếu tố nước ngoài thôi đã không được thì nói gì đến đầu tư 100% vốn nước ngoài!

Tôi chưa biết kết luận và đề xuất của Bộ Quốc phòng ra sao, nhưng cách hành xử của lãnh đạo Thừa Thiên Huế không phải đúng mà là rất sai, nếu không nói là đã có phần coi thường kỷ cương phép nước quá mức. Tất nhiên xử lý cách nào cũng có hậu quả nhưng không vì hậu quả về kinh tế mà để lại hậu quả an ninh quốc phòng quá lớn trong suốt 50 năm. Và ai biết trong 50 năm ấy, các ông chủ dự án này còn làm thêm những trò ma thuật nào nữa./. 

Tác giả gửi Quê Choa 
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả 

2 nhận xét :

  1. Dân nhìn vào là biết ngay dự án đèo Hải Vân thuộc loại dự án 'bán nước', những lý do đưa ra chứng minh quá chính xác rõ ràng. Nếu ông thủ tướng vẫn phê duyệt cho Tàu vào chiếm Hải Vân, dân sẽ coi Hiệp Ước Thành Đô không còn là tin đồn mà là điều có thực, và ông thủ tướng sẽ được coi là đồng thuận với Tàu lót đường cho chúng chiếm đất. Nếu Quốc hội và Bộ Quốc Phòng không ngăn chặn việc này, chứng tỏ họ cũng đồng thuận với giặc, không giữ nước nữa. Hãy chờ xem nhà nước và đảng chứng minh những lời tuyên bố yêu nước của họ ra sao. Để coi giữa 'phần trăm' và an ninh quốc gia các lãnh đạo cộng sản chọn điều gì?

    Trả lờiXóa
  2. Thượng bất chính hạ tất loạn.

    Trả lờiXóa