Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Trung Quốc: QUAN CHỨC TỰ TỬ CHẾT HÀNG LOẠT VÌ SỢ BỊ ĐIỀU TRA

Sợ bị điều tra tham nhũng, nhiều quan chức tự tử

Dân trí - Chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng ở Trung Quốc đang khiến tỉ lệ viên chức tự tử tăng cao hẳn vì lo sợ mất cả danh lẫn tiền. Song lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra quyết tâm đập ruồi đả hổ, theo đuổi "cuộc chiến một mất một còn này". 

 

Từ "hổ" đến "ruồi" đều "sống trong sợ hãi"

Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành hồi tháng 3.2013, đời sống chính trị và kinh tế Trung Quốc thay đổi rõ rệt. Chiến dịch này khiến hàng chục nghìn viên chức bị điều tra hoặc bỏ tù, ngày càng nhiều viên chức tự tử với mức tăng ít nhất 30% so với trung bình.

Gần đây nhất, ngày 14.9, một viên chức tự tử bằng cách gieo mình từ tầng 9 xuống. Đêm hôm trước, ông Đồng Học Cương đã bị các nhà điều tra về tham nhũng thẩm vấn liệu rằng có thể ông đã hối lộ để được thăng chức hay không. 12 tiếng đồng hồ sau, ông gia nhập danh sách thật dài những viên chức thà chọn cái chết thật nhanh còn hơn là sống cuộc sống nhục nhã trong tù.

Chính quyền ông Tập đã bỏ tù hàng nghìn viên chức và những người còn lại hiện rất lo sợ. Ông Cao Cần Vinh, phóng viên đầu tiên đưa tin về cái chết của ông Đồng Học Cương, cho hay các viên chức này sợ mất tài sản, danh tiếng của mình hơn sợ cái chết. Sơn Tây là tuyến đầu trong cuộc vận động chống tham nhũng của Trung Quốc. Nhưng chỉ đơn giản hối lộ đang là cách làm ăn của viên chức, quan chức tại đây. Vì thế, tất cả họ đang sống trong sợ hãi vì nỗi lo là người bị bắt kế tiếp.

Tính tới đầu tháng 10.2014, ít nhất 51 quan chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ bị "sờ gáy", trong đó nổi bật là các ông Chu Vĩnh Khang - nguyên Thường vụ Bộ Chính trị, Từ Tài Hậu - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Bạc Hy Lai - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thị trưởng thành phố Đại Liên,... Với chủ trương "đập cả hổ lẫn ruồi" của ông Tập, theo đó, 74.000 trong số 86 triệu Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc bị kỷ luật vì vi phạm các quy định về sinh hoạt, có lối sống xa hoa.

Ông Uông Hu Khải, chuyên gia về quản trị, cho hay không ai nghi ngờ về chính sách của ông Tập Cận Bình. Ông Tập nhắm vào cả các nhà lãnh đạo hàng đầu. Nó làm rúng động toàn bộ hệ thống và kết quả là ông Tập được sự ủng hộ rất lớn từ dân chúng.

Ông Tập Cận Bình coi cuộc chiến chống tham nhũng của ông là "cuộc chiến một mất một còn".

Không biếu quà, dự án không trôi

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã thay đổi dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2014 xuống còn 7,4%. Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một cuộc suy thoái đầu tư nước ngoài trực tiếp, giảm 6% trong tháng 7 vừa qua - mức giảm đầu tiên trong vòng 17 tháng.

Cuộc chiến chống tham nhũng còn tấn công vào các công ty đa quốc gia lớn như Microsoft, GlaxoSmithKline và Audi khiến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế có "độ giãn" nhất định.

Xu hướng này khiến không ít người Trung Quốc lo ngại liệu kinh tế có còn tăng trưởng mạnh? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thúc đẩy tiêu dùng, song chính quyền ông Tập lại đang "ra tay" đối với các ngành công nghiệp như hàng hóa cao cấp, khách sạn hạng sang, ôtô - những lĩnh vực thúc đẩy nền kinh tế.

Một nhà buôn bán bất động sản ẩn danh ở Sơn Tây cho biết mọi dự án bất động sản ở đây đều có đút lót. Nay, chiến dịch chống tham nhũng đã làm tê liệt cả hệ thống. "Người ít, người nhiều, nhưng tất cả đều tham nhũng. Và cả các doanh nhân đang làm ăn với họ cũng vậy. Nếu không biếu quà, thì dự án sẽ không trôi chảy", doanh nhân này cho hay.

BBC đặt ra câu hỏi: Vậy, làm sao hệ thống có thể chạy khi không cần đến "dầu bôi trơn"?

Tuy nhiên, Cheng Li - chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings - cho rằng tham nhũng làm méo mó nền kinh tế bằng cách bòn rút tiền khiến việc sử dụng nguồn vốn không đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, một cuộc chiến như thế này sẽ thực sự tốt "cho sức khỏe nền kinh tế" về lâu dài.

Theo Tân Hoa xã, chiến dịch này đã giảm tới 8,6 tỉ USD trong các chi phí công, loại bỏ hơn 160.000 "lao động ma", công chức kiểu "sáng cắp ô đi tối cắp về", chấm dứt việc sử dụng 115.000 xe công vào mục đích cá nhân. Chiến dịch cũng giảm được 25% các cuộc họp chính thức.

Ông Cheng Li cho biết thêm rằng cuộc chiến chống tham nhũng có thể là cần thiết, nhưng chưa đủ để giải quyết vấn đề sâu sắc hơn đang gây rắc rối cho nền kinh tế.

"Cải cách pháp lý và hệ thống chính trị rất quan trọng để mang lại thay đổi cơ bản đối với việc quản trị tốt ở Trung Quốc", ông Li nói.

Theo Thanh Huyền
Lao động

1 nhận xét :

  1. Vài con sâu lao đầu vào ngọn đèn chết không có nghĩa là họ diệt sâu bọ đã thành công. Phải làm sao đất ấy không sinh ra sâu và không thích hợp với sinh hoạt của sâu nữa mới được. Cái này thì người cộng sản đã làm từ lâu rồi nhưng làm ngược quy trình nên thất bại thảm hại. Họ đã cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, cách mạng văn hóa... Họ đã nghĩ ra một chế độ mới toanh, chưa có bao giờ và không giống ai: chủ nghĩa cộng sản. Họ đã đào tận gốc trốc tận rễ chế độ phong kiến và tư sản. Nhưng cái chế độ đang ngự trị của họ còn tồi tệ hơn các chế độ này nhiều lần. Tồi tệ ở chỗ họ chỉ nghĩ đến sự tồn vong của tổ chức mình chứ không nghĩ đến sự tồn vong của nhân dân - người đã sinh ra họ!

    Trả lờiXóa