Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Nhà văn Nguyễn Quang Thân: "TƯỢNG PHẬT KHÓC, ĐỨC TIN LƯU LẠC..."

Nhân sự kiện những đứa trẻ bị mất tích ở chùa Bồ Đề:
"Tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc"... (*)

Nguyễn Quang Thân 
Nhà nước nên có những quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp các Thầy, các Cha trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi - Ảnh: Minh họa. TL
Nhà nước nên có những quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp các Thầy, các Cha trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi - Ảnh: Minh họa. TL

Một Thế giới - Ở đâu có tiền là ở đó nẩy nở “lòng tham”, tiền công đức có nơi cũng không thoát khỏi lòng tham ấy, vấy bẩn tay, bẩn tâm không ít nhà tu hành tưởng đã thoát được vòng tục lụy.
 
Thoạt kỳ thủy không có chùa cũng chẳng có nhà thờ. Đức Phật rời cung điện nguy nga tìm một gốc cây Bồ Đề để suy nghĩ về cuộc sống đau khổ của con người. Sau khi thành đạo, Ngài sống nhờ khất thực và cũng chỉ tìm được một miếng vườn nhỏ để giảng đạo. Đức Ki Tô xuất thân chỉ là chàng thợ mộc thành Nazareth đi rao giảng Tin mừng, lang thang khổ cực cùng đệ tử trên sa mạc. Ngài cũng không có nhà thờ để giảng đạo mà lời của Ngài chỉ được học trò ghi lại bằng trí nhớ. 
Chùa có từ khi nào không ai biết chắc. Đầu tiên có lẽ chỉ là một điểm tụ họp chống được mưa gió để người ta tập trung nghe Đức Phật hay đệ tử của Ngài rao giảng những điều Ngài đã ngộ dưới gốc cây Bồ Đề. Nhưng với thời gian hàng ngàn năm, Chùa đã thành dinh thự nguy nga ở châu Á và nhiều nơi trên thế giới. Chùa được dát vàng, nạm ngọc và ở nhiều nước, trong đó có nước Việt Nam nghèo của ta, nhiều ngôi chùa trở thành công trình tốn kém công của nhất.
 
Đức Phật Thích Ca, nhà tư tưởng cứu nhân độ thế hơn hai ngàn năm trăm năm trước được dựng tượng bằng nhiều chất liệu quý hiếm. Có lẽ chàng Thái Tử từng coi khinh bạc vàng châu báu và cả ngôi vua là người được dựng tượng nhiều nhất trên thế gian. Xây chùa để thờ Phật và có chỗ cho tăng, ni giảng đạo (chuyển luân pháp). Nhưng có lẽ người ta còn muốn khẳng định vị trí đạo Phật, khuếch trương thanh thế, cạnh tranh với các tôn giáo khác. Và buồn thay, tuy chưa ai đưa chứng cứ rõ ràng, nhưng trong nền kinh tế thị trường của thời hiện đại, có khi xây chùa còn là cách đầu tư để tìm lợi nhuận nữa.
 
Tiền công đức làm bối rối, phân tâm hay bẩn tay một số không ít nhà tu hành tưởng 
đã thoát được vòng tục lụy - Ảnh: TL
 
Ngay ở một nước nghèo như nước ta, tiền công đức cũng rất lớn. Tiền ấy thường để xây chùa to hơn, đẹp hơn (trong đó có mục đích nói “Phật ở đây” thiêng hơn Phật chỗ nọ (!), nhằm thu hút Phật tử nhiều hơn và tiền công đức cũng sẽ nhiều hơn). Cũng để làm từ thiện, cứu giúp người nghèo trong thiên tai, địch họa, nuôi trẻ mồ côi, xây cầu dựng cống. Và không tránh khỏi, tăng hay ni cũng là con người, ở đâu có tiền là ở đó nẩy nở hạt giống “lòng tham”, tiền công đức có nơi cũng không thoát khỏi tham nhũng, rơi vào túi người có quyền làm được việc “đút túi” ấy, tiền công đức làm bối rối, phân tâm hay bẩn tay một số không ít nhà tu hành tưởng đã thoát được vòng tục lụy.
 
Xem ra “nhà càng lộng gió thơ càng nhạt”,  nhà thờ hay chùa chiền càng lộng lẫy nguy nga thì đương nhiên nơi “chuyển luân pháp” sẽ khang trang, lộng lẫy hơn, chứa được nhiều người thọ giáo hơn, tiền cúng dường lớn hơn. Nhưng liệu những lời răn dạy, triết lý của chàng Thái Tử và chàng thợ mộc vĩ đại còn đi được vào lòng người hơn là khi được nói lên với người nghèo, người bệnh từ hàng ngàn năm trước bên gốc Bồ đề hay giữa sa mạc?
 
Chính Phật tử cạn nghĩ và tham lam đã làm mất ý nghĩa của ngôi chùa và phía sau là Đạo Phật. Người ta không hiểu rằng, cúi mình trước tượng Thích Ca là để dẹp tính kiêu ngạo, nhìn nhận bản thân mình còn thấp kém và có nhiều nhược điểm, thậm chí tội lỗi. 
 
Đi lễ chùa là để lắng nghe bản thân và sám hối, tìm dịp nghe các bậc chân tăng giảng dạy giáo lý, điều hay lẽ phải. Là để tôn vinh triết lý, tư tưởng vĩ đại của Đức Phật và suy ngẫm. Nhưng người ta thường đến chùa để cầu xin giàu có hơn, chức tước cao hơn, thậm chí nhờ Phật trả thù hộ hay tìm của bị mất. Phật không ban phúc cho người cầu xin Người, cũng không thể ban cái phúc ấy. Vì Ngài không phù hộ những người chỉ muốn dùng mấy tấc lưỡi van xin, cầu khấn cùng lễ vật để thay đổi luật nhân quả.
 
Mấy năm gần đây, dư luận đã phát ớn lên về chuyện nhan nhản hòm công đức trong cả những ngôi chùa lớn nhất, những “đĩa tiền giọt dầu” khó coi, những nhà sư ham tiền hơn giáo lý và danh dự kẻ tu hành, kiểu sư – quan “một người làm sư cả họ được nhờ”. Và sự kiện chùa Bồ Đề mới xẩy ra càng làm lòng người thêm nặng trĩu.
 
Nhà nước nên có những quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp các Thầy, các Cha trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi - Ảnh: Minh họa. TL
 
“Nương nhờ cửa Phật” là một truyền thống đặc biệt Việt Nam. Trẻ mồ côi và người tuyệt vọng được chia sẻ tiền từ thiện của bá tánh thông qua nhà chùa như con chim bị tên, bị mưa gió dập vùi tìm được tổ ấm . Khi các cơ quan nhà nước chưa làm tốt hoặc chưa với tới những cảnh ngộ éo le, cánh cửa nhà chùa luôn rộng mở. 
 
Quả thật, việc nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi như chùa Bồ Đề và nhiều Cô nhi viện Công giáo đã làm là sự cứu giúp rất hiệu quả cho chúng sinh đau khổ. Luật pháp và Nhà nước nên có những quy định tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi nhất để giúp các Thầy, các Cha trong việc này. Công luận cũng nên bình tĩnh và rộng lượng nếu còn những điều bất cập.
 
Nhưng nếu có chuyện buôn bán trẻ mồ côi khi các em “nương nhờ cửa Phật” thì những kẻ gây tội ác đã tới hạn. Mong pháp luật nghiêm minh, tội ai nấy chịu và cũng cầu mong còn một nơi dưới chân Đức Phật con người vẫn được thương yêu và chở che khỏi bàn tay của mọi thứ cám dỗ đang muốn chôn vùi mọi giá trị cao quý nhất của cuộc sống con người. 

Nguyễn Quang Thân
(*) Thơ Nguyễn Duy. Ảnh: Tư liệu

5 nhận xét :

  1. Nhà văn Nguyễn Quang Thân có những suy ngẫm thật hay về tôn giáo nói chung, về Phật giáo nói riêng. Nhưng khi lý giải mặt trái của nó thì chung chung quá, đặt vào thời nào, nước nào cũng được. Xin nhà văn hãy nhìn vào hình ảnh ông Di Lặc to lớn ở chùa Bái Đính được người ta dán kín tiền khắp thân mình, chân tay, mặt mũi để xem có phải Phật giáo nơi nào, thời nào cũng như vậy, hay là chỉ Phật giáo hôm nay ở Việt Nam (dưới chế độ XHCN) nó mới như vậy? Rồi cũng là tôn giáo, tại sao Công giáo không như vậy? Rõ ràng ở đây có vấn đề "lỗi hệ thống". Hay nói cụ thể hơn là ai và cơ chế nào đã làm tha hoá Phật giáo?

    Trả lờiXóa
  2. Nhà sư quốc doanh chỉ vậy thôi các ông ạ

    Trả lờiXóa
  3. PG ở VN đã vị lợi dụng từ trước 1975 (nhất là PG ở Huế và SG ) rồi, sau 75 thì nó là "PG định hướng XHCN". Em xin tóm tắt như vậy.

    Trả lờiXóa
  4. Em cũng đồng ý với ý kiến của Anh Đào Tiến Thi. Nhà văn mà nói chung chung quá, cứ nói công giáo với phật giáo lẫn lộn mà không đưa ra ví dụ cụ thể công giáo như thế nào? Hệ thống công giáo tổ chức ra sao? và người công giáo ở nhà thờ ở đâu, tham nhũng như thế nào?...
    Nói ra ở đây là nhà văn có tính phê phán một tôn giáo nào đó nữa, ngoài đạo Phật. Nhưng lại không đưa ra được bằng chứng cụ thể mà chỉ nói cho suôn sẻ thôi! Thời này cơ bản thì Phật giáo được nhà nước hướng đến Quốc Giáo, nên các thầy tu trụ trì, có thể cũng là Đảng viên, để dễ bề hướng dân, dễ trị!

    Trả lờiXóa
  5. Tôn giáo nào cũng vậy người tu hành , cần xa lánh phàm tục để chuyên tâm tu tập và tránh mọi cám dỗ trần tục. còn vướng vào chuyện thế gian thì còn nhiều thử thách.

    Trả lờiXóa