Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

HÔM NAY KỶ NIỆM 109 NĂM, NGÀY SINH CỤ NGUYỄN HỮU ĐANG

NGUYỄN HỮU ĐANG - MỘT CUỘC ĐỜI, MỘT TẤN BI KỊCH LỚN
Nhân kỷ niệm 109 năm ngày sinh Nguyễn Hữu Đang  
(15/8/1913-15/8/2022) 

Thưa chư vị, ngày 15.8.2022, 109 năm ngày sinh của Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang (1913-2007). Ông là một nhà báo, một trong những người sáng lập nên Hội truyền Bá Quốc ngữ, là thứ trưởng Bộ Thanh Niên và là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân. Ông cũng bị kết án 15 năm tù trong vụ án Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.

Nguyễn Hữu Đang là một người cương trực, thẳng thắn, một nhà hoạt động chính trị, văn hoá nổi tiếng và là một nhân cách lớn. Mặc dù bị oan khuất gần 30 năm, nhưng trong những tác phẩm của ông, người ta không thấy sự oán giận mà chỉ thấy sự khoan dung, nhân hậu, lòng tin vào tương lai của đất nước, dân tộc. (Theo Wikipedia)

Nguyễn Hữu Đang là một ông tiên bị đày xuống trần gian đầy cực nhọc trong khoảng gần 100 năm mà một số người trong chúng ta may mắn hạnh ngộ. Tưởng nhớ Ông, xin thắp nén tâm hương bái vọng và trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Lê Thọ Bình để chia sẻ cùng chư vị.  - Lâm Khang chủ nhân.
____________________

Nguyễn Hữu Đang: một bi kịch lớn 

Lê Thọ Bình 

Đang nắm giữ những chức vụ và đảm nhiệm những công việc rất quan trọng của chính quyền: Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Thanh niên, được giao nhiệm vụ tổ chức ngày Lễ Độc lập (2-9), ông như con đại bàng đang bay cao. Nhưng rồi cái tư tưởng phóng khoáng, tự do của một chú đại bàng “hoang dã” muốn đưa đồng loại của mình tới khoảng trời bay nhảy tự do đã khiến ông rơi từ “trời cao” xuống vực thẳm, để lại cho nhân gian những câu chuyện thật đau lòng bằng một vụ án văn chương mà người ta gọi là “Nhân văn Giai phẩm”.

Vâng, ông là Nguyễn Hữu Đang, người được coi là “Lãnh tụ tinh thần” của “Nhân văn Giai phẩm”. 

Hành trình bài bút ký 

Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Hữu Đang là mùa hè năm 1993, khi ông vừa lên Hà Nội cư trú sau gần 20 năm bị quản thúc tại Thái Bình, quê ông.

Hôm ấy tôi đang làm việc ở Văn phòng cơ quan thì một cụ già vận chiếc quần bộ đội bạc phếch, áo sơ mi cộc tay trắng đã ố vàng bỏ ngoài quần, đi dép cao su 3 quai, đầu đội chiếc mũ lá tuềnh toàng. Tôi đã nghĩ “Lại cụ nông dân đi kiện về đất đai” và chào ông. Ông cởi chiếc mũ lá. Đầu trọc lốc. Ông không chào, cũng chẳng đáp lời tôi, hỏi cộc lốc: “Các ông có biết tôi là ai không?”. Tôi lắc đầu. Ông nhăn mặt: “Tôi là Nguyễn Hữu Đang vừa ở tù 15 năm và quản thúc 20 năm đây!”. Tôi hết sức ngạc nhiên. Không, phải nói là sửng sốt thì đúng hơn. Nguyễn Hữu Đang, Lãnh tụ tinh thần của “Nhân văn Giai phẩm” đây sao!

Thú thực, ban đầu tôi không thực sự ấn tượng vì cách nói chuyện theo kiểu không đầu không cuối của ông. Đầu hơi cúi gằm. Thỉnh thoảng lại lấm lét ngước mắt lên nhìn người nghe. Tuy nhiên, ông lại có chất giọng hào sảng, âm thanh rất vang. Cuối buổi trò chuyện ông rút trong chiếc bị cói ra tập bản thảo bút ký 15 trang giấy viết tay kể về “Tổ chức Ngày Lễ Độc lập năm 1945”. Nét chữ của ông nắn nót, tròn, đều tăm tắp. Tôi cảm ơn ông và hứa sẽ tìm cách đăng cho ông.

Tôi đã kỳ công biên tập ngắn gọn lại thành một bài viết 1.500 chữ và gửi cho báo Tuổi trẻ Chủ nhật (nay là Tuổi trẻ cuối tuần) để đăng nhân dịp Quốc khánh, 2-9. Tuổi trẻ trả lời không đăng được. Tôi đã gửi đi tới cả chục báo, tạp chí như Đại đoàn kết, Lao động, Phụ nữ TP.HCM, tạp chí Thế giới mới, Kiến thức ngày nay… nhưng tiếc rằng không báo nào “dám đăng”.

Đó là điều mà tôi đã tiên liệu trước: Ai dám đăng bài viết mà tác giả của nó là “Lãnh tụ tinh thần” của Nhóm “Nhân văn Giai phẩm”. Tuy nghĩ là vậy, nhưng tôi vẫn hy vọng vào lòng quả cảm của một Tổng biên tập nào đó, vì thực ra ngay từ năm 1989 ông đã được "phục hồi", năm 1990 đã được trả lương hưu và năm 1993 đã được về sống tại Thủ đô.

Tôi như người “mắc nợ” với ông, mặc dù khi đưa tập bản thảo cho tôi ông đã bảo: “May ra có Tuổi trẻ dám đăng”. Sau đấy năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh tôi lại gửi đến một vài báo khác nhau. Và vẫn câu trả lời: “Không đăng được”. Tôi luôn nặng trĩu trong lòng và vì “món nợ” ấy mà đã nhiều năm liền không dám tìm gặp ông.

6 năm sau, năm 1999, tôi về làm việc tại Báo Nông thôn ngày nay. Vì là người được chị Mai Nhung, Tổng biên tập giao nhiệm vụ Tòa soạn, biên tập, duyệt đăng bài, nên tôi đã bê nguyên xi bản thảo ông Đang viết đăng 4 kỳ ở chân trang. Sau khi báo phát hành nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Thậm chí ông Vũ Duy Thông, lúc ấy là Vụ trưởng báo chí Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) biểu dương. Thì ra lâu nay toàn sợ bóng sợ gió cả.

Phần vì bận nhiều công việc, phần không tìm được ra nhà ông Nguyễn Hữu Đang, nên tôi đã không chuyển nhuận bút bài báo cho ông được. Mãi tới năm 2004 tôi mới tìm ra được căn hộ ông ở tít mãi tận Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lúc ấy còn rất hoang vắng. Như vậy là sau 6 năm, kể từ khi ông đưa cho tôi, bài Bút ký mới được đăng và sau 5 năm nữa món nhuận bút mới được chuyển đến tay ông. 

Ở căn hộ khu tập thể Nghĩa Đô 

Sau nhiều lần tìm kiếm rồi cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra nơi ông ở. Tôi và nhà báo Lương Thị Bích Ngọc chui qua cầu thang ẩm ướt, tối mò, lên tầng 2 dãy nhà Tập thể Bột mì (Nghĩa Đô) gõ cửa nhà ông. Chừng 5 phút sau ông Đang ra mở cửa. Căn phòng nhỏ, bộn bề, đặc mùi ẩm mốc. Ông đã bước sang tuổi 90, cơm nước phải nhờ đến một người cháu tới giúp, song những hoạt động trí tuệ thì ai có thể thay thế được cho con người vốn có tinh thần độc lập từ xưa – kể từ khi ông bị thực dân Pháp bắt tra tấn và suýt đưa ra tòa lúc còn là vị thành niên?

Ngồi ở chiếc bàn nhỏ vừa để ăn vừa để đọc sách của ông, nhìn quanh trên tường và trên bàn có nhiều tấm ảnh chân dung chắc chắn là rất thân thiết với ông; và đập ngay vào mắt chúng tôi là tấm ảnh lịch sử: Lễ đài Ba Đình 2-9-1945 được cho vào khung ảnh cẩn thận kê ngay ngắn trên một chiếc vỏ hộp bánh quy. Chiếc bàn kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn lấm bụi, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ để lăn lóc.

Cuộc đời có thể tước đoạt của ông nhiều thứ song không thể tước đi quyền tự hào là người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc lập ở Ba Đình, và tới năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ.

Nhìn ông, ai có thể tin rằng: Sau mười lăm năm tù đày, ở tuổi 63, ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc - nhái - chuột - rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình… Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh.

Thấy mấy cuốn sách, vài ba tờ báo vứt lỏng chỏng trên bàn, trên giường, tôi hỏi ông: “Lâu nay bác vẫn nhận được sách báo đều chứ ạ?”. Ông không nói gì, chậm chạp, run rẩy đứng dậy khỏi giường, chậm rãi bước tới cái giá sách nhỏ ở góc nhà lục tìm cái gì đó. Nhìn dáng ông đi liêu xiêu, mảng lưng hở qua chiếc áo bở tã đến thê thảm. Ông lúi húi bên giá sách cạnh tấm ảnh đen trắng Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng! Ông Đang không hề để ý tới việc khách mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông. Ông rời giá sách trên tay cầm theo cuốn sách dày cộp. Ông giở bìa cuốn từ điển Bách khoa Petit Larousse in năm 2.000 ra, chỉ tay vào trang đầu tiên có chữ nắn nót của ông: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″. Rồi ông vội vã mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. Tôi hỏi ông: “100 trang sách đã bị xé. Ai đã xé những trang này hở bác?”. Ông thở dài: “Còn ai vào đây nữa!”. Ông nói nhỏ dường như chỉ để cho mình ông nghe: “Những người có trách nhiệm kiểm soát trước khi chuyển nó đến cho tôi. Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!”.

Câu cuối ông nói ra vừa có gì giễu cợt lại vừa đượm nước mắt. Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác – kể cả với những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có, vậy mà đã nó diễn ra thường xuyên như thứ một tập quán ghê sợ! 

Nguyễn Hữu Đang: ông là ai? 

Nguyễn Hữu Đang sinh ngày 15/8/1913 tại làng Trà Vy, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Theo bản "Tóm tắt quá trình hoạt động xã hội của Nguyễn Hữu Đang" do chính tay ông viết thì năm mười sáu tuổi, ông tham gia Học sinh hội (tổ chức thuộc Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, rồi Đông dương Cộng sản đảng), làm tổ trưởng Hội này. Ngay từ năm 1929 Nguyễn Hữu Đang đã là đối tượng được kết nạp vào đảng. Cuối năm 1930, ông bị bắt, bị tra tấn và bị giam 2 tháng rưỡi tại nhà lao thị xã Thái Bình. Mùa hè năm 1931, bị đưa ra toà, nhưng vì tuổi vị thành niên (trên giấy tờ, ông rút tuổi, khai sinh năm 1916), cho nên chỉ bị quản thúc tại quê nhà. Từ 1932 đến 1936, Nguyễn Hữu Đang theo học Trường Sư phạm Hà Nội.

 Thủ bút Nguyễn Hữu Đang. Nguồn: Diễn Đàn.org

Năm 1937-1939 ông tham gia Mặt trận dân chủ Đông Dương. Biên tập các báo của Mặt trận như Thời báo (cùng Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Kính), Ngày mới (cùng Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Đức Kính) và các báo của Đảng Cộng sản như Tin tức (cùng Trần Huy Liệu, Phan Bôi), Đời nay (cùng Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh, Trần Huy Liệu).

Từ 1938 đến 1945, Nguyễn Hữu Đang hoạt động trong Hội Truyền bá Quốc ngữ, ở các vị trí: Uỷ viên Ban trị sự Trung ương, Huấn luyện viên Trung ương, Trưởng ban Dạy học, Trưởng Ban Cổ động, Phó trưởng Ban Liên lạc các chi nhánh tỉnh.

Năm 1943 Nguyễn Hữu Đang gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, bắt đầu liên lạc mật thiết với Tổng bí thư Trường Chinh và Thành ủy Hà Nội, nhưng vẫn chưa được chính thức kết nạp vào Đảng.

Năm 1943-46 ông tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hoá Cứu quốc, tiếp tục hoạt động chống nạn mù chữ. Mùa thu năm 1944 bị Pháp bắt ở Hà Nội và bị giam một tháng tại Nam Định. Được ra, lại tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 8-1945 ông tham dự Đại hội Tân Trào, được bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc. Tham gia Chính phủ lâm thời mở rộng, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Truyên truyền. Đồng thời cũng trong năm đó ông được Hồ Chí Minh cử làm Trưởng ban Tổ chức Ngày lễ tuyên bố độc lập 2-9-1945.

Từ tháng 10-1945 đến tháng 12-1946 ông giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban vận động Mặt trận văn hoá. Tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội.

Từ tháng 12-1946 đến tháng 3-1948 ông làm Trưởng Ban Tuyên truyền xung phong trung ương.

Năm 1947, ông chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ tháng 4-1948, đến tháng 4-49, ông phụ trách báo Toàn dân kháng chiến, cơ quan trung ương của Mặt Trận Liên Việt.

Từ tháng 7-1949 đến tháng 10-1954 Nguyễn Hữu Đang làm Trưởng ban Thanh tra Nha Bình dân học vụ. Từ tháng 11-1954 đến tháng 4-1958 ông tổ chức và biên tập báo Văn Nghệ. Cuối năm 1956 đầu năm 1957 Nguyễn Hữu Đang tổ chức, lãnh đạo và biên tập báo Nhân văn, giúp đỡ tập san Giai phẩm. 

Phong trào “Nhân văn Giai phẩm” 

Nguyễn Hữu Đang chính thức tham gia hoạt động phong trào Nhân văn Giai phẩm từ tháng 9-1956, với sự ra đời của báo Nhân văn số 1 (20-9-1956). Báo Nhân văn ra được 5 số và đến số thứ 6 chưa kịp phát hành đã bị đình bản (tháng 12-1956).

Trong thời gian tổ chức và tham gia phong trào “Nhân văn Giai phẩm”, Nguyễn Hữu Đang tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày (từ ngày 8-8 đến 26-8-1956) và trong ngày cuối cùng, ông đã đọc một bài tham luận "nảy lửa" chỉ trích những sai lầm trong công tác lãnh đạo văn nghệ. Trương Tửu đánh giá bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang là "sự việc thực là cụ thể, lời lẽ thực là tha thiết". Hoàng Cầm cho rằng tinh thần nêu những thắc mắc, có từ kháng chiến, tích tụ lại và bùng nổ lên trong lớp học này.

Nhà văn Lê Đạt sau này kể lại: "Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều, trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi (Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn nghệ – VN) rằng: "Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai phẩm Mùa xuân nó làm".

Còn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại không khí lớp học 18 ngày, trong nhật ký của mình như sau: "Nguyễn Hữu Đang nổi lên. Tiếc rằng kéo anh ta về văn nghệ để làm rầy rà mình. Chính người chửi mình nhất là Nguyễn Hữu Đang". Những bực mình và dằn vặt của Nguyễn Huy Tưởng, càng làm rõ tấm lòng và nhân cách của ông: Mặc dù không đồng ý với Nguyễn Hữu Đang, bị Đang chỉ trích nặng nề, nhưng sau này, ông là người duy nhất trong Ban lãnh đạo văn nghệ đã đứng ra bênh vực Nhân văn, như Lê Đạt từng thuật lại và ông cũng ghi trong nhật ký: “đã phản ảnh lên Trường Chinh về vụ Nhân văn, nhưng vô hiệu”.

Về phía buộc tội, Nguyễn Hữu Đang được coi là lãnh tụ, "đầu sỏ". Mạnh Phú Tư viết: “Người ta không thấy tên tuổi Nguyễn Hữu Đang trên những số đầu báo Nhân văn, nhưng chính hắn là linh hồn của tờ báo. Thông qua tờ báo Nhân văn, hắn đã trở thành một thứ lãnh tụ của một bọn người cơ hội, có âm mưu chính trị... ".

Thực vậy, là người làm chính trị, Nguyễn Hữu Đang, với tài tổ chức và hùng biện trong lớp học 18 ngày, ông đã chiếm được lòng tin của giới trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến. Ông nắm lấy cơ hội, đứng ra tổ chức “Nhân văn Giai phẩm” với những người bạn cùng chí hướng từ trong kháng chiến như Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo, Lê Đạt, Hoàng Cầm… chủ trương tạp chí “Giai phẩm mùa xuân”.

Tuy không có nhiều bài ký tên thật, nhưng dấu ấn của Nguyễn Hữu Đang trên báo Nhân văn là hết sức đậm nét bằng hàng loạt bài phỏng vấn các tên tuổi lớn như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ về vấn đề dân chủ.

Sau này Nguyễn Hữu Đang nói: “Thực chất phong trào “Nhân văn Giai phẩm”, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống, không phải chống đảng cộng sản, mà là chống chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Statline và chủ nghĩa Mao đưa đến nhiều hiện tượng cực quyền toàn trị. Nó gay gắt ghê lắm! Chúng ta đã phạm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, rồi thì Chỉnh huấn, Chấn chỉnh tổ chức, Ðăng ký hộ khẩu, v.v. Tất cả những chính sách quá tả đó là đều từ phương Bắc xâm nhập vào Việt Nam”.

Tháng 4-1958 Nguyễn Hữu Đang bị bắt. Ngày 19-1-1960, ông bị đưa ra toà cùng với Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại, và Lê Nguyên Chí.

Sau này Nguyễn Hữu Đang nhớ lại: “Ở trước tòa án thì tôi nhận mấy điểm như thế này: (1). Tôi có phạm kỷ luật của Ðảng và của nhà nước về phương diện tuyên truyền. (2). Trong việc làm của tôi, cũng có những vụ sai sót. Anh em cũng như tôi thôi, thế nhưng tôi gánh trách nhiệm nặng hơn. (3). Ðộng cơ thì nhất định là tốt: Chúng tôi chỉ vì dân, vì nước mà tin rằng việc mình làm có ích nước lợi dân cho nên làm thôi”.

Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên: Nguyễn Hữu Đang và Thụy An: 15 năm phạt giam và 5 năm mất quyền công dân sau khi ra tù; Minh Đức: 10 năm phạt giam và 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại: 6 năm phạt giam và 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí: 5 năm phạt giam và 3 năm mất quyền công dân.

Sau này có lần Nguyễn Hữu Đang nói: “Ra tòa tôi nhận hết, chứ tôi không bào chữa, không cãi cọ gì nhiều cả. Thậm chí là sau khi bị kết án 15 năm tù tôi cũng không có ký chống án gì cả. Từ bấy giờ đến nay tôi cũng không viết một cái đơn nào để thanh minh, phân trần, xin xỏ, khoan hồng hay là nọ kia. Không! Cái việc đó không!”. 

Có thật là Nguyễn Hữu Đang tìm cách trốn vào Nam? 

Thông tin thời bấy giờ và cả sau này nữa đều cho rằng Nguyễn Hữu Đang bị bắt khi ông đang trên đường trốn vào Nam. Tuy nhiên sự thật có phải như vậy không? Chúng ta hãy nghe chính Nguyễn Hữu Đang sau này kể lại: “Tôi muốn ra nước ngoài, chứ không phải vào Nam, nhưng tôi đã đặt điều kiện: Nếu các anh giúp tôi đi ra một nước khác, tôi chấp nhận, nhưng vào Nam thì tôi từ chối, vì như thế hàm chứa cái ý phản bội, chạy sang phe địch, phe thù. Đó là một sự nhục nhã. Vào Nam? – Để làm gì chứ? Vào Nam làm gì với Ngô Đình Diệm? Nhưng tôi thực sự muốn ra nước ngoài – tôi đã nói thẳng với Trường Chinh trong một cuộc gặp giữa ông ấy và tôi. Câu hỏi thứ nhất mà Trường Chinh vừa cười vừa đặt ra cho tôi là: “Hả, sao kia, anh đã tuyên bố với các đồng chí rằng anh muốn ra nước ngoài, vì không khí trong nước nghẹt thở quá. Vậy là anh muốn ra nước ngoài, nhưng đến một nước trong phe xã hội chủ nghĩa hay phe đế quốc, anh nói tôi nghe”. Ông ta cười. Lúc đó tôi vừa cười vừa trả lời: “Tôi rất muốn ra nước ngoài, một nước trong phe xã hội chủ nghĩa nếu điều kiện cho phép. Nhưng nếu vì những khó khăn buộc tôi phải đến một nước theo chế độ tư bản, tôi có thể chấp nhận. Bằng chứng là Hồ Chí Minh đã cư trú ở Pháp, và ông đã giữ được lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, và tôi có thể làm như ông ấy. Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm như Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc là một nhà cách mạng, tôi cũng là nhà cách mạng. Nguyễn Ái Quốc là một người cộng sản, tôi cũng là cộng sản. Nguyễn Ái Quốc có lòng dũng cảm, tôi cũng có lòng dũng cảm. Tôi không sợ cư trú dài hay ngắn hơn trong một nước tư bản”. Thế là người ta đã sửa soạn… Người bạn đã khuyên tôi nên ra nước ngoài đã nhận lời giúp tôi đến được một nước khác. Anh ấy đã hứa, nhưng chuyến đi đã không được thực hiện. Vậy là tôi lỡ một dịp đi đến một nước khác. Nhưng để tô vẽ bản cáo trạng, người ta đã đưa vào câu tôi muốn vào Nam. Khi đó tôi trả lời toà án: “Không, tôi không muốn vào Nam; tôi muốn đi ra nước ngoài”. Và người ta hỏi tôi: “Nhưng ở nước ngoài anh sẽ làm gì?” – “Đấu tranh cho thống nhất, thống nhất hai miền; ở nước ngoài tôi sẽ tiếp tục đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước, thống nhất hai miền Bắc Nam”. Nghe lời tuyên bố ấy, cử toạ… – phiên tòa bao gồm những người ủng hộ Chính phủ, quần chúng của Đảng, đảng viên, những cán bộ của nhiều tổ chức và hoạt động khác nhau đều phản nhân văn – họ phá lên cười nhạo cái ý định đấu tranh cho thống nhất đất nước của tôi. Trong chuyến đi rời đất nước ra nước ngoài, tôi muốn thăm Ấn Độ và Nam Tư của Tito, tôi tin ở Nehru và Tito. Tôi rất muốn gặp họ và xin họ lời khuyên để đấu tranh cho nước Việt Nam bị chia cắt, để Việt Nam được thống nhất và độc lập. Tôi muốn gặp Tito và Nehru…”.

Sau này, khi ra tù, Nguyễn Hữu Đang cho biết: “ Khi Hiệp nghị Paris trả lại tự do cho tôi, tôi đã viết thư cho gia đình – người ta cho phép tôi viết thư cho gia đình để báo tin tôi được trả tự do. Lúc ấy cả gia đình tôi kinh ngạc, cả gia đình tôi hoàn toàn sửng sốt: “Ôi, kìa, anh Đang còn sống, thế mà chúng ta cứ tưởng anh đã chết lâu rồi”. 

Mối tình bi thương 

Sẽ là không vẹn toàn nếu nói về cuộc đời đầy bi kịch của Nguyễn Hữu Đang mà không nhắc tới mối tình đầy lãng mạn, nhưng cũng không kém phần bi thương của ông.

Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang 32 tuổi. Ở cái tuổi “tam thập nhi lập”, lẽ thường đã phải yên bề gia thất, nhưng ông vẫn độc thân sau những năm tháng mải mê với những công việc xã hội.

Trong đống bản thảo mà Nguyễn Hữu Đang để lại có một bản mà giấy đã ngả màu vàng, gần như đã bắt đầu mục nát, không hiểu ông viết vào thời gian nào, ông đã kể lại mối tình đầu với một thiếu nữ Hà Nội tên là Huyền Nhiên: “Năm ấy mới 19 tuổi là con một gia đình thương nghiệp trung lưu sống theo nền nếp cổ truyền, chưa học hết bậc thành chung, phong cách thùy mị... không thích đua đòi”.

Ông viết: “Đối với tôi lúc ấy, sắc đẹp là tất cả, biết bấy nhiêu về Nhiên đã là thừa. Không cần biết gì về Nhiên mới đúng. Có ai lại ngớ ngẩn chỉ chú ý đến tài năng, đạo đức, học vấn, gia sản, lý lịch Hằng Nga, Tiên nữ bao giờ?... Theo lòng mình, tôi kính trọng Huyền Nhiên tới mức yêu nhau nửa năm trời tôi chưa từng dám chạm vào thân thể Huyền Nhiên, dù chỉ cầm tay cũng đã coi là xúc phạm, còn nói chi đến ôm hôn”... Hồi ức còn viết rất nhiều, bằng những lời lẽ mà chỉ đọc vẫn nhận ra tình cảm rất nồng nàn của người viết sau nửa thế kỷ đầy những truân chuyên.

Cuối cùng, vị Thứ trưởng Bộ Thanh niên cũng quyết định phải thổ lộ với người mình yêu bằng việc tặng cho Huyền Nhiên tiên nữ một chiếc vòng tay bằng bạc như một giao ước kết hôn. Nàng đã đặt chiếc vòng cầu hôn vào hộp, nói những lời cam kết là sẽ yêu chàng suốt đời, sẽ đến lúc thành hôn, sẽ chung sống với nhau trọn đời... Người đẹp chỉ có một yêu cầu: “Em chỉ ước ao được đến gặp cụ Hồ, được đứng gần cụ. Mà anh thì đến chỗ cụ luôn, anh cho em đến chỗ cụ Hồ một lần, chỉ một lần thôi”.

Tuy công việc khiến vị Thứ trưởng Thanh niên có cơ hội gặp Cụ Hồ, nhưng ông cũng e ngại vì không muốn lẫn lộn việc công tư. Nhưng tình yêu đã giúp ông thực hiện được một cách mỹ mãn ý nguyện của người mình yêu.

Có một nhà tư sản yêu nước ở tỉnh Bắc Giang tên là Ngô Tiến Cảnh mà ông từng quen biết trong thời kỳ tham gia chống thất học, lúc bấy giờ đang làm Chủ tịch cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Cuộc vận động này từng được cụ Hồ phát động nhằm cung cấp trang phục cho lực lượng vũ trang cách mạng mới thành lập còn nhiều thiếu thốn. Cuộc vận động đã làm được một vạn chiếc áo trấn thủ. Ông Cảnh muốn được gặp cụ Hồ để báo cáo tình hình và trao tặng tượng trưng tấm áo cho Người.

Nhà tư sản nhờ ông Nguyễn Hữu Đang đề đạt và cụ Hồ tỏ lòng sẵn sàng tiếp một đoàn đại biểu “Mùa đông binh sĩ”. Ông Đang bàn với ông Cảnh những nghi thức của buổi tiếp, để thêm phần trang trọng khi tặng áo cho Hồ Chủ tịch sẽ có một thiếu nữ bưng một cái khay trên đó đặt tấm áo được trao. Ông Đang hứa sẽ tìm người giúp ông Cảnh làm công việc này và đương nhiên người đó chính là cô thiếu nữ Hà thành đang mong ước được gặp cụ Hồ. Nhất cử lưỡng tiện.

Cuộc gặp được Nguyễn Hữu Đang kể lại trong bản thảo hồi ký của mình như sau: “Tới ngày giờ hẹn, tôi dùng xe hơi đưa Nhiên đến trụ sở “Mùa đông binh sĩ” rồi đến Bắc Bộ phủ. Cụ Hồ ra phòng khách lớn tiếp đoàn đại biểu trong đó có cả Huyền Nhiên đứng cạnh ông Cảnh, tay bưng sẵn chiếc khay trên đó có một chiếc áo trấn thủ. Ông Cảnh nói đến câu “Xin kính biếu Chủ tịch tấm áo trấn thủ đầu tiên may được” thì Nhiên bước nhanh đến sát cụ Hồ, khay nâng ngang mặt cung kính. Cụ cầm áo xem xét kỹ, khen “Tốt lắm!”, rồi đưa cho Vũ Đình Huỳnh giữ. Cụ nói chuyện với đoàn đại biểu có vẻ tự nhiên, cởi mở. Rồi như thường lệ, cụ không quên cử chỉ quan tâm đến người con gái vừa dâng áo, hãy còn cầm khay đứng đó. Cụ đặt bàn tay lên đầu Nhiên vỗ vỗ nhẹ mái tóc, nói dịu dàng: “Cháu mang đến cho Bác áo chống rét, quà quý của Ủy ban Mùa đông binh sĩ, Bác cảm ơn cháu. Cháu sẽ rủ các bạn của cháu cùng với cháu giúp các chiến sĩ bộ đội nhiều hơn giúp Bác, đem lại cho họ những món quà tỏ tình thương yêu của đồng bào. Cháu làm được không?”. Tất cả mọi người có mặt đều đổ dồn sự chú ý vào Nhiên và chờ cô đáp lại. Phần vì cảm động quá, phần vì chẳng biết trả lời thế nào, Nhiên e lệ cúi mặt nói yếu ớt tiếng run run như sắp khóc “Vâng”. Cụ cười độ lượng, khuyên nhủ ngọt ngào: “Phụ nữ thời cách mạng phải mạnh bạo. Có mạnh bạo mới đấu tranh được”...

Ít lâu sau, chiến tranh bùng nổ. Người thiếu nữ đã đính hôn của Nguyễn Hữu Đang phải theo gia đình tản cư khỏi Hà Nội. Năm 1948, quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh xung quanh, càn quét liên miên hai bên các trục đường giao thông lớn. Gia đình Nhiên không chịu nổi gian khổ phải trở về Hà Nội. Không thể một mình ở lại vùng tự do, Nhiên đành theo gia đình. Từ đấy tôi không còn dịp nào gặp lại Nhiên”...

Chiến tranh, rồi cuộc kháng chiến 9 năm, khiến cuộc hôn nhân không thành và hai người sống cách xa nhau, nhưng lời hẹn ước thì không ai đơn sai. Ngày kháng chiến thành công trở về với thủ đô giải phóng, cuộc sống bề bộn cùng những bi kịch của đời ông, nên tiếc rằng mối tình duy nhất của ông đã trở thành dang dở.

Sau này Nguyễn Hữu Đang không kể thêm về cuộc đời tiếp theo của người bạn gái nhưng cho đến cuối đời, mối tình ấy vẫn là một ký ức đẹp nhất của cuộc đời ông.

Năm 2007 ông qua đời ở tuổi 93, mang xuống tuyền đài tất cả những vinh quang, cay đắng, hạnh phúc và khổ đau. 

Trường Sa
Tháng 4 năm 2014 
L.T.B. 
Nguồn: ngominh.vnweblogs.com

25 nhận xét :

  1. Ông cũng như Hữu Loan, Phùng Quán, đều là những bi kịch của dân tộc chúng ta. Chỉ khác nhau về quan điểm, tư tưởng, mà những người cộng sản với nhau lại dùng quyền lực để đọa đầy nhau. Nhân loại đã có quá nhiều máu và nước mắt trong tư duy về cái chung, cái phổ biến và con đường cho sự hiện diện của nó. Nhưng chắc chắn cái bi kịch này rồi sẽ trôi qua trong đời sống dân chủ-nhân quyền của chúng ta hôm nay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những bộ óc thủ cựu đã gây ra biết bao tội lỗi, triệt tiêu những bộ óc tinh hoa, những con người ư tú của dân tộc. Nay vẫn thế. Có khác chăng là ở cái cách người ta vùi dập. Người ta vẫn dụng luật để xử tù các bloger trung chính. Nhưng họ đâu có tuân theo chính cái luật lệ đã được quốc hội của dảng ban hành. Không cần tranh luận, công tố dưng dưng buộc tội vô căn cứ, toà lạnh lùng tuyên án phạt tù. Dân tộc này còn phải chịu đựng sự đàn ápmtw tưởng bao lâu nưxa?

      Xóa
  2. KTS Trần Thanh Vânlúc 09:46 15 tháng 8, 2014

    Tôi gặp Bác Nguyễn Hữu Đang ( tôi gọi Bác là Bác vì Bác hơn cha tôi hai tuổi ) một lần tại quán cá Vọng Ba ( ngắm sóng ) trong bữa giỗ Nhà thơ Phùng Quán bên Hồ Tây.
    Bác ghi cho tôi số điện thoại của căn buồng riêng bác được bố thí sau khi về Hà Nội sống đến cuối đời: 7560391 ( lúc đó chưa có số 3 đứng đầu )
    Bác khoe Bác có lương hưu và 50 triệu gửi ngân hàng hưởng lãi ( mỗi tháng 400.000 gì đó ).
    Tôi hỏi "Ai đi chợ? Ai nấu nướng hộ Bác?"
    Trả lời: "Chị hàng xóm làm giúp. Chỉ cần một lưng cơm, ít lạc rang, chút rau luộc...chị ấy bưng đến cửa, gõ gõ, tôi ra nhận,.là có bữa cơm ngon".
    Hình như sau này khi bác mất, chính chị hàng xóm đến gõ cửa và phát hiện ra Bác đã nằm im lìm, không dậy được nữa?
    Cháu xin thắp nén nhang tưởng nhớ Bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đến lúc này cụ Đang còn vậy vì vãn còn nhiều "Nguyễn văn Thiết con Lại văn Ủng (Ông không phải là bố tôi _LQV)

      Xóa
  3. Càng đọc những bi hài kịch của các cây đa cây đề tiền bối, một lòng một dạ đi theo Cách Mạng, có công trạng lớn đối với đảng CSVN bị vùi dập, tuổi trẽ chúng tôi không thể tin những lời lẽ tuyên truyền nữa. Họ mà còn như thế huống gì là thân phận của quần chúng nhân dân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi,sở dĩ NHĐ.bị đày đoạ là vì ông ấy có tội
      PHẠM THƯỢNG khi so sánh mình với HCM,người đã được
      đảng Cs.thần thánh hoá.Đó là quốc sách nhưng NHĐ.ví
      von thế là xúc phạm một lãnh tụ "thần tượng" của cả
      dân tộc vì HCM.là "cha già dân tộc" mà !

      Xóa
  4. Ở một khu vực vùng lúa nước sản sinh ra 3 loại người Loại tôi đã từng được giải thich về nhóm Nhân văn "giai phẩm " trong những ngày học phổ thông .tôi đã từng thấy ông sống gần chùa Cũ Công (Kiến xương -thái bình ) quần áo lính bạc mầu -dép cao su bốn quai .ăn với cái bát B52 thời ông phần lớn là các cán bộ từ tầng lớp "chị Dậu _anh Pha "nên tôi gọi các ông "thuộc lớp người "đậy thì sớm "các ông có trí tuệ , năng lực và cảm nhân cuộc hôn nhân với dân chủ ,tự do đầy hứa hẹn .nhưng xung quanh ông là nhiều người chưa trưởng thành ,nhiều người suy nhược mà cho tới khi Trương Sa đưa bài viết của ông tới tận những năm cuối của thế kỷ trước mà nhiều báo cũng còn chưa dám đăng -vẫn còn suy nhược dù đến tuổi "dậy thì "chưa hiểu về các ông dù đã được minh oan >mong sao từ những người cội nguồn từ vùng lúa nước hãy gạn đục khơi trong lịch sử quá khứ là một bài học chứ không đưa ra bới lông tìm vết để trách cứ .ngày xưa CHA ÔNG TA CHỈ DÙNG BÀN GỖ ĐỂ TÍNH VÀ TÍNH GIỎI NGÀY NAY CHÚNG TA CÓ MÁY TÍNH THÌ SAO PHÁT HUY HẾT CÔNG NĂNG CỦA NÓ ĐỂ PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG ,PHỤC VỤ ĐẤT NƯỚC CHỨ KHÔNG THỂ NÓI SAO CÁC CỤ CÒN CHƯA BIẾT MÁY TÍNH

    Trả lờiXóa
  5. Khi tôi ra đời thì vụ án Nhân Văn Giai Phẩm đã xảy ra từ rất lâu. Tôi lớn lên trong xã hội miền Nam chứ không phải ở miền bắc XHCN. Còn nhớ sau biến cố 1975, học sinh chúng tôi ngày ấy bắt đầu đón nhận dòng văn học mới, gọi là "nền văn học XHCN". Không hiểu sao ngay từ những ngày đầu, lớp chúng tôi rất dị ứng với những bài thơ của Tố Hữu...Chúng tôi bảo nhau là giọng thơ này nghe nó "xạo xạo" và "nịnh nịnh" thế nào ấy...Cứ tới giờ văn mà học thơ Tố Hữu là cả lớp quậy phá, cười giỡn om sòm, hầu như không ai thích học.Sau này nghĩ lại tôi thấy đó có lẽ là sự cảm nhận văn học một cách hồn nhiên nhưng rất chân thật của lứa tuổi học trò ngày ấy...Rồi tôi lớn lên cùng với sự ra đời của internet, tôi đã đọc được bài thơ "Lời mẹ dạy" của nhà thơ Phùng Quán.Đọc xong tôi nghe lòng rưng rưng, thương cảm nhà thơ. Rồi tôi đọc tiếp " Phùng Quàn- Ba phút sự thật", đọc xong nước mắt tôi đầm đìa không thể nào ngăn được. Đọc đoạn tác giả kể lại chuyến về thăm ông Nguyễn Hữu đang, khi ông Nguyễn Hữu Đang dẫn nhà thơ Phùng Quán ra bụi tre đầu làng....thật sự tôi đã khóc, khóc để thương cảm cho những con người tài hoa bạc mệnh. Bây giờ khi tôi đi dạy học, nhìn các em học sinh ngày càng hờ hững với môn văn, hầu như em nào cũng ngán tận cổ cái môn nặng nề ấy, tôi xót xa tự nghĩ : Tại sao lịch sử lại không chọn những người như cụ Nguyễn Hữu Đang, như nhà thơ Phùng Quán, Hữu Loan, Trần Dần...Phải chăng đó là chính nỗi bất hạnh của đất nước ta? Nhân ngày giỗ cụ Nguyễn Hữu Đang, con xin kính cẩn dâng đến cụ một nén hương lòng, con cầu xin cụ hãy phù hộ cho một thế hệ trẻ VN trước cơn giông bão!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lịch sử như một dòng sông, xu thế của dòng sông là chảy từ cao xuống thấp để xuôi về với biển. Xu thế này về tổng thể là không thể đảo ngược, chắc chắn cuối cùng dòng sông cũng phải đến được với biển cả. Nhưng lịch sử đôi khi cũng có những khúc quanh của nó, ở những khúc quanh này mọi việc tạm thời diễn ra trái quy luật tự nhiên (Cái Ác thắng Cái Thiện, Bóng Tối lấn lướt Ánh Sáng, Mọi Rợ đè bẹp Văn Minh). Những khúc quanh này chính là những giai đoạn bi thương trong lịch sử của một (hoặc một vài) dân tộc, và những tinh hoa của các dân tộc ấy không thể tránh khỏi số phận nghiệt ngã. Đó là Định Mệnh của họ.

      Xóa
  6. Đây là một trong những trang bi kịch của dân tộc. Và còn nhiều nữa mà rồi sau đây con cháu chúng ta cần nhiều công sức để ghi lại. Có điều ngay trong thời điểm này đây, cái bi kịch đó nó vẫn đang diễn ra bằng hình thức này, hình thức khác. Con dân Việt hiểu và biết được những đau thương đó, nói lại với con cháu để chúng hiểu được bên cạnh những "trang sử vẻ vang" mà các nhà đương cục đang làm.

    Trả lờiXóa
  7. Đến bây họ vẫn tiếp tục như cũ. Ban chất vẫn thế. Các bloger vẫn bị bắt, giam cầm. Đảng cứ bắt dân phải tin, làm sao tin được khinđa sô đv oà người có chức quyền đã trở thành tập đoàn tham nũung khổng lồ. Xin việc: tiền, lên chức: tiền, đại hội bầu bán: tiền ....

    Trả lờiXóa
  8. Ma quỷ dẫu đội lốt người, sức nước hoa thì vẫn là ma quỷ. Thánh nhân dẫu có bị đọa đày nơi chuồng lợn thì vẫn là thánh nhân. Đừng bao giờ ngộ nhận bọn ma quỷ có thể thành người, mà cũng đừng bao giờ ảo tưởng có thể biến thánh nhân thành súc vật.

    Trả lờiXóa
  9. Cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, cải tạo tư sản miền Băc sau năm 1954 và miền Nam sau năm 1975, học tập cải tạo......., và nay là các bloger "phản động", các đảng viên dám không nghe lãnh đạo đảng. "Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" từ năm 1930 đã 84 năm rồi sao vẫn chưa "đào" chưa "trốc" hết nhể? Lực lương chuyên chính vẫn cứ phải "đào", phải "trốc". Không biết đến bao giờ mới hết? Chắc đến cuối thế kỷ 21 nhể!

    Trả lờiXóa
  10. Ông theo cộng sản, bởi ông yêu nước, chính vì yêu nước, muốn dân chủ tự do cho nhân dân nên ông phải vào tù. Ông là một trí thức có nhân cách, bao dung, có một tâm hồn Việt thuần khiết. Dựng khán đài, mừng lễ độc lập của dân tộc, còn mình cả cuộc đời bị cầm tù, như chính nhân dân của ông. Xin thắp một nén nhang tưởng nhớ ông, một nhân cách lớn

    Trả lờiXóa
  11. thành kính nén tâm nhang mong Ông phù hộ cho dân viêt được tự do, dân chủ đúng nghĩa

    Trả lờiXóa
  12. Buồn quá, một trang rất đứng đắn như Teu.Blog mà lại cho đăng một bài đạo văn của Lê Thọ Bình mà cách đây không lâu nhiều trang mạng đã tố cáo. Bài này của LTB, mục: "Ở căn hộ khu tập thể Nghĩa Đô" là coppy gần nguyên xi bài viết sau đây của tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã đăng trên: https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/12/05/ky-niem-voi-nguoi-di-truoc-thoi-dai-nguyen-huu-dang/
    Vũ Đình Ninh ( chủ trang vandanviet.net) , người cũng đã đăng bài này ở đây:
    http://www.vandanvietnam.net/2015/08/cuon-tu-ien-bach-khoa-cua-ong-nguyen.html

    Trả lờiXóa
  13. Tôi đả đọc tập truyện ngắn "Ba phút sự thật"-Nhà xb Văn nghệ-của nhà văn Phùng Quán, trong đó có chuyện ngắn kể 1 phần cuộc đời của nhà cách mạng Nguyễn Hửu Đang khi ông bị cách ly ở Kiến xương- Thái bình sống bằng bắt rắn đem bán, ếch, nhái, rau dại ven sông ven suối, ở nhờ trong nhà bếp của 1 trường học.Tôi rất cảm đọng và cảm thấy 1 trang bi ai của nhà chí sỉ cách mạng yêu nước và hình như đôi mắt tôi cũng thấy ươn ướt vì được biết anh PQ viết chưa xong đả phải dừng do bệnh nặng... và sau đó anh mất.

    Trả lờiXóa
  14. Nguyen Huu Dang (1913-2007)

    Ông, nhà Văn Hoá, sinh ra,
    Hoạt động cách mạng, khi là sinh viên..
    Truyền Bá Quốc Ngữ, Thanh Niên (1)
    Măt Trận Dân Chủ , thành viên, đi đầu (2)
    Trí thức vận động, chuyên sâu (3)
    Giáo Khoa Hội Nghị (4), lam` giàu trường ta.
    Văn Hoá Cứu Quốc (5), bầu ra,
    Lễ Đài Độc Lập (6) , đuoc trao chức làm.
    Vào ngày, 2-9-45,
    "Bác” nhà ra mắt, quốc dân đồng bào.
    Nhiệt tình, ủng hộ phong trào,
    Theo đảng CS, trông vào ngày mai.
    Văn Hoá hoạt động, miệt mài,
    Bình Dân Học Vụ, Thanh Niên, (6) dẫn đầu..
    Rồi thì Văn Nghệ , về sau,
    Nhân văn- Giai Phẩm, nỗi đau nhiều đời.


    “ Chuyên chính Vô Sản” nếm mùi,
    Stalin chủ nghĩa, ông rồi chia tay.
    Mao đem chủ nghĩa vào đây,
    Ông liền phản bác, trình bày tới nơi.
    “ Chính sách hộ khẩu”, ra đời,
    Ông liền công kích, mọi người hân hoan.
    Công an chế độ, tràn lan,
    Ông lại lên tiếng, mở màn tiến công..
    Nhân văn- Giai phẩm, cùng ông,
    Trần Dần, Lê Đạt, Mạnh Tường, Duy Anh.
    Trương Tửu, Đức Thảo, Phan Khôi..
    Bài viết sáng tỏ, người người theo sau.
    Tự do ngôn luận, dẫn đầu,
    Nhân quyền, dân chủ, ngõ hầu dân sinh.
    Chế độ toàn trị, bất bình
    Lịnh cấm xuất bản, bắt ngay vài người.
    Rồi như, Gái đĩ nhiều lời,
    Goi “ nó ”, goi “ chúng”, suốt ngày thông tin..
    Bồi bút, viết “chửi”, nhặng lên,
    Đình Thi , Phú Tứ, Lan Viên, dập vùi. (7)

    Nhưng nào, qua được người đời,
    Về sau ân hận, nhiều người xin tha(8)
    Chẳng qua, cơm áo, người ta..
    Ai chằng ăn uống, cho qua sự đời…
    Thế rồi "toà án" vẽ vời,
    Nguỵ tạo, cung bức, là lời thế gian..


    Ông Đang, 15 năm tù,
    Phan Tại, Thiếu Bảo, mỗi người 10 năm.
    20 năm quản chế, xa xăm,
    35 năm thấy rõ, biệt tăm, chốn nao`..
    50 người khác, ra sao,
    Tất cả cô lập, cho vào xã thôn.

    Mạnh Tường, luật sư, hết trường(8),
    Đức Thảo, vợ bỏ (9), trăm đường đa đoan.
    Trương Tửu, châm cứu, lo toan,(10)
    Hoàng Cầm thơ hết, Văn Cao vẽ hình…
    Còn bao người khác, mặc tình,
    Kẻ buôn, người bán, lất lây, qua ngày..

    ..
    73, ông Đang một mình, (1973)
    Về nơi quản chế, Thái Bình, Kiến Xương.
    Lợn nuôi, tác xã, bên đường,
    Sống ngay cạnh bếp, ngôi trường xã viên.
    Một thời Thứ Trưởng Thanh Niên,
    Mà nay về chỗ mấy viên giáo làng. (thầy cô giáo)
    Phận tri’ thức, không qui hàng,
    Cường quyền đụng phải, không màng bản thân..

    Hôm nay Ôn Cố Tri Tân,
    Thật là Đồng Bệnh, Tương Lân, muôn người..
    Đến nay, 60 năm rồi,
    Mà sao trông mới như ngày hôm qua,
    Đến nay Toàn tri nước nhà,
    Vẫn mô hình đó, như là năm xưa..
    Vẫn môt công thức, theo hùa,
    Cổ vũ giai cấp, mù loà chẳng thay..


    Ông Đang, Tri, Trí sinh ra,
    Làm cái biểu tượng, cho ta ngẫm nghiền.
    Thời Nào Cũng Có Người Hiền,
    Làm thân Trí Thức, phải tìm cho ra.
    Sự Thật, dù có bao la,
    Phải Nói lên được, dù là mệt thân..

    Lần nữa, ôn cố tri tân,
    Đêm về giấy bút, viết lên cho đời..






    (1) Hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Thứ Trưởng Bộ Thanh Niên trong Chính phủ liên hiệp.
    (2) Mặt trận Dân chủ (1936-1939).
    (3) Vận động trí thức.
    (4) Hoi Nghi Giao Khoa Thu toan` quoc (1944, Hà nội): ông Nguyễn Hữu Đang chủ trì.
    (5) Hội Văn Hoá Cứu Quốc.
    (6) Lễ Đài Độc Lâp: HCM ra mắt và đọc Tuyên Ngôn Độc Lập. Chủ yếu là ra mắt.
    (7) Nguyễn Đình Thi , Đoàn Phú Tứ, Chế Lan Viên, cả Tô Hoài, Xuân Diệu chửi Nhân Văn-Giai Phẩm.
    (8) Nguyễn Đình Thi: “Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ. Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ… Xin Thứ Tha”.
    Chế Lan Viên: “Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ.”
    (9) Nguyễn Mạnh Tường: “ Tôi bị sa thải khỏi Đại học và không được hành nghề Luật sư nữa. Từ 1957 là thời kỳ đen tối của cuộc đời tôi”. Pham Văn Đồng ký sắc lệnh đóng cửa Khoa Luật, 1957.
    (10) Trần Đức Thảo: Bà Nhất, vợ ông đã bỏ ông để lấy ông ban, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một thứ lý thuyết gia của chế độ.
    (11) Trương Tửu: được phong chức danh Giáo sư, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường…Đầu năm 1958, bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm. Sau đó,chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y, ban' chè cháo sống qua ngày.

    Trả lờiXóa
  15. Kính cẩn nghiêng mình trước nhà văn hóa lớn của VN .
    Ông là nhà có tư tưởng lớn muốn xóa bỏ cái chính trị hóa trong văn hóa- nghệ thuật luc đương thời .
    Chúng ta học tập ông , tư tưởng - đạo đức là tấm gương lớn là đây chứ cần gì phải tìm đâu xa .

    Trả lờiXóa
  16. Cụ Nguyễn Hữu Đang là bằng chứng của qui luật „Mọi cuộc cách mạng đều ăn thịt những đứa con ưu tú nhất của mình“! Đảng huỷ diệt Cụ, nhưng Cụ bất diệt trong lịch sử dân tộc!

    Trả lờiXóa
  17. Cụ Nguyễn Hữu Đang bị lợi dụng lòng yêu nước, sau cụ bị đày đọa cũng chỉ vì lòng yêu nước, bởi cộng sản như cụ Trần Trọng Kim có nói: vô tổ quốc, vô đạo đức, với họ chỉ có chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đời cụ là tấn bi hài kịch : đầu đời và cuối đời bị quản thúc tại quê cũng chỉ có một tội duy nhất là yêu nước.

    Trả lờiXóa
  18. Bài này mấy năm trước đã bị tôi và nhiều người khác phát hiện là có đạo văn tới mấy trang của một bài khác mang tên: "Cuốn tiểu từ điển của ông Ng Hữu Đang" ( đã đăng trên Vandanviet, vanviet, nguyentrongtao...) sao ông Lê Thọ Bình không biết xin lỗi, mà lại cứ trâng tráo cho đăng lại thế, làm ảnh hưởng tới uy tín của trang TeuBlog! Đề nghị Teu xem lại và bỏ ngay bài này!
    Vũ Đình Ninh ( chủ trang vandanviet)

    Trả lờiXóa
  19. Mai an Nguyễn Anh Tuấnlúc 17:43 18 tháng 8, 2018

    Sau khi bài này của ông Lê Thọ Bình đưa lên mấy năm trước, được bạn bè báo, tôi đã so sánh, thấy ông Bình đã đạo của tôi nhiều đoạn trong bài viết về Ng Hữu Đang. Tôi và các bạn đã nêu lên chuyện này trong một số bài viết, đây là một:
    https://cvdvn.net/2016/08/16/ong-nguyen-huu-dang-va-cuon-tu-dien-larousse-bi-xe/

    Trả lờiXóa
  20. Trí thức (đúng nghĩa) không được để nhân vật này chết. Phải tái hiện cuộc đời ông - như ông đang hiện hữu ở cuộc đời này.

    Trả lờiXóa
  21. CSVN nói: nếu không có HCM thì không có cuôc CMT8, không có CMT8 thì không có ngày 2/9/1945, không có ngày 2/9 thì không có nước Việt Nam ngày nay, có đúng không?
    Thực ra, theo sách lịch sử của CSVN hồi những năm 60 thì CMT8 là 1 cuộc Cướp Chính Quyền, vậy ai cướp, cướp của ai?
    Năm 1945, khi Nhật Hoàng đầu hàng đồng minh vào những ngày đầu tháng 8, Việt Nam trước đó đã có chính phủ của Trần Trọng Kim thành lập nội các ở Huế vào ngày 17 tháng 4 năm 1945. Đây là một dạng nghị viện đầu tiên tại Việt Nam và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Tham gia Nội các của ông đều là các nhà trí thức luật sư, bác sĩ, kỹ sư (một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư).
    Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội mít ting ở Nhà Hát lớn để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng tiếc thay, cuộc mít ting này đã bị CSVN lợi dụng biến thành một cuộc biểu tình chống Nhật và chống luôn chính phủ của Trần Trọng Kim và tiến đến cướp luôn chính quyền của Trần Trọng Kim.
    Nếu không có CSVN lúc đó sẽ không có cướp chính quyền, và Việt Nam với chính phủ Trần Trọng Kim sẽ trở thành 1 nước quân chủ lập hiến như Thái Lan, có vua và có thủ tướng. Sẽ không có các cuộc chiến tranh với Pháp, với Mỹ, với Tàu.
    Và như vậy, với vị trí địa lý như Việt nam, VN sẽ có cơ may trở thành 1 nước như Hàn Quốc bây giờ.
    Thế mà CSVN cứ nói lấy được là chính họ xây dựng nên VN ngày nay, mà đúng thật, VN ngày nay còn thua xa Thái Lan và so với Hàn Quốc thì thật là xa vời, tiếc thay cho lịch sử!

    Trả lờiXóa