Sửa sai ở đình Quang Húc:
Phát hiện thêm nhiều sai phạm nghiêm trọng
VOV.VN - Công trình này khi tiến hành sửa chữa mới phát hiện thêm nhiều sai phạm mà bình thường khó ai kiểm tra được.
Tròn 4 tháng kể từ
khi VOV.VN đưa tin về việc Đình Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà
Nội) kêu cứu vì “bị” trùng tu. Hàng loạt các sai phạm của đơn vị thi
công đã được nêu ra, các Sở, Phòng, Ban văn hóa cũng vào cuộc cùng với
Cục Di Sản, đưa ra kết luận yêu cầu đơn vị thi công sửa sai, khắc phục
những tồn tại để trả lại ngôi đình cổ cho người dân làng Quang Húc.
Người dân ở đây cũng khấp khởi mừng, vì tiếng nói của họ đã được các cơ
quan, đơn vị có trách nhiệm lắng nghe và chỉ đạo kịp thời.
Cột đình treo chân vì bị cắt quá ngắn so với yêu cầu kỹ thuật
Theo lời kể của Ban giám sát cộng đồng, chúng tôi được biết trước đây chân cột đình xiêu vẹo, mộng mạng không ăn khớp với nhau. Khi căn chỉnh lại chân cột cho khớp mộng mới phát hiện ra một số cột đình bị cắt chân quá ngắn, dẫn đến hiện tượng cột đình bị treo chân, cá biệt có những cột bị ngắn những hơn 10cm.
Tất nhiên, cột ngắn thì phải bù lại cho đủ, để cột đứng trên chân tảng gánh đình. Thế nhưng, khi tháo rời những mảng chân nối cũ của đình đi để thay mảng mới, lại phát hiện thêm những sai phạm khác. Hầu hết chân cột đình đều rỗng, cột nào rỗng nhỏ thì có đường kính 10cm, cá biệt có những cột rỗng đến độ 1 người lớn đứng lọt trong lòng.
Không thể tưởng tượng nổi 1 ngôi đình đã trùng tu gần
xong, chỉ chờ nghiệm thu bàn giao mà khi tháo chân ra, 1 người lớn vẫn
đứng lọt trong lòng cột như thế này.
Thêm 1 vấn đề nữa phát sinh, ấy là khi tháo chân cột ra, người dân mới phát hiện rất nhiều gỗ trong lòng cột đã ở dạng “chết”, tức là không có khả năng kết dính cũng như chịu lực nữa. Loại gỗ như thế này rơi ra từng mảng và bở hệt như thân cau gặp nước, trẻ nhỏ 3 tuổi cũng có thể bóp vụn ra từng mảnh nhỏ.
Người dân ở đây cho biết, cả đình chỉ có duy nhất 1 cột cái được xử lý tiêu tâm bằng cách bổ cột ra, bào sạch rồi nhồi lõi mới vào, sau dán lại. Tuy nhiên thực tế cho thấy chính cây cột này cũng chưa đảm bảo kỹ thuật. Một số đoạn keo chưa lấp đầy nên hiện nay gõ vào thân cột vẫn kêu bồm bộm, nguy hiểm hơn cột ấy cũng đã bị nứt dọc lung tung do rỗng lòng và phải chịu tải quá nặng, có nguy cơ sụp xuống.
Mảng gỗ mới được cưa ra để nối chân cột mới, phần thẫm màu đã bở như thân cau gặp nước, trẻ nhỏ cũng có thể dễ dàng bóp vụn.
Nhiều giải pháp đã được nhà thầu nêu ra như… dùng xà beng chọc hết gỗ chết ở trong thân cột ra rồi nhồi lõi mới vào, hoặc cưa lõi cột mới thành từng khúc ngắn để nhồi vào thân cột cũ do không được phép hạ giải toàn bộ để làm lại từ đầu… tuy nhiên đều không khả thi. Hiện nay cả đơn vị thi công và bên giám sát đều đang lúng túng vì việc này.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Long – Giám sát đình Quang Húc lắc đầu: “Chúng tôi chán nản lắm rồi, cứ đà này thì hết năm nay cũng không xong đình được. Đề nghị chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền giám định lại ngôi đình, làm đúng kỹ thuật đã được nhà nước phê duyệt cho ngôi đình được đảm bảo, và nhanh chóng đưa vào sử dụng để đảm bảo việc tâm linh. Hiện trạng như này chúng tôi không yên lòng được”.
Thiết nghĩ, một công trình có vốn đầu tư của Nhà nước lớn như vậy mà việc thi công, giám sát vô cùng cẩu thả và lỏng lẻo, trong khi đơn vị thi công đã làm xong hồ sơ quyết toán, cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị giám sát đều đã ký, đóng dấu đầy đủ để thực hiện việc tạm ứng khối lượng?
Trao đổi với chúng tôi về biện pháp thi công mà nhà thầu đưa ra, ông Lê Thành Vinh – Viện trưởng viện Bảo tồn di tích khẳng định: “Nhà thầu thi công không thể tự đưa ra phương án khắc phục. Cần phải thực hiện đúng quy trình: đơn vị tư vấn thiết kế sẽ phải căn cứ vào hiện trạng thực tế tại thời điểm này của ngôi đình để đưa ra phương án xử lý thích hợp. Nếu phương án đó khác nhiều so với thiết kế trước đây thì phải thẩm định, phê duyệt lại. Thực trạng của ngôi đình sẽ nói lên việc có cần thiết phải hạ giải để tu bổ hay không, chứ không phải theo chỉ đạo của các cấp quản lý. Đây không phải là việc thuộc vấn đề mệnh lệnh hành chính, mà là việc của khoa học với mục tiêu tối thượng là gìn giữ di sản. Nhiệm vụ của nhà thầu thi công là thực hiện theo thiết kế đã được thống nhất hoặc phê duyệt. Cần nói thêm rằng, phải có hồ sơ thiết kế thì đơn vị giám sát mới có cơ sở, căn cứ để giám sát việc thực hiện của nhà thầu thi công”.
Về giải pháp thi công mà nhà thầu đưa ra là không hạ giải, mà cắt từng khúc cột để thay lõi, hoặc thậm chí cắt móng đình để đưa cột vào thay thế… theo ông Lê Thành Vinh là không phù hợp.
“Tôi cho rằng biện pháp ấy không đảm bảo. Khi chúng tôi trùng tu đình Chu Quyến, các cột phải được hạ xuống, có cột phải bổ ra, từ đó mới thấy rõ thương tổn trong cột thế nào, đồng thời mới loại trừ hết được các phần gỗ đã hư hỏng, sau mới ghép lõi mới vào, giữa gỗ cũ và lõi mới phải được gắn kết với nhau thành một khối liền, đặc. Còn phương pháp mà nhà thầu đưa ra sẽ không làm sạch được thương tổn trong thân cột, khi đưa từng đoạn lõi mới từ dưới lên sẽ không khắc phục được việc có những khoảng hở bên trong, nó sẽ là tác nhân tạo ra khí ẩm bên trong và sẽ tiếp tục phá hỏng cột từ trong ra ngoài. Tóm lại nếu không hạ giải toàn bộ thì ít nhất cũng phải hạ giải cục bộ từng cột để xử lý triệt để, chứ không để nguyên cột như thế mà làm được” – ông Lê Thành Vinh kết luận./.
>> Video: Dân bức xúc vì đình Quang Húc bị trùng tu cẩu thả
Ơ hay nhỉ !
Trả lờiXóaƠ lạ nhỉ !
Bài bản trùng tu kiểu này đâu phải xẩy ra lần đầu . Cà pháo quen mùi mắm tôm rồi . Từ nay trùng tu các đình , chùa, miếu mạo là di sản văn hóa cứ thế mà làm .
Trả lờiXóaLênh đênh qua cửa Thần Phù .
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm