Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

THÔNG ĐIỆP ẨN CHỨA TRONG NHỮNG MÓN QUÀ NGOẠI GIAO

Thông điệp ẩn chứa trong những món quà ngoại giao



Lời dẫn của Basam: Có lẽ ông Phạm Quang Nghị và các cố vấn của ông cần đọc bài này. Mặc dù bài viết không đề cập tới món quà của ông Nghị tặng Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain, nhưng thông điệp của người viết bài muốn nhắn nhủ: mỗi món quà tặng không chỉ thể hiện văn hóa của người tặng quà, mà còn thể hiện cái tầm của những người lãnh đạo của một nước, chuyển tải thông điệp của đất nước mình đến một quốc gia khác.


Trà Xanh

06-08-2014


VOV.VN -Văn hoá tặng quà của các vị lãnh đạo thế giới chú trọng nhiều đến ý nghĩa quốc thể hoăc truyền tải một thông điệp nào đó…


1. Khi bạn muốn tặng ai đó một món quà, tất nhiên bạn sẽ phải suy nghĩ, tìm hiểu sở thích của người đó để chọn một món quà ý nghĩa, nói lên được chủ định của mình với người được tặng.


Với người thường còn vậy, với những vị lãnh đạo cao cấp hay nguyên thủ quốc gia thì món quà được trao tặng trong các chuyến thăm cấp Nhà nước, được truyền thông hai nước và thế giới “săm soi” thì càng không thể là một món quà tầm thường.


Trong các loại quà tặng thì động vật hay được lựa chọn. Trung Quốc nổi tiếng với “ngoại giao gấu trúc” bởi các nhà lãnh đạo nước này thường chọn gấu trúc làm quà tặng ngoại giao trong hơn 1.000 năm qua. Năm 1972,Tổng thống Mỹ Richard Nixon được tặng 2 con gấu trúc khi thăm Trung Quốc.


Một con cá sấu đã được tướng Pháp Marquise de Lafayette tặng cho Tổng thống Mỹ John Quincy Adams. Con cá sấu này được ông Adams nuôi nhốt trong phòng tắm của Nhà Trắng. Không biết có phải nhờ thế mà Tổng thống Mỹ Obama đã được tặng một món quà thú vị là khoản bảo hiểm cá sấu trong chuyến thăm Australia vào cuối năm 2011. Số tiền 50.682 USD sẽ được trả cho vợ ông, bà Michelle, nếu ông Obama bị cá sấu tấn công.


Những món quà ẩn chứa những ý nghĩa biểu trưng sâu sắc cũng là ưu tiên của các nhà lãnh đạo cao cấp. Ngoại trưởng Hillary Clinton từng tặng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov một “công tắc” màu đỏ nhằm biểu tượng cho sự cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.


H1 
Ngoại trưởng Hillary Clinton tặng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov một “công tắc” màu đỏ nhằm biểu tượng cho sự cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. (ảnh: EPA)


2. Khi tìm hiểu tư liệu để xây dựng loạt bài Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa từ tư liệu lịch sử cho VOV.VN, tôi đã tìm thấy một hiện vật vô cùng đặc biệt: Một tấm bản đồ cổ minh chứng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam. Đặc biệt bởi đây là món quà do Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm chính thức tới Hà Lan từ 27/9 – 1/10/2011. Bản đồ vùng duyên hải Quảng Nam, Đàng Ngoài, Đàng Trong và đảo Hải Nam (Map of the coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam) do một nhà địa lý người Hà Lan vẽ năm 1695. Bản đồ này trước đó được lưu trữ bảo quản rất tốt tại Cơ quan lưu trữ quốc gia Hà Lan tại The Hague.


H2 
Bản đồ vùng duyên hải Quảng Nam, Đàng Ngoài, Đàng Trong và đảo Hải Nam (Map of the coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam) do Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng.


Từ hơn 5 thế kỷ trước, Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, các nhà phát kiến địa lý và các thương gia phương Tây và Đông Nam Á… đề cập và vẽ trong những tấm bản đồ về Việt Nam. Điều này cũng được nhiều văn tự, sách cổ thế giới đề cập khi viết về Việt Nam. Và đây cũng chính là cách Thế giới từ lâu đương nhiên thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.


Trong khi đó, bản đồ cổ về Trung Quốc do phương Tây xuất bản cũng như do chính Trung Quốc xuất bản đều chỉ dừng lại ở cực Nam của đảo Hải Nam. Trái ngược hẳn với những tuyên bố vô lý của Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa cũng như đường lưỡi bò “liếm” gần trọn Biển Đông đang gây phản ứng của dư luận thế giới.


Điều này cũng tương đồng với tấm bản đồ cổ có tên Trung Quốc đích thực (China Proper) mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng cho Chủ tịch Tập Cận Bình vào tối 28/3 nhân chuyến thăm châu Âu của lãnh đạo Trung Quốc. Đây là tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 – 1795) do nhà bản đồ học người Pháp là Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ, được 1 nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735. Tấm bản đồ cổ Trung Quốc này cũng không có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Điểm cực Nam cũng chỉ tới đảo Hải Nam.


Món quà tặng đã gây xôn xao cư dân mạng ở Trung Quốc và báo chí thế giới. Tờ Roreign Policy bình luận rằng Thủ tướng Đức đã gửi một thông điệp về chính sách lãnh thổ của chính quyền Trung Quốc hiện nay. 


H3 
Thủ tướng Đức và Chủ tịch Trung Quốc xem bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ 18 do Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville (Pháp) vẽ, tại Phủ Thủ tướng Đức ở Berlin tối 28.3 – Ảnh: Cơ quan báo chí chính phủ Đức (BPA)


3. “Ngoại giao chụp ảnh” – tặng ảnh gắn với những kỷ niệm cá nhân cũng được một số lãnh đạo lựa chọn. Phó thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng tặng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một bức ảnh chụp chung 20 năm trước, lúc ông đang theo học thạc sĩ tại Trường Fletcher về luật và ngoại giao ở Mỹ, còn ông John Kerry – khi đó đã là thượng nghị sĩ bang Massachusetts. Ngoại trưởng John Kerry đã thật sự thích thú khi bắt gặp hình ảnh mình hai mươi năm về trước.


H4 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tặng Phó thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bức ảnh chụp hình hai người trong một buổi họp song phương tại Mỹ ở nhà khách chính phủ – Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ


Đúng lúc hai nhà ngoại giao Mỹ và Việt Nam đang vừa xem ảnh, vừa trò chuyện vui vẻ thì một phóng viên của Hãng AP đã chụp lại. Tấm ảnh này của AP đã được ông Kerry thân mật tặng ông Phạm Bình Minh trước khi hai bên ngồi vào bàn hội đàm nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối năm ngoái mà kết quả là hai bên thống nhất sẽ thành lập Trường đại học Fulbright tại Việt Nam, Mỹ tài trợ 5 tàu tuần tra…


Có thể thấy, là một thông lệ ngoại giao, nhưng văn hoá tặng quà của các vị lãnh đạo thế giới chú trọng nhiều đến ý nghĩa quốc thể hoăc truyền tải một thông điệp nào đó chứ không chỉ là giá trị vật chất đơn thuần. Cũng bởi vậy, cảm xúc mà món quà ấy mang lại cho người được tặng (thích, thú vị, ngạc nhiên, xúc động… hay không thích, khó chịu…) thường đã nằm trong dự liệu của người quyết định tặng món quà đó./.


 

1 nhận xét :

  1. Ông Nghị tặng quà hoàn toàn có tính toán chính trị đấy chứ , ông ta muốn thể hiện lời giáo huấn thứ 3 của Dương Khiết Trì đó là " không được liên minh với các nước khác để chống TQ".
    Ông Nghị muốn kích Hoa Kỳ bằng một hành động hạ nhục Mỹ.

    Trả lờiXóa