Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

MẶT TRẬN PHẢN BIỆN VÀ PHẢN BIỆN MẶT TRẬN

Hữu Nguyên Blog

Lời dẫn của Hữu Nguyên: Bài viết sau đây của nhà báo bá Tân làm việc tại báo Đại đoàn kết, cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Bá Tân vẫn tin rằng MTTQ có khả năng giám sát, phản biện và cố gắng tìm cách lý giải sao cho khả năng này của MTTQ khả dĩ trở thành hiện thực.

Tuy vậy, không ít người đã nhận ra bản chất thật của tổ chức "cây kiểng vô duyên" này. Chừng nào mặt trận còn ăn lương chính quyền (thực chất là tiền thuế của dân), còn đội "vòng kim cô của đảng" thì mãi mãi không bao giờ có chuyện phản biện, giám sát đúng nghĩa.

Việc kêu gọi dân chúng giám sát mặt trận cũng chỉ là một chuyện nói mà chẳng làm được. Vì đơn giản hiện chẳng có cơ chế nào để cho dân giám sát mặt trận. Một số lãnh đạo mặt trận (điển hình như ông Vũ Trọng Kim - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký MTTQVN) mấy năm qua bị tố cáo liên tục chẳng có cấp nào giải quyết.
*
Mặt trận phản biện và phản biện mặt trận

Bá Tân

Phản biện là thuộc tính vốn có của con người. Xã hội càng dân chủ, tính phản biện càng được nâng cao.

Thể chế chính trị có quan hệ mật thiết với phản biện. Thể chế chính trị tiến bộ và văn minh, không những tôn trọng mà còn tạo điều kiện cho phản biện phát huy tác dụng. Ngược lại nếu thể chế chính trị thiếu dân chủ và chưa tiến bộ, hoạt động phản biện gặp đủ thứ rào cản, thậm chí những người tích cực phản biện còn bị gánh chịu tai họa.

Các tổ chức ( chính trị, xã hội, nghề nghiệp ) có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt, không trùng lặp, nhưng sự tồn tại cũng như tác dụng của nó đòi hỏi phải biết phản biện và được phản biện. Xã hội được gắn kết bằng các tổ chức, mặt trận tổ quốc nằm trong hệ thống tổ chức ấy, và đây là tổ chức thực hiện phản biện bao trùm trên nhiều lĩnh vực. Với mặt trận tổ quốc, thuộc tính phản biện được nâng lên trở thành đặc thù. Sự tồn tại cũng như tác dụng của mặt trận tổ quốc do “ sức sống” của tổ chức này quyết định, trong đó phản biện giữ vai trò cực kì quan trọng.

Những người làm công tác mặt trận, nhất là ở trung ương và cấp tỉnh, đòi hỏi phải biết phản biện và dám phản biện. Để biết phản biện và phản biện có hiệu quả, phải có năng lực chuyên môn để phân định đúng sai, xác định đúng nguyên nhân của vấn đề, đề xuất giải pháp giải quyết. Năng lực chuyên môn yếu, thật khó làm tốt công việc phản biện. Nói phải củ cải cũng nghe.
 
Để có lời nói phải, nhất là khi gặp những vấn đề hóc búa, cần sự hiểu biết tường tận và sâu rộng. 

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng, cán bộ mặt trận chỉ thuần túy làm phong trào, chạy theo bề nổi mang tính tức thời. Đành rằng có việc đó nhưng nếu chỉ có vậy, sẽ tự đánh mất vai trò phản biện. Kể cả khi thuần túy làm phong trào, người có năng lực chuyên môn sâu sẽ làm phong trào khác biệt so với người hiểu biết nông cạn.

Biết làm phản biện là cần nhưng chưa đủ. Hiệu quả, tác dụng của phản biện còn phụ thuộc dũng khí dám làm phản biện. Năng lực chuyên môn cùng với bản lĩnh chính trị là 2 vế quyết định hiệu quả, tác dụng của phản biện. Đòi hỏi cả 2 phải chuẩn mực mới có thể làm tốt phản biện. Nếu một trong hai bị sứt mẻ, phản biện không thể có được hiệu quả như mong muốn. Cán bộ mặt trận phải hội đủ 2 điều kiện, năng lực chuyên môn giỏi cùng với dũng khí bản lĩnh chính trị cao. Có năng lực nhưng thiếu dũng khí, bản lĩnh chính trị non yếu, dễ đưa ra những ý kiến à ơi, vô thưởng vô phạt, không phân định rạch ròi đúng với sai.

Mặt trận tổ quốc làm phản biện cả vi mô và vĩ mô. Không chỉ cày xới ở cấp vi mô, phản biện còn phải mổ xẻ những vấn đề mang tầm vĩ mô. Phản biện để góp phần hoạch định đúng chủ trương chính sách, đó là việc khó nhưng tác dụng cực kì to lớn.

Người làm phản biện phải như dũng sĩ trinh sát, đi trước dò đường để mở đường. Chủ động tham gia từ đầu để có những con đường đẹp và tốt. Không thể ngồi chờ để khi đường hỏng mới nhảy ra làm phản biện. Sự phát triển của xã hội, sự vững mạnh của chế độ, đòi hỏi mặt trận tổ quốc thực thi công việc phản biện. Cán bộ mặt trận phải là người biết làm phản biện và dám làm phản biện.

Mặt trận tổ quốc làm công việc phản biện nhưng mặt trận tổ quốc cũng là đối tượng cần được phản biện từ phía nhân dân và các tổ chức khác. Đây là đòi hỏi khách quan, phản ánh mối quan hệ gắn bó cùng phát triển. Phản biện chéo rất cần thiết, vừa ngăn chặn lạm dụng quyền lực vừa góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Mặt trận tổ quốc phản biện người khác. Đến lượt người khác phản biện mặt trận tổ quốc. Đó là lẽ thường tình, phải như vậy mới phù hợp quy luật phát triển của xã hội.

Mọi công dân không chỉ có quyền mà còn phải thực hiện trách nhiệm tham gia phản biện mặt trận tổ quốc. Người dân tham gia phản biện mặt trận để mặt trận tổ quốc làm tốt nhiệm vụ phản biện, đó là yêu cầu đồng thời cũng là mục tiêu. Đây đó đã có một số người dân đứng ra phản biện mặt trận tổ quốc, việc đó rất cần nhưng chưa trở thành phổ biến, thậm chí còn mang tính tự phát. Phải có chủ trương, phải kêu gọi người dân tham gia phản biện mặt trận tổ quốc.

Hiệu quả hoạt động của mặt trận tổ quốc sẽ cao hơn nếu thực hiện chủ trương người dân tham gia phản biện mặt trận tổ quốc. Trong sân nội bộ mặt trận các cấp cũng như khi hoạt động ở “ sân khách” , còn có những vấn đề của mặt trận rất cần sự phản biện của người dân và các tổ chức khác ( trong đó có báo chí ). Những tồn tại hạn chế của mặt trận các cấp có nhiều nguyên nhân, kể cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân người dân chưa tích cực tham gia phản biện mặt trận tổ quốc.

Độc đoán chuyên quyền tạo ra cái được tức thời cho cá nhân hoặc một bộ phận, nhưng gây ra mất mát to lớn và lâu dài cho xã hội và chế độ. Triệt bỏ căn bệnh độc đoán chuyên quyền không hề đơn giản, trở thành vấn đề ai thắng ai trong cuộc chiến tạo dựng xã hội dân chủ.

Phản biện xã hội nếu được thực hiện tốt, đúng với tác dụng của nó, trở thành phương thuốc hữu hiệu góp phần triệt bỏ căn bệnh độc đoán chuyên quyền, quan liêu, và kể cả lợi ích nhóm.

Tuyệt đối không được coi thường uy tín của cán bộ mặt trận khi thực thi nhiệm vụ phản biện. Chỉ có lời nói, cho dù nói hay, chưa thể tạo ra uy tín. Nói phải đi đôi với làm. Làm trước khi nói. Việc làm là cội nguồn quyết định uy tín. Nói một đường làm một nẻo. Nói nhưng không làm. Những ai như thế tuyệt nhiên không có uy tín.

Phản biện thế nào được, khi không có uy tín. Chẳng ai thèm nghe những người mất uy tín.

Không có uy tín là do chủ thể tự gây ra. Mất uy tín là thứ dịch bệnh phát từ trong ra.  Đừng ngụy biện. Đừng cho rằng mất uy tín là do người khác, do xã hội. Cùng môi trường xã hội, cùng đối tượng có quan hệ. Tại sao có những kẻ khoác trên mình chiếc áo uy tín rách nát và sặc mùi ô uế. Trong khi nhiều người vẫn cốt cách sáng ngời đầy uy tín.

Phải làm người trước khi làm nghề. Phải tạo đủ nguồn sáng bằng uy tín mới có thể soi rọi vào các ngóc ngách khi thực hiện phản biện.

Vị trí chỗ ngồi không tạo ra uy tín. Uy tín cao hay thấp phụ thuộc phẩm chất và năng lực chuyên môn. Khi phẩm chất và năng lực chuyên môn thật sự có đẳng cấp, cho dù bị kẻ xấu bâu vào xỉa xói, uy tín vẫn cứ sừng sửng hiên ngang. Công nghệ làm giả không khó, có những thứ giả mà như thật. Riêng làm giả uy tín thì kể cả người mù cũng nhận ra.

Người dân đang kì vọng mặt trận tổ quốc tạo bước tiến vượt bậc khi thực hiện nhiệm vụ phản biện. Cán bộ mặt trận phải hội đủ năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị để biết phản biện và dám phản biện.

Đông đảo người dân sát cánh cùng mặt trận tổ quốc các cấp tham gia công việc phản biện xã hội, đồng thời chính người dân tạo thành lực lượng xây dựng mặt trận thông qua hoạt động phản biện mặt trận tổ quốc các cấp.

Tác giả gởi bài tới blog HN

1 nhận xét :

  1. Đừng có mơ "toàn dân sát cánh cùng mặt trận" trong khi vẫn duy trì lối hành xử cũ kỹ , gò ép , độc đoán và ma giáo! Dân chúng tôi không tin !

    Trả lờiXóa