Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Phùng Hoài Ngọc: KÝ ỨC MỜ NHẠT CCRĐ SỐNG DẬY NHỜ CUỘC TRƯNG BÀY Ở HN

Ký ức mờ nhạt CCRĐ sống dậy nhờ cuộc
triển lãm ở Hà Nội 2014

 Phùng Hoài Ngọc

Blog Giang Nam lãng tử


Bố mẹ tôi không cho con nhìn cảnh bắn người bi thảm

Năm ấy tôi khoảng 6 hay 7 tuổi, biết đi chăn bò phụ giúp gia đình rồi.

Tôi nhớ hôm ấy là ngày 5 tháng 5 âm lịch Tết Đoan ngọ, còn gọi “Tết giết sâu bọ” theo lối nói dân gian. Lũ trẻ chúng tôi chỉ biết thế vì nó liên quan đến ăn uống ngon lành, nhất là món rượu nếp tự chế (miền Nam gọi là cơm rượu) và trái cây như mận, dâu gia, hồng bì, nói chung loại trái cây chua chát. Trẻ con mỗi năm chỉ được ăn rượu nếp một lần vào ngày tết này nên tôi nhớ rất dai (miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời). Nhưng tôi còn có một kỷ niệm khủng khiếp cũng đáng nhớ vào cái ngày Đoan ngọ giết sâu bọ năm ấy.

Trưa hôm ấy nhà tôi quây quần ăn tết Đoan ngọ, tôi được ăn bữa rượu nếp thả cửa no say. Ăn uống xong, tôi sửa soạn dắt bò ra đồng đi chăn. Thầy mẹ tôi dặn đi dặn lại “con dắt bò lên cánh đồng ngược, trên ấy cỏ tốt hơn, nhớ nhá”. Mọi khi tôi thường đi chăn bò ở cánh đồng xuôi, còn gọi đồng màu, cỏ tươi tốt lắm, sao hôm nay thầy mẹ tôi lại dặn khác lạ như thế. Tôi mới khoảng 6,7 tuổi, chả nghĩ ngợi lâu gì nữa, dắt bò đi luôn. Ra khỏi ngõ xóm, thấy người làng gấp gáp đi về phía cánh đồng xuôi… phía ấy có tiếng loa điện ọ ẹ chạy máy nổ vang vang ra xa. Hơi say rượu nên tôi không chú ý gì mấy, tôi vẫn dắt bò đi chập choạng về phiá cánh đồng ngược theo lời bố mẹ dặn. Đến nơi tôi thả bò tự do ăn cỏ, kiếm chỗ bờ cỏ dày phẳng tôi ngả lưng và lim dim ngủ trong gió mát lộng. Trong mơ màng men rượu tôi nghe có mấy tiếng súng nổ đanh, văng vẳng, nhưng không đủ sức lay tôi dậy. ..

Khi trời sẩm tối, tôi đã ngủ no, gió lạnh, choàng thức giấc. Tôi vội dắt bò về nhà. Nghe thầy mẹ tôi hỏi “con chăn bò cánh đồng nào?”. Tôi nói “cánh đồng ngược”. Thầy mẹ tôi yên tâm thở phào. Tối hôm ấy tôi mới nghe người lớn nói chuyện buổi chiều Đội cải cách thi hành án xử bắn ông địa chủ V. và ông giáo K. ở cánh đồng xuôi. Họ xử bắn hai người vào buổi chiều, tức là “sau giờ Ngọ ba khắc” kiểu Trung Quốc, bởi đó là giờ âm, giúp cho tội nhân mau siêu thoát… Những ngày sau đó và những năm sau, tôi vẫn thi thoảng nghe người lớn nói lại chuyện xử bắn. Hôm ấy ông giáo K. đẩy được cái khăn bịt miệng và hô to”Đả đảo HCM, đả đảo…” thì một tên cán bộ bắn thẳng vào miệng ông…

Sau này tôi học tiểu học cùng với con trai của ông địa chủ phải lên đoạn đầu đài oan ức. Lên trung học tôi lại học cùng em gái của anh ấy. Người em gái học rất giỏi, sau này làm GV trung học môn toán.

Sau đây là ba câu chuyện hài hước mà chua chát của một thời điên đảo.

Hài hước 1

Sau CCRĐ, thầy tôi thỉnh thoảng cao hứng kể lại chuyện “đấu tố địa chủ” cho anh em tôi nghe (nhà tôi quen gọi bố là thầy).

Những ngày cán bộ Đội cải cách chuẩn bị đấu tố địa chủ V. của làng tôi. Tay đội trưởng vốn người xứ khác, đến nhà gọi thầy tôi dặn trước “ông phải vạch mặt cách đối xử tàn tệ của lão địa chủ V. hồi ông xây nhà cho hắn nhá”. Lạ thật, sao nó  là thằng ở xứ khác mới đến đây làm cải cách mà biết bố tôi làm thợ, từng sửa nhà cho ông V, láu cá thật!… Đêm ấy, trước sân đình đèn đuốc sáng lòe, khói đuốc tre nghi ngút, dân chúng nhốn nháo đứng ngồi xung quanh, một cái bàn vuông có Đội cải cách ngồi oai vệ, ông địa chủ V cóm róm ngơ ngác đứng giữa sân giữa cái vạch vôi trên sân. Anh đội cải cách trẻ măng gọi thầy tôi lên đấu tố địa chủ.
.
Đội cải cách – Nghe nói trước kia ông hay đến sửa chữa nhà cửa cho lão V. Lão ấy đối xử tàn tệ, bóc lột ông như thế nào, ông hãy kể cho bà con nghe đi.

Thầy tôi –  Vâng, tôi làm thợ xây, lâu lâu ông V. lại gọi tôi đến, đảo ngói, sửa chữa chỗ nọ chỗ kia….Khi làm thì có nước chè uống, đến trưa thì có cơm ăn, thêm be rượu nhỏ…

Đội cải cách (sốt ruột) – Lão V. đối xử với ông thế nào, có hành hạ gì không ?

Thầy tôi –  Không, ông V. đối xử cũng tử tế như nhà khác thôi.

Đội cải cách (bắt đầu nổi nóng) – Tử tế là tử tế thế nào, ông nói rõ ra ?

Thầy tôi – À vâng, khi tôi khát nước, tôi gọi nước, ông V. bưng chén nước đưa tận tay tôi. Khi thèm thuốc, tôi gọi, ông V. thông điếu, mồi thuốc, châm lửa cho tôi.

Đội cải cách (quát lên)- Ông nói láo ! Lão V. mà chịu bưng nước với hầu điếu đóm cho thợ thuyền như ông hay sao?

Thầy tôi – Vâng, tôi ngồi trên mái nhà. Nếu tự leo thang xuống đất rót nước uống thì mất thời gian, lại ngại mỏi chân, ông V. bảo tôi cứ ngồi trên đó, ông ta bưng ca nước leo lên đưa cho tôi. Khi thèm hút thuốc lào, tôi gọi, ông V. lại cầm điếu cày, nhồi thuốc, leo thang lên châm lửa cho tôi…Thế thôi mà.

Đám đông dân chúng làng tôi hiểu chuyện, rúc rích cười.  Ông V. cúi đầu xuống. Tay Đội cải cách lúng túng vì cháy kịch bản, vỗ bàn quát lên: “Thôi, ông đi xuống, người khác lên tố đi ”.

Thầy tôi từng bảo con cháu: “người Việt vốn không có thói tố điêu. Người học chữ thánh hiền càng không thể a dua (*) theo thời được”. (Nhà làm ruộng nhưng thầy tôi từng theo học chữ Nho ba năm với một cụ Tú trong vùng, thầy được cử làm “trưởng tràng” (tức lớp trưởng). Mãi sau này, hàng năm thầy tôi vẫn cùng vài bạn học làm giỗ cụ Tú, tôi biết thế là vì những lần giỗ ấy tôi được một nắm xôi với hai miếng thịt luộc kèm theo chú thích của bố: hôm nay giỗ cụ Tú con ạ).

Tôi là con của thầy tôi, có trách nhiệm phải kể lại câu chuyện này cho hậu thế.

Hài hước 2

Tôi còn nhớ bà Đồng Hậu người cùng xóm bị đấu tố là phú nông. Tên bà là Hậu, do bà mê tín thỉnh thoảng tổ chức cúng “lên đồng” cho người ta theo yêu cầu, nên dân chúng gọi luôn là bà đồng Hậu. Sau một buổi đấu tố ở sân đình, bao nhiêu ruộng đất, tài sản của bà bị tịch thu hết, chỉ bớt lại cho một căn nhà nhỏ để ở và một cái vườn cam. Khi tôi mới đi học tiểu học, thường gặp bà ấy gánh đôi quang thúng đựng rau quả, ớt tỏi, đi bán lẻ ở các chợ làng. Trẻ con xóm tôi, chả biết do ai dạy dỗ, mớm lời, lại bắt chước nhau, hễ gặp bà ấy là đưa tay trỏ thẳng vào mặt, gọi “này, mụ đồng Hậu kia”, bà ấy cười móm mém chào: “Dạ, ông đi chăn bò đấy ạ”, “Thưa ông, ông đi học đấy ạ”, hoặc “vâng, tôi là đồng Hậu đây, ông có gì dạy bảo ạ?”. Lũ trẻ con cười khoái chá, quay đi… Mãi sau lớn lên, chúng tôi mới biết kính trọng bà hơn, coi bà như người già cả bình thường trong làng. Lớn nữa, tôi vẫn không hiểu tại sao bọn trẻ con chúng tôi lại hỗn láo với bà Đồng Hậu một cách vô lý thế, ai đã dạy dỗ làm gương cho chúng tôi.

Hài hước 3

Nhiều năm nữa về sau, tôi đi học cao học ở Hà Nội, ở cùng dãy nhà tập thể với một anh bạn giảng viên từ Huế ra học nghiên cứu sinh. Anh nói với tôi về đề tài tiến sĩ đang viết “Quan điểm lý luận văn học của đồng chí Trường Chinh”. Tôi hỏi anh có biết ai là tổng chỉ huy cuộc CCRĐ khủng khiếp năm xưa không. Anh bảo người đó là  TBT Trường Chinh. Tôi đùa: sao anh không làm luận văn về tài năng chỉ đạo CCRĐ của ông ấy thì luận văn sẽ độc đáo và hấp dẫn hơn nhiều cái đề tài này. Anh nói “Làm rứa để uổng phí công sức ba năm đi học của tui hay sao, cha nội ?!”. ..Tôi còn biết rất nhiều luận văn tiến sĩ vô vị vô duyên khác nữa, tương tự như của anh bạn này. Chán quá!

Những chuyện bi hài ấy cắm sâu mãi trong ký ức của tôi. MỗiI khi có ai nhắc tới thì sống dậy.

Đoạn thơ này của Văn Cao gần đây đọc được trên mạng, khiến tôi lăn tăn:

Tôi sợ các em còn nhỏ quá
sẽ nhớ đến bao giờ?
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây ?”
     (Đồng chí của tôi)

Hóa ra tôi chính là một “em nhỏ” mà nhà thơ nhạc sĩ Văn Cao nghĩ tới trong bài thơ.

_________
Chú thích: (*) a dua: hồi  trước tôi tưởng thầy tôi nói chêm tiếng Tây, sau học lên mới biết a dua là chữ Hán 阿谀: “theo người khác tâng nốc nịnh hót, bợ đỡ để tỏ ra cùng vui hoặc kiếm chút lợi”.

P.H.N

5 nhận xét :

  1. Khi một chế độ có những lãnh đạo với tầm nhìn đầy tính "giai cấp" kiểu này
    Khi trẻ em "quan triệt chủ trương đường lối cách mạng" kiểu này
    Thì kế hoạch "trồng người trăm năm" sẽ đi về đâu ?

    Có phải chuẩn mực đạo đức và nhân bản cuả thế hệ CCRĐ nay đang được thể hiện ngay thời đại chúng ta bây giờ ? Hay là kết quả thảm khốc cuả luật nhân quả đang hoành hành trong xã hội VN ngày nay ???

    Trả lờiXóa
  2. Sau cái đợt triễn lãm CCRĐ nầy thì nhân chứng và tư liệu càng dồi dào phong phú hơn . Nếu không có cuộc triễn lãm đó thì chúng ta làm gì được biết nhiều đến thế . Cho nên cám ơn những ông đần độn và dại dột mở cuộc triễn lãm nầy.

    Trả lờiXóa
  3. Chính xác! Công dụng duy nhất của cuộc triễn lãm này chính là làm sống dậy những ký ức về thời CCRĐ 1946-1957 và kích thích những người trẻ tuổi lao vào tìm hiểu sự thật về CCRĐ ở Việt Nam cộng sản! Hehe, phản tác dụng nhé "Bưởi"!

    Trả lờiXóa
  4. Nghe lời kể của ông Phùng Hoài Ngọc, tôi lại nhớ lời kể của mẹ tôi, rằng trong ngày bắn địa chủ, thì một trong một điều mà đội CCRĐ bắt buộc là vợ con người bị giết phải có mặt để chứng kiến người thân của mình bị làm nhục và bị giết.
    Một thủ đoạn thâm độc khác là đội vận động chính người thân của địa chủ (cháu bắn chú) cho đích đáng.
    Có một điều đặc biệt là ở xã của tôi có 3 người bắn địa chủ thì sau đó cả ba người đều bị trời phạt trong đó có kẻ bị đui mắt, kẻ nằm liệt giường cả chục năm con cháu không ra gì.

    Trả lờiXóa
  5. Quen làm ăn cái kiểu tùy tiện tẩy xóa cắt dán rồi nên phải thế!

    Trả lờiXóa