Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

PHẢN ĐỐI VIỆC LẤY TIỀN THUẾ CỦA DÂN ĐỂ CỨU NGÂN HÀNG!

Lấy tiền thuế của dân để cứu ngân hàng
 
Nam Nguyên
RFA

Sau nhiều lần khẳng định không lấy tiền thuế của dân đi cứu ngân hàng, Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo bất ngờ kiến nghị Quốc hội về việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.

Báo điện tử VnEconomy ngày 6/10/2014 đưa tin kiến nghị này được Chính phủ đề cập tại bản báo cáo dài 70 trang về tái cơ cấu nền kinh tế trong ba lĩnh vực trọng tâm. Bản báo cáo này hiện đang nằm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Giới chuyên gia phản đối

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, hiện sống và làm việc ở Hà Nội phản ứng khá mạnh mẽ đối với thông tin vừa nêu. Ông nói:

“Nếu tôi là đại biểu Quốc Hội tôi sẽ kịch liệt phản đối đề nghị ấy, không có lý do gì dùng ngân sách Nhà nước đi trả nợ xấu cho các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại Việt Nam ham vấn đề lợi nhuận lãi suất cao đã cho vay  không đúng tiêu chuẩn đầy rủi ro. Ngân hàng cứ cho nhau vay thay vì cho người khác vay. Tất cả những bất cập của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì không thể nào bắt dân chúng phải gánh chịu được.” 

 Theo sự ghi nhận chung nợ xấu ở Việt Nam là một con số mù mờ, được che dấu ngụy trang và ngay giới lãnh đạo nhà nước từ Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng cho tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những con số không khớp với nhau ở trong những thời điểm không cách xa nhau là mấy. Số liệu mới nhất được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ với Quốc hội vào cuối tháng 9 vừa qua thì tổng nợ xấu đã có lúc lên tới 500.000 tỷ đồng. Theo SaigonTimes Online, ông Thống đốc không đề cập đến thời điểm của số nợ này, tuy vậy theo lời ông đã có 240.000 tỷ đồng đã được xử lý cho đến nay. Được biết khoảng 70% nợ xấu thuộc về các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với chủ nợ chính các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Trong dịp trả lời chúng tôi Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từng nhận định:

“Nợ xấu của Việt Nam có rất nhiều việc đáng bàn. Ở đây thực chất là cục máu đông này cũng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Mặc dầu có thành lập công ty quản lý tài sản VAMC, nhưng công ty này thực chất mới chỉ là chỗ gom nợ lại thôi, còn để xử lý giải tỏa vấn đề này thì cũng chưa có hướng cụ thể….”

Thời báo Kinh tế Viet Nam đưa tin, trong buổi chất vấn chiều 29/9/2014 các Đại biểu Quốc hội đã xoay quanh các câu hỏi về vấn đề VAMC và hậu xử lý nợ, sau khi cơ chế này đã hoạt động một thời gian theo nguyên tắc không dùng vốn nhà nước. Theo tờ báo, sau khi chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình, một vị đại biểu nhận xét: “Cách xử lý nợ xấu hiện  nay còn xấu hơn cả nợ xấu.”

Trả lời chúng tôi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định về sự hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt  Nam VAMC. Ông nói:

 “VAMC chỉ là phương tiện để “quét nhà” thôi nghĩa là quét nhà giùm cho ngân hàng thương mại, quét nợ xấu của ngân hàng thương mại qua kho của VAMC và tạm thời để đấy thôi. Đồng thời VAMC trả cho ngân hàng thương mại đó bằng trái phiếu đặc biệt; với trái phiếu này ngân hàng thương mại đang bí thế không có tiền không thanh khoản vì nợ xấu nhiều, ngân hàng đem trái phiếu đặc biệt tới Ngân hàng Nhà nước để vay với tỷ lệ 70% vay tiền mới về để tiếp tục hoạt động. Đó không phải là giải pháp để giải quyết nợ xấu. VAMC gọi là mua nhưng không mua không trả tiền chỉ là trả trái phiếu ấy tạm thời thế thôi. Hơn nữa các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu gọi là đã bán cho VAMC và trong 5 năm ngân hàng thương mại đã bán phải có đủ tiền tự giải quyết nợ xấu ấy. Đây cũng không là phương pháp để giải quyết nợ xấu, cho nên giải pháp của VAMC không có gì khác hơn là tạm thời làm sạch các báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại dính vào trong nợ xấu, tạo điều kiện cho những ngân hàng thương mại yếu kém có thể tiếp tục làm việc.”

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:

“Nhà nước không muốn ngân hàng nào bị phá sản bị đổ vỡ hay bị xử lý, đấy là một chính sách mà đối với tôi hoàn toàn không hợp lý. Tại sao lại tạo điều kiện cho những ngân hàng yếu kém tiếp tục hoạt động để làm gì, trong khi đấy không giải quyết được vấn đề nợ xấu. Cho nên việc này nhà nước cần phải suy nghĩ cho kỹ để có giải pháp thật sự khả thi, giải pháp của VAMC chỉ là quét nhà dọn nợ xấu qua kho của VAMC và tạm thời để đấy thôi chứ không giải quyết vấn đề gì cả.”

VAMC  không hiệu quả

Cách xử lý nợ xấu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bằng giải pháp VAMC cho thấy không hiệu quả và  một cách làm chưa có nơi nào áp dụng. Để giải quyết cục máu đông của nền kinh tế, cũng có những ý kiến táo bạo và mới mẻ đối với Việt Nam. Thời báo Kinh tế Việt Nam trích lời ông Phạm Hải Âu, Phó tổng giám đốc Ngân hang Bưu điện Liên Việt nói xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng của các ngân hàng chẳng khác gì hình thức ngân hàng xé chỗ này đắp sang chỗ khác, việc này không giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu. Ông Phạm Hải Âu nhấn mạnh, xử lý nợ xấu dựa vào tư nhân và hãy đánh thức họ. Theo lời ông, Việt Nam có một lực lượng tư nhân lớn, có nguồn tiền mạnh và sạch. Khu vực tư cũng muốn tham gia mua bán nợ xấu trước hết vì lợi ích kinh doanh. Tuy vậy theo lời ông Phó tổng giám đốc Ngân hang Bưu điện Liên Việt, Việt Nam vướng mắc môi trường pháp lý liên quan cộng thêm vấn đề thủ tục hành chính.

Theo Vn Economy, ông Phạm Hải Âu đưa ra ví dụ rất đặc biệt cho trường hợp của Việt Nam, nôm na là phải tạo ra cái chợ. Người nào muốn vào thì phải biết cái chợ đó là bình đẳng, nhanh nhạy để mua bán tốt, được bảo vệ và hỗ trợ, chứ không phải vào rồi kiểu gì anh cũng chết. Ý kiến của ông Phạm Hải Âu trên VnEconomy cho thấy, khó thay đổi cả một hệ thống để đáp ứng việc xử lý nợ xấu trong một sớm  một chiều. Tuy nhiên Chính phủ có thể khoanh vùng từng lãnh vực để có thể chọn lọc những khoản nợ xấu bán ra thị trường. Theo lời ông Âu, cơ sở pháp lý của Việt Nam hiện nay có thể đảm bảo áp dụng cho những phạm vi nhỏ rồi mở rộng ra.

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, chuyên gia Bùi Kiến Thành có nhìn nhận khác về cách giải quyết nợ xấu và những ưu tiên cần làm. Ông nói:

“Cái ưu tiên không phải nợ xấu mà là làm sao cho doanh nghiệp phục hồi phát triển. Nếu doanh nghiệp phục hồi phát triển thì mới có tiền trả nợ, nợ bây giờ và nợ trước kia nợ xấu. Còn doanh nghiệp không phục hồi và phat triển được thì nợ trước cũng không trả được mà nợ nay và nợ sau này cũng không trả được. Các doanh nghiệp không phát triển thì ai trả nợ. Cho nên vấn đề đấy phải hiểu ai là người trả nợ, doanh nghiệp phải sống thì mới trả nợ được. Những nợ xấu cũ rồi tạm thời gác qua một bên, nhưng phải làm sao cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế mà mỗi năm hàng chục ngàn doanh nghiệp chết, mấy năm qua hàng trăm ngàn doanh nghiệp chết thì làm sao mà không có nợ xấu. Nếu nợ xấu đó mà còn do ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất gọi là lãi suất chết, không có doanh nghiệp nào có thể sống với lãi suất 15%-20% cả. Đó là cái lỗi của hệ thống ngân hàng thương mại và cũng là cái lỗi của nhà nước, lỗi của ban điều hành tiền tệ… cái đó rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Trở lại câu chuyện Chính phủ bất ngờ đề nghị dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước, mà chủ nợ chủ yếu là các ngân hàng thương mại quốc doanh. Trước đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được cho là cha đẻ của giải pháp VAMC xử lý nợ xấu không dùng tiền ngân sách, cũng không có tiền tươi thóc thật và cũng bị dư luận “ném đá” rất nhiều về tính bất khả thi. Hiện nay Ông Bình lại biện minh cho yêu cầu “tiền tươi thóc thật” và dẫn chứng là đa số các quốc gia trên thế giới đều sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu.

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam, một số vị chuyên gia kinh tế độc lập được tham vấn có chung phân tích rằng: “Nhiều nước chi ngân sách để xử lý nợ xấu, đây là điều được coi là khác với Việt Nam. Song doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cũng rất khác với doanh nghiệp ở các nước, đó là không phải “lời ăn lỗ chịu”, mà là “lời ăn lỗ dân chịu”.

6 nhận xét :

  1. 91% đại biểu quốc hội là thành viên của "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" (theo điều 4 hiến pháp), nên "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" muốn gì thì quốc hội sẽ thông qua. Vì thế, quốc hội là của "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội"!

    Trả lờiXóa
  2. Phải là đại gia, nhà giàu kếch sù mới mở được ngân hàng. Mấy năm trước ngân hàng ăn nên làm ra , có năm lãi suất cho vay hai mươi mấy phần trăm mà đơn xin vay vẫn xếp hàng. Rồi cơn lốc chứng khoán, bất động sản được ngân hàng tiếp sức cho vay ào ạt . Nào ngờ nhà đất đóng băng , tất cả thành nợ xấu vì người vay không thanh toán được. Ngân hàng có nguy cơ vở nợ.
    Thế mà vẫn có những quan lớn có mối quan hệ lợi ích nhóm, sân sau lên tiếng đòi lấy tiền thuế của dân để cứu các nhà giàu ngân hàng đang khốn khổ này. Quy luật thị trường, đạo đức kinh doanh các ngài để đâu? Dân nghèo không bao giờ đặt chân đến được ngân hàng của quý ngài vì vay là phải có thế chấp tài sản. Chỉ có đại gia bất động sản là đi đêm với các ngài. Nên bây giờ các ngài đại gia ngân hàng, bất đống sản hay chứng khoán có chết , có nghèo, có phá sản thì cũng là chuyện thường. Khi các ngài giàu thì các ngài cũng không nhường cơm sẻ áo thì nay lấy cớ gì lại bắt dân nghèo gánh vác cái thua lổ của các ngài.
    Nếu cộng sản có nghĩa là lấy của người nghèo chia cho nhà giàu thì có lẻ đây lại là hình thái mới của vô sản định hướng XHCN !

    Trả lờiXóa
  3. Làm thế có khác gì ăn cướp mồ hôi nước mắt của nhân dân

    Trả lờiXóa
  4. Người dân nghèo, doanh nghiệp thiếu vốn mới phải đi vay tiền ngân hàng, nhưng vay được tiền ngân hàng là cả một đoạn trường gian nan, trước hết là phải dắt cán bộ ngân hàng đi thẩm định tài sản (chi tiền lần 1), sau đó phải chờ làm thủ tục, hợp đồng, nếu muốn được vay nhanh thì phải chi tiền (chi tiền lần 2), sau khi có hợp đồng thì đi công chứng (chi tiền lần 3), công chứng xong thì phải đóng bảo hiểm (do cán bộ ngân hàng vận động nhưng như bắt buộc - chi tiền lần 4), khi được nhận tiền thì phải chi cho thủ quỹ (có một số thủ quỹ đòi tiền) và lại quả cho lãnh đạo ngân hàng, nếu không lần sau sẽ rất khó vay (chi tiền lần 5). Có thể nói chi tiền càng đậm hay nói cách khác là % chi lại cho lãnh đạo ngân hàng càng cao, thì có thể tài sản thế chấp được định càng cao (thậm chí một tài sản được thế chấp nhiều ngân hàng) và được vay càng nhiều tiền. Đó chính là nguyên nhân của nợ xấu, nguyên nhân của sụp đổ ngân hàng, cho nên thật vô lý khi đè đầu thằng dân để lấy tiền cứu ngân hàng - thật khổ cho dân ta quá.
    CON DÂN VIỆT

    Trả lờiXóa
  5. Thì cướp ngày mà!

    Trả lờiXóa
  6. Luật Ngân sách có điều khoản nào lấy tiền đóng thuế của dân ra cứu doanh nghiệp hay không? Khi lãi thì các doanh nghiệp này thưởng cho nhau, khi lỗ thì dân phải gánh. Như vậy có công bằng không? Quýt làm cam chịu à? Hỡi ông chủ Nhân dân! sao hào phóng vậy?

    Trả lờiXóa