Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Vụ kiện GS. Hưng: LUẬT SƯ ĐH TÔN ĐỨC THẮNG DỰA TRÊN LUẬN CỨ GÌ?


THỬ PHÂN TÍCH NỘI DUNG NHỮNG LUẬN CỨ VỤ KIỆN DỰA TRÊN 
TUYÊN BỐ CỦA LUẬT SƯ ĐH TÔN ĐỨC THẮNG

  .

GS Nguyễn Đăng Hưng

Blog Nguyễn Đăng Hưng


Mới đây trên báo mạng Dân Trí [1], luật sư Phạm Tất Thắng của ĐH Tôn Đức Thắng (LS TĐT) đã có những tuyên bố khơi khơi, những quy kết dễ dãi, những cáo buộc không chính xác nhưng công khai trước công luận. Một lần nữa, thay vì tôn trọng luật tố tụng, tôn trọng toá án, chờ ngày xét xử, ông Lê Vinh Danh (LVD) đã đi thêm một bước không hay về vụ kiện mà tôi là bị đơn. Trong bài này, tôi chỉ cố gắng phân tích từng đoạn thể hiện những cả quyết của LS TĐT, chỉ rõ những thiếu sót, suy diễn, quy kết mà tôi là nạn nhân. Tôi không muốn qua việc làm này, dư luận thiếu thông tin trung thực, sẽ dẫn tới những hiểu lầm đáng tiếc. 

Việc hình sự hoá sự việc tại Q7 nằm trong hành động nhất quán nay đã rõ: Bôi nhọ cá nhân một giáo sư, một nhà khoa học Việt kiều về Việt nam cống hiến, tôi xin đề cập ở chỗ khác.

Bài này tôi cũng lại viết theo thói quen khoa học của tôi: Trích dẫn rành mạch, phản bác mà không phản đòn, phản biện mà không suy diễn. 

Xin tuần tự theo dòng bài báo trên Dân Trí.

LS TĐT : 
Trong vụ kiện này, chúng ta đã đi quá xa khi bàn về tạp chí APJCEN. Xin nói rõ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (ĐH TĐT) không có ý định giành tạp chí. Trường chỉ đòi GS Nguyễn Đăng Hưng phải có trách nhiệm những cam kết với nhà trường. 

GS Nguyễn Đăng Hưng:
Tôi ghi nhận ở đây có thay đổi. Thật vậy, sau sự khẳng định minh bạch của Giám đốc truyền thông của NXB Springer trên Saigon Times [2], ĐH TĐT đã từ bỏ những đòi hỏi không chính đáng ban đầu: quyền chủ quản, quyền sáng lập và chỉ nói đến trách nhiệm về cam kết của tôi (NĐH) với nhà trường. Than ôi, cam kết nếu có nằm trong nội dung hợp đồng lao động đã được thanh lý ngày 1/4/2014 theo thoả thuận của đôi bên [3]. Mà khởi kiện về một hợp đồng đã thanh lý e rằng có vi phạm luật lao động.

Như vậy, từ dòng đầu của lời tuyên bố của LS TĐT, ta thấy ngay tính thiếu cơ sở gần như toàn bộ của nguyên đơn vụ kiện. Ta nên hiểu là sau khẳng định đanh thép của Springer, nội bộ HT Tôn Đức Thắng đã rúng động đành để LS Thắng lái vụ kiện theo hướng khác, có tí nội dung cần thiết để bôi nhọ đối tượng. Thật vậy theo hướng cũ đòi quyền sáng lập thì việc sẽ thua cả chì lẫn chài là điều không thể tránh khỏi.

Một điểm đáng lưu ý nữa là phát biểu của LS Phạm Tất Thắng cũng mâu thuẩn với nội dung đơn tố cáo của một LS khác của ĐH Tôn Đức Thắng, Luật sư Nguyễn Quốc Bảo:

Theo Dân Trí [6] luật sư Bảo đứng đơn tố cáo tại Q7 có nội dung:”Sau khi tạp chí ra đời, GS Hưng phủ nhận vai trò sáng lập của ĐH Tôn Đức Thắng, tự ý thỏa thuận để NXB Springer và Ban biên tập là nhà sáng lập song hành, Springer là chủ tạp chí.

Khi hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng yêu cầu trả tạp chí về đúng nghĩa như ban đầu trong đề án thì không được GS Hưng chấp thuận”.  Rõ ràng là ở đây có việc đòi quyền làm chủ APJEN. Ta có thể tự hỏi tại sao đơn tố cáo tại Q7 và nguyên đơn khởi kiện tại Q9 lại có nội dung trái ngươc nhau như vậy. Cũng xin lưu ý là trong đơn tố cáo cũng có mâu thuẫn tự tại khó hiểu. Làm gì có việc tạp chí ra đời trước văn bản thoả thuận?

Chúng ta hãy kiên nhẫn vào xem thêm các chi tiết khác trong bài phỏng vấn Luật sư Phạm Tất Thắng.

LS TĐT: 
Qua đánh giá của Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì GS Hưng đã không đạt yêu cầu các việc đã giao, nhất là công việc thứ 4 – thành lập tạp chí. 

GS Nguyễn Đăng Hưng:
Trước nhất, việc đánh giá công việc của tôi phải qua một hội đồng nghiêm túc, không thể là những quyết định phiến diện của ông Hiệu trưởng. Cũng xin lưu ý theo thông lệ, thành viên hội đồng phải bao gồm những nhân sự có học hàm học vị ít ra ngang hàng với đối tượng.

Thêm nữa, cái lạ lùng ở đây là vị luật sư trường TĐT, qua lời đáp này đã nói lấy được, phủ nhận  sạch trơn những cố gắng của cá nhân tôi trong công tác tư vấn cho nhà trường.

Là luật sư chẳng nhẽ ông không hiểu là hợp đồng mà tôi đã ký với ĐH TĐT là một hợp đồng cố vấn cấp cao. Mà cố vấn là không bao gồm phần thực hiện. Tôi chỉ có nhiệm vụ vạch ra hướng giải quyết, soạn thảo dự án, chỉ bảo cách lựa chọn. Tôi sẽ dành cho toà án những chứng có cần thiết: văn kiện soạn thảo các dự án cao học cho ĐH TĐT, đề cương tổ chức, diễn văn ngày tốt nghiệp…

Phần thực hiện là vấn đề của nhà trường.

Trên thực tế tôi không phải thường xuyên có mặt tại văn phòng, chỉ xuất hiện khi cần. Ai cũng biết là giáo sư tác nghiệp lâu năm tại  Châu Âu, gần hai mươi năm đề xướng các trung tâm đào tạo cao học quốc tế tại các trường ĐH Bách Khoa Tp HCM và Hà Nội, với vai trò cố vấn cao cấp tôi đã đem lại gì cho thương hiệu ĐH TĐT.

Riêng ở điểm 4 về việc thành lập tạp chí, luật sư TĐT đã không tôn trọng sự thật hiển nhiên. Làm sao bảo không đạt khi APJCEN, một tạp chí xuất bản dưới dạng cập nhập trực tuyến (online access), đang hiển thị trên mạng, một trong những tạp chí của nhà xuất bản danh tiếng toàn cầu Springer.

Chỉ có ông Lê Vinh Danh đã không đạt yêu cầu khi đã đòi đưa ĐH TĐT lên làm cơ quan chủ quản, là người sáng lập, những đòi hỏi phi lý đi ngược lại với hợp đồng sáng lập [2]. Xin nhắc lại đây khẳng định của ông Renate Bayaz, Giám đốc truyền thông của NXB Springer trên Saigon Times [3] :
  1. Chủ sở hữu của tạp chí Asian-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN) do GS Nguyễn Đăng Hưng làm Tổng biên tập và chủ nhân chính thức là nhà xuất bản Springer.
  2. Trong hợp đồng thành lập tạp chí này, trường Đại học Tôn Đức Thắng không hề được nhắc đến.

Ở đây, toát ra cách ứng xử lạ lùng của ông LVD!

Phủ nhận hết khi mình không được thoả mãn. Ít ra, với tư cách một nhà giáo, ông phải thừa nhận vai trò hữu ích của APJCEN trong bối cảnh hiện tại của nước nhà: Cần tạo điều kiện để các nghiên cứu sinh Việt Nam công bố ra quốc tế những cống hiến khoa học của mình. Quậy phá trên diễn đàn BBT, liên can thiệp trực tiếp qua e-mail, điện thoại, viết thư trách cứ ĐH Việt Đức, là những hành động không hay, có thể tác hại đến sinh mệnh tờ báo. Cũng may là không cơ quan nào tỏ ra nao núng trước những hành động thiếu suy nghỉ của ông Lê Vinh Danh.

LS TĐT: 
Ông Hưng không chỉ xúc phạm một cá nhân là ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng mà còn xúc phạm cả một tập thể là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ông Danh là người được bổ nhiệm hiệu trưởng đúng quy trình của Bộ GD&ĐT, vậy mà ông Hưng nói ông Danh học tập quá thấp. Ông nói vậy, không chỉ ảnh hưởng cho nhà trường mà còn ảnh hưởng đến sinh viên của nhà trường, ảnh hưởng uy tín cả hệ thống giáo dục của trường. 

GS Nguyễn Đăng Hưng:
LS trường TĐT đã cố tình chụp mũ, quy kết tôi trước công luận. Xin hỏi tôi xúc phạm “cả một tập thể trường ĐT TĐT” ở chỗ nào? Còn khi nói tôi chê ông LVD “học tập quá thấp” mà chẳng thấy chỉ rõ ở đâu thì đây chỉ là một sự phỉ báng trắng trợn?  LS này còn suy diễn đầy ác ý: “không chỉ ảnh hưởng cho nhà trường mà còn ảnh hưởng đến sinh viên của nhà trường, ảnh hưởng uy tín cả hệ thống giáo dục của trường”.

LS TĐT: 
Ông Hưng nói trường đột nhập email để nói xấu ông. Xác định có hay không thì ông Hưng có thể nhờ cơ quan điều tra can thiệp, bảo vệ ông. Ông phải có trách nhiệm dẫn chứng ra các tài liệu để phản bác nếu nhà trường có đột nhập email ông. 

GS Nguyễn Đăng Hưng: 
Một lần nữa LS của ông LVD thêm mắm muối vào lời tôi nói để quy kết tôi. Thật vậy, ngày 30/4/2014, hành động ông LVD như đã lấy danh sách e-mail của Tổng Biên Tập (TBT) APJCEN trực tiếp gởi thư điện tử cho “bạn và đồng nghiệp”, là những nhà khoa học tiếng tăm quốc tế, với mục đích chính là nói xấu TBT. Hành động là có thật bị các nhà khoa học lên tiếng phản đối. Sự việc này có gần 60 nhà khoa học làm nhân chứng, có cả các đại diện nhà xuất bản Springer nhận được!

Sử dụng một bản địa chỉ của nguyên cố vấn cao cấp của mình mà không xin phép trước là hành động gì đây?

Việc này không cần gì phải điều tra, thư nói xấu tôi là bằng chứng hiển nhiên kho6ngte63 chối cải!

LS TĐT: 
Trường ĐH Tôn Đức Thắng không ý định giành tạp chí. Chỉ kiện đòi ông Hưng phải có trách nhiệm những gì đã cam kết với nhà trường, mặc dù trong dự án thành lập tạp chí của ĐH Tôn Đức Thắng gửi nhà xuất bản Springer có ghi cơ quan chủ quản là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Không thể phủ nhận có nhân lực của ĐH Tôn Đức Thắng trong việc liên hệ với nhà xuất bản Springer. 

GS Nguyễn Đăng Hưng:
Tôi có bao giờ phủ nhận sự hỗ trợ của một trợ lý trong công việc lập danh sách các nhà khoa học sau khi họ gởi thư điện tử cho người đề xướng APJCEN, liên lạc với nhà xuất bản khi hồ sơ đã đầy đủ. LS của ông LVD đã cố tình quan trọng hoá “nhân lực” này.

LS ông LVD còn nhấn mạnh đến hồ sơ dự án có ghi ĐH TĐT là cơ quan đề xuất (không thể chủ quản cái chưa có!). Nhưng thật phi lý, có đời nào vì hồ sơ thỉnh nguyện sự ủng hộ của đối tác có ghi ở trên đơn cơ quan đề xuất (TĐT), cơ quan mà TBT tập tương lai đang tại chức,  là bắt đối tác (nhà xuất bản Springer) phải chấp nhận chủ sản phẩm (APJCEN) là TĐT? Chẳng nhẽ LS_LVD quên mất là Springer đã đầu tư 100% cho tạp chí APJCEN và quyền làm chủ đương nhiên là của họ. Hơn nữa, ta nên biết là tạp chí chuyên ngành họ cần các chuyên gia. Họ đã chỉ có thể chọn BBT mà tôi là đại diện, là đối tác thực thụ hữu ích cho tương lai tờ báo. Vì thế ĐH TĐT đã không phải ký hợp đồng sáng lập. Vì vậy, ĐH TĐT chỉ giữ vai trò là người song hành của TBT mà thôi!

Chính vì sự ngộ nhận trường kỳ này (tôi kiên nhẫn thuyết phục gần 1 năm mà vẫn không chịu nghe) mà cơ sự đổ vỡ!

LS TĐT: 
Khi hai bên chấm dứt hợp đồng, lẽ ra mọi chuyện đã êm xuôi. Nhưng khi trường phát giác ra việc ông Hưng gửi những thông tin không chuẩn mực liên quan đến trường thì trường mới khởi kiện. 

GS Nguyễn Đăng Hưng:
Ở đây, có sự nhầm lẫn về diễn tiến của những hành động của ông LVD. Thật thế, sau khi phản ứng quá mức như sử dụng trái phép bản địa chỉ của TBT APJCEN, viết thư cho toàn ban biên tập gồm các nhà khoa học khả kính trên thới giới với nội dung cố tình xúc phạm tôi tóm tắt như sau:
  1. Tôi đặt vấn đề về đạo đức và tính trung thực của TBT NĐH
  2. Tôi không chắc là ông NĐH có bằng Tiến sỹ đặc biệt như đã nhắc đến trong lý lịch khoa học!

Rồi thất bại vì các nhà khoa học chẳng những coi thường nội dung trên, mà còn khẳng định sự tín nhiệm đối với TBT. Tiếp theo, ông LVD đã cử đại diện (phó phòng tổ chức TĐT) qua những thư điện tử khác, tấn công trực tiếp các nhà khoa học đã đứng ra bênh vực TBT. Tức nước vỡ bờ, các nhà khoa học, các giáo sư đại học khả kính của các trường danh tiếng thế giới đã đồng loạt phẩn nộ gởi e-mail phản đối . Sau đây là đoạn trích của một e-mail tiêu biểu [4]: 

“Dear All,

As a matter of fact “special PhD” (“These de doctorat special” in French) is a title that only very few people among PhD, and even among Academics, obtain in Belgium.

I can testify that Prof. Nguyen Dang Hung DID receive this title from the University of Liege, Belgium, on October 22, 1984 (Manuscript ISSN0075-9333, Collection des publications de la Faculte des Sciences appliquees N° 98).

This fact seemed to be ignored by the Authorities of Ton Duc Thang University when they started to write against Prof. Nguyen Dang Hung and this appears to be very clumsy.

Criticizing without knowing is not the way I want to teach and educate my own students.

I also have full trust and undivided confidence in Prof. Nguyen Dang Hung and will stand by my opinion”.  Prof. Philippe Ponthot

(Tạm dịch: Về vấn đề luận án tiến sỹ đặc biệt. học hàm mà rất hiếm những tiến sỹ ngay cả những học vị hàn lâm gặt hái được.

Tôi có thể làm chứng rằng GS Nguyễn Đăng Hưng đã nhận được học hàm này tại ĐH Liège ngày 22 tháng 10 năm 1984 (bản thảo số ISSN0075-9333, xuất bản ở “Collection des publications de la Faculte des Sciences appliqués” số 98).

Hình như lãnh đạo ĐH TĐT không biết gì về sự kiện này nên viết thư hại GS Nguyễn Đăng Hưng một cách rất vụng về.

Chỉ trích không hiểu biết không phải là cách mà chúng tôi muốn dạy dỗ đào tạo sinh viên chúng tôi.

Tôi cũng có sự tín nhiệm trọn vẹn, lòng tin không phân chia được đối với GS Nguyễn Đăng Hưng và tôi khẳng định ý kiến này). 

Chính sau khi thất bại đợt tấn công có hệ thống này mà ông LVD (đã không có một lời xin lỗi kẻ bị hại trước các nhà khoa học thế giới) rút về thực hiện một đợt đánh phá khác tại Việt Nam, đó là đưa đơn kiện tại quận 9 và đơn tố cáo tại công an quận 7.

LS TĐT: 
Xin nói thêm rằng, chính ông Hưng nói trên mạng là ra tờ báo cho ĐH Tôn Đức Thắng. Ngay số đầu tiên ông Hưng cảm ơn nhà trường và treo logo Trường ĐH Tôn Đức Thắng trên trang bìa của tờ báo. 

GS Nguyễn Đăng Hưng:
Tôi ghi nhận ở đây LS TĐT thừa nhận trong bài xã luận số báo đầu tiên APJCEN, tôi đã trung thực cám ơn sự khuyến khích ngay buổi đầu và cũng làm hết sức để sự tham gia của trường này được cụ thể hoá trên mạng: Logo của ĐH TĐT đã được hiển thị trên trang bìa của APJCEN trong thời gian gần một năm.

LS TĐT: 
Lẽ ra phải ngồi lại với nhau để làm việc chứ không phải tự nhiên gỡ logo ĐH Tôn Đức Thắng xuống rồi đưa logo của ĐH Việt Đức lên. Tôi không biết việc tự ý treo logo này đúng hay không đúng với vị trí của một Tổng biên tập nhưng ông Hưng đang bội ước. 

GS Nguyễn Đăng Hưng:
Sau ngày thanh lý hợp đồng (1/4/2014), mọi cộng tác với ĐH TĐT chấm dứt, tạp chí APJCEN không còn liên quan gì đến ĐH TĐT nữa. TBT đã thực thi quyền hạn và nhiệm vụ của mình, cơ cấu lại khâu tổ chức, bảo toàn sự phát triển hài hoà của tạp chí, lập ban thư ký mới gồm các giảng viên nguyên là học trò cũ của TBT, đặt địa chỉ ban điều hành tại ĐH Việt Đức. Giám đốc trường này đã vui vẻ đón nhận đề nghị này mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào. Việc đưa LOGO ĐH Việt Đức lên APJCEN là quyết định TBT tập và nhà xuất bản Springer, hai nhà sáng lập hợp pháp của APJCEN.

LS TĐT: 
Trường ĐH Tôn Đức Thắng xác định, cả 4 việc, ông Hưng chưa làm được điều gì cả. Đây là hợp đồng kết quả chứ không phải hợp đồng phương tiện. Vì ông Hưng vi phạm các cam kết nên trường phải đòi hết những khoản tiền mà ông Hưng đã nhận. 

GS Nguyễn Đăng Hưng:
Thế nào là hợp đồng kết quả, thế nào là hợp đồng phương tiện ? Tôi e rằng sự suy diễn này là một biện pháp quy kết, biến hợp đồng lao động của tôi thành cái bẫy.

Thực chất, như tôi đã xác định ở trên, đây chỉ là hợp đồng tư vấn giữa cố vấn cao cấp (một giáo sư đại học đã về hưu) và hiệu trường TĐT. Đã là tư vấn thì phần thực hiện là của nhà trường. Thực hiện việc nghiên cứu khoa học cần nghiên cứu sinh chất lượng, không thể thực hiện một sớm một chiều. Kết quả nghiên cứu không thể mua được mà cần dày công đào tạo và thời gian lao động.  Phần tôi, tôi sẽ dành cho toà án, các chứng cứ: văn bản dự án, đề cương sự việc, văn bản tham luận mà tôi đã thực hiện trong thời gian tại chức cố vấn từ cuối năm 2012 cho đến 1/4/2014.

Đánh giá khơi khơi và phiến diện trước công luận tôi “không đạt yêu cầu” cũng là một hành vi miệt thị đơn phương có mục đích duy nhất ngày càng tỏ rõ: xâm phạm uy tín của tôi.

Ngoài ra ở đây LS TĐT lại đề cập đến hợp đồng lao động của tôi, một hợp đồng đã được thanh lý theo thoả thuận có văn bản của đôi bên. Chẳng nhẽ LS TĐT không rõ là đi kiện về nội dung một hợp đồng đã thanh lý là vi phạm luật lao động?

Trên thực tế hành động này còn mang một tội danh khác là tội bội ước. Thật vậy, trên thoả thuận chấm dứt hợp đồng tôi đã nghi rõ [3]: KHÔNG CÓ GÌ PHẢI BÀN GIAO VÀ TRÁCH NHIỆM LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG VIỆC TÔI PHỤ TRÁCH. 

GS Nguyễn Đăng Hưng 
Tp HCM ngày 21/8/2014
____________

Thư mục 
[1] Luật sư: GS Nguyễn Đăng Hưng phải có trách nhiệm với ĐH Tôn Đức Thắng
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/luat-su-gs-nguyen-dang-hung-phai-co-trach-nhiem-voi-dh-ton-duc-thang-932379.htm
[2] Lập trường của Springer về APJCEN
[3] Thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động TĐT-NĐH 
http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/thoa-thuan-nghi-viêc.jpg
[4] Hợp đồng sáng lập APJCEN  TBT-Springer
[5] E-mail phản đối của 3 nhà khoaho5c quốc tế.

3 nhận xét :

  1. Cung cách của GS NĐH rất ung dung, tự tin. Còn bên kia HT LVD và Ls của ông ta có vẻ hung hăng tức tối , bộc lộ nhưng nhược điểm vừa háo danh vừa kém tầm .

    Trả lờiXóa
  2. Tôn Nữ Thị Ninh rồi tới Nguyễn Đăng Hưng cũng chỉ là những vị quá độ của LVD thôi. Hết giá trị PR cho ông ta thì cố vấn cao bằng mấy cũng đập cho bỏ ghét.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là Gs có đẳng cấp! Rất đúng phong cách thực thụ.

    Trả lờiXóa